Khi học sinh nổi máu yêng hùng
Bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trong thời gian qua gây nhức nhối trong xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc học sinh đánh nhau, mà báo động hơn là cách các em mới chỉ trong lứa tuổi học trò đã chọn giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí “nóng” với dao, kiếm, mã tấu, bom xăng...
Xách “hàng nóng” đi giải quyết mâu thuẫn
Hầu hết những vụ việc học sinh đánh nhau đều xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè. Từ đó, học sinh nổi máu yêng hùng, đi lùng tìm công cụ “nóng” nhằm giải quyết mâu thuẫn. Để tỏ vẻ là các “tay chơi”, học sinh còn quay clip tung lên mạng như một sự dằn mặt hoặc khoe chiến tích, đôi khi hành vi của các em còn nhận được sự cổ vũ của các bạn cùng trường, cho thấy những suy nghĩ lệch lạc của tuổi mới lớn.
Sự việc xảy ra mới đây nhất vào ngày 21/3, Cơ quan công an đã ngăn chặn một vụ sử dụng hung khí “nóng” của nhóm 15 thanh niên, học sinh trên địa bàn TP Rạch Giá, Kiên Giang. Nhóm này do N.H.Đ. (là học sinh trường nghề) cầm đầu đang tụ tập tại trung tâm sinh hoạt cộng đồng (thuộc phường An Hòa, TP Rạch Giá) để tổ chức “thanh toán” nhau thì bị Công an TP Rạch Giá bắt quả tang, thu giữ hung khí. Tại Cơ quan công an, N.H.Đ. khai nhận, do có mâu thuẫn với một bạn cùng lớp tên N.T.T nên bị T. và L.N.H (bạn T.) nhắn tin hẹn đánh nhau. Máu hiếu chiến nổi lên, Đ. đã huy động đông đảo chiến hữu, chuẩn bị sẵn hung khí để tuyên chiến. Với số lượng hơn chục quả bom xăng và những con dao mổ lợn sắc lạnh mang theo, nếu không bị lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì không biết nhóm học sinh này sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm đến mức nào.
Học sinh đánh nhau không dừng lại ở việc túm tóc hoặc đánh bằng tay chân đơn thuần nữa, mà ngày càng gia tăng sự nguy hiểm khi xuất hiện hung khí “nóng”, có thể gây thương vong lớn cho đối phương.
Thời điểm giáp Tết 2024, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) một em học sinh lớp 11 đã bị chém trọng thương cũng chỉ vì đôi lời thách thức nhau trong quá trình học tập. Sự việc xảy ra giữa em T.N.H và L.H.T. (cùng 15 tuổi, ngụ đường Nguyễn Tri Phương, TP Buôn Ma Thuột), do mâu thuẫn, cả hai hẹn sau khi tan học thì đánh nhau tại một cách đồng gần trường. Sau đó, T. rủ thêm 3 người bạn cùng đi đánh H. Trước khi đi, T. chuyển khoản cho bạn 150.000 đồng để mua dao rựa mang theo.
Tại điểm hẹn, chưa kịp đánh nhau thì H. bị 2 đối tượng đi xe máy cầm dao lao vào đánh và chém. Hậu quả, H. bị chém 3 nhát vào gáy, lưng và tay trái. Ngay sau đó, mọi người đã đưa nam sinh này tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Qua xác minh, 2 đối tượng cầm dao chém, đánh em H. là B.V.M. (16 tuổi, ngụ đường Mạc Đĩnh Chi, TP Buôn Ma Thuột) và N.H.L.H. (18 tuổi, ngụ đường Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột). Tất cả đều là học sinh trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo kết luận giám định bổ sung của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, thương tật của T.N.H. tại thời điểm giám định là 45%. Cuối tháng 2/2024, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can trong vụ án, trong đó có 2 học sinh, để điều tra về tội giết người.
Học sinh đánh nhau bằng hung khí nóng gây thương tích đang ở ngưỡng nguy hiểm trong giáo dục học đường. Riêng tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm học 2023-2024 đã xảy ra 6 vụ bạo lực học đường với 19 đối tượng có liên quan.
Hệ lụy của bạo lực tuổi đến trường
Thực tế cho thấy, những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần và thể xác thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp... sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.
Trường hợp của em N.M.D. là một ví dụ rõ ràng nhất, cho thấy nạn bạo bực học đường đang là hồi chuông báo động. Em D. là nạn nhân trong vụ việc xảy ra tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), bị một nhóm học sinh dùng hung khí “nóng” đánh bất tỉnh, phải nhập viện cách đây ít tháng. Theo kết quả xác minh của Công an huyện Nhơn Trạch, sau khi nghe bạn gái kể có mâu thuẫn với một bạn nam học cùng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tên là N.B.P.N., em P.P.L. (15 tuổi, ngụ xã Phước An, Nhơn Trạch, hiện đã nghỉ học) rủ tổng cộng 16 người bạn (từ 14-19 tuổi) kéo đến cổng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm để đánh em N.B.P.N. Phần lớn các thanh niên tham gia đánh nhau là học sinh, sinh viên của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai.
Nhóm học sinh này đến trước cổng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thì thấy em N.B.P.N. đi từ cổng ra ngoài. Lúc này, L. đuổi theo và đánh 3 cái vào mặt và đầu của em N., nhưng không gây thương tích. Sau đó, cả nhóm bỏ về nhưng giữa đường thì nổi “máu điên”, quay lại đánh em N. lần thứ hai.
Đánh xong, nhóm về đến gần cổng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai thì phát hiện em N.M.D. đang cầm điện thoại và nghi ngờ D. quay cảnh nhóm này đánh em N. nên cả nhóm xông vào đánh tới tấp bằng tay và bằng cây, khiến em D. bị co giật, bất tỉnh tại chỗ. Điều đáng nói, trong lúc nhóm thanh niên xông vào đánh em D., có thanh, thiếu niên còn sử dụng kiếm tự chế dài 80 cm định chém em D., nhưng có người can ngăn nên không trúng.
Em D. được các bạn chở đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch. Hậu quả, D. nhập viện trong tình trạng: “Sưng vùng đỉnh trái, bầm sau tai phải, vết thương đa ngón chân trái, bàn chân phải ngưng chảy máu”. Sau đó, gia đình đưa em D. đi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).
D. vốn là học sinh ngoan hiền, không hề liên quan đến nhóm học sinh có mâu thuẫn nhưng vẫn bị đánh một cách dã man, vô cớ. Ông Nguyễn Hồng Tâm, cha của D. bức xúc cho biết: “Đây là nhóm học sinh rất hung hăng, xốc nổi, sẵn sàng xuống tay với bất cứ ai mà không cần suy nghĩ. Nếu hôm ấy con tôi không được can thiệp kịp thời thì có thể mất mạng”. Sau cú sốc bị đánh, em D. vẫn rất hoang mang, ám ảnh và sợ hãi cho đến tận bây giờ. Ông Tâm đề nghị xử lý nghiêm nhóm thanh, thiếu niên đã đánh con ông theo đúng pháp luật để răn đe, tránh xảy ra các trường hợp tương tự, tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội, đặc biệt là các phụ huynh có con em đang theo học tại trường.
“Phương thuốc” nào cho nạn bạo lực học đường?
Bàn về nguyên nhân của nạn bạo lực học đường, có khá nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tác động từ phim ảnh, từ mạng xã hội, phần vì những hành vi của người lớn khiến con trẻ học theo. Tuy nhiên, những nguyên nhân quan trọng vẫn là từ vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội.
Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Huân (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, bạo lực học đường lâu nay luôn là một "ngọn lửa âm ỉ cháy" trong các trường học và vẫn chưa có một "biện pháp chữa cháy" nào hiệu quả để dập tắt được ngọn lửa này. Nếu còn mâu thuẫn, còn xung đột tồn tại, còn những hẫng hụt mà học sinh gặp phải nhưng chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng thì nguy cơ bạo lực vẫn còn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Huân, việc cấp bách chúng ta cần chính là làm tốt 3 công tác tư vấn tâm lý học đường trọng điểm: Sàng lọc những đối tượng học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, phòng ngừa bằng giáo dục kỹ năng và chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần liên quan đến bạo lực học đường; can thiệp tâm lý chuyên sâu dành cho nhóm đối tượng bị tổn thương tâm lý do bạo lực học đường để hỗ trợ các em một cách tốt nhất.
Với hành vi manh động, sử dụng hung khí “nóng” để giải quyết mâu thuẫn trong học sinh hiện nay, luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) phân tích: Theo quy định của pháp luật, đối với những hành vi đánh nhau, lôi kéo đánh nhau, tụ tập, gây rối trật tự công cộng có thể bị xử phạt hành chính hoặc nếu đủ dấu hiệu tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Học sinh từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự với những hành vi có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Còn học sinh dưới 14 tuổi, nếu hành vi có tính chất đặc biệt nghiêm trọng thì đã có các trung tâm, trường giáo dưỡng để phục vụ công tác giáo dục các em một mức độ cao hơn mức độ nhà trường, từ đó các em có nhận thức đúng đắn để không tái diễn hành vi vi phạm.
“Chỉ khi công tác tư vấn tâm lý học đường được quan tâm và đẩy mạnh, cũng như được nhìn nhận như một điều kiện cần để phòng ngừa bạo lực học đường thì khi đó chúng ta mới có được những yếu tố mang chất "đủ" để đẩy lùi vấn nạn này. Nhưng, như đã nói, phải tổng hòa sức mạnh của việc tổ chức hoạt động giáo dục, dạy học trong trường và giáo dục gia đình, cộng đồng mới có thể đảm bảo đạt được mục tiêu giả định”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Huân chia sẻ.