Kết thúc xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Những ân hận muộn màng

Thứ Hai, 21/10/2024, 08:20

Phiên tòa tuyên án, những giọt nước mắt ân hận muộn màng, sự giằng xé tội lỗi của những con người một thời “hô mưa gọi gió” trên thương trường. Nhiều lần, bị cáo Trương Mỹ Lan ôm ngực, nói trong nghẹn ngào, cay đắng về ba ước mơ của cuộc đời mình còn dang dở… 

1. Ngày 17/10, phiên tòa xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát đã khép lại trong gần một tháng làm việc. Bị cáo Trương Mỹ Lan được xác định chủ mưu, chỉ đạo xuyên suốt quá trình lừa đảo phát hành trái phiếu nhận bản án chung thân.

Có quá nhiều cung bậc cảm xúc trong phiên tòa. Ở đó, không khí có lúc căng thẳng, hồi hộp, đôi khi bất ngờ với những tình tiết lần đầu được công bố. Trong lần ra tòa này, bị cáo Trương Mỹ Lan luôn mặc chiếc áo màu xanh nước biển, bịt khẩu trang. Chồng bà Trương Mỹ Lan, ông Chu Lập Cơ bận áo trắng, đeo khẩu trang, luôn cúi đầu với ánh mắt buồn. Những buổi sáng vào tòa chụp ảnh, tôi thường để ý thật lâu thái độ, cử chỉ trong ánh mắt của bị cáo Lan và nhận ra, trong đôi mắt của bà Lan chứa nhiều nỗi buồn. Buồn là một lẽ, trên khuôn mặt của người đàn bà một thời thét ra lửa này còn giăng mắc đầy nếp chân chim, dáng vẻ mệt mỏi.

Kết thúc xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Những ân hận muộn màng -0
Hội đồng xét xử.

Chúng tôi tác nghiệp, chỉ bằng giấy và bút, tập trung cao độ nghe bằng tai, nhưng với những con số hàng ngàn tỷ đồng, chúng tôi phải học thêm cách đọc và viết sao cho không bị thiếu hụt hoặc nhầm lẫn. Trong phạm vi giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. Bị cáo Lan đã họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt - TVSI chọn và sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn là: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng 308.691 triệu trái phiếu để huy động vốn, chiếm đoạt tiền từ hàng chục ngàn nạn nhân.

Ngoài hành vi trên, bị cáo Lan và đồng phạm bị cáo buộc hành vi rửa 445.747 tỷ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.

Xuyên suốt phiên tòa, HĐXX đã tập trung làm rõ quá trình phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Theo đó, từ nhiều năm trước, bị cáo Trương Mỹ Lan đã dày công đổ tiền thôn tính không chỉ Ngân hàng SCB, mà cả công ty chứng khoán, bắt tay công ty kiểm toán, lập nhóm trái chủ sơ cấp giả, nhóm đối tác ảo. Tất cả mắt xích đó giúp khép kín dây chuyền lừa đảo mồ hôi, xương máu của hơn 35.000 người dân mua trái phiếu của 4 công ty thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát.

Kết thúc xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Những ân hận muộn màng -0
Bị cáo Chu Lập Cơ tại phiên tòa ngày 17/10.

Sau khi sản phẩm trái phiếu được tạo lập, theo phân công của “madam Lan” (tên thân mật các nhân viên gọi bà chủ Trương Mỹ Lan), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) thực hiện chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ của ngân hàng này phối hợp với Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu đào tạo nhân viên.

Tổng cộng, có hơn 2.000 cán bộ, nhân viên thuộc 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc được đào tạo, tập huấn về sản phẩm trái phiếu và tư vấn bán trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đến đại chúng, với nhiều hình thức đào tạo như: Đào tạo trực tuyến (E-learning) 25 khóa với 2.344 lượt cán bộ, nhân viên tham gia; tự đào tạo tại đơn vị (tự nghiên cứu tài liệu, đăng ký thi trên phần mềm học tập và được ghi nhận hoàn thành nếu thi đạt) với 12 khóa và 195 lượt người tham gia.

Ngoài ra, để đảm bảo cán bộ, nhân viên luôn nắm vững kiến thức nghiệp vụ trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng, Ngân hàng SCB còn tổ chức các kỳ thi kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên tối thiểu 1 lần/ năm.

Kết thúc xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Những ân hận muộn màng -0
Bị cáo Trương Mỹ Lan nhận tổng hình phạt chung thân cho cả 3 tội danh.

Các phòng, ban của Ngân hàng SCB cũng có nhiệm vụ chi tiết, cụ thể: Phòng Phát triển sản phẩm dịch vụ phi tín dụng có nhiệm vụ soạn thảo nội dung truyền thông triển khai các mã trái phiếu; Phòng Quản lý kinh doanh có nhiệm vụ truyền thông các thông tin triển khai, quy trình, hướng dẫn, thông tin về lãi suất trái phiếu; Các đơn vị kinh doanh thực hiện giới thiệu khách hàng tham gia các gói trái phiếu… Một mắt xích bao trùm rộng khắp và cực kỳ bài bản như trên đã giúp cho bị cáo Trương Mỹ Lan vận hành thông suốt, trơn tru việc mua bán trái phiếu và chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của trái chủ.

2. Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận sai phạm của mình và khẳng định sẽ đứng ra chịu trách nhiệm khắc phục cho các trái chủ. Bị cáo Trương Mỹ Lan nói: “Tôi hứa là sẽ làm, tôi vẫn khắc phục thiệt hại cho các trái chủ”.

Trong phạm vi vụ án này, ngoài số tiền mặt hơn 800 tỷ đồng, hàng triệu cổ phần, bất động sản, dự án trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng... được cơ quan điều tra kê biên, ngăn chặn để xử lý cho việc khắc phục hậu quả…

 Bị cáo Trương Mỹ Lan liên tục khẳng định về trách nhiệm khắc phục hậu quả: “Dù thế nào bị cáo cũng sẽ trả lại tiền cho trái chủ, vì đây là những đồng tiền mồ hôi nước mắt, là tích góp cả cuộc đời của nhiều cụ ông, cụ bà. Họ đang rất tuyệt vọng và đau khổ”, bị cáo Lan trình bày. 

3. “Đứng trước tòa hôm nay, bị cáo phải trả cái giá quá đắt, xin HĐXX và VKS xem xét cứu giúp”, bị cáo Trương Mỹ Lan khóc khi được nói lời sau cùng.

Kết thúc xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Những ân hận muộn màng -0
Bị cáo Trương Huệ Vân trước giờ nghe tòa tuyên án.

Trong 30 phút trình bày, nhiều lần bị cáo Lan ôm ngực để ngăn dòng cảm xúc, bị cáo xin HĐXX được trải lòng về ba ước mơ trong cuộc đời mình, đó là Vạn Thịnh Phát sẽ xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế; xây nhà ở xã hội và cuối cùng là xây trường học cho người dân khó khăn. "Nhưng đến nay những điều ước này còn dang dở, bị cáo thất bại", bị cáo Lan nghẹn ngào.

Đồng thời, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin HĐXX xem xét bỏ tội danh của chồng là ông Chu Lập Cơ. “Chồng tôi không liên quan tới Ngân hàng SCB, không biết gì về việc phát hành trái phiếu. Các anh, em của chồng tôi là giáo sư, thẩm phán… chỉ có anh ấy sang Việt Nam gặp tôi và phải đi tù, mất danh tiếng cả gia tộc. Anh ấy ở tù gần hai năm nay khổ cực, tinh thần không bình tĩnh”, bị cáo Lan nhắc đến người chồng đang ngồi gục đầu xuống ghế ở hàng phía sau.

Đến lượt bản thân nói lời sau cùng, bị cáo Trương Huệ Vân nghẹn ngào trong xúc động: "Nhìn hình ảnh cô của bị cáo đứng đây, bị cáo đau xé lòng, thấy trống rỗng. Bị cáo vô cùng đau khổ trong suốt hai năm qua, xin HĐXX có cái nhìn khoan dung, xem xét cho tất cả, cho cô của bị cáo được giảm nhẹ hình phạt". Trương Huệ Vân phải nhận mức án 5 năm tù về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tham gia vào hành vi rửa tiền, bị cáo Chu Lập Cơ bị HĐXX tuyên mức án 2 năm tù. Trước đó khi đến phần mình nói lời sau cùng, bị cáo Chu Lập Cơ không nhắc đến bản thân, mà xin kể câu chuyện về "hai người phụ nữ Việt Nam" là Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân. Bị cáo Chu Lập Cơ tha thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ.

Bị cuốn vào vòng lao lý là điều mà nhiều bị cáo trong vụ án này cảm thấy hối tiếc, ân hận. Họ đôi khi còn giật mình không tin về kết cục của ngày hôm nay phải trả giá. Đó là cảm nghĩ của bị cáo Trương Khánh Hoàng, nguyên quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB nhận mức án 23 năm tù cho ba tội danh: Rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Nói lời sau cùng, bị cáo Hoàng cảm thấy vô cùng day dứt: “Bị cáo mong HĐXX xem xét lại tội danh, vai trò của bị cáo trong việc phát hành trái phiếu. Mong HĐXX xem xét bối cảnh ở thời điểm đó, Ngân hàng SCB rất khó khăn, nếu bị cáo không làm, không biết sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào. Trong hơn 2 năm bị tạm giam, bị cáo rất ân hận về những việc đã làm.

Người ta thường nói thời gian là vàng bạc, nhưng với bị cáo còn hơn cả vàng bạc. Bởi với mức án sắp tới và án phạt 18 năm tù của giai đoạn 1, bị cáo sẽ phải bỏ qua quãng thời gian đẹp nhất của con cái và bên người thân. Bị cáo sẽ bỏ qua nửa cuộc đời trước đó và sống thật tốt nửa cuộc đời còn lại để biết mình là ai…”.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB nhận mức án 17 năm tù. Bị cáo này đã khóc, nghẹn lời khi đứng trước vành móng ngựa: “Kính xin HĐXX khoan dung và khoan hồng cho các bị cáo có hoàn cảnh rất đáng thương như chị Trần Thị Thuý Ái và Thái Thị Thanh Thảo, vì họ phải gánh vác gia đình. Bị cáo và những người khác đang phải đối diện với tương lai nhiều thử thách. Các con bị cáo bước vào đời không được sự dìu dắt đầy đủ của cha mẹ. Mong HĐXX xem xét giảm án cho các bị cáo để con cái được lớn lên với lòng biết ơn và yêu thương. Một đứa trẻ lớn lên với lòng yêu thương, tha thứ sẽ có một nền tảng tốt”.

Khép lại ngày cuối cùng của phiên xét xử, những mức án đã được tuyên đối với từng bị cáo. Ngoài cổng tòa, mặc cho cơn mưa dông xối xả, những cánh tay giơ lên thật lâu chờ đoàn xe dẫn giải các bị cáo về trại tạm giam. Họ vẫy mãi cho đến khi vắng hẳn tiếng còi hụ. Có lẽ đó là cách để họ gửi gắm niềm hy vọng với người thân.

Ngọc Hoa - Văn Hào
.
.