Lật mặt gã kiến trúc sư siêu lừa

Thứ Ba, 25/01/2022, 12:35

Là một kiến trúc sư, thay vì cống hiến tài năng của mình thì Lê Bá Hải đã thông qua chiêu bài bán bản vẽ thiết kế trên mạng Internet, lập nên đường dây lừa đảo khiến hơn 5.000 nạn nhân sập bẫy, chiếm đoạt số tiền trên 100 tỉ đồng. Khi đang ôm mộng mở rộng địa bàn vào các tỉnh phía Nam và ra nước ngoài, chân tướng của kẻ lừa đảo đã bị vạch trần. Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ và khởi tố 41 đối tượng.

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Trung tuần tháng 10-2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận được đơn trình báo của bà N.V.H. cầu cứu vì đã tham gia đường dây làm cộng tác viên (CTV) bán hàng từ xa cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. Bà H. bị thất nghiệp do dịch COVID-19 nên rảnh rỗi lướt Facebook thì bắt gặp một fanpage rao cần tuyển CTV bán hàng online toàn quốc cho mặt hàng thiết kế bản vẽ công trình, dự án, nhà dân.

Theo đó, chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể trở thành CTV bán hàng, với mức lương hấp dẫn từ 2-3 triệu đồng/tuần, chiết khấu lên đến 30% và chỉ phải thanh toán từ 20-50% giá trị bản vẽ, số tiền còn lại phía công ty cho nợ. Nghĩ chẳng mất mát gì, lại có thêm thu nhập trong mùa dịch nên bà H. đã đăng ký làm CTV bán hàng cho fanpage này. Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ đây, người đàn bà này đã nhanh chóng trở thành miếng mồi béo bở khi chỉ trong một thời gian rất ngắn, bà H. đã bị móc túi liên tiếp với số tiền lên đến hơn 700 triệu đồng. Đến lúc biết nạn nhân đã cạn kiệt tài chính, các đối tượng liên quan trên không gian ảo chặn số điện thoại liên lạc, xóa Zalo, Facebook khiến bà H. hoàn toàn mất dấu, buộc phải làm đơn cầu cứu Cơ quan công an.

Lật mặt gã kiến trúc sư siêu lừa -0
Công an Hà Tĩnh tiếp tục đấu tranh, mở rộng chuyên án.

Đại úy Nguyễn Văn Bảo, Đội trưởng Đội 1 Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tiếp nhận đơn trình báo của nạn nhân, sau khi nghiên cứu phương thức, thủ đoạn, Công an Hà Tĩnh nhận định, các đối tượng sẽ thực hiện với đường dây quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp nên có thể số lượng người bị hại rất nhiều.

Vào cuộc điều tra, quá trình xác minh, tổ chức trinh sát trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook, các trang chuyên quảng cáo về mảng kiến trúc, thiết kế công trình là mặt hàng mà nạn nhân N.V.H. được phía công ty giao để rao bán. Trong suốt thời gian hơn 2 tháng trời, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã huy động 35 cán bộ, trong đó chủ yếu là trinh sát kỹ thuật có kinh nghiệm, tích cực vào cuộc điều tra, lần theo từng dấu vết trên nền tảng công nghệ số để dựng lên chân dung, địa chỉ của đối tượng ở ngoài đời thực. Với những dữ liệu đã kết nối, chân dung những kẻ cầm đầu cũng như phương thức, thủ đoạn lừa đảo trong đường dây này đã dần được phác thảo rõ nét.

Theo đó, đối tượng cầm đầu đường dây được xác định là Lê Bá Hải (32 tuổi) thường trú tại thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Hải thuê căn hộ 1204, chung cư 143 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) làm trụ sở giao dịch, cũng là nơi ở của đối tượng. Lê Bá Hải là kiến trúc sư, am hiểu về công nghệ thông tin và tinh thông nghề xây dựng. Tuy nhiên, nghề nghiệp chính của đối tượng này là bán hàng online qua mạng internet.

Lật mặt gã kiến trúc sư siêu lừa -0
Các đối tượng trong đường dây bị bắt giữ và khởi tố.

Quá trình đó, Hải nhận thấy nhu cầu tìm kiếm việc làm từ xa của nhiều người để kiếm thêm thu nhập nên đã nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng cách mua lại các fanpage đã được tạo sẵn trên mạng Facebook, sau đó thiết kế lại cho phù hợp với sản phẩm mà Hải sẽ rao bán là các bản thiết kế công trình xây dựng do đối tượng này tự vẽ nên hoặc ăn cắp ý tưởng từ các bản thiết kế có sẵn rồi chạy quảng cáo để tăng lượt tương tác, theo dõi. Mục đích là để thu hút, “câu nhử” người dùng Facebook, qua đó lôi kéo họ tham gia làm mạng lưới CTV để móc túi chính những người này một cách tinh vi.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Lê Bá Hải thu nạp hơn 50 đối tượng vào đường dây để làm nhân viên, mua và tạo nên hàng chục fanpage, dưới sự điều hành của 11 văn phòng hoạt động chính tại Hà Nội và Thanh Hóa. Mỗi văn phòng có một nhóm trưởng (leader) phụ trách, thu nhập được trả bằng 1% trên tổng số tiền lừa đảo thu về hằng tháng. Riêng đối với nhân viên, ngoài mức lương hấp dẫn từ 3,5-5 triệu/tuần, còn được trả thưởng từ 8-10% tiền hoa hồng trên tổng số tiền thu về nên chỉ trong thời gian rất ngắn, đã thu hút được rất nhiều đối tượng tham gia.

Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây này là thông qua việc chạy quảng cáo trên các fanpage đã lập trình sẵn, với chiêu bài tuyển CTV làm việc online, bán thời gian lương cao, chế độ thưởng hậu hĩnh. Khi có người liên hệ, ngay lập tức nhân viên trực mạng sẵn sẽ lôi kéo, dụ dỗ “con mồi”. Đến khi đồng ý trở thành CTV, các đối tượng sẽ gửi hình ảnh bản vẽ, thông tin qua Zalo, tùy theo từng dự án, công trình khách nhau mà mỗi bản vẽ như vậy sẽ có giá giao động từ 10-70 triệu đồng.

Lật mặt gã kiến trúc sư siêu lừa -0
Cơ quan Công an khám xét một văn phòng làm việc của đường dây tại Hà Nội.

Hơn 5.000 nạn nhân bị “móc túi” 100 tỉ đồng

Thông qua việc sử dụng nickname giả từ Zalo, Facebook, các đối tượng trong đường dây sẽ tiếp cận với CTV, giả vờ có nhu cầu tìm mua bản vẽ thiết kế công trình. Sau khi được CTV gửi bản mềm để xem, để tin tưởng là khách hàng đã đồng ý, chúng làm giả bưu chuyển tiền về việc đã chuyển 10% giá trị hợp đồng vào tài khoản của công ty. Khi CTV báo khách hàng đã đồng ý cọc, các đối tượng yêu cầu CTV chuyển 70% giá trị hợp đồng còn lại để công ty gửi bản chính thiết kế, số tiền này cộng với hoa hồng sẽ được chuyển trả lại ngay khi khách hàng thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng. Ngay sau khi nạn nhân đã chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng đã trì hoãn bằng cách yêu cầu sửa lại bản vẽ rồi hủy hợp đồng, đòi rút cọc... Khi nạn nhân yêu cầu phía công ty trả lại số tiền 70% đã chuyển, ngay lập tức có một “khách hàng” mới lại nhảy vào liên hệ để mua bản vẽ.

Tưởng thật, CTV báo về công ty thì nhóm đối tượng này cho biết, muốn bán cho người khác thì cần phải nộp vào một số tiền để gỡ phí bản quyền. Vì nóng lòng muốn nhận lại số tiền đã nộp vào trước đó, không ít nạn nhân đã tiếp tục chuyển tiền. Chính vì vậy, trong số các bị hại mà cơ quan điều tra xác minh được, có những người bị lừa nhiều lần cùng với thủ đoạn tương tự, với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. 

Với phương thức, thủ đoạn nói trên, trong thời gian từ tháng 6-2021 đến thời điểm phát hiện, đã xác định được có ít nhất là hơn 5.000 bị hại ở 35 tỉnh, thành phố trong cả nước đã trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng này, với số tiền bị chiếm đoạt ước tính trên 100 tỉ đồng. Sau gần 3 tháng trời kiên trì đấu tranh, tỉ mỉ thu thập từng dữ liệu dù là nhỏ nhất để làm bằng chứng, đến cuối tháng 12-2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã có đủ chứng cứ để bắt giữ các đối tượng này.

Lật mặt gã kiến trúc sư siêu lừa -0
Các đối tượng bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi lừa đảo.

Ngày 29-12-2021, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị địa phương, cùng Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Thanh Hóa huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt bắt giữ, khám xét 40 đối tượng tại 40 địa điểm khác nhau ở Hà Nội và Thanh Hóa, thu giữ 1 ô tô, 64 điện thoại di động, 45 máy tính xách tay, 40 tài khoản ngân hàng, hơn 2 tỉ đồng tiền mặt và nhiều tài sản, tài liệu liên quan.

Theo Trung tá Nguyễn Phi Hải - Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh, hành trình phá án gặp muôn vàn khó khăn, không chỉ truy vết đối tượng trên không gian mạng mà trong thời gian thu thập thông tin, tài liệu tại nhiều địa phương đang bùng phát dịch COVID-19 nên việc đi lại, điều tra rất vất vả. Các đối tượng hoạt động trong các văn phòng khép kín ở các căn hộ, chung cư cao tầng nên cũng không dễ để tiếp cận. Đường dây tội phạm này được tổ chức chặt chẽ, hoạt động trực tuyến rất tinh vi, sử dụng giao dịch tiền ảo để rửa tiền chiếm đoạt, sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ, tài khoản mạng xã hội ảo để xóa dấu vết, đối phó với các cơ quan chức năng.

Lật mặt gã kiến trúc sư siêu lừa -0
Đối tượng Lê Bá Hải tại cơ quan Công an.

“Thủ đoạn của nhóm đối tượng trong đường dây này tuy không mới nhưng là người có trình độ, Lê Bá Hải đã lựa chọn lĩnh vực thiết kế để lừa đảo là một chiêu thức tương đối mới và tinh vi. Đây là mặt hàng sản phẩm số, không tồn tại ở dạng vật chất nên dễ che giấu nguồn gốc”, Trung tá Hải cho biết thêm.

Thời điểm bị bắt giữ, Lê Bá Hải và các đối tượng liên quan đang có tham vọng mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và các tỉnh phía Nam khi đã thuê phiên dịch, chuẩn bị nhân sự và điều kiện hoạt động cho các chi nhánh này. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 41 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời tiếp tục củng cố chứng cứ và mở rộng chuyên án để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Thiện Thành
.
.