Rầm rộ mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng

Thứ Tư, 14/06/2023, 15:25

Tài khoản ngân hàng không chính chủ đã và đang trở thành “vũ khí lợi hại” để các đối tượng lừa đảo. Chính vì thế, nhu cầu mua tài khoản ngân hàng ngày càng có xu hướng tăng lên, kéo thị trường “mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng” trở nên sôi động.

Công khai rao bán rầm rộ trên mạng

Qua tìm hiểu của phóng viên, trên các nền tảng mạng xã hội, rất nhiều tài khoản đăng bài có nội dung về việc thu mua, thuê mướn thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán tài khoản ngân hàng” trên Facebook, hàng chục hội nhóm xuất hiện, cụ thể: “Mua bán tài khoản NH - thẻ ATM toàn quốc”, “Mua bán tài khoản NH, thẻ ATM, bank ảo, thẻ visa”, “Mua bán tài khoản NH tên theo yêu cầu”, “Bán tài khoản NH + ATM + rửa tiền”...

Rầm rộ mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng -0
Anh Q.T mua tài khoản ngân hàng có cả thẻ cứng với giá 4,5 triệu đồng.

Để nắm rõ thực hư việc này, phóng viên đã thông qua “chợ đen”, sau đó đặt vấn đề với bên bán tài khoản không chính chủ. Tại đây các đối tượng luôn đặt trạng thái “ẩn danh”, nhưng cũng không quên để lại số điện thoại, Zalo để khách hàng liên lạc. Trên nhóm “Mua bán tài khoản ngân hàng - ATM”, chúng tôi được biết người này có thể cung cấp tài khoản online không chính chủ của tất cả ngân hàng với mức giá chỉ 2,5 triệu đồng. Đặc biệt hơn, nếu khách hàng muốn có thẻ cứng sẽ phải trả 4,5 triệu đồng với mỗi tài khoản bất kỳ.

Về phía người mua, họ chỉ cần đặt cọc trước 500.000 đồng. Khi nhận tài khoản, kiểm tra đầy đủ, người mua mới cần thanh toán số tiền còn lại. Nếu là khách hàng mới, họ sẽ phải thanh toán trước. Người bán hàng cũng không quên “chào bán” cho chúng tôi những tài khoản được gọi là VIP, người này tiết lộ: “Bên em còn nhận làm tài khoản ngân hàng theo yêu cầu nhưng giá hơi cao, khoảng 8,5 triệu đồng. Tài khoản của chị có thể sử dụng full hạn mức giao dịch. Nếu cần tài khoản doanh nghiệp theo tên công ty yêu cầu, mình cũng có thể cung cấp với giá 65 triệu đồng”.

Rầm rộ mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng -0
Những hội, nhóm mua bán tài khoản ngân hàng gần đây xuất hiện nhiều.

Tại nhóm kín “Mua tài khoản ngân hàng”, có tới gần 90 nghìn thành viên, liên tục có những trạng thái mời chào mua bán. Đây được coi là nhóm “hot” nhất trên mạng xã hội, chỉ cần vào bình luận 1 trạng thái của người bán là sẽ nhận được tin nhắn xin số điện thoại để liên hệ trực tiếp. Sau khi ngỏ ý muốn mua tài khoản ngân hàng, chúng tôi đã được gọi điện qua một ứng dụng khác (không phải Facebook).

Quá trình trao đổi, người này báo giá dịch vụ là 1 triệu đồng đối với tài khoản ngân hàng có tên theo yêu cầu. Trong trường hợp mở với số lượng lớn, từ 50 tài khoản trở lên, giá dịch vụ sẽ giảm còn 760.000 đồng/tài khoản. Đặc biệt, khách hàng chỉ cần cung cấp tên tài khoản mong muốn và chuyển 50% số tiền cọc, chưa đến 24h sau, tài khoản sẽ về tay. “Bên em làm rất uy tín, kín kẽ cho người mua, nếu chị muốn mở 50 tài khoản 1 lúc cũng có thể lo được. Tài khoản của bên em có thể sống đến 10 ngày, chị cứ an tâm”, người bán chốt lại trước khi kết thúc cuộc gọi với chúng tôi.

Để an toàn cho việc giao dịch, việc thanh toán khi mua tài khoản ngân hàng “rác” sẽ được thực hiện thông qua các loại tiền ảo như Bitcoin, Ethereum,... thậm chí có trường hợp người bán chấp nhận thanh toán bằng tiền qua cả kênh chuyển khoản trực tiếp. Đặc biệt, sau nhiều vụ việc bị Cơ quan công an phát hiện và xử lý, các đối tượng lừa đảo không dùng mạng xã hội truyền thống mà chuyển sang các nền tảng khác mang tính bảo mật cao, ẩn danh cao như Telegram, WhatsApp để liên lạc, trao đổi, mua bán tài khoản ngân hàng. Bởi lẽ, sau khi giao dịch, toàn bộ nội dung liên lạc trên các nền tảng này có thể được các đối tượng xóa hai chiều, không để lại bất cứ dấu vết nào.

Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo không bao giờ gặp trực tiếp để trao đổi, mà chỉ yêu cầu người cho thuê, bán tài khoản phải gửi qua bưu điện hoặc xe khách đến địa đểm mà đối tượng này cung cấp.

Rầm rộ mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng -0
Chỉ cần bình luận hỏi là sẽ có người trực tiếp liên hệ chào bán tài khoản ngân hàng.

Liên tiếp bắt giữ các đối tượng

Cuối tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố bị can, tạm giam đối tượng Hoàng Văn Nghĩa (34 tuổi, trú tại phố Giữa, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An) về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Nghĩa được một người phụ nữ có tên Sofia, tên tiếng Việt là Ngọc, sống ở Philippines, liên lạc qua ứng dụng Telegram, nhờ mở một số tài khoản ngân hàng và sẽ trả tiền công 100 USD/tài khoản/tháng.

Nghĩa đã thuê, thu mua trên 50 tài khoản của những người thân quen sinh sống tại Cao Bằng, Bắc Kạn và sử dụng trên 100 tài khoản khác nhau. Cơ quan công an xác định, từ tháng 11/2022 đến 4/2023 số tiền chuyển qua các tài khoản này là hơn 978 tỷ đồng. Sau khi trừ tiền thuê tài khoản, hằng tháng Nghĩa hưởng lợi từ Ngọc 60-70 triệu đồng.

Hay điển hình là vụ án Hoàng Thị Thảo (37 tuổi, trú Lạng Sơn). Thảo quen biết người đàn ông Trung Quốc (không rõ lai lịch) và người này nói Thảo tìm, giới thiệu người mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chuyển vào. Cứ mỗi tài khoản ngân hàng được dùng để nhận tiền, chủ tài khoản sẽ được trả 500.000 đồng và cứ mỗi 100 triệu đồng chuyển về tài khoản, chủ tài khoản được nhận thêm 1 triệu đồng.

Riêng Thảo khi đi rút tiền về chuyển cho người đàn ông Trung Quốc trên sẽ được trả 400.000 đồng/lần chuyển, cứ mỗi 100 triệu đồng đổi sang tiền nhân dân tệ thì được nhận thêm 600.000 đồng. Người này còn yêu cầu Thảo không sử dụng tài khoản cá nhân của mình mà phải tìm người khác cung cấp số tài khoản để nhận tiền lừa đảo, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Khi có bị hại chuyển tiền, người Trung Quốc nhắn tin thông báo số tiền hoặc kèm hình ảnh biên lai chuyển tiền để Thảo rút tiền đưa lại cho ông ta. Tính đến ngày bị bắt, Thảo đã sử dụng 3 tài khoản cá nhân của người khác để nhận và chiếm đoạt của 11 bị hại số tiền trên 1,7 tỉ đồng. TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt Thảo 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình cho thuê, mượn, mua bán, mở hộ tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mới đây Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng, chinh nhánh ngân hàng nước ngoài, các cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động rà soát, phát hiện và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm.

Rầm rộ mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng -0
Đối tượng Hoàng Văn Nghĩa tại cơ quan Công an.

Trả lời báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cơ quan ngân hàng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để triển khai kế hoạch khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Dự kiến cuối năm nay, sau khi kế hoạch khai thác dữ liệu hoàn tất thì tất cả tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán sẽ định danh khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip. Đáng chú ý, các giao dịch tại quầy và thanh toán online dự kiến cũng bắt buộc phải xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chip, góp phần giải quyết vấn nạn cho thuê, mượn, mua bán tài khoản ngân hàng.

“Trong một số trường hợp, việc cho các đối tượng thuê, mượn, tài khoản hoặc trực tiếp mở tài khoản ngân hàng và cho thuê có thể dẫn tới việc gián tiếp tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo, khi có ai đó nhờ đăng ký mở tài khoản, thuê mở tài khoản thì người dân cần tỉnh táo, cảnh giác. Nếu phát hiện mình bị lừa, cần thông tin ngay tới Cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu chia sẻ, sở dĩ tài khoản ngân hàng rác tồn tại bởi kẻ xấu có thể thu mua tài khoản từ các bạn sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp. Với nguyên nhân thứ hai, dữ liệu người dùng bị đánh cắp chính là nguồn nguyên liệu đầu vào để tạo ra các tài khoản ngân hàng không chính chủ.

Ở trường hợp thứ ba, kẻ xấu còn có thể bày ra các kịch bản để chủ động đánh cắp danh tính của một người dùng cụ thể. Mục đích của hành động này là thu thập video quay trực tiếp khuôn mặt nạn nhân để phục vụ cho việc xác thực điện tử (eKYC) nhằm qua mặt hệ thống của các ngân hàng. Bằng thủ đoạn đó, chúng có thể tạo tài khoản theo tên một người dùng cụ thể mà nạn nhân chẳng hề hay biết. Những tài khoản ngân hàng “giả nhưng thật” này sau đó sẽ được cung cấp cho phía người đặt mua theo đúng như yêu cầu.

Điều 291, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng như sau:

1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Phong Anh
.
.