Hơn 100 tỷ đồng đã được cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức “hô biến” như thế nào?

Thứ Hai, 04/12/2023, 15:14

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản lên đến hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (Bệnh viện Thủ Đức) đối với bị cáo Nguyễn Minh Quân (sinh năm 1973, nguyên Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) và các đồng phạm vừa diễn ra.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử phần lớn là cán bộ, nhân viên, là những người có trình độ, chuyên môn của bệnh viện, là người thân, bạn bè của người chủ mưu. Họ, dù vô tình hay hữu ý, dù bị ép buộc hay thông đồng cũng đã tiếp tay cho Nguyễn Minh Quân chiếm đoạt số tiền lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước hơn 100 tỷ đồng.

“Úm ba la” ra... tiền vào túi

Trong vụ án này, các bị cáo bị truy tố về về các tội danh “Tham ô tài sản”, “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong quá trình Bệnh viện Thủ Đức được tổ chức mua sắm thiết bị y tế để phục vụ khám, chữa bệnh, Quân lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã tham ô tài sản thông qua việc sử dụng các công ty gia đình để nâng khống giá thiết bị y tế bán vào bệnh viện, điều hành, chi phối, ép nhân viên dưới quyền vi phạm các quy định về đấu thầu, thực hiện hành vi rửa tiền để hợp thức nguồn tiền chiếm đoạt trái pháp luật.

Để thực hiện hành vi, cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân đã tìm đủ cách “bài binh bố trận” để cho các công ty “sân sau” của mình trúng 27 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện Thủ Đức. “Góp sức” tích cực cho Quân tham ô tài sản là các phó giám đốc, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Thủ Đức.

Hơn 100 tỷ đồng đã được cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức “hô biến” như thế nào? -0
Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát luận tội.

Khi còn đương chức, Nguyễn Minh Quân chỉ đạo người làm thuê là Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1986) thực hiện các bước khi làm hồ sơ đấu thầu. Cụ thể, Lợi chỉ đạo Trần Hậu Nghĩa (sinh năm 1986, được thuê làm Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị y tế Hải Đăng; đồng thời làm Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Đạo, công ty này trước đó do Quân lập ra, nhưng sau đó chuyển giao lại cho vợ là Nguyễn Trần Ngọc Diễm quản lý) làm 3 bộ hồ sơ cho 3 công ty thuộc nhóm 4 công ty do Lợi quản lý, trong đó 1 bộ có tiêu chí tốt hơn 2 bộ còn lại, để 1 công ty trúng thầu. Thực tế, các công ty này đều do ông cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức điều hành.

Tiếp đó Quân cho lập tổ mua sắm do Ngô Trương Ngọc Bích (sinh năm 1987, Trưởng Phòng Vật tư thiết bị y tế) làm tổ trưởng và Nguyễn Huy Việt (sinh năm 1980, nhân viên) làm thành viên. Giao cho Đặng Thị Hiên (sinh năm 1985, Kế toán trưởng bệnh viện) làm trưởng đơn vị dự án đầu tư.

Ngoài ra, Quân còn ký quyết định thành lập các tổ thực hiện đấu thầu, như: Tổ soạn thảo hồ sơ mời thầu, tổ mời thầu, tổ chuyên gia xét thầu và tổ thẩm định giá đấu thầu cho đủ thành phần, thủ tục theo quy định pháp luật về đấu thầu, từ khâu lập dự toán đến tổ chức mời thầu, chấm thầu, ký hợp đồng. Quân giao cho 2 phó giám đốc là Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1973) và Nguyễn Lan Anh (sinh năm 1984) làm tổ trưởng. Thực chất, các tổ đấu thầu trên không hoạt động theo quyết định phân công mà chỉ làm nhiệm vụ hoàn thiện, hợp thức hóa hồ sơ.

Mặc dù biết rõ các đơn vị tham gia đấu thầu, do Nguyễn Văn Lợi điều hành, quản lý đều là “sân sau” của Quân, nhưng theo chỉ đạo của giám đốc, tổ mua sắm đã có các hành vi sai phạm. Cụ thể, Đặng Thị Hiên đã liên hệ với các khoa, phòng tiếp nhận đề xuất mua trang, thiết bị y tế để lập danh mục dự trù mua sắm. Ngô Trương Ngọc Bích liên hệ với Nguyễn Văn Lợi lấy các báo giá, cấu hình kỹ thuật trang, thiết bị y tế của các công ty Lợi quản lý, phối hợp với Hiên lập dự toán mua sắm trang, thiết bị y tế để Quân ký trình Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và UBND quận Thủ Đức (cũ) xin phê duyệt.

Do đó, các thành viên tổ mua sắm không trực tiếp thẩm định giá dự toán của các thiết bị, máy móc mà nhận báo giá đã bị Lợi chỉ đạo nâng khống (từ 30-50%) dẫn đến giá dự toán đưa vào hồ sơ thầu cao hơn giá nhập khẩu nhiều lần. Sau khi được phê duyệt dự toán mua sắm, Bệnh viện Thủ Đức tổ chức đấu thầu, Bích liên hệ với Lợi để thông báo kế hoạch đấu thầu và phối hợp cho nhóm công ty của Lợi nộp hồ sơ dự thầu.

Quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu, Bích giao Việt xây dựng hồ sơ mời thầu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất kỹ thuật, hồ sơ đề xuất tài chính. Đồng thời lập các báo cáo: Thẩm định hồ sơ mời thầu; thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật; thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ tài chính, ấn định cho nhóm công ty của Lợi trúng 27/28 gói thầu và được thanh toán các hợp đồng với giá máy móc, thiết bị được nâng khống. Sau đó, Việt căn cứ vào vị trí, nhiệm vụ của các thành viên trong các tổ đấu thầu của bệnh viện để chuyển các tài liệu cho các thành viên ký hợp thức, hoàn thiện thủ tục đấu thầu.

Bằng các thủ đoạn trên, từ năm 2016 đến năm 2020, nhóm 4 công ty do Lợi quản lý (Công ty TNHH TMDV-SX Nguyễn Tâm, Công ty TNHH Ngọc Đạo, Công ty TNHH Thanh Vương Sài Gòn, Công ty TNHH Dược phẩm Trung Dung) trúng thầu 27/28 gói thầu tại Bệnh viện TP Thủ Đức, với tổng giá trị hơn 345 tỷ đồng. Lợi nhuận từ 27 gói thầu là 103 tỉ đồng. Số tiền trên Lợi đã chỉ đạo nhân viên chuyển cho vợ chồng Quân, Diễm.

Hơn 100 tỷ đồng đã được cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức “hô biến” như thế nào? -0
Bị cáo Nguyễn Minh Quân.

Gã rửa xe “may mắn”...

Để có người quản lý các công ty “sân sau” và giúp mình thực hiện các thủ tục đấu thầu cũng như “hợp thức hóa” nguồn tiền có được từ các gói thầu, ông Nguyễn Minh Quân đã “dựng” Nguyễn Văn Lợi từ một người làm nghề rửa xe thành giám đốc và là nhân viên của bệnh viện. Theo lời khai của Nguyễn Văn Lợi thì mối quan hệ giữa bị cáo này và ông Quân trở nên thân thiết từ việc ông Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức là khách rửa xe thường xuyên tại tiệm của mình. Từ mối quan hệ này, Lợi trở thành giám đốc, quản lý 4 công ty với mức lương 40 triệu đồng/tháng và Lợi làm theo mọi chỉ đạo của “ông chủ” Nguyễn Minh Quân.

Quá trình xét xử, bà Nguyễn Trần Ngọc Diễm cho rằng không che giấu số tiền 103 tỉ đồng mà chồng bà đã tham ô. Trả lời HĐXX, bà Diễm nói bà là Giám đốc Công ty Ngọc Đạo, ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Sản xuất Nguyễn Tâm) điều hành. Bà Diễm khai nhận với HĐXX, cứ mỗi lần nhận được tiền, dù chuyển khoản hay tiền mặt, bà không biết tiền từ đâu mà chỉ nghĩ rằng đó là lợi nhuận của công ty. Số tiền này, vợ chồng bà dùng vào việc mua nhà, đất..., trong đó có căn biệt thự nghỉ dưỡng thuộc dự án Vinpearl Golf land Resort &Villas, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (giá ghi trên hợp đồng 18,5 tỉ đồng), căn biệt thự thuộc dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (99,7 tỉ đồng). Thuộc cấp của ông Quân sử dụng 37,6 tỉ đồng từ nguồn tiền thu được của 27 gói thầu để thanh toán tiền mua căn biệt thự này... Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Lợi cũng có chuyển tiền riêng cho bà Diễm 16 tỉ đồng. Đây là khoản tiền mà bà Diễm thừa nhận là để "chi tiêu cho sinh hoạt gia đình, con cái học hành..." nhưng chỉ trong một năm.

Ngoài Lợi, các bị cáo khác là thuộc cấp của ông Quân cũng khai làm theo chỉ đạo của cấp trên. Đến lượt mình, trả lời HĐXX, bị cáo Quân cho rằng cáo trạng truy tố mình có chỗ đúng, chỗ không (!?).

Bị cáo Nguyễn Minh Quân cho rằng cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố mình là không khách quan, không đúng sự thật. Các doanh nghiệp: Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Sản xuất Nguyễn Tâm do bị cáo Nguyễn Văn Lợi đứng tên, Công ty TNHH Thanh Vương Sài Gòn do Đồng Thị Xuân Thu (vợ Lợi) đại diện pháp luật và Công ty TNHH Dược phẩm Trung Dung do Phạm Thị Bích Chi (Kế toán Công ty Nguyễn Tâm) đứng tên, không liên quan gì đến ông (!?).

Ngoài ra, ông Quân còn cho rằng lời khai của các bị cáo có tính chất vu khống. Cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức phủ nhận lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Lợi khi cho rằng 3 công ty tham gia đấu thầu trang, thiết bị y tế với Bệnh viện Thủ Đức là doanh nghiệp “sân sau” của ông Quân.

Nói về số tiền hơn 103 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Văn Lợi đã chuyển cho vợ chồng ông, cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức cho rằng đó là tiền đã cho Lợi vay trước đó. Tuy nhiên, ông Quân không nhớ đã cho bị cáo Lợi vay bao nhiêu tiền và vì quá thân thiết nên không ghi sổ sách.

Về việc “bỗng nhiên” Nguyễn Văn Lợi trở thành giám đốc công ty, nhân viên Bệnh viện Thủ Đức, trả lời HĐXX, ông Quân cũng phủ nhận không biết, dù nhận thức rõ việc ký các quyết định tuyển dụng, chi trả lương cho nhân viên, trong đó có tên của bị cáo Lợi, đều phải do giám đốc bệnh viện quyết định.

Nguyễn Văn Lợi khẳng định mình không hiểu biết gì về giá, cấu hình, tính năng của máy móc, trang, thiết bị y tế. Việc tham gia đấu thầu tại Bệnh viện Thủ Đức hay việc thương lượng mua bán máy móc, thiết bị y tế với nhà sản xuất, đơn vị cung cấp đều thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Quân. Ông Quân không thừa nhận việc này.

Quay ngoắt 180 độ

Sáng 30/11, trong quá trình xét hỏi, HĐXX nhận được đơn xin gặp để thăm hỏi, động viên con của mẹ bị cáo Nguyễn Minh Quân và được HĐXX chấp thuận dưới sự giám sát của thư ký phiên tòa, đại diện VKS và của lực lượng bảo vệ phiên tòa. Thật bất ngờ, sau khi gặp mẹ trong giờ giải lao, bị cáo Nguyễn Minh Quân đã có thay đổi nhận thức và thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Sau thời gian được gặp mẹ, trình bày trước tòa, bị cáo Quân gửi lời cảm ơn HĐXX đã cho bị cáo được gặp mẹ. "2 năm rồi, kể từ lúc bị bắt giam, bị cáo chưa một lần được gặp mẹ. Ba bị cáo cũng mất khi bị cáo bị tạm giam. Trải qua 2 ngày xét xử, qua cách thẩm vấn của HĐXX, VKS, luật sư đối với các bị cáo trong vụ án, bị cáo thấy mình có hành vi phạm tội. Trước đây, mình cứ nghĩ không phạm tội", bị cáo Nguyễn Minh Quân trình bày. Trước đó, trong phần thủ tục, bị cáo Quân cũng chia sẻ, trong thời gian tạm giam, cha bị cáo đã mất. Chủ tọa đã thay mặt HĐXX chia buồn với bị cáo và gia đình. Bị cáo còn thừa nhận, nghĩ mình học nhiều, tưởng biết hết, cuối cùng chẳng biết gì!

Nói về việc không thừa nhận hành vi phạm tội trong quá trình điều tra, cũng như thẩm vấn tại tòa trước đó, bị cáo Nguyễn Minh Quân ví von: “Trước đây bị cáo có chạy án nhưng bị lừa, mình giống như người bị bệnh ung thư, ai nói gì để chữa chạy là tin hết rồi bị lừa”. Trước đây, bị cáo nghĩ không có tội, giờ sau 2 ngày xét xử, bị cáo mới biết mình có tội, nhận thức được hành vi trái pháp luật.

Về việc chạy án, ngày 17/9/2022, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án hình sự ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Bùi Trung Kiên 9 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Lê Thanh An 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Triệu 5 năm tù; Trần Văn Long, Hà Duy Tuấn và Bùi Thị Hồng Giang đều lãnh 9 năm tù về tội "Môi giới hối lộ" trong vụ nhận 2,67 triệu USD (tương đương hơn 60 tỷ đồng) để "chạy án" cho Nguyễn Minh Quân, khi ông cựu giám đốc bị Bộ Công an điều tra vi phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Thủ Đức. Số tiền hơn 60 tỷ đồng là tiền phạm tội, bị tịch thu sung công quỹ.

Sau khi nhận thức và thừa nhận hành vi như cáo trạng, bị cáo Quân xin HĐXX cho phép mẹ bị cáo được nộp tiền để khắc phục hậu quả cho con ngay trong ngày 30/11. Mặt khác, Quân cũng xin mở kê biên các bất động sản để khắc phục, xin xem xét cho vợ vì cho rằng người này không biết gì hết. Trước đó, bị cáo cho rằng vợ mình, bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm là người không quan tâm đến tiền.

Sáng 1/12, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Minh Quân 21 năm tù, Nguyễn Văn Lợi 15 năm tù cùng về tội "tham ô tài sản" và "rửa tiền".

Bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ bị cáo Quân) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “rửa tiền”

5 bị cáo là cựu nhân viên tại Bệnh viện TP Thủ Đức bị tuyên mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm 6 tháng tù về cùng tội danh "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Đức Hà
.
.