Nhức nhối nạn mua bán người ở vùng cao xứ Nghệ
Lừa bán hàng xóm, người quen, phụ nữ đang mang thai và thậm chí là cả con đẻ của mình sang bên kia biên giới để lấy tiền là thực tế đang diễn ra tại các huyện miền núi ở tỉnh Nghệ An.
Mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa, song vì lợi nhuận, và một phần do đặc thù vùng miền, vấn nạn này vẫn tiếp diễn hết sức phức tạp, khó lường, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hậu quả là vẫn có những sơn nữ bị lừa bán, khiến cho danh sách về những nạn nhân mua bán người ở miền Tây xứ Nghệ vẫn ngày càng thêm nối dài.
Bố bán con để lấy tiền… chữa bệnh
Trong số những câu chuyện liên quan đến tội phạm mua bán người, chuyện về người cha vì quá túng quẫn, cần tiền chữa bệnh mà nhẫn tâm bán cả con gái sang xứ người có lẽ là câu chuyện đắng lòng nhất từ trước đến nay liên quan đến loại tội phạm này. Hậu quả là những người thân trong gia đình đều dính vòng lao lý khi nạn nhân được giải cứu trở về.
Đầu tháng 10-2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan, giải cứu thành công cháu Lô Thị M.C. (SN 2005), trú tại xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn khi cháu bị bán sang bên kia Trung Quốc, làm nô lệ tình dục cho một người đàn ông bản địa từ cách đây 2 năm về trước.
Ngay khi vừa trở về địa phương, nạn nhân đã đứng ra tố cáo những kẻ đang tâm bán mình sang bên kia biên giới để nhận về 120 triệu đồng, trong đó chủ mưu không ai khác chính là bố đẻ và dì ruột của chính mình. Do cần tiền chữa bệnh nên Lo Phò Thèng (SN 1967), trú tại xã Bảo Nam đã nhờ em vợ là Lo Thị Căm (SN 1986), trú tại xã Hữu Kiệm đưa con gái ruột của mình qua Trung Quốc làm việc và lấy chồng. Căm nhận lời, sau đó liên hệ với Moong Thị Xúm (SN 1968), là người cùng bản, có con gái đang làm ăn ở Trung Quốc để đưa cháu M.C (lúc bấy giờ mới 13 tuổi) xuất ngoại.
Xúm sau đó đón xe khách đưa cháu bé vượt biên sang Trung Quốc bán cho một người phụ nữ tên Hồng với giá 120 triệu đồng. Số tiền này, Xúm giữ lại 7 triệu đồng, đưa cho Căm 3 triệu và đưa cho Thèng 110 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã nhanh chóng vào cuộc, sau khi củng cố hồ sơ, đủ căn cứ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với các đối tượng Lo Phò Thèng, Lo Thị Căm và Moong Thị Xúm để điều tra về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi".
Thượng úy Lầu Bá Rống, Trưởng Công an xã Bảo Nam cho biết, cháu M.C nói riêng và các nạn nhân mua bán người nói chung, ngay sau khi được giải cứu trở về, đã được lực lượng Công an, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quan tâm, động viên, thăm hỏi kịp thời. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội để tạo công ăn việc làm có thêm thu nhập, để không quay lại đường cũ khi túng quẫn. Tuy nhiên, đây thực sự là một bài toán không dễ tìm ra lời giải, khi đời sống của đồng bào ở các xã biên giới, vùng cao của miền Tây xứ Nghệ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng liên quan đến việc nạn nhân được giải cứu trở về từ bên kia biên giới sau đó đứng ra tố cáo người đã bán mình, từ tiếp nhận trình báo của Lương Thị L. (SN 1996), trú tại xã Phà Đánh bị đối tượng Lương Thị Hoa (SN 1979), trú cùng xã lừa bán sang Trung Quốc cách đây mấy năm về trước, Công an huyện Kỳ Sơn đã vào cuộc và đến ngày 16-8, đơn vị này đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Lương Thị Hoa về hành vi mua bán người.
Lợi dụng cháu L. cần tìm việc làm, Hoa lừa cháu xuống thành phố làm việc an nhàn, hưởng lương cao, nhưng thực chất đưa cháu vượt biên trái phép sang Trung Quốc bán cho một người bản địa với giá 90 triệu đồng. Ngay khi trở về địa phương, L. đã tố cáo kẻ đang tâm bán mình ra trước pháp luật.
Trước đó, đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cũng đã bắt giữ hai đối tượng về hành vi mua bán người sau 5 năm lẩn trốn. Năm 2014, Sầm Văn Biên (SN 1984) và Lang Thị Xuân (SN 1983), trú cùng xã Quang Phong, huyện Quế Phong đã cấu kết với nhau, với chiêu bài sang Trung Quốc làm việc an nhàn, lương cao, đã lừa bán cháu Lương Thị T. (SN 1998), là người cùng làng với giá 65.000 nhân dân tệ, xấp xỉ 200 triệu đồng. Đến năm 2017, T. được giải cứu trở về địa phương, nạn nhân đã viết đơn tố cáo. Sau 5 năm lẩn trốn kể từ khi bị tố cáo, Biên và Xuân đã bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại quê nhà.
Cạm bẫy mua bán người
Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, đặc thù về vị trí địa lý, dân số đông, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn là những yếu tố khách quan dẫn đến nạn mua bán người ở huyện biên giới Kỳ Sơn trong những năm qua vẫn luôn nhức nhối.
Mặc dù lực lượng chức năng, trong đó chủ công là Công an huyện Kỳ Sơn hằng năm đều đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, kiểm soát, vô hiệu hóa nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về mua bán người, lừa đảo người lao động tìm việc làm; đồng thời tăng cường thành lập các chuyên án để đấu tranh trực diện, song tội phạm mua bán người ngày càng hoạt động tinh vi nên rất khó để ngăn chặn dứt điểm.
Trong vài năm trở lại đây, vấn nạn này về cơ bản đã được kìm giữ, một số vụ việc xảy ra là do một số người dân bản địa, có con em làm ăn, sinh sống ở Trung Quốc nên có sự móc nối với nhau để lén lút đưa người qua bên kia biên giới, dưới chiêu trò tìm kiếm việc làm nhưng thực chất là bán cho người Trung Quốc để làm vợ.
Bên cạnh đó, hiện nay lợi dụng tâm lý người dân cần việc làm lớn, nhất là trong đợt đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng ngàn lao động từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch, không ít đối tượng đã tung chiêu bài đi làm ăn xa để dụ dỗ, lôi kéo các thiếu nữ rời bản xuống phố tìm việc làm, nhất là các cháu nữ sinh vừa mới học xong cấp 2, cấp 3.
Số liệu thống kê cho thấy, riêng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, trung bình mỗi năm có khoảng 6.500 lao động rời quê đi tìm việc làm ở các địa phương trong và ngoài nước. Trong số này, số lượng người đi lao động ở nước ngoài cũng chiếm tỉ lệ không hề nhỏ, một phần sau khi rời quê thì mất liên lạc, chỉ đến khi được giải cứu trở về thì mới vỡ lẽ là trước đó đã bị lừa bán.
Trong năm 2020, Công an huyện Kỳ Sơn đã phối hợp điều tra làm rõ 5 vụ, 8 đối tượng mua bán người, giải cứu thành công 8 nạn nhân. Tính riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phá thành công 5 chuyên án, 6 đối tượng mua bán người, giải cứu thành công 5 nạn nhân.
Để kìm giảm vấn nạn mua bán người ở miền Tây Nghệ An, cùng với công tác đấu tranh với tội phạm, lực lượng Công an cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, vận động người dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Cùng với đó, phối hợp tổ chức gặp gỡ các nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, động viên, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm, Công an Nghệ An tiếp tục tăng cường thực hiện các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người ở các tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống mua bán người để từ đó, từng bước kìm giảm và tiến tới xóa sạch vấn nạn này.
Số liệu thống kê trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An đã phối hợp tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và công an các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho 8 phụ nữ, trẻ em. Công an Nghệ An đã phát hiện, điều tra, làm rõ, bắt giữ 7 vụ, 10 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 7 vụ, 10 bị can phạm tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi và mua bán trẻ em. Ngoài ra, lực lượng Công an còn phát hiện và đưa về Việt Nam 3 phụ nữ mang thai ở huyện Kỳ Sơn đã sang đến Trung Quốc với ý đồ sinh con rồi bán cho người Trung Quốc.