Mua bán công khai lợn nhiễm bệnh trên chợ mạng
Mỗi ngày, hàng tấn lợn ốm, lợn chết do dịch bệnh không qua kiểm dịch vẫn được thu mua, sơ chế và tuồn ra thị trường tiêu thụ dưới nhiều hình thức. Thậm chí, hoạt động này diễn ra công khai trên mạng xã hội với lời rao “giá cao, bao xe tận nơi”, bất chấp nguy cơ mất an toàn thực phẩm và bùng phát dịch bệnh. Đằng sau lợi nhuận bất chính là mối hiểm họa âm thầm đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Lợn chết đội lốt thịt sạch
Tối 8/7, Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây buôn bán lợn bệnh, lợn chết tại Hà Nội. Theo đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn và phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phát hiện dấu hiệu nghi vấn liên quan đến hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh tại xã Hòa Xá (Hà Nội) và tại chợ Phùng Khoang (phường Đại Mỗ). Các đối tượng hoạt động tinh vi: giết mổ ban đêm, cảnh giới nghiêm ngặt, vận chuyển thịt qua đường làng, tránh tuyến chính, sau đó trà trộn thịt lợn chết vào thịt tươi tại chợ. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng trinh sát thu thập đủ tài liệu, chứng cứ.
Ngày 30/6, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra cơ sở giết mổ lợn tại xã Thường Tín của Lê Văn Tươi (sinh năm 1994, trú tại thôn Đan Nhiễm, xã Thường Tín, Hà Nội) và phát hiện cơ sở này có nhiều con lợn có biểu hiện nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 45 con lợn sống, 1.050 kg thịt lợn nguyên con đã giết mổ, 450 kg nội tạng lợn. Bước đầu, Tươi khai nhận đã mua thu gom lợn dịch bệnh về để giết, mổ bán làm thực phẩm cho một số cá nhân kinh doanh thịt lợn tại một chợ đầu mối trên địa bàn thành phố.
Hằng ngày, Tươi tổ chức mổ khoảng 40-50 con lợn. Thời gian giết mổ thường diễn ra từ khoảng 0h30 phút đến 3 giờ sáng, giá nhập là từ 35.000 - 40.000 đồng/kg hơi, sau khi giết mổ bán ra với giá 55.000 - 60.000 đồng/kg thịt. Mở rộng điều tra, Cơ quan công an làm rõ Đặng Văn Huy (sinh năm 1987, trú tại phường Tùng Thiện, Hà Nội) là đối tượng thu gom lợn bệnh bán lại cho cơ sở giết mổ của Tươi.
Tiếp đó, ngày 1/7, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ, TP Hà Nội. Quá trình kiểm tra kiot của Dư Đình Hợi (sinh năm 1983, trú tại Hòa Xá, Hà Nội), phát hiện 367 kg thịt lợn có hiện tượng biến đổi màu sắc và bốc mùi.
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định, từ đầu năm 2025 đến nay, Dư Đình Hợi mua lợn chết của các đối tượng tại khu vực huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức (cũ), tỉnh Hòa Bình (cũ) - nay là tỉnh Phú Thọ với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng (Hòa Xá, Hà Nội).
Tại đây, Hợi mổ phanh lợn rồi dùng xe tải vận chuyển ra chợ Phùng Khoang để tiêu thụ. Tại kiot của mình, Hợi cùng vợ sơ chế thịt rồi trực tiếp bán cho khách hàng. Để tránh cơ quan chức năng và người tiêu dùng phát hiện, vợ chồng Hợi sử dụng tiết lợn để tẩm lên các miếng thịt với mục đích làm tươi và để lẫn với thịt lợn tươi sống khác trên bàn thịt.
Tương tự, khi kiểm tra kiot tại chợ Phùng Khoang của Nguyễn Viết Chiếm (sinh năm 1987; trú tại Hòa Xá, Hà Nội), lực lượng chức năng cũng thu giữ 426 kg thịt lợn có dấu hiệu mất vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Với thủ đoạn che giấu tương tự như Dư Đình Hợi, Nguyễn Viết Chiếm cũng thu mua lợn chết với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng, sau đó vận chuyển lợn ra kiot để sơ chế rồi bán lại cho khách hàng. Trong đó có khách hàng lấy buôn rồi bán lại cho các cửa hàng, nhà ăn để kiếm lời. Trung bình 1 ngày Chiếm bán từ 5 đến 7 con với khối lượng khoảng 1 tấn.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, từ năm 2023 bắt đầu mua gom lợn ốm yếu từ các đầu nậu, trong đó có Đặng Văn Huy - người thu mua lợn bệnh tại huyện Ba Vì, Sơn Tây (cũ), Hà Nội; tỉnh Vĩnh Phúc (cũ)... rồi tổ chức giết mổ tại khuôn viên nhà ở. Trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 50 con lợn, sau đó bán ra thị trường với giá khoảng 60.000 đồng/kg thịt. Cơ sở hoàn toàn không có giấy phép giết mổ, không thuộc hệ thống giết mổ được cấp phép của thành phố.
Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (ASF) - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ lợn mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.
Ngày 2 và 3/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với: Lê Văn Tươi và Đặng Văn Huy, Nguyễn Viết Chiếm, Dư Đình Hợi.
Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng 3, VKSND TP Hà Nội trong quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có liên quan.

Ngày 8/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét để làm rõ chuỗi tiêu thụ thịt bẩn ra thị trường.
Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết: Vụ án cho thấy tính chất nghiêm trọng, hành vi coi thường pháp luật, coi nhẹ sức khỏe cộng đồng để trục lợi. Cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh các đối tượng liên quan khác và làm rõ chuỗi tiêu thụ thịt bệnh ra thị trường. Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ nên mua thịt có nguồn gốc, dấu kiểm dịch rõ ràng; đồng thời tố giác các hành vi giết mổ, kinh doanh thịt không đảm bảo an toàn thực phẩm để cùng chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo dấu vết online
Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “Thu mua lợn ốm”, lập tức ra hàng loạt các hội nhóm như: “Mua bán lợn ốm miền Bắc”; “Hội thu mua lợn ốm chạm chết”; “Thu mua lợn ốm giá cao”... Trong các hội nhóm nói trên, các bài viết với nội dung như: “Chuyên thu mua các loại lợn thịt ốm kém ăn, bỏ ăn”; “Mua lợn bỏ ăn, mua lợn chạy dịch”, “Chuyên thu mua tất cả các loại lợn bán chạy, sốt ốm bỏ ăn chết em bắt hết nhé”, “Thu mua lợn thịt, sề thải, lợn ốm, sốt đổ, bỏ ăn”,...
Trong vai một người có nhu cầu bán lợn ốm chạm chết, phóng viên đã liên hệ số điện thoại 03446823xx thì đầu dây bên kia tự giới thiệu quê ở Ba Vì. Người này nói: “Nếu chị có ý định bán thì quay video rồi gửi Zalo cho em. Nói thật là bây giờ lợn ốm giá rẻ lắm, hơn nữa công an họ làm gắt. Đấy, chị thấy hôm qua họ vừa mới bắt một đường dây mua bán lợn ốm, lợn chết nên bọn em cũng rén lắm”.
Nghe vậy, phóng viên trình bày: “Đàn lợn nhà em có 40 con nhưng hiện mới có 8 con bị ốm nên em chỉ muốn bán số bị ốm thôi” thì nhận được câu trả lời của thương lái là “không”. Người này bảo nếu bán thì bán tất, chứ bán lẻ thế không bõ công xuống bắt.
Phóng viên tiếp tục gọi đến số điện thoại 09885071xx cũng với nội dung muốn bán lợn ốm sắp chết thì nhận được câu trả lời: “Chị cứ suy nghĩ xem có bán cả đàn thì em cho người từ Thái Nguyên xuống bắt chứ em không mua lẻ đâu. Đợt này công an và kiểm dịch làm gắt lắm. Bọn em làm lợn ốm bao nhiêu năm, bây giờ đang dịch nhiều hàng lắm. Mua thì dễ nhưng bán thì lại rất khó. Nguyên nhân là do bây giờ nhiều nhà ăn, căng tin, công ty họ không nhập nữa. Còn giá bây giờ thì rẻ, một con lợn tầm 60 kg cũng chỉ mua với giá 1 triệu đổ lại thôi, thậm chí chỉ 6 đến 7 trăm nghìn là cùng”.
Thương lái này cũng không quên dặn dò phóng viên: “Nếu chị thiện chí thì quay rồi gửi Zalo theo số này cho em nhé”.
Qua tìm hiểu cho thấy, nhiều tài khoản mạng xã hội đã thường xuyên đăng bài thu mua lợn kém ăn, bỏ ăn, thậm chí công khai chào mời người giới thiệu sẽ được trả “hoa hồng” từ 50.000 đến 300.000 đồng/con.
Trước đó, ngày 25/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Tiến (40 tuổi) và Trần Vũ Lâm (25 tuổi) cùng trú tại tỉnh Đồng Nai để điều tra về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm khi chế biến lợn chết, lợn thối thành giò, chả cung ứng ra thị trường. Cùng hành vi trên, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hồ Thanh Diệu (35 tuổi, trú tại tỉnh Đồng Nai).
Cụ thể, tháng 10/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Trạm thú y huyện Trảng Bom (cũ) kiểm tra cơ sở giết mổ heo trái phép của Tiến tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom (cũ). Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ 4.254 kg thịt lợn đã được pha lóc thành phẩm.
Tuy nhiên, số thịt lợn này đang trong tình trạng bị biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối và đặc biệt là mang mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, không đảm bảo chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Khai với cơ quan chức năng, vợ chồng Tiến cho biết đã mua của Lâm và thu mua từ các hộ chăn nuôi khu vực huyện Trảng Bom (cũ). Mục đích để làm giò chả rồi cung cấp cho các công ty chế biến suất ăn công nghiệp, cơ sở ăn uống ở Đồng Nai và Bình Dương (cũ).

Việc buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh, lợn ốm chết là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 4, Điều 6, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, hành vi không chấp hành biện pháp xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, động vật có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm của động vật mang mầm bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng.
Tại khoản 5, Điều 8, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.
Khoản 5, Điều 6, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.
Việc thu mua và tiêu thụ lợn ốm, lợn chết không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành động vô trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Chừng nào người nuôi còn vì tiếc của, thương lái vì lợi nhuận, còn người tiêu dùng vì rẻ mà nhắm mắt tiêu thụ, thì thị trường thực phẩm bẩn vẫn còn đất sống. Đã đến lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính quyền, sự tỉnh táo của người dân và đặc biệt là ý thức từ mỗi người nuôi, bởi bảo vệ an toàn thực phẩm là bảo vệ chính tương lai của chúng ta.