Sự hối hận muộn màng của những thanh niên người dân tộc Bru Vân Kiều
Lợi dụng trình độ văn hóa nhận thức còn hạn chế, thời gian gần đây, các đối tượng buôn bán ma túy thường lợi dụng người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vận chuyển, giao dịch mặt hàng này để trả tiền thù lao. Nhiều thanh niên đồng bào DTTS vốn bản tính hiền lành, chưa một lần phạm tội, khi nghe có tiền lại bất chấp, tiếp tay cho các đối tượng để dính vào vòng lao lý. Và hôm nay, khi đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo tỏ ra ăn năn, hối hận; nhưng dường như sự hối hận đó đã quá muộn màng.
Trả giá vì vận chuyển ma túy lấy tiền thù lao
Là người dân tộc Bru Vân Kiều, không được học hành, nhận thức hạn chế nên khi được một đối tượng lạ liên lạc qua messenger để thuê qua Lào đưa ma túy về huyện Hướng Hóa, vùng đối biên sẽ được trả 3 triệu đồng tiền công thì Hồ Văn Nhiên (sinh năm 2005, trú xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã đồng ý. Nào ngờ, số tiền thù lao 3 triệu đồng chưa được nhận thì giờ đây, Nhiên phải đánh đổi bản án 20 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên phạt giữa tháng 8/2024.
Có mặt tại phòng dự khán, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Nhiên không được học hành, không biết chữ, không nghề nghiệp, là con thứ 3 trong gia đình dân tộc Bru Vân Kiều nghèo. Bố của Nhiên đã qua đời và Nhiên sống với người mẹ năm nay đã ngoài 72 tuổi cùng các em nhỏ. Tại phiên tòa xét xử, với vẻ mặt buồn rười rượi, Nhiên đưa ánh mắt gắng nhìn rõ người mẹ già sau gần 1 năm Nhiên chưa được gặp. Để đến được với phiên tòa này, bà Hồ Thị H. cũng vượt chặng đường chừng 200 km từ huyện biên giới Hướng Hóa (Quảng Trị) vào thành phố Huế. Suốt phiên tòa, người mẹ Bru Vân Kiều ngồi khúm núm, lo âu và khi nghe Tòa tuyên con trai mức án 20 năm tù, bà như sét đánh ngang tai khi đường về của con trai bà còn rất xa…
Trở lại hành vi phạm pháp của Nhiên, theo hồ sơ vụ án, ngày 2/10/2023, khi Nhiên đang ở nhà (tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa) cùng với Hồ Văn Doãn và một người tên Năm Ngân (chưa rõ lai lịch) thì một người đàn ông tên Cường liên hệ qua Facebook, yêu cầu Nhiên vượt sông Sê Pôn qua nước bạn Lào, rồi liên hệ với đối tượng tên Tích (không rõ lai lịch) đang ở Lào để lấy ma túy và giao lại cho Hồ Văn Dân và Nguyễn Minh Đức. Khi nghe Cường nói, sẽ trả 3 triệu đồng thù lao khi đi lấy ma túy thì Nhiên đồng ý ngay. Nhiên chưa kịp gọi thì Tích liên lạc trước và yêu cầu Nhiên qua Lào lấy ma túy. Tuy nhiên, đêm đó, do nước sông Sê Pôn dâng cao nên Nhiên lo sợ không an toàn tính mạng nên giao cho Doãn và Năm Ngân qua Lào lấy ma túy. Khoảng 20h cùng ngày, Năm Ngân và Doãn cầm gói ma túy trở về và đưa cho Nhiên.
Sau đó, Nhiên rủ Hồ Văn Mái (sinh năm 2006, trú xã Thanh, huyện Hướng Hóa, cũng là người dân tộc Bru Vân Kiều) cùng đi giao ma túy với mình và hứa sẽ trả 200 nghìn đồng tiền công và Mái đồng ý. Là con thứ 5 trong gia đình có 5 anh chị em có hoàn cảnh khó khăn, Mái bỏ học nữa chừng và không nghề nghiệp. Chính vì vậy khi nghe Nhiên rủ đi giao ma túy liền đồng ý. Mái nghĩ đơn giản “chỉ ngồi sau xe máy một lúc, chẳng mất gì mà lại có được 200 nghìn đồng để uống cà phê…”. Khi Nhiên chở Mái từ nhà đến thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) thì gặp Hồ Văn Dân (sinh năm 2006) và Nguyễn Minh Đức (sinh năm 2005, cùng trú huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Lúc này, Nhiên liên lạc với Cường để trao đổi về việc giao ma túy thì Cường yêu cầu Nhiên tiếp tục đi theo Dân và Đức vận chuyển ma túy vào thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) để giao cho một đối tượng tên Tuấn, nếu không sẽ không được trả tiền công. Thế là Nhiên đành phải đồng ý đi cùng chặng đường gần 200 km để giao ma túy…
Đối với Hồ Văn Dân và Nguyễn Minh Đức trước đó đã được Cường thuê vận chuyển ma túy vào TP Huế với số tiền 5 triệu đồng (mỗi bị cáo được trả 2,5 triệu đồng). Hồ Văn Dân, người dân tộc Bru Vân Kiều cũng bỏ học nửa chừng, không có nghề nghiệp ổn định. Vì vậy, khi nghe Cường thuê vận chuyển ma túy vào Huế sẽ trả 2,5 triệu đồng thù lao nên đồng ý ngay. Khoảng 2h sáng hôm sau, khi Nhiên, Mái, Dân và Đức dừng xe trước nhà nghỉ Diệu Hạnh (3/195 Phan Bội Châu, phường Trường An, TP Huế) để chờ giao ma túy thì bị các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt quả tang, thu giữ 14.185 viên nén là ma túy loại Methamphetamine.
Tại phiên tòa, 3 trong số 4 bị cáo người dân tộc Bru Vân Kiều tỏ ra ăn năn, hối hận với những hành vi mình đã gây ra. Các bị cáo cho rằng, khi được các đối tượng thuê vận chuyển ma túy, các bị cáo cứ nghĩ đơn giản, chịu khó đưa ma túy đi giao thì sẽ có được vài triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Nhưng không ngờ việc chờ giao hàng rồi bị bắt diễn biến nhanh đến mức khiến cho các đối tượng… đơ người, không biết chuyện gì đang xảy ra. Các bị cáo lúc ấy không ngờ sự thất bại của mình lại đến quá sớm như thế…
TAND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên phạt Hồ Văn Nhiên và Nguyễn Minh Đức mỗi bị cáo 20 năm tù, Hồ Văn Dân và Hồ Văn Mái mỗi bị cáo 15 năm tù cùng về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Đối với những người liên quan còn lại trong vụ án, Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý sau…
Đưa ma túy từ vùng biên vào Cố đô Huế tiêu thụ
Không chỉ lợi dụng người dân tộc thiểu số vận chuyển trái phép chất ma túy, các đối tượng còn lợi dụng để thực hiện, giao dịch mua bán ma túy. Đơn cử, ngày 13/8 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với hai bị cáo Trương Đức Công Hậu và Hồ Văn Linh (cùng sinh năm 2006, trú bản Làng Vây, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trong đó, Hồ Văn Linh là người dân tộc Bru Vân Kiều, bỏ học năm lớp 7, không có nghề nghiệp, là con thứ 6 trong gia đình nghèo có 7 anh chị em.
Theo cáo trạng, Hậu và Linh là bạn bè thân, sinh sống và lớn lên tại bản Làng Vây. Thông qua các mối quan hệ xã hội, Hậu quen biết với người phụ nữ tên Đen ở Thừa Thiên Huế (chưa xác định cụ thể nhân thân, lai lịch). Vào ngày 30/9/2023, Đen liên lạc với Hậu đặt mua 2 tấm ma túy hồng phiến và Hậu đồng ý bán với giá 100 triệu đồng. Sau đó, Hậu hỏi Linh tìm nguồn mua ma túy và nếu có lời sẽ chia đôi cho Linh. Nghe Hậu nói chắc như “đinh đóng cột”, tối cùng ngày, Linh gặp nam thanh niên người Lào (chưa xác định được nhân thân, lai lịch) đặt mua 2 tấm ma túy. Trưa ngày 1/10/2023, Linh lấy xe máy chở Hậu đến khu vực phía sau cây xăng Làng Vây, gặp nam thanh niên người Lào để nhận ma túy nhưng chưa đưa tiền. Sau đó, Hậu nói Linh tiếp tục chở Hậu vào Huế để giao ma túy cho Đen và chia đôi tiền lời thì Linh đồng ý.
Vào lúc 17h5 cùng ngày, khi cả hai đang ở phòng 309 nhà nghỉ Vương Quốc trên QL1A (thuộc xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) chờ giao ma túy cho Đen thì bị Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện bắt quả tang. Cơ quan Công an thu giữ trên giường trong phòng ngủ 8.190 viên nén hình trụ tròn màu đỏ và 81 viên nén hình trụ tròn màu xanh, có tổng khối lượng 808,01 gam, là ma túy loại Methamphetamine.
Tại phiên tòa, bị cáo người dân tộc Bru Vân Kiều Hồ Văn Linh chưa một lần vi phạm pháp luật cảm thấy rối bời, chênh vênh và hoảng sợ. Vẻ mặt Linh cũng như những lời nói cho thấy bị cáo rất ăn năn, hối hận. Linh từng thốt lên rằng: Giá như, nếu biết trước phải dính vào tù tội thì bị cáo sẽ không tham gia vào việc mua bán, giao dịch ma túy. Linh xin Hội đồng xét xử xem xét cho Linh một cơ hội để sớm trở về với gia đình... HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Đức Công Hậu và Hồ Văn Linh cùng mức án 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Đó chỉ là hai trong nhiều vụ án ma túy mà các đối tượng vận chuyển, mua bán là người đồng bào DTTS thực hiện mà cơ quan điều tra phát hiện, xử lý thời gian gần đây. Theo một cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Thừa Thiên Huế, các bị cáo là người dân tộc thiểu số phạm tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy” được đưa ra xét xử gần đây đều phạm tội lần đầu; chưa có tiền án, tiền sự; không nghề nghiệp, chưa có vợ con; hoàn cảnh gia đình khó khăn và trình độ nhận thức có phần hạn chế…
Trong quá trình bị tạm giam khi làm việc với cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, xin được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước để có cơ hội sớm trở về với gia đình và đều tỏ ra ăn năn hối hận. Nhưng sự hối hận này dường như đã quá muộn màng, bởi có bị cáo khi chấp hành xong bản án thì tuổi cũng đã quá nửa bên dốc cuộc đời, thậm chí có một số đối tượng còn bị tuyên án chung thân, tử hình. Đây chính là bài học cho các đối tượng đang cố tình bất chấp pháp luật để kiếm tiền.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy ở khu vực người dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều vụ, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức kém và một số thanh niên lêu lổng, không có công ăn việc làm đã bị các đối tượng mua bán ma túy ở ngoại biên và nội địa lôi kéo, mua chuộc, làm chân rết, trung gian trong đường dây vận chuyển ma túy. Trước tình trạng số người đồng bào dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy gia tăng; UBND một số tỉnh có xã, huyện biên giới tăng cường chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục. Các địa phương đã có những giải pháp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo công ăn, việc làm, dạy nghề cho thanh niên, người trong độ tuổi lao động phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, yếu tố vùng miền, đặc biệt là những người sau cai nghiện trở về địa phương nhằm tạo điều kiện để giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Đặc biệt, nâng cao vị thế vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để lan tỏa tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, cùng nhau xây dựng thôn bản không có tệ nạn ma túy. Cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác nắm, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình về ma túy, nhất là khu vực biên giới, các vùng trọng điểm, công tác quản lý các đối tượng liên quan đến ma túy và kiểm tra, giám sát các mô hình phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và hợp tác hiệu quả thực chất về phòng chống ma túy với lực lượng chức năng hai tỉnh đối biên nước bạn Lào...