Phùng Thị Nghệ đã lừa đảo hàng trăm tỷ đồng như thế nào?
Bằng cách tạo ra hình ảnh doanh nhân thành đạt, vẽ ra các kế hoạch “ảo” hoành tráng như kinh doanh xăng dầu, góp vốn mở ngân hàng hoàn hảo với tên gọi “Ngân hàng Ngoại hối Việt Nam”, kêu gọi nhiều cổ đông tham gia đầu tư, người phụ nữ 37 tuổi đã đưa nhiều nạn nhân “vào tròng”, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Nữ “đại gia” và lời mời gọi góp vốn hấp dẫn
Thông tin “đại gia” Phùng Thị Nghệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét vào chiều 6-4-2022 về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không khiến nhiều người ngạc nhiên, bất ngờ… Tuy vậy, tìm hiểu kỹ hành vi của bị can này khi lừa đảo hàng trăm tỷ đồng, nhiều người mới thấy sự “to gan” và liều lĩnh bất chấp hậu quả của người phụ nữ 37 tuổi này.
Cần nói rõ là trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã nhận đơn tố cáo của bà Trương Bạch Tuyết và một số cá nhân khác cùng tố cáo bà Phùng Thị Nghệ đã có hành vi chiếm đoạt hơn 650 tỷ đồng, thông qua việc huy động vốn thành lập ngân hàng. Tuy nhiên, việc thành lập ngân hàng chưa thấy đâu thì những “cổ đông” góp vốn không thể liên lạc được vợ chồng bà Phùng Thị Nghệ. Không những thế, trụ sở công ty, nhà riêng đều cửa đóng then cài…
Trước những hành vi bất thường của cặp vợ chồng này, các nạn nhân đã lập vi bằng, trình báo vụ việc tới cơ quan Công an. Căn cứ vào kết quả xác minh ban đầu, cuối tháng 7-2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và cuối tháng 1-2022 thì có quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Về phía Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh, cơ quan này cũng đã gia hạn điều tra vụ án hình sự lần thứ nhất, thời hạn 4 tháng kể từ ngày 30-11-2021 đến ngày 30-3-2022 đối với vụ án hình sự này.
Bà Trương Bạch Tuyết (sinh năm 1964, ngụ tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết đã quen vợ chồng bà Nghệ qua một người bạn thân và cũng là hàng xóm của bà hơn 20 năm. Ban đầu, bà Tuyết được giới thiệu với vợ chồng bà Nghệ để hợp tác làm ăn ở lĩnh vực thu đổi ngoại tệ và buôn bán xăng dầu. Do nguồn cung không đủ cầu nên Nghệ rủ bà Tuyết hùn 50 tỷ đồng. Sau đó, vợ chồng bà Nghệ tiếp tục kêu gọi bà Tuyết góp vốn thêm hai lần nữa với tổng cộng 56 tỷ đồng. Ở đợt góp vốn này, bà Nghệ đã chuyển cho bà Tuyết khoản tiền lợi nhuận 23,6 tỷ đồng.
Khi bà Tuyết tin tưởng tuyệt đối, bà Nghệ bắt đầu vẽ ra món lợi nhuận khủng hơn bằng cách nói sắp lập “Ngân hàng Ngoại hối Việt Nam” và ưu tiên cho bà Tuyết góp 10% để trở thành cổ đông sáng lập. Bà Tuyết đã về huy động vốn của người thân, bạn bè làm ăn lâu năm rồi nhiều lần chuyển cho bà Nghệ thêm 100 tỷ đồng.
Nghệ lập nhóm chat để thông báo, trao đổi, cập nhật tiến trình thành lập ngân hàng và yêu cầu gia đình bà Tuyết khai hồ sơ đứng tên làm “chủ tịch hội đồng quản trị”, đồng thời gửi con bà Tuyết sang “học việc” ở một ngân hàng lớn tại TP Hồ Chí Minh. Thời gian trôi đi, số tiền bà Tuyết đưa cho bà Nghệ lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng phương án lập ngân hàng không thấy tiến triển. Nghi ngờ nên bà Tuyết lập vi bằng và yêu cầu Nghệ xác nhận số tiền đã nhận. Ngày 15-3-2021, bà Nghệ xác nhận trong vi bằng được lập tại TP Hồ Chí Minh có nội dung: “Vợ chồng tôi đã vay và nhận số tiền của bà Tuyết 260 tỷ đồng”.
Sau nhiều lần hứa hẹn không thành về việc xin giấy phép thành lập ngân hàng, bà Tuyết yêu cầu trả lại tiền. Thế nhưng vợ chồng bà Nghệ liên tục khất lần, khất lữa. Từ đây, bà Tuyết đã tìm hiểu kỹ và biết việc vợ chồng bà Nghệ vẽ ra việc thành lập ngân hàng chỉ là bịa đặt, với mục đích để lừa đảo.
Từ đó, bà Tuyết đã tố cáo vợ chồng bà Nghệ ra Công an TP Hồ Chí Minh tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo bà Tuyết, đây là số tiền bà tích góp cả đời từ nghề buôn bán nhà đất và tiền vay từ những bạn bè, đối tác trong lĩnh vực bất động sản ở phía Nam.
Nhiều nạn nhân rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất
Không chỉ bà Tuyết, nhiều người ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội cũng đã trở thành nạn nhân của bà Nghệ. Và bà Nghệ cũng đã dùng chiêu thức tương tự với bà Tuyết là rủ đầu tư xăng dầu, thu đổi ngoại tệ.
Ban đầu các khoản chi trả lợi nhuận rất đúng hạn, sòng phẳng. Quá trình đưa các nạn nhân vào bẫy, để đánh bóng tên tuổi, vợ chồng bà Nghệ thường đưa các đối tác về nhà riêng, trụ sở công ty ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), giới thiệu cuộc sống sang chảnh, có cả hàng chục chiếc siêu xe, kim cương đắt tiền khiến nhiều người choáng ngợp…
Tận mắt thấy cơ ngơi hoành tráng và sự giàu có của bà Nghệ, các “con mồi” đã hoàn toàn tin tưởng và dễ dàng sập bẫy. Sau khi đã lấy được lòng tin của các đối tác, bà Nghệ cùng những người liên quan tung chiêu kêu gọi góp vốn thành lập ngân hàng để tiếp tục dụ những người góp vốn với số tiền nhiều hơn.
Nhiều nạn nhân của bà Nghệ đã rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất, mất hết nhà cửa, thậm chí nhiều gia đình ly tán, nhiều người từ đại gia đã trở nên trắng tay… Trong đó, một nạn nhân khác là bà P.T.H.H. (ngụ tỉnh Hải Dương) cũng tố cáo bị vợ chồng bà Nghệ chiếm đoạt 170 tỷ đồng thông qua việc góp vốn mở ngân hàng.
Theo bà H., do tin tưởng bà Nghệ là người làm ăn lớn trong lĩnh vực buôn bán xăng dầu nên bà đã gom toàn bộ số tiền tích góp cả đời, bán nhà, bán xe, huy động thêm người thân, bạn bè chuyển tiền cho bà Nghệ.
Những gì bà H. trình bày về thủ đoạn và chiêu thức của bà Nghệ đều tương tự như sử dụng với bà Tuyết và các nạn nhân khác. Bên cạnh việc cố ý tạo vỏ bọc giàu có hào nhoáng, các nạn nhân cho biết bà Nghệ cũng lập nhóm chát trên mạng xã hội để cập nhật các giấy tờ liên quan đến thủ tục lập ngân hàng, nhằm tạo lòng tin cho những người góp tiền. Đến nay họ biết chắc rằng các giấy tờ đó đều là giả mạo.
Đáng nói, phần tiền của các nạn nhân đã đưa cho bà Nghệ, của bản thân họ thì ít, phần lớn vay mượn khắp nơi. Cũng vì hám lợi mà nhiều người sập bẫy, điêu đứng và có người phải trốn nợ…
Khi tiếp nhận đơn tố cáo của các nạn nhân trên, nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Qua xác minh và căn cứ kết quả điều tra vụ án ban đầu, Cơ quan điều tra xác định bị can Phùng Thị Nghệ đã có hành vi: Đưa ra thông tin gian dối về việc thành lập ngân hàng và cam kết, hứa hẹn cho các cá nhân đứng tên cổ phần sau khi ngân hàng được thành lập, mục đích để chiếm đoạt tiền của họ. Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bổ sung và đến nay bắt tạm giam nữ doanh nhân này để mở rộng điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng Phát được thành lập cuối tháng 9-2019 do bà Nghệ cùng một người khác là Đinh Cẩm T. đứng tên đại diện pháp luật. Công ty này thuê văn phòng đặt trụ sở tại tòa nhà Paragon, phường Tân Phú, quận 7.
Công ty Việt Hưng Phát đăng ký kinh doanh đa lĩnh vực như: Kinh doanh hàng hóa bán lẻ; môi giới đấu giá, chứng khoán… Đáng nói, trong danh mục đăng ký có hoạt động lĩnh vực cấp tín dụng khác, cụ thể là hoạt động đại lý đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng và lĩnh vực hoạt động trung gian tiền tệ khác, cung ứng dịch vụ nhận, chi, trả tiền tệ. Tuy nhiên, hơn một năm qua, công ty này đã khóa cửa không hoạt động. Các nạn nhân không liên lạc được với bà Nghệ nên đã tố cáo đến cơ quan Công an.
Sau khi khởi tố, bắt tạm giam bà Nghệ, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang làm rõ vai trò của chồng bà Nghệ, là ông Nguyễn Trần Minh Quân (37 tuổi) và những người liên quan.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị những cá nhân, tổ chức nào đã bị bà Phùng Thị Nghệ chiếm đoạt tài sản, trình báo và cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tại địa số 674 đường 3/2, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh, để phục vụ điều tra.