Những khối tài sản trên đất vàng của bị cáo Trương Mỹ Lan
Đại án Vạn Thịnh Phát vẫn đang trong những ngày tranh tụng nóng bỏng xoay quanh vai trò, hành vi, tội trạng của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm. Những điều được làm rõ, sáng tỏ ngoài chiêu trò tinh vi rút ruột tiền trong ngân hàng SCB, người ta còn choáng ngợp với khối tài sản chất cao như núi của bà Lan rải nhiều nơi.
Từ những tòa nhà triệu đô…
Bà Trương Mỹ Lan đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đang tích cực cùng gia đình khắc phục hậu quả của vụ án. Từ đây, hé lộ những khối tài sản khổng lồ hàng trăm triệu đô la nằm trong tay bà Lan, trải dài từ Bắc vào Nam.
Đầu tiên phải kể đến là khách sạn Daewoo, tổ hợp Trung tâm Thương mại Daeha, với tổng diện tích gần 3 ha; khách sạn Daewoo Hà Nội 5 sao, khu văn phòng Daeha Bussiness Center và khu căn hộ cho thuê Daeha Serviced Aparment. Trong thời gian đầu hoạt động, Daewoo là khách sạn lớn nhất Hà Nội, thu hút giới doanh nhân và nguyên thủ các quốc gia chọn là nơi nghỉ ngơi khi đến Việt Nam. Khách sạn Daewoo Hà Nội nằm ở vị trí đắc địa với 4 mặt phố bao quanh, nằm ở trung tâm cửa ngõ phía Tây của Hà Nội với hơn 400 phòng nghỉ. Phần không gian mở của cụm tổ hợp Daewoo hướng về phía hồ Thủ Lệ.
Trước khi về tay Vạn Thịnh Phát, khách sạn Deawoo trải qua 3 đời chủ. Đến năm 2015, Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) công bố tại đại hội đồng cổ đông có kế hoạch đầu tư 3.650 tỷ đồng để sở hữu 51% vốn khách sạn Daewoo Hà Nội. Như vậy, tổ hợp khách sạn Daewoo được định giá lên tới gần 7.160 tỷ đồng vào thời điểm 2015.
Đến năm 2016, Công ty Bông Sen đã mua được 34,83% vốn khách sạn nhưng sau đó, công ty không công khai tiến độ thương vụ này. Cho đến phiên tòa này, qua lời khai của bà Trương Mỹ Lan thì Bông Sen Corp khi ấy là chủ của khách sạn Daewoo. Toàn bộ khối tài sản này gia đình bà Trương Mỹ Lan chiếm trên 93% cổ phần. Trong phiên xét xử, bà Lan đã đề nghị bán khách sạn Daewoo để khắc phục hậu quả vụ án.
Cách khách sạn Deawoo vài chục mét là tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội), là tòa nhà văn phòng hạng A với hai tòa tháp văn phòng cao 37 tầng, diện tích cho thuê thực là 100.000m2. Về kiến trúc, Capital Place lấy cảm hứng kiến trúc hình ảnh con rồng từ trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, ý tưởng vẩy rồng trên nền kính và thiết kế của tòa nhà để mô phỏng một con rồng đang bay nhảy.
Tòa nhà vốn là một phần của dự án Vinhomes Metropolis, sau đó được chuyển nhượng sang cho pháp nhân Công ty cổ phần Twin-Peaks thuộc sở hữu của Tập đoàn bất động sản Singapore CapitaLand.
Đầu năm 2022, CapitaLand thông báo thoái vốn khỏi tòa nhà Capital Place và chuyển nhượng tòa nhà văn phòng này cho một bên thứ 3 với giá trị 751 triệu đô la Singapore, tương đương 550 triệu USD (khoảng 12.500 tỷ đồng). Chủ mới tòa nhà văn phòng tọa lạc tại trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội được giới thiệu là Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Viva Land (Viva Land). Viva Land từng được giới bất động sản nhắc đến là doanh nghiệp có mối liên hệ với Vạn Thịnh Phát. Trên Website chính thức của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trước đó cũng xuất hiện thông tin Viva Land là đối tác.
Một tòa nhà đẹp lộng lẫy giữa thủ đô, giá trị hàng trăm triệu đô la nhưng bấy lâu nay thiên hạ vẫn chỉ dừng lại ở việc đồn đoán về chủ nhân của nó. Sự giàu có xa hoa cùng những bí ẩn thâm sâu trong gia tộc Trương Mỹ Lan được hé mở một phần khi bà Lan phải đứng trước tòa, với tư cách bị cáo trong một vụ đại án “vô tiền khoáng hậu”.
Trả lời trước HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận đây là tài sản của gia đình mình, được mua với giá 700 triệu USD, chưa kể chi phí làm thủ tục hồ sơ hoàn thiện. Nay bị cáo muốn bán tài sản này với giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, tòa thông báo, đã nhận được thông tin con gái bị cáo Lan gửi cho HĐXX thì tòa nhà Capital Place 29 Liễu Giai dự kiến được trả khoảng 360 triệu USD, chứ không phải 1 tỷ USD như bị cáo Lan nói.
… đến Trung tâm thương mại trên đất vàng
Ngoài những tài sản khổng lồ được bị cáo Lan lần đầu xác nhận tại tòa, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt dự án đắc địa tập trung tại cung đường Nguyễn Huệ (nơi đặt trụ sở chính Vạn Thịnh Phát), Đồng Khởi cùng các địa điểm xung quanh ở trung tâm TP Hồ Chí Minh (Quận 1, Quận 3). Trong đó phải kể đến khách sạn 4 sao Palace Hotel Saigon trên đường Nguyễn Huệ, thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Bông Sen (công ty con của Vạn Thịnh Phát).
Cũng tại khu đất vàng trung tâm Quận 1, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu khu phức hợp trung tâm mua sắm Union Square với 4 mặt tiền đường Đồng Khởi - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn, gần kề với trụ sở HĐND và UBND TP Hồ Chí Minh. Nơi này có tổng diện tích sàn lên đến 91.000m2, quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi, trong đó có 5 tầng nổi là khách sạn 5 sao.
Kế đến là Trung tâm mua sắm An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza (đường An Dương Vương, quận 5) cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. An Đông Plaza và khách sạn 5 sao Windsor Plaza có tổng vốn đầu tư hơn gần 1.300 tỷ đồng, với tòa nhà cao 25 tầng và trung tâm thương mại, hội nghị. Windsor Plaza là khách sạn đầu tiên do tư nhân Việt Nam đầu tư và quản lý, đạt tiêu chuẩn 5 sao và được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn như Hội nghị APEC năm 2006. Thời điểm hiện tại, An Đông Plaza - Winsor Hotel vẫn hoạt động bình thường nhưng lại rơi vào trạng thái khá vắng khách.
Một tài sản khác được bị cáo Trương Mỹ Lan nhắc đến tại tòa chính là biệt thự cổ nằm tại số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3). Căn biệt thự cổ được xây dựng trên khu đất 2.819m2 theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000m2. Vào năm 2013, khi thị trường bất động sản diễn ra sôi động, căn biệt thự trên 100 tuổi này được rao bán với giá 47 triệu USD. Nhưng đến năm 2015, Công ty cổ phần Minerva (được bà Lan giao đứng tên chủ sở hữu) đã mua thành công với giá trị 35 triệu USD (khoảng hơn 700 tỷ đồng theo tỷ giá giai đoạn đó).
Ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Lan đã cho trùng tu lại theo nguyên bản vào năm 2019. Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, lực lượng chức năng đã đến nơi này làm việc rồi nhà thầu đã thông báo đóng cửa công trình, ngưng thi công. Trả lời trước tòa, bị cáo Lan xin được giữ lại căn biệt thự này vì là di tích cổ, gia đình muốn bảo tồn.
Một mắt xích quan trọng trong vụ án Vạn Thịnh Phát là bị cáo Chu Lập Cơ - chồng của Trương Mỹ Lan - người nắm vai trò là cổ đông chính sở hữu 99,26% cổ phần và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square - doanh nghiệp sở hữu Toà nhà Times Square tọa lạc ngay mặt tiền đường Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1).
Times Square là cao ốc phức hợp nằm vị trí trung tâm đường Nguyễn Huệ. Tòa nhà cũng được xem là “trái tim” của TP Hồ Chí Minh. Tổng thể kiến trúc của Times Square gồm tòa tháp cao 39 tầng (163.5m) có khối bệ 6 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng khoảng 90.000m2. Chiều cao của Times Square lên tới gần 165m và là tòa nhà thứ 2 của TP Hồ Chí Minh có sân đậu trực thăng trên sân thượng.
Toàn bộ mặt ngoài của Time Square là The Reverie Saigon, được giới thiệu là một trong số những khách sạn 6 sao đầu tiên ở Việt Nam, từng ở vị trí thứ 4 trong danh sách 50 khách sạn tốt nhất thế giới. Khách sạn có mặt tiền hướng ra đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ với thiết kế vương giả lộng lẫy, tinh xảo đến từng chi tiết, vừa phóng khoáng hiện đại lại vừa cổ điển quý phái.
Bị cáo Chu Lập Cơ thừa nhận đồng ý để vợ là Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn Ngân hàng SCB thực hiện công trình tòa nhà Times Square - khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại. Sau đó, Chu Lập Cơ lại thống nhất với vợ sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, pháp nhân do bà Trương Mỹ Lan chỉ định.
Chủ tịch HĐQT Công ty Times Square ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết chấp thuận thế chấp để hợp thức hóa giấy tờ bảo lãnh khoản vay tại Ngân hàng SCB, giúp cho bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” tiền tại SCB, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
Những khối tài sản khổng lồ của bà Lan từ đâu mà có? Những thương vụ mua bán hàng trăm triệu đô la chỉ trong “chớp mắt” mang dấu ấn Trương Mỹ Lan? Chỉ đến khi bà Lan bị bắt, bị truy tố về 3 tội danh: Tham ô tài sản; Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng thì cả xã hội mới bàng hoàng, vỡ lẽ. Bị cáo "rút ruột" của ngân hàng SCB 1 triệu tỷ đồng, từng đó tiền thì bà muốn làm gì cũng được. Những góc khuất sẽ được hé lộ và phơi bày trong những cuộc tranh luận tiếp theo tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra giai đoạn 2 của đại án này.