Hội nhóm ảo gieo mầm tội ác
Hiện nay, khi nhiều người trẻ đang phải đối mặt với áp lực nợ nần, thất nghiệp và bế tắc tài chính... thay vì tâm sự, giải tỏa với bạn bè, người thân thì họ lại tìm đến các hội kín, hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội để chia sẻ. Không ít những thành viên ẩn danh, những người bạn ảo lại vào kích động, lôi kéo rủ rê thực hiện các hành vi phạm pháp.
Tràn lan hội nhóm vô bổ
Có thể thấy, việc lập các hội nhóm trên mạng xã hội hiện nay không khó. Nhiều hội nhóm trên Facebook, Zalo hay Telegram được lập ra với danh nghĩa hỗ trợ tâm lý, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng về sau, chúng dần trở thành nơi kích động những hành vi lệch chuẩn, thậm chí cổ xúy cho việc sử dụng bạo lực hoặc phạm tội để “giải thoát” khỏi bế tắc.
Nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý chán chường, mất định hướng của một số người trẻ để gieo rắc những tư tưởng cực đoan: “không có gì để mất”, “sống cho hôm nay”, “muốn giàu thì phải liều”... Từ đó, các hành vi nguy hiểm như lừa đảo qua mạng, đua xe trái phép, cướp giật, thậm chí là hành hung người khác đã được lên kế hoạch và thực hiện bởi các thành viên chỉ là... bạn ảo trong nhóm.

Đáng lo hơn, nhiều nhóm công khai chia sẻ kinh nghiệm “thoát nợ” bằng các chiêu thức liều lĩnh như vay nóng, chiếm đoạt, bỏ trốn, mạo danh bán hàng online, đánh bạc kiếm lời, thậm chí “rủ nhau đi cướp”. Không ít người ban đầu chỉ muốn tâm sự, nhưng bị kích động, lôi kéo vào các kế hoạch phạm tội tập thể.
Các nhóm này thường dùng tên gọi như “Vỡ nợ cùng nhau vượt khó”, “Hết đường rồi ai giúp”, “Nợ nhiều không sợ chết”, “Hội vỡ nợ - Thua tha - Thích làm liều”, “Hội vỡ nợ, giúp đỡ nhau làm lại cuộc đời”, “Hội anh em vỡ nợ đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn”... nhưng thực chất lại là nơi trao đổi cách đối phó chủ nợ, cách che giấu danh tính hoặc bàn bạc các phi vụ “đánh nhanh - rút gọn” nhằm kiếm tiền bất hợp pháp.
Thời gian gần đây, Cơ quan công an đã ghi nhận nhiều vụ việc nghiêm trọng mà đối tượng gây án quen biết và bàn bạc thông qua các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội.
Ngày 6/5/2025, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội bắt giữ Nguyễn Việt Duy (sinh năm 1990, trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1996, trú tại huyện Kinh Môn, Hải Dương) là hai đối tượng gây ra vụ cướp 16 cây vàng của chủ một nhà nghỉ ở phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn (Hà Nội). Điều đáng nói là hai đối tượng này quen biết nhau qua “Hội vỡ nợ - Thua tha - Thích làm liều” và rủ nhau đi cướp.
Theo hồ sơ vụ việc, Hiếu kể với Duy từng trọ tại một nhà nghỉ trên phố Ngọc Hà, bà chủ nhà nghỉ đã cao tuổi lại thường xuyên đeo nhiều trang sức vàng trên người. Hiếu quan sát thấy bà T quản lý nhà nghỉ một mình ở trong ngõ vắng người qua lại, không có hệ thống camera an ninh. Hiếu và Duy hẹn gặp nhau tại bến xe buýt phố Nỉ, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội để bàn bạc.
Khoảng 2h chiều ngày 23/4/2025, Hiếu và Duy đến nhà nghỉ của bà T quan sát, thấy bà chủ vẫn giữ thói quen đeo đầy vàng trên người, cả hai “vờ” làm khách đến thuê phòng và trò chuyện thân mật với bà chủ để đánh lạc hướng. Sau khi được bà T hướng dẫn lên phòng nghỉ, cả hai vào nhận phòng, chờ thời cơ ra tay.
Đến khoảng 19h30 cùng ngày, khi khách thuê nhà nghỉ đã trả hết phòng, Hiếu bảo Duy xuống rủ bà T lên phòng, lấy lý do kiểm tra đường nước bị hỏng. Khi bà T vừa vào phòng, đến khu vực vệ sinh thì bất ngờ bị Duy dùng dùi cui điện gí vào người khiến bà T ngã ra sàn.
Bà T vùng dậy định bỏ chạy thì bị Duy kéo lại, gí tiếp dùi cui điện rồi trói chặt, khống chế, đồng thời bịt miệng để bà T không thể tri hô. Còn Hiếu cướp tất cả số trang sức bằng vàng bà T đeo trên người và chiếc điện thoại iPhone 16 Pro max của bà T.
Trước khi bỏ đi, bọn chúng dùng ga trải giường trói chân tay bà T lại để tránh bị nạn nhân hô hoán, xóa dấu vết để lại tại hiện trường gây án và phi tang chiếc dùi cui điện xuống sông Hồng trong lúc bỏ trốn qua cầu Nhật Tân. Sau đó, Hiếu và Duy chia đôi số vàng và mang bán tại các cơ sở mua bán vàng ở Tuyên Quang và huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tổng số tiền hai đối tượng bán vàng thu được hơn 1,4 tỷ đồng.

Sau khi giãy giụa và tự thoát ra được, bà T đã đến Công an phường Đội Cấn trình báo. Tiếp nhận thông tin, nhận thấy tính chất manh động, liều lĩnh của nhóm cướp này, Tổ địa bàn Ba Đình và Tổ Trọng án (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) phối hợp với Công an phường Đội Cấn nhanh chóng vào cuộc điều tra và bắt giữ 2 đối tượng. Tại Cơ quan công an, Duy và Hiếu khai nhận trước khi thực hiện vụ cướp này đã vào một tiệm vàng ở huyện Sóc Sơn định cướp tài sản nhưng không thành do có đông người đến mua bán đồ trang sức.
Trước đó, ngày 7/1, Công an TP Hà Nội nhận được trình báo vụ việc 2 đối tượng gây ra 2 vụ cướp giật vàng táo tợn khi gặp gỡ nhau trong “Hội vỡ nợ - Thua tha - Thích làm liều”.
Theo đó, khoảng 15h15 cùng ngày, khi chị N.T. T. (chủ tiệm vàng ở huyện Ba Vì) đang ở cửa hàng thì có một thanh niên đeo khẩu trang, đội mũ lưỡi trai đi vào và đặt mua dây chuyền vàng nam 4 chỉ.
Do cửa hàng không có nên chị T. gợi ý khách hàng mua 1 dây chuyền vàng 3 chỉ và 1 nhẫn vàng 1 chỉ thì thanh niên này đồng ý. Chị T. lấy dây chuyền và nhẫn vàng đưa cho khách xem. Tuy nhiên, sau khi nam thanh niên cầm dây chuyền và nhẫn thì lập tức bỏ chạy ra ngoài đường, nhảy lên phía sau một chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Wave không đeo biển kiểm soát do một thanh niên khác đang chờ sẵn. Cả hai phóng xe tẩu thoát theo hướng quốc lộ 32 đi thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Chị T. chạy đuổi theo hô hoán nhưng không kịp.
Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự đã truy vết và xác định được 2 đối tượng gây án là Nguyễn Văn Trường (sinh năm 2001, trú tại thôn Phẻo, xã Xuân Giao, Bảo Thắng, Lào Cai) và Nguyễn Văn Thế (sinh năm 1998, trú tại thôn Đại Bộ, xã Hoàng Tân, Chí Linh, Hải Dương). Theo lời khai, 2 đối tượng này quen biết nhau thông qua hội nhóm có tên “Hội vỡ nợ - Thua tha - Thích làm liều”. Do cả hai cùng nợ nần và cần tiền tiêu nên đã bàn bạc giả vờ đi mua vàng để cướp giật tài sản.
Đáng nói, cùng với thủ đoạn như trên, 2 đối tượng tiếp tục cướp giật tại một hiệu vàng ở Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vào khoảng 14h40 ngày 8/1, chỉ sau khi gây ra vụ cướp giật ở huyện Ba Vì một ngày. Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng trên.
Trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, tội phạm bạo lực, bao gồm cả những vụ án có tính chất phức tạp như: cướp giật có tổ chức, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng xảy ra trong nhóm vị thành niên ngày càng có xu hướng gia tăng, không chỉ ở ngoại thành mà còn ở nội thành. Một trong những lý do khiến loại tội phạm này gia tăng là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các hội nhóm kín “mọc lên như nấm”, trở thành môi trường lý tưởng cho nhiều đối tượng tìm cách phạm tội.
Mới đây Công an phường Ninh Mỹ, thành phố Hoa Lư phối hợp với tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình đã bắt giữ, xử lý nhóm 6 thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng. Nhóm thanh niên này tham gia vào các hội, nhóm “Khoe thành tích đánh người và chiếm đoạt biển kiểm soát xe mô tô” trên mạng xã hội, sau đó đi trên 2 xe mô tô, mang theo 2 thanh kiếm từ tỉnh Nam Định sang thành phố Hoa Lư, phóng nhanh, lạng lách, hò hét gây náo loạn trên đường và tìm các thanh, thiếu niên khác đi trên đường đánh, chặt biển số, để ghi hình, khoe thành tích trên mạng xã hội.

Có thể thấy, những hội nhóm độc hại trên mạng xã hội không tự nhiên xuất hiện, mà rõ ràng có động cơ thành lập. Không chỉ rủ rê nhau gây án, vi phạm pháp luật, mà còn nhan nhản các hội, nhóm tiêu cực khác. Chỉ cần vào Facebook tìm kiếm từ khóa “tự tử” thì ngay lập tức xuất hiện hàng loạt nhóm như: “Hội những người đau khổ, trầm cảm muốn tự sát”, “Hội những người muốn tự tử nhưng mà sợ chết”, “Muốn tự tử”... thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia.
Những câu chuyện chia sẻ của các thành viên trong các hội nhóm này thường có điểm chung là thay vì động viên, giúp đỡ nhau vực dậy tinh thần, vượt qua khó khăn thì rất nhiều thành viên tham gia dưới dạng tài khoản ẩn danh lại chỉ đề cập đến các vấn đề tiêu cực, thậm chí rủ rê, xúi giục nhau tìm cách tự tử. Những bài viết bày tỏ sự chán sống, rủ nhau cùng kết thúc cuộc đời xuất hiện ngày càng nhiều, kèm theo đó là các bình luận tiêu cực, hướng dẫn đủ mọi cách để tự tử nhẹ nhàng như dùng thuốc ngủ, nhảy xuống sông...
Ngoài những bài viết bàn luận về chủ đề tự tử, các thành viên cũng thường xuyên chia sẻ những câu chuyện cá nhân, gia đình mang đầy sự tiêu cực như nợ nần, thất nghiệp, ly hôn... trong đó có không ít thành viên tuổi đời còn rất trẻ đã bày tỏ ý định muốn tự tử chỉ vì thầy, cô cho điểm kém, bố mẹ không hiểu mình.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi đăng tải lên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị coi là phạm pháp. Hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt 10-20 triệu đồng. Các trường hợp có hành vi kích động, dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát hoặc tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để người khác tự sát thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 131, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp khiến 2 người tự sát trở lên thì có thể sẽ bị xử phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Có thể thấy, sự tồn tại của các hội, nhóm tiêu cực là hệ quả không mong muốn, “mặt trái” từ việc bùng nổ của các trang mạng xã hội”.
Do vậy, mỗi cá nhân tham gia sử dụng mạng xã hội cần có một nền tảng văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật, không tham gia các hội, nhóm tiêu cực, không tự biến mình thành những mối nguy cơ trên mạng xã hội. Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con em mình nhận biết được những lợi ích và những nguy hại khi tham gia mạng xã hội. Từ đó, các em biết rằng, khi chia sẻ bất cứ thông tin nào trên mạng xã hội phải bảo đảm những thông tin đó là an toàn, lành mạnh, mang tính xây dựng. Qua đó giúp con em mình có đủ hiểu biết và kỹ năng khi tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội.
Các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí truyền thông cần đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật đến nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Qua đó, giúp họ hiểu biết rõ hơn về các hành vi bị cấm cũng như các hình thức xử phạt, không để bị kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia vào các hội, nhóm trên mạng xã hội.