Khi lợi ích nhóm làm hỏng một chủ trương đúng
Chiều 13-12, sau gần 4 ngày xét xử và nghị án, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic) trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 8 năm tù. Tổng hợp với bản án trước, ông Chung bị phạt 13 năm tù. Võ Tiến Hùng 4 năm tù và Nguyễn Trường Giang 4 năm 6 tháng tù.
Từ chủ trương trả lại cảnh quan, môi trường cho Hà Nội
Theo nội dung vụ án, Hà Nội có kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại những điểm gây bức xúc trong nhân dân. Các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã có nhiều chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn thành phố. Cuối năm 2015, Công ty Thoát nước đã có tổng kết, đề nghị các sở, ngành báo cáo UBND TP cho nhân rộng nhưng UBND TP không có ý kiến phản hồi. Tháng 8-2016, ông Nguyễn Đức Chung đã kết luận và ra văn bản 308 chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH. Tuy nhiên, ông Chung lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH như chỉ đạo bằng văn bản.
Để định hướng mua chế phẩm Redoxy 3C của CHLB Đức thay thế hóa chất đang sử dụng, ngay từ tháng 5-2016, bị can Nguyễn Đức Chung đã cử đoàn công tác đi CHLB Đức để làm việc, đàm phán, đặt hàng với Watch Water GmbH và quyết định lựa chọn chế phẩm Redoxy 3C. Do đó, bị can đã yêu cầu dừng việc xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ cũ khi chưa thực hiện thử nghiệm (quy trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ theo đề án trước đây quy định phải thử nghiệm 12 tháng) và chưa có cơ quan có thẩm quyền đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm Redoxy 3C.
Nguyễn Đức Chung tạo điều kiện cho Nguyễn Trường Giang tham gia các đoàn công tác của UBND TP Hà Nội, để Công ty Arktic được nhập khẩu độc quyền Chế phẩm Redoxy 3C. Đồng thời, ông Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic để Công ty Arktic được hưởng khoản lợi nhuận gộp không chính đáng số tiền hơn 36 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Đức Chung luôn khẳng định việc ông “nôn nóng” chỉ đạo sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để làm sạch nước hồ Hà Nội xuất phát từ mục đích mong muốn trả lại cho thủ đô môi trường lành mạnh, cho người dân khu vực xung quanh hồ không phải chịu cảnh ô nhiễm không khí.
Bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cũng cho rằng, không có động cơ vụ lợi khi thực hiện chủ trương đưa chế phẩm Redoxy-3C vào xử lý ô nhiễm nước hồ. Ông làm tất cả vì lợi ích chung của tập thể, của thủ đô, hoàn thành nhiệm vụ thành phố giao phó. Hơn nữa, việc làm của ông cũng mong được áp dụng công nghệ mới giải quyết môi trường, giúp Hà Nội xanh sạch đẹp hơn.
Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, chủ trương làm trong sạch nước hồ trên địa bàn Thủ đô là đúng và rất tốt; việc đưa ra chủ trương, tham quan, học hỏi những công nghệ mới nhằm nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm phù hợp là đúng. Tuy nhiên, cách thức, quy trình trong triển khai của các bị cáo là không trong sáng, vụ lợi, vi phạm quy định của pháp luật; xâm phạm đến trật tự trị an, gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân…
Chỉ đạo mua bán “độc quyền” lòng vòng
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cáo buộc, Công ty Arktic thực chất là công ty của gia đình ông Chung. Ban đầu, con trai ông Chung góp 60% vốn, đăng ký lần đầu năm 2015. Sau khi vợ ông Chung ba lần làm giả hồ sơ chuyển nhượng vốn góp, ông Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác 40%. Song thực chất, vợ ông Chung là người thành lập Arktic, góp đủ 5 tỷ đồng nhưng để Giang cùng một người khác đứng tên. Công ty Arktic ban đầu không đăng ký kinh doanh hóa chất nhưng sau chuyến công tác châu Âu của Giang với UBND Hà Nội, công ty Arktic đã chuẩn bị nhập Redoxy-3C về, lập tức đăng ký thêm danh mục kinh doanh này.
Trong suốt quá trình phiên tòa sơ thẩm diễn ra, bị cáo Nguyễn Trường Giang nhiều lần thừa nhận, trong suốt quá trình điều hành mọi hoạt động của Arktic, từ việc nhập sản phẩm gì, bán cho đơn vị nào, dùng lợi nhuận ra sao, Nguyễn Trường Giang đều làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung và vợ ông Chung là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa.
Về vấn đề chế phẩm độc quyền, VKS cho là giả tạo. Theo cơ quan công tố, bao bì ghi là Redoxy-3C, một sản phẩm độc quyền của Hà Nội, sản phẩm tốn nhiều tiền ngân sách Nhà nước nhưng cuối cùng lại phải mua qua một công ty trung gian. VKS kết luận thiệt hại 36,1 tỉ đồng trong vụ án là phù hợp bởi đã "có những tính toán kỹ lưỡng”. Cụ thể, từ năm 2016 đến 2019, công ty này đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm làm sạch nước cho Công ty Thoát nước Hà Nội. Công ty Arktic mua lượng chế phẩm này từ hãng Watch Water với giá 115 tỉ đồng sau đó bán lại với giá 151 tỉ, hưởng lợi 36,1 tỉ đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, việc phát sinh thêm 1 khâu trung gian, mua bán lòng vòng đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách của thành phố. Về xác định thiệt hại, theo nhận định của HĐXX, được sự hậu thuẫn, “bật đèn xanh” của ông Chung, Công ty Arktic đã nhập khẩu chế phẩm Redoxy-3C về Việt Nam; Võ Tiến Hùng đã trực tiếp hoặc ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng mua chế phẩm này, gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng.
Vì vậy, HĐXX nhận định vai trò chính trong vụ án này thuộc về bị cáo Nguyễn Đức Chung, bị cáo chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C…Đối với bị cáo Võ Tiến Hùng, HĐXX xét thấy bị cáo Hùng đã tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Chung, chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng mua bán chế phẩm Redoxy-3C không đúng quy định. Bị cáo Giang là đồng phạm với bị cáo Chung, biết rõ động cơ mục đích của Chung nhưng vì vụ lợi nên bị cáo Giang đã có những hành vi vi phạm pháp luật.