Nỗ lực ngăn chặn tân dược giả
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía nam, Cơ quan Công an đã phát hiện và xử lý nhiều đường dây tổ chức sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn. Đáng nói, các đường dây này đã hoạt động khá lâu với số thuốc giả có thể đã tuồn ra thị trường khá nhiều, kéo theo đó là số lượng dược phẩm “dạt” đến tay bệnh nhân đã, đang ngày càng gia tăng... Và hệ lụy của vấn đề này khó có thể đong đếm hết được.
Đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả liên tỉnh
Mới đây, đường dây chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán tân dược giả các loại, quy mô cực lớn, do đối tượng Quách Ngọc Giao (sinh năm 1968, ngụ phường 11, quận 10) cầm đầu, đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, triệt phá.
Sau thời gian dài theo dõi và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, ngày 12/7, các trinh sát bắt quả tang Quách Ngọc Giao khi đang giao 300 hộp thuốc Fugacar giả cho Tăng Chí Đức (sinh năm 1967, ngụ phường 7, quận 11).
Khám xét nơi ở của Quách Ngọc Giao tại căn nhà trên đường Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, các trinh sát phát hiện, thu giữ 45 thùng carton tân dược giả thành phẩm, bao bì, tem nhãn các loại. Khám xét tại kho chứa hàng của Giao tại địa chỉ 282/5 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, Cơ quan công an phát hiện và thu giữ thêm 65 thùng carton tân dược giả thành phẩm, bao bì, tem nhãn các loại.
Khám xét nhà không số tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang của đối tượng Trần Văn Nghĩa (sinh năm 1974, ngụ ấp Mỹ An, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Cơ quan công an phát hiện và thu giữ 25 thùng carton tân dược các loại. Nghĩa khai tiêu thụ các loại thuốc giả (Tanganil 500 mg, Terneurine H.5000, Becozyme,...) do Giao sản xuất. Riêng thuốc Asmacort do Nghĩa tự sản xuất. Để sản xuất thuốc Asmacort, Nghĩa mua vỏ chai, tem nhãn của Giao, mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam, sau đó lột bỏ tem thuốc nội địa, dán tem thuốc ngoại nhập vào để bán với giá thành cao hơn.
Tại căn nhà ở Cầu Xéo, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh - địa điểm tổ chức sản xuất tân dược giả của đối tượng Phạm Văn Đin (sinh năm 1978, quê Đồng Nai), lực lượng chức năng thu giữ 40 thùng carton tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại. Tại đây, Đin tổ chức sản xuất tân dược giả các loại như: Enat, Tanganil 500mg. Sau đó, Đin giao toàn bộ thuốc thành phẩm cho Giao tiêu thụ.
Để sản xuất mặt hàng Enat, Tanganil 500mg, Đin khai nhận đã mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam và thuốc quá hạn sử dụng trôi nổi trên thị trường; vỉ nhựa, bản kẽm khuôn vỏ hộp giấy, tem, in ấn bao bì... được Đin đặt mua và in của một vài công ty ở quận Bình Tân, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh).
Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng Tăng Chí Đức (sinh năm 1967, ngụ phường 7, quận 11) tại địa chỉ T216 ấp Xoài Đôi, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, tổ công tác phát hiện và thu giữ 8 thùng carton tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại. Đức thừa nhận sản xuất thuốc Terneurine H.5000, Voltaren và tiêu thụ các loại tân dược khác do Giao cung cấp.
Tại phòng trọ không số trên đường Nguyễn Thị Tú, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, đối tượng Đào Công Tâm (sinh năm 1968, quê Cần Thơ) tổ chức sản xuất thuê cho Giao thuốc Becozyme, Laroscorbine với giá 3.000 đồng/hộp. Tâm cũng là đầu mối tiêu thụ tân dược giả do Giao cung cấp. Địa điểm này, tổ công tác thu giữ 18 thùng carton tân dược thành phẩm, bao bì và nguyên liệu thuốc các loại.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát kinh tế còn khám xét ở một số địa điểm khác tại quận 8 và quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, thu thêm 12 thùng carton tân dược thành phẩm và bao bì các loại.
Trong chuyên án này, cơ quan điều tra đã thu giữ toàn bộ máy móc ép vỉ, đóng gói tân dược giả; tạm giữ khoảng 3 triệu viên thuốc và 31.000 ống tân dược giả thành phẩm các loại (trị giá tương đương 10 tỷ đồng hàng thật); bắt giữ 10 đối tượng (trong đó có đối tượng chủ mưu, cầm đầu). Bên cạnh đó, khẩn trương truy xét 3 điểm tiêu thụ tân dược giả; bước đầu thu hồi hơn 130.000 viên tân dược giả các loại đã được tiêu thụ ra thị trường. Theo ước tính của các công ty dược có sản phẩm bị làm giả, tổng trị giá toàn bộ tang vật thu giữ trong chuyên án này ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Để làm ra thành phẩm thuốc giả, các đối tượng sử dụng thủ đoạn mua tân dược có cùng hoạt chất từ các công ty dược Việt Nam sản xuất; sau đó, thay đổi bao bì, tem nhãn tân dược Terneurine H.5000, Becozyme, Asmacort,... do nước ngoài sản xuất đã được đặt làm giả tại các cơ sở thiết kế, in ấn, gia công bao bì bán ra thị trường để thu lợi bất chính (do chênh lệch về giá).
Hậu quả khôn lường cho người dùng
Ngày 5/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Xuân Cường (sinh năm 1976, ngụ quận Tân Phú) cùng 6 bị can khác về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” và “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Trước đó, vào cuối năm 2022, Công an quận 8 kiểm tra bãi xe không số trên đường Cao Lỗ (phường 4), bắt quả tang nhóm của Cường đang sản xuất thuốc giả. Tại đây, Cơ quan công an phát hiện 10.000 lọ thuốc nhãn hiệu các loại như: Terpin Codein, Decotyl, Asmacort, Glotal...
Cường khai thuê Ao Vạn Hạnh (sinh năm 1997, ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Trương Phong Hào (sinh năm 1998, cùng trú quận 8) và một đối tượng khác để sản xuất thuốc chữa bệnh giả tại bãi xe và trả tiền công theo tháng. Để sản xuất thuốc giả, Cường đã mua nguyên liệu của nhiều người khác nhau ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Hưng Yên qua mạng xã hội.
Quy trình sản xuất, đối với thuốc giả dạng viên nén thì nhóm của Cường lấy viên nén có sẵn cho vào lọ, đậy nắp và dán nhãn là hoàn thành. Với viên nang thì nhóm xếp vỏ viên nang vào khuôn, cho bột vào, ép thành viên. Nhóm này chủ yếu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh như: Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500, Terpin Codein viên nang, Terpin Codein viên nén, Ciproxacin 500, Decotyl, Asmacort, Cepha Pharmacy 500, Cefadroxil 500, Amoxicilin 500...
Thuốc chữa bệnh giả sau khi xuất xưởng được Cường mang bán cho nhiều người, nhiều nhà thuốc ở quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận 10... Khách mua hàng của Cường đều thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Tiếp tục truy xét, Cơ quan công an bắt giữ Phạm Quốc Quyền (sinh năm 1979), Huỳnh Nhật Khoa (sinh năm 1988) cùng ngụ đường Tô Hiến Thành, phường 13, quận 10 và khám xét 2 căn nhà gần chợ thuốc quận 10, thu giữ hàng chục ngàn lọ, hộp thuốc nhãn hiệu nổi tiếng...
Từ lời khai của các đối tượng, Công an quận 8 bắt giữ Hóa tại một căn nhà ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, Cơ quan công an thu giữ hơn 2.500 lọ thuốc nhãn hiệu các loại cùng dụng cụ sản xuất thuốc giả. Hóa khai từng kinh doanh thuốc với Quyền. Quyền đặt mua thuốc tây của Hóa nên Hóa tự mua nguyên vật liệu, dụng cụ để tổ chức sản xuất thuốc giả... Theo bảng giá các công ty dược cung cấp, số tân dược bị các đối tượng làm giả tương đương với hàng thật trị giá hàng tỷ đồng...
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, vào giữa tháng 6 vừa qua, kiểm tra đồng loạt 3 nhà thuốc trên địa bàn quận 5 và quận 11, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã phát hiện gần 8.000 đơn vị sản phẩm tân dược, thực phẩm chức năng không hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu...
Qua các vụ việc trên có thể thấy thực trạng sản xuất, buôn bán tân dược giả là hết sức phức tạp với số lượng rất lớn.
Theo một số liệu thống kê, hiện TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà thuốc nhất trên cả nước, với khoảng hơn 6.000 nhà thuốc hoạt động. Bên cạnh đó là hàng ngàn trang web công khai bán thuốc qua mạng. Không ít trường hợp bán thuốc giả cũng như bán thuốc kê đơn mà không yêu cầu kê đơn hợp lệ. Tất cả điều này đều vi phạm các quy định pháp luật trong kinh doanh dược phẩm.
Không khó để thấy rằng việc sử dụng thuốc giả sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng, thậm chí, có thể đến mức gây tử vong. Tuy nhiên, bệnh nhân rất khó để phân biệt một sản phẩm là chất lượng hay không vì chúng thường được đóng gói kỹ lưỡng để làm sao cho giống hệt với thuốc chính hãng.
Để tránh mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc giả, người tiêu dùng được các bác sĩ khuyến cáo nên mua tại các cơ sở bán lẻ lớn, uy tín. Người mua cần quan sát kỹ thuốc để phát hiện những bất thường về bao bì, dạng thuốc. Luôn kiểm tra hạn sử dụng để tránh các thuốc hết hạn dùng. Cảnh giác với những loại thuốc có giá thấp bất thường. Tìm hiểu và sử dụng các công nghệ xác minh, tem chống hàng giả…