“Ôm trái đắng” khi mua hàng hiệu của các “hotgirl”

Thứ Bảy, 04/11/2023, 09:01

Lợi dụng nhan sắc, nhiều hotgirl đã lập các fanpage, dùng trang Facebook, TikTok, Zalo... cá nhân để lôi kéo “người hâm mộ” vào mua hàng. Khi đã tạo được sự tin tưởng, những hotgirl này bắt đầu bán hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng mạng xã hội.

Lợi dụng mác “hotgirl” để bán hàng giả, hàng nhái

Để bán được những sản phẩm giả, nhái các thương hiệu lớn, các “hotgirl” này đã nghĩ ra đủ chiêu trò để lôi kéo khách hàng cũng như để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Từng có những vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhưng có vẻ nó chỉ như muối bỏ biển so với thực tế.

image_6483441 (1).jpg -0
Đối tượng Nguyễn Thùy Trang bị cơ quan Công an bắt giữ.

Trước đó, TikToker 2,6 triệu followers @tnhadinh - Trương Nhã Dinh đã bị chính 2 thương hiệu làm đẹp đình đám Estee Lauder Việt Nam và MAC Việt Nam tố giác bán hàng fake. Trương Nhã Dinh là cái tên nhận về nhiều chú với các tips makeup, dưỡng da. Nhã Dinh thường xuyên livestream bán mỹ phẩm trên TikTok Shop. Đáng chú ý, sản phẩm mà cô nàng bán có giá rẻ hơn hàng chính hãng rất nhiều, điển hình là kem mắt Estee Lauder Advanced Night Repair Eye Supercharged chỉ có giá 520k cho hũ full size, rẻ bằng 1/5 hàng chính hãng.

Không chỉ bán kem mắt Estee Lauder, Trương Nhã Dinh còn bán cả serum của hãng, son MAC và nhiều mỹ phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng khác. Trong 1 video mà cô nàng đăng tải, đã có 1 tài khoản TikTok tố ở phần bình luận rằng người này mua phải son MAC fake từ Trương Nhã Dinh, sản phẩm nhận về có vỏ lỏng lẻo, kết cấu và chất lượng khác xa so với hàng thật.

Trước thông tin này, Trương Nhã Dinh đã đăng tải 1 clip trên kênh TikTok cá nhân giải thích về sự khác biệt trên. Cô cho biết, trước đây, khi làm tiếp viên hàng không, cô có cơ hội mua hàng tại cửa hàng miễn thuế, kết hợp với đợt sale thì mua kem mắt giá hơn 500k là điều hoàn toàn bình thường. Trương Nhã Dinh khẳng định phiên bản kem mắt mới - version 5 có sự khác biệt về bao bì lẫn kết cấu, mùi hương: Chất kem lợn cợn chứ không mịn như phiên bản cũ.

Estee Lauder Việt Nam và MAC Việt Nam sau đó đã lập tức lên tiếng cảnh báo về thực trạng hàng giả bán tràn lan trên TikTok thông qua các TikToker nổi tiếng. 2 thương hiệu này khẳng định họ không có gian hàng chính hãng trên TikTok Shop, cũng không hợp tác bán hàng với bất cứ TikToker nào.

Hay, mới đây, vào ngày 26/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa khởi tố 2 bị can về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại khoản 2, Điều 226, Bộ luật Hình sự. Hai đối tượng là Trương Thị Liên (sinh năm 1971, ở xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung) và Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1994, ở phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn, là con dâu của Liên).

Theo nhiều người đánh giá, Thảo có khuôn mặt xinh đẹp, vóc dáng chuẩn người mẫu nên vẫn thường được gọi là “hotgirl”. Lợi dụng lợi thế này, Thảo đã cùng mẹ chồng mua nhiều loại hàng giả, hàng nhái về rồi sau đó livestream bán hàng. Tại thời điểm bị bắt, Thảo và mẹ chồng đã mua tổng số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm 54 chủng loại, với 13.370 sản phẩm, giá trị hơn 973 triệu đồng. Hiện, cơ quan điều tra đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Vào ngày 8/3, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ Nguyễn Thùy Trang (sinh năm 1997, quê tỉnh Thái Bình), hiện đang tạm trú tại ngõ 33 Trần Phú (phường Cao Xanh, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Theo đó, ngày 26/2, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Bình triển khai 2 tổ công tác tại tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, tổ chức phá thành công chuyên án đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức bán hàng trực tuyến.

Lực lượng phá án đã tiến hành triệu tập, đấu tranh, khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Thị Thùy Trang, tạm giữ 5 thẻ ATM, 4 điện thoại di động và nhiều tài liệu khác có liên quan.

Trang khai nhận, đầu năm 2021, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 phức tạp, nhu cầu người dân mua sắm trực tuyến lớn, Trang đã tạo lập nhiều tài khoản mạng xã hội với thông tin ảo có tên “Vân Anh Store”, “Kho sỉ tổng” và trang Facebook cá nhân để tham gia các hội nhóm buôn bán quần áo trên mạng xã hội. Riêng trang cá nhân Facebook của Trang với tên “Trang Trang Anh” có hàng nghìn lượt người theo dõi, thường xuyên đăng tải hình ảnh bán quần áo, đồ dùng để dẫn dụ người mua.

Sau đó Trang đăng tải nội dung bán hàng sỉ, lẻ các loại quần áo với giá thành thấp nhằm thu hút khách hàng. Khi người cả tin muốn mua, Trang buộc khách chuyển tiền trước khi gửi hàng. Nhận được tiền của khách, Trang không gửi hàng như cam kết hoặc gửi hàng không đúng như thỏa thuận, hàng kém chất lượng, chặn liên lạc đối với khách hàng nhằm chiếm đoạt tiền.

Để che mắt lực lượng chức năng, Trang chuyển tiền lòng vòng qua nhiều tài khoản, ví điện tử khác nhau. Các tài khoản ngân hàng, ví điện tử do Trang sử dụng được mua trên không gian mạng, làm từ giấy tờ giả, thông tin không có thật. Thống kê ban đầu, Trang sử dụng 16 tài khoản ngân hàng, ví điện tử chính chủ và không chính chủ, nhiều sim rác để hoạt động, tổng giao dịch trong các tài khoản ngân hàng, ví điện tử do Trang sử dụng gần 15 tỷ đồng.

Khó khăn trong phát hiện và xử lý

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều thay đổi trong chính sách kiểm soát hoạt động thương mại điện tử, thắt chặt hơn đối với việc quản lý các website thương mại điện tử bán hàng, các trang mạng xã hội có hình thức chào bán, giới thiệu hàng hóa dịch vụ. Tuy vậy, bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng không tránh khỏi còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực như tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

image_6483441.jpg -0
Hai đối tượng Trương Thị Liên và Nguyễn Thị Thảo đã mua tổng số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm 54 chủng loại, với 13.370 sản phẩm, giá trị hơn 973 triệu đồng.

Các cá nhân lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok... Các hoạt động này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng, nhất là các đối tượng thường thuê căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận trinh sát.

Cùng với đó, hoạt động thương mại điện tử dựa trên hạ tầng về công nghệ, nên trong quá trình kiểm tra, các đối tượng ẩn đi, xóa đi chứng cứ rất nhanh, gây khó khăn cho hoạt động thực thi công vụ. Ngoài ra, đối với các giao dịch trên mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại là rất khó khăn, phức tạp.

Tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội là chủ đề tốn rất nhiều giấy mực, cơ quan quản lý cũng vô cùng đau đầu để xử lý. Người tiêu dùng như thể lạc vào ma trận, thứ duy nhất làm cơ sở chính là niềm tin đối với chủ tài khoản mạng xã hội. Qua tìm hiểu của phóng viên, dù cùng một sản phẩm nhưng mỗi nơi lại bán một giá khác nhau, đặc biệt chúng rẻ hơn rất nhiều so với giá công bố trên website chính hãng của các nhãn hàng, đơn vị nhập khẩu trực tiếp.

Một ví dụ để thấy sự chênh lệch của giá cả được rao bán trên mạng xã hội, sản phẩm viên uống Youtheory Collagen Type 1 2 & 3 chống lão hóa 390 viên, trong khi đơn vị nhập khẩu thông báo giá là 760.000 đồng, thì có không ít người bán với giá khoảng 400.000 đồng.

Tương tự, với sản phẩm HeBora Collagen Enrich, hộp 28 túi được bán trên mạng xã hội với giá 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, giá của các nhà phân phối chính hãng đang là 2,3 triệu đồng.

Không chỉ các loại thực phẩm chức năng, những sản phẩm gắn mác thương hiệu lớn trên thế giới cũng được bán tràn lan, giá cả cũng vô cùng chênh lệch. Chỉ cần gõ tên các thương hiệu nổi tiếng như Hermès, Louis Vuitton, Gucci, Dior... vào ô tìm kiếm, TikTok Shop lập tức thông báo: "Không tìm thấy kết quả". Thế nhưng, chỉ cần gõ lái tên của các thương hiệu này hoặc viết tắt, "cố tình" viết sai chính tả, dùng biểu tượng... hàng nghìn kết quả sẽ hiện ra. Các chủ shop thay tên các thương hiệu nổi tiếng thành HM, Hơ mẹt, Luôn Vui Tươi, Louis Vuituoi.

Để mục sở thị giá của một sản phẩm chính hãng là túi xách Luis Vuitton được một shop hàng hiệu tại Hà Nội niêm yết với giá bán khoảng trên 25 triệu đồng, trong khi đó tìm kiếm trên Facebook, một loạt các loại hàng bán sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng, logo tương tự chỉ với giá trên dưới 100 nghìn đồng. Tức là rẻ hơn vài trăm lần so với hàng chính hãng. Đáng chú ý, trong phần mô tả sản phẩm, chỉ nói là sản phẩm được chị em ưa chuộng, đang hot trên thị trường... Sau đó là loạt quảng cáo về chất lượng như da bền đẹp, đường may chuẩn, chắc chắn..., không hề có nguồn gốc xuất xứ hay thông tin gì về thương hiệu sản phẩm.

Phóng viên muốn có một trải nghiệm hàng hiệu “giá bèo” trên Facebook nên quyết định đặt mua một đôi giày nhãn hiệu “Adidas” với giá 200.000 đồng. Sau khi trải nghiệm, rõ ràng có các vấn đề của một sản phầm hàng giả, hàng nhái với chất liệu kém. Đặc biệt là khi đi vào chân có cảm giác rất cứng và đau. Không những vậy, đôi giày mà phóng viên nhận được chỉ có duy nhất một chiếc tem được đính vào giày, còn lại không có thông tin gì.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc ghi nhãn hiệu đúng quy định của pháp luật, trên tem phải có đầy đủ các thông tin như địa chỉ liên hệ của cơ sở kinh doanh; nguồn gốc xuất xứ; thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo giày; hướng dẫn sử dụng; bảo quản; năm sản xuất.

Ngoài các sản phẩm nhái mẫu mã nói trên, còn có hàng trăm, hàng nghìn những tài khoản bán các sản phẩm ốp lưng điện thoại, giày dép, dây đeo, phụ kiện trang trí... sử dụng logo và tên các thương hiệu nổi tiếng để quảng bá sản phẩm của mình.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa thông tin, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), thu nộp ngân sách nhà nước trên 344 tỷ đồng (tăng 59%). Chuyển cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo: Hình thức làm hàng giả, hàng nhái rất tinh vi, đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hóa phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí... Địa điểm sản xuất thường không đảm bảo vệ sinh công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả. Đáng chú ý, khi thương mại điện tử phát triển, các sàn thương mại điện tử hay các mạng xã hội đang là mảnh đất màu mỡ để nhiều cá nhân lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc và cả hàng cấm.

“Lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu. Trước hết là triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả. Tiếp đến là triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên không gian mạng Internet. Cuối cùng là tổ chức các chuyên đề kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội. Việc kiểm tra, rà soát hàng giả và hàng nhái trên mạng sẽ là ưu tiên số 1 của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến năm 2025”, ông Linh cho biết thêm.

Đinh Hiền
.
.