Thấy gì từ vụ lừa đảo rung chuyển vùng đất lúa
Với thủ đoạn ranh mãnh, tinh vi dưới lớp bọc là một doanh nhân thành đạt, chủ nhiều công ty hoạt động đa lĩnh vực, Võ Thanh Long đã cầm đầu, tổ chức cho các đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành phố với số tiền 159,7 tỷ đồng. Đây là vụ án xâm phạm về sở hữu có quy mô lớn nhất từ khi thành lập tỉnh Hậu Giang đến nay.
Đủ mọi chiêu thức dẫn dụ khách hàng
Đầu năm 2017, lễ khánh thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) diễn ra rầm rộ, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Dù chưa có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hậu Giang, đồng thời chưa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cấp giấy phép hoạt động nhưng với dáng vẻ của doanh nhân thành đạt, Võ Thanh Long (sinh năm 1983), Tổng Giám đốc khu du lịch sinh thái Phú Hữu và là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Bất động sản Cao Thắng đã cùng nhân viên tổ chức hàng trăm đoàn khách tham quan, nhằm kêu gọi góp vốn.
Chỉ trong thời gian hơn 2 năm, Long cùng đồng bọn đã huy động vốn của 816 người ở 39 tỉnh, thành phố trên cả nước với số tiền 159,7 tỷ đồng. Phương thức đa cấp thông qua các hình thức như hợp đồng hợp tác đầu tư; thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì của Công ty Ước mơ Việt để mua cổ phần Công ty Bất động sản Cao Thắng; bán cổ phần Công ty Cao Thắng; bán vé ITO; hợp đồng đại lý bán vé du lịch...
Để thu hút người dân bỏ tiền đầu tư vào công ty của mình, Võ Thanh Long cùng 9 đối tượng khác là chân rết cấp dưới cung cấp thông tin sai sự thật về dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu. Cụ thể, đưa ra thông tin gian dối về dự án cùng với mức lợi nhuận cao khi tham gia 5 hình thức đầu tư. Từ đó, tạo sự tin tưởng kêu gọi góp vốn đầu tư trái pháp luật, chiếm đoạt tiền và sử dụng sai mục đích, dẫn đến mất khả năng thanh toán. Lợi dụng tâm lý thích lợi nhuận cao của người đầu tư, nên dù biết rõ diện tích hơn 100.000m2 đất nhận chuyển nhượng từ Công ty Duy Danh không là tài sản của Công ty Cao Thắng, đồng thời biết rõ tình trạng pháp lý của dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu nhưng Võ Thanh Long với vai trò là tổng giám đốc đã cố ý chỉ đạo cấp dưới là các phó tổng giám đốc cung cấp thông tin sai sự thật về dự án để huy động vốn.
Hoạt động được một thời gian, Võ Thanh Long đã ma mãnh hợp thức hóa việc kêu gọi hợp tác đầu tư sai quy định của Công ty Cao Thắng. Nhận thấy, việc kinh doanh của Công ty Ước mơ Việt không hiệu quả, thua lỗ, không còn kinh phí để chi trả tiền cho đại lý nên Long chỉ đạo cho các phó giám đốc, nhân viên thương lượng, yêu cầu khách hàng thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư vào dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang của Công ty Cao Thắng. Đồng thời, thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì tài sản dân dụng của Công ty Ước mơ Việt để mua cổ phần của Công ty Cao Thắng. Nếu khách hàng đồng ý thanh lý hợp đồng để mua cổ phần sẽ được hưởng các quyền lợi cao như: người mua cổ phần được sở hữu và sử dụng các tài sản của dự án bất động sản, tài sản của công ty; được hưởng các lợi nhuận tăng thêm từ toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất của dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây, đất ở nông thôn sang đất thương mại, dịch vụ; được hưởng lợi nhuận tăng thêm từ nguồn thu hoạt động kinh doanh dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang. Ngoài ra, với hợp đồng của Công ty Ước mơ Việt, khách hàng còn được tặng thêm 10%, 20%, 30%,... tiền mua cổ phần. Đồng thời, Long cùng cấp dưới đưa ra thông tin Công ty Ước mơ Việt ngưng hoạt động, nếu khách hàng không đồng ý thanh lý hợp đồng sẽ mất hết số tiền đã đầu tư.
Từ tháng 4-2018 đến tháng 10-2019, thấy việc kêu gọi hợp tác đầu tư, bán cổ phần không còn thuận lợi nên Long tổ chức nhiều cuộc họp với các thành viên chủ chốt khác trong công ty để bàn bạc về chiến lược kinh doanh vé điện tử (vé ITO) lấy tiền đầu tư xây dựng dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang. Long phân công nhân viên Phòng IT chịu trách nhiệm thiết kế, lập trình website: “ve.phuhuutravel.com” để giao dịch mua bán vé với khách hàng theo phân công. Các nhân viên khác có nhiệm vụ phát triển thị trường kinh doanh, tìm kiếm khách hàng mua vé ITO.
Ngoài một nhóm nhân viên được giao phụ trách thuyết trình, Long cùng tham gia với vai trò là diễn giả chính tại hội thảo để giới thiệu về Công ty Cao Thắng, về dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang và các chính sách, quyền lợi mà khách hàng được hưởng khi mua vé nhằm thu hút nhiều người đầu tư tiền mua vé ITO của Công ty Cao Thắng. Ngoài tiền lương, Long còn chi tiền % doanh số mà Công ty Cao Thắng thu được từ việc bán vé ITO cho các thành viên chủ chốt của công ty.
Khách mua vé ITO sẽ được công ty của Long tạo cho một tài khoản ID để truy cập vào website: “ve.phuhuutravel.com” thực hiện việc kiểm tra số lượng vé, xuất vé bán cho công ty. Tuy nhiên, tất cả chỉ là màn kịch do Võ Thanh Long cùng cấp dưới diễn để lừa khách hàng. Cuối tháng 10-2019, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công thương thông tin: website “ve.phuhuutravel.com” chưa được Công ty Cao Thắng thực hiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công thương theo quy định, chưa tiến hành đăng ký hoạt động...
Tan hoang giấc mộng làm giàu
Với hình thức trực tiếp tư vấn, tìm kiếm khách hàng; mời khách hàng đến Công ty Cao Thắng tham dự hội thảo để mua vé ITO, đồng thời chi % theo doanh số mà khách hàng mua vé ITO cho bộ phận kinh doanh tuyến dưới thuộc hệ thống quản lý với thông tin đưa ra: “Công ty Cao Thắng đã hoàn thiện xong mọi thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật cho dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang, công ty cần huy động vốn để đầu tư xây dựng nhiều công trình, hạng mục cho dự án khu du lịch để kinh doanh du lịch thông qua việc bán vé ITO” và chính sách, lợi nhuận hấp dẫn cho người mua vé: tặng thêm vé khuyến mãi, tặng thêm tiền khuyến mãi khi mua vé ITO tại hội thảo,... và hằng tháng công ty cam kết mua lại 10% vé gốc và 10% vé tặng của khách hàng cho đến khi hết số lượng vé trong tài khoản của khách hàng (khách hàng có quyền để 3 tháng bán một lần thì thu số tiền lợi nhuận càng cao), giá vé được công ty mua lại của khách hàng cao hơn giá vé mà công ty bán ra cho khách hàng tùy theo thời điểm, dựa theo biểu đồ tăng giá vé của công ty.
Tin vào “bức tranh” do Võ Thanh Long và cấp dưới vẽ ra, nhiều trường hợp đã dùng toàn bộ số tiền là tài sản tích lũy từ nhiều năm, có người thấy lợi nhuận cao nên đi vay vốn ngân hàng để đầu tư... với mong muốn cải thiện kinh tế. Tuy nhiên Long cùng đồng phạm đã chiếm đoạt dẫn đến kinh tế gia đình cũng như bản thân nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn. Với hình thức bán vé ITO thông website: “ve.phuhuutravel.com”, có 366 người đã tin tưởng đầu tư với tổng số tiền trên 50,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Vũ (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, vợ chồng ông làm nông, tích góp hơn 5 năm được gần 150 triệu đồng, nghe bà con lối xóm rủ đầu tư vào khu du lịch sinh thái Phú Hữu có lãi cao nên ông nghe theo. Sau 3 lần đi dự hội thảo do các nhân viên của Công ty Cao Thắng chào mời, thấy họ thuyết trình về dự án rất lớn, khả năng sinh lời cao với lãi suất 8-12% mỗi tháng nên vợ chồng ông quyết định đầu tư.
Ông Vũ buồn rầu: “Tôi đầu tư 110 triệu đồng, ít hôm sau vợ tôi đi hội thảo về quyết định đầu tư thêm 30 triệu đồng. Tưởng sẽ được hưởng lãi cao, hưởng tuổi già nhưng không ngờ tiền lãi chưa kịp nhận khi nghe tin Tổng Giám đốc Công ty Cao Thắng bị bắt.Giờ “tiền mất, tật mang”, không biết tiền của vợ chồng tôi có được hoàn trả hay không.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Loan (TP Cần Thơ) cho biết, 4 năm trước, thông qua người quen giới thiệu, bà đem gần 130 triệu đồng đầu tư mua vé điện tử của khu du lịch sinh thái Phú Hữu. Hơn 2 tháng sau, bà được báo lãi hơn 35 triệu đồng nhưng công ty không trả tiền mặt mà quy sang mua vé điện tử đầu tư tiếp, nâng số vốn lên 165 triệu đồng. Cho đến khi Long bị bắt, vỡ lẽ ra thì đã quá muộn màng...
Người dân cần rút kinh nghiệm khi tham gia đầu tư dưới các hình thức, cần tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật; các thông tin có liên quan đến việc đầu tư để tránh trường hợp bị thiệt hại như trong vụ án này. Bên cạnh sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ và hám lợi của các bị hại, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có một phần tắc trách trong công tác quản lý nhà nước nên để Công ty CP Bất động sản Cao Thắng hoạt động trong một thời gian dài (từ năm 2016 đến năm 2019) khi chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý trong từng lĩnh vực hoạt động, kinh doanh, từng hình thức kêu gọi đầu tư của Công ty Cao Thắng.
Trước khi bị bắt, công ty của Võ Thanh Long bị báo chí phản ánh có dấu hiệu sai phạm trong hoạt động kinh doanh, huy động vốn không minh bạch. Liên quan vụ việc này, một nữ nhà báo đã bị TAND TP Cần Thơ tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do nhận tiền của Long để tìm cách gỡ những bài viết: “Lần theo đường dây huy động 600 tỷ đồng cho dự án ma”, “Ve sầu thoát xác”, “Vẽ khu du lịch 1.000 tỷ bằng miệng” đăng trên Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh.
Bản án nghiêm minh, thích đáng
Mới đây, tháng 3-2022, TAND tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Võ Thanh Long mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh trên, 9 bị cáo gồm: Trần Vạn Lợi bị phạt 18 năm tù, Nguyễn Tân Định 16 năm 6 tháng tù, Lê Minh Thu 15 năm 6 tháng tù, Võ Văn Sang 14 năm tù, Lê Thành Nguyên 13 năm tù, Lữ Nhựt Trường và Đỗ Văn Thọ 12 năm tù, Trần Tấn Phát 9 năm tù, Phạm Minh Hoàng 7 năm 6 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX đề nghị các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 816 bị hại. Trong đó, Võ Thanh Long có trách nhiệm bồi thường 80% số tiền chiếm đoạt của các bị hại với giá trị hơn 131 tỉ đồng... HĐXX xác định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, Võ Thanh Long là người chủ mưu, cầm đầu và chỉ đạo các bị cáo còn lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại.