Ngăn chặn những tiếng súng lầm lạc

Thứ Hai, 28/02/2022, 08:10

Tiếng nổ bất ngờ vang lên giữa khu dân cư luôn khiến dư luận bàng hoàng. Khói súng không chỉ phủ bầu không khí trĩu nặng ưu tư giữa những người cùng sống trong một làng, một phố, mà còn như gáo nước lạnh dội vào những nỗ lực xây dựng khu phố, thôn bản văn minh, văn hóa, đoàn kết...

Để ngăn chặn những cuộc tranh chấp kết thúc bằng tiếng súng, phòng ngừa tình trạng giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân với công cụ, phương tiện phạm tội có ác tính cao, các đơn vị chức năng đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đấu tranh với các băng, ổ nhóm sản xuất, mua bán vũ khí, vật liệu nổ.

Đi tìm những kẻ bán tiếng nổ

Để không còn những tiếng súng thanh toán ân oán xuất hiện trong đời sống người dân, thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương đã tích cực vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực này... Tìm hiểu về hành trình ngăn chặn những khẩu súng đang lưu hành trái phép trong dân, chúng tôi được Trung tá Nguyễn Mạnh Tường, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thái Nguyên chia sẻ thông tin về kết quả đấu tranh chuyên án với ổ nhóm tội phạm chuyên sản xuất, chế tạo, mua bán vũ khí quân dụng liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài của đơn vị.

Ngăn chặn những tiếng súng lầm lạc -0
Công an tỉnh Thái Nguyên bắt đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Trung tá Tường kể, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua xảy ra một số vụ đối tượng lưu manh, côn đồ sử dụng súng tự chế, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ để đe dọa, đòi nợ thuê, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, giết người, thanh toán lẫn nhau... Đặc biệt, có những hộ kinh doanh trên địa bàn bị các đối tượng lưu manh, côn đồ dùng súng, thuốc nổ đe dọa, gây rối đòi tiền bảo kê trái phép.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng CSHS phát hiện một ổ nhóm tội phạm nghi vấn hoạt động chế tạo, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Chúng thiếp lập đường dây, cử người đi các tỉnh lân cận thu mua gom súng quân dụng, đạn, thuốc nổ, sau đó vận chuyển qua đường tiểu mạch sang các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng. Từ đây, “hàng” được tiêu thụ ở khu vực giáp biên Trung Quốc hoặc bán cho các ổ nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, đối tượng ma túy... trên địa bàn.

Cầm đầu ổ nhóm này là Dương Văn Vai (60 tuổi, trú tại thôn Quang Thái, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đối tượng đã có 2 tiền án và gần 20 năm trong “nghề” sản xuất, chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Hiện, ổ nhóm do Vai cầm đầu đang hoạt động liên tỉnh và có những dấu hiệu cho thấy chúng có những mối liên hệ và cấu kết với các đối tượng là người Trung Quốc trong việc mua bán vũ khí. Nhà ở, nơi chế tạo, cất giấu, giao dịch mua bán trái phép vũ khí của các đối tượng ở xa khu dân cư, địa bàn hẻo lánh để tránh tai mắt nhân dân. Đặc biệt là khi giao dịch, để bảo mật thông tin, chúng thường sử dụng tiếng Tày, luôn thủ sẵn “hàng nóng”, sẵn sàng chống trả nếu bị vây bắt.

Nhận thấy các biện pháp công tác như phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, biện pháp quản lý hành chính hay điều tra công khai... rất khó thu được kết quả, lãnh đạo đơn vị đã cử Trung tá Tường trực tiếp triển khai các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu để thu thập tài liệu, nắm tình hình về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của Vai cùng đồng bọn.

Ngăn chặn những tiếng súng lầm lạc -0
Tang vật cơ quan Công an thu giữ trong một số chuyên án.

Hành trình gian truân

Qua 6 tháng bám sát địa bàn và đối tượng, Trung tá Tường cùng đồng đội phát hiện nhiều thông tin quan trọng. Chẳng hạn như tại chỗ ở, Vai làm một “mật thất” để cất giấu vũ khí. Do tiếp xúc với vũ khí nhiều năm nên anh ta sử dụng thành thạo nhiều loại súng đạn. Cộng với tính tình hung bạo nên Vai sẵn sàng dùng súng bắn thẳng vào người khác nếu xảy ra mâu thuẫn hoặc bị phát hiện, bắt giữ.

Khách hàng thường xuyên qua lại mua vũ khí quân dụng của Vai là những tên lưu manh, côn đồ, đâm thuê chém mướn. Khi thực hiện các giao dịch, Vai thường hẹn gặp khách tại địa điểm bí mật, bất ngờ, không theo một quy luật nào. Khi trao đổi, chúng luôn “phát sóng ngắn” bằng tiếng dân tộc Tày. Đồng thời, luôn có đối tượng cảnh giới và thu giữ điện thoại trước lúc giao dịch. Sau khi giao vũ khí và hướng dẫn sử dụng cho khách, Vai bất ngờ bỏ đi và xóa mọi dấu vết.

Ổ nhóm do Vai cầm đầu đang hoạt động mua bán súng đạn với số lượng lớn, bao gồm súng tiểu liên AK, K44, K54, K59, lựu đạn, đạn súng quân dụng... Địa bàn hoạt động chủ yếu của chúng ở tỉnh Thái Nguyên và các khu vực biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Tại thời điểm tổ chức điều tra, do đại dịch COVID-19 bùng phát nên việc kiểm soát biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam được thắt chặt, ổ nhóm này chỉ thực hiện giao dịch mua bán súng, đạn tại nội địa Việt Nam.

Xét thấy nhóm tội phạm này có dấu hiệu phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, với quy mô liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài, Trung tá Tường đã báo cáo đề xuất lãnh đạo các cấp cho xác lập chuyên án trinh sát để tổ chức đấu tranh, triệt xóa. Trước tính chất đặc biệt nguy hiểm của các đối tượng, một kế hoạch phá án tỷ mỷ đến từng chi tiết với hơn 30 cán bộ, chiến sĩ được huy động tham gia, chia thành nhiều tổ công tác với những phần việc, nhiệm vụ rất cụ thể. Chẳng hạn, có mũi trinh sát được giao bằng mọi giá phải nắm được đối tượng mang theo bao nhiêu vũ khí, loại gì, khả năng sử dụng để chống trả lực lượng bắt giữ như thế nào. Có tổ phải đảm bảo chắc chắn đối tượng đang làm gì, ở đâu, cùng với ai.

“Để đảm bảo yêu cầu xử lý đối tượng trước pháp luật, đòi hỏi phải bắt quả tang khi hắn đang giao dịch với đầy đủ tang vật chứng minh tội phạm, vì vậy các trinh sát đã kiên trì đeo bám mục tiêu qua nhiều ngày tháng, phải chịu ăn đói, mặc rét, liên tục di chuyển trên địa hình miền núi hiểm trở. Không chỉ có tên cầm đầu mà những đối tượng khác trong đường dây và khách mua hàng cũng phải được dựng nhân thân, lý lịch, điều tra về hoạt động hiện tại. Bởi vậy chúng tôi đã ngày đêm không nghỉ, kể cả Thứ bảy, Chủ nhật để thực hiện các yêu cầu trong đấu tranh chuyên án” - Trung tá Tường nhớ lại.

Thời cơ đến khi tin trinh sát báo về Vai có cuộc giao dịch lô hàng gồm 2 khẩu tiểu liên AK cùng 50 viên đạn. Chỉ huy đơn vị phát lệnh phá án, Trung tá Tường cùng anh em trong đơn vị lập tức lên đường triển khai đội hình tác chiến. Đến 14 giờ 45 ngày 18-3-2021, trong lúc đang thực hiện giao dịch mua bán số vũ khí trên tại khu vực xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Dương Văn Vai đã bị tổ công tác tóm gọn với đầy đủ tang vật. Khám xét khẩn cấp nhà đối tượng, phát hiện, thu giữ thêm 3 viên đạn và 1 vỏ đạn. Ngày 23-3-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Dương Văn Vai về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Đấu tranh quyết liệt

Mối họa đối với an ninh, trật tự từ hiện tượng vũ khí trôi nổi đang hiện hữu trong đời sống, cần thiết phải xác định được những nẻo đường thẩm lậu vũ khí, vật liệu nổ để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Trung tá Phạm Văn Thịnh (Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội) cho biết hiện nay hoạt động mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang diễn biến rất phức tạp trên mạng xã hội.

Qua công tác trinh sát, nắm tình hình phát hiện các đối tượng đã lập hàng ngàn trang web, tài khoản mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo, các diễn đàn ngầm, nhóm kín trên mạng để đăng tải các bài viết kèm hình ảnh giới thiệu các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo... cùng với số điện thoại để khách liên hệ.

Ngăn chặn những tiếng súng lầm lạc -0
Đối tượng Dương Văn Vai cùng tang vật bị thu giữ.

Qua kiểm tra cho thấy, mặt hàng được giao dịch chủ yếu là các loại đồ chơi nguy hiểm, đạn chì, bình xịt hơi cay, công cụ hỗ trợ, dùi cui điện, súng điện, tay đấm gấu, dao găm, kiếm, mã tấu, pháo các loại, linh kiện súng hơi, súng thể thao. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những đối tượng dùng các thiết bị, máy móc hiện đại để tự sao chép, sản xuất trái phép nhiều loại súng, đạn. Chưa hết, có những đối tượng nhận “độ” (nâng cấp) hàng nóng, cải biến súng ít sát thương trở thành súng gây sát thương cao. Điển hình như vụ Phạm Phong Nhân (27 tuổi, thường trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nâng cấp, chế tạo cho Đào Duy Khánh (tỉnh Đồng Nai) 1 khẩu súng bắn đạn bi thành súng bắn đạn thể thao với giá 9,6 triệu đồng. 

Sau khi khách hàng đồng ý mua, đối tượng không gặp mặt trực tiếp, chỉ liên hệ, trao đổi mua, bán qua số điện thoại là sim rác và các tài khoản Zalo, Facebook ảo.Việc thanh toán tiền được thực hiện qua tài khoản ngân hàng không đăng ký chính chủ, đi mượn hoặc thuê của người khác, hoặc thanh toán qua hình thức ship cod (nhận hàng, kiểm tra rồi trả tiền cho nhân viên giao hàng). Thủ đoạn giao hàng cũng rất tinh vi, các đối tượng có thể gửi hàng thông qua người quen, qua dịch vụ xe khách liên tỉnh hoặc thông qua các dịch vụ vận chuyển công nghệ như: giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh, ViettelPost, Grab, Ladaza, Shopee, Tiki... không ghi địa chỉ người gửi hoặc khai báo không đúng loại hàng hóa cần gửi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sau đó, hàng cấm sẽ được vận chuyển qua các công ty chuyển phát nhanh, xe ôm công nghệ, xe khách, tàu hỏa... Đối với vũ khí quân dụng hay vũ khí tự chế, các đối tượng có thể tháo rời các bộ phận, linh kiện thành các đơn vị độc lập, rồi gửi đến địa chỉ người mua theo những cách trên. Đây là chiêu thức đối phó với cơ quan chức năng rất tinh vi.

Vừa qua, Công an huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thông qua công tác đấu tranh chuyên án đã phát hiện kho linh kiện các loại vũ khí. Trong số này gồm 1 khẩu súng đã lắp ráp hoàn thiện, 33 nòng súng, 22 khung súng, 22 báng súng cùng các loại linh kiện khác để lắp ráp đồng bộ 1 khẩu súng tự chế. Quá trình phá án, Cơ quan công an đã bắt giữ 4 đối tượng đều trú tại tỉnh Bắc Giang và đến địa bàn huyện Hưng Hà thuê nhà trọ để sinh sống và làm kho hàng buôn bán linh kiện súng tự chế. Mọi hoạt động mua và bán chúng đều thực hiện qua mạng xã hội và vận chuyển hàng qua đường bưu điện.

Được biết, hiện các lực lượng nghiệp vụ và công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tăng cường công tác nắm tình hình, xác lập các chuyên án trinh sát để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Trong đó, lực lượng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã thường xuyên triển khai các biện pháp trinh sát kỹ thuật, nắm tình hình trên không gian mạng, để kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với công an các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra, khám phá thành công nhiều chuyên án, triệt xóa nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Đào Trung Hiếu
.
.