Tích cóp cả đời... nhưng rơi túi người

Thứ Hai, 11/12/2023, 07:08

Chơi hụi là một hình thức góp tiền phổ biến tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước dựa trên thỏa thuận về số thành viên, mức tiền đóng, thời gian khui và lợi nhuận tăng dần qua các chu kỳ hốt hụi. Tuy nhiên, thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để tổ chức các dây hụi có lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tài sản, khiến không ít hụi viên lâm vào tình cảnh tích cóp cả đời cho mình nhưng… rơi vào túi người.

Gia tăng tội phạm liên quan đến chơi hụi

Về bản chất, chơi hụi không phải là vi phạm, bởi nếu thật sự hoạt động đúng quy định, thì đây cũng là một hình thức tiết kiệm có lãi suất. Khi cần vốn để chi tiêu, kinh doanh, có thể hốt hụi để xoay xở, việc đóng hụi lại hằng tháng với một ít lãi suất cũng không quá khó. Một số người dân có đồng vốn nhàn rỗi, không có nhu cầu kinh doanh, thường tham gia chơi hụi để đồng tiền sinh lãi, khi cần có thể rút vốn nhanh; một số trường hợp đời sống còn gặp nhiều khó khăn tìm đến hụi như một hình thức tiết kiệm để vay vốn cải thiện đời sống của mình. Còn về chủ hụi thì được nhận tiền hoa hồng xem như một hình thức trả công khi đứng ra tổ chức dây hụi, mở các kỳ khui hụi, thu gom tiền hụi và chịu trách nhiệm trước các hụi viên.

Đây là một loại hình giao dịch không mới, đã được hình thành theo thói quen lâu đời trong đời sống người dân ở khắp mọi miền của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chơi hụi ngày nay có quá nhiều biến tướng, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn vỡ hụi, giật hụi. Một số đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khiến nhiều hụi viên trắng tay, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo, song thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhất là tại các vùng nông thôn liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tích cóp cả đời... nhưng rơi túi người -0
Việc nhân rộng mô hình “Nhóm tự quản lý hụi trong nhân dân bằng ứng dụng Zalo” đã góp phần phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về hụi.

Điển hình là vụ lừa đảo do Lâm Thị Tám - một phụ nữ có đến 14 năm làm chủ nhiều dây hụi tại vùng nông thôn xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm cũng không thể tránh khỏi việc mất cân đối trong chung chi tiền hụi. Khoảng tháng 5/2021, do không thể bù lấp khoản tiền thiếu các hụi viên, Tám lấy tên khống tham gia 35 phần hụi để hốt hụi và bán hụi khống cho hụi viên khác trong 8 dây hụi mà mình đang làm chủ, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng. Với chứng cứ thu thập được, ngày 11/9/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Lâm Thị Tám để điều tra, xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tương tự là vụ Lê Thị Ngân - vốn là một chủ hụi bị các hụi viên giật tiền lại trở thành kẻ lừa đảo đầy tinh vi. Đầu năm 2021, Ngân đứng ra tổ chức nhiều dây hụi, thu hút đông đảo bà con trên địa bàn xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) tham gia. Tuy nhiên, khi bị hụi viên giật hụi, dẫn đến mất cân đối về tài chính, thay vì trình báo cơ quan chức năng, Ngân lại lập ra nhiều dây hụi khống, để “lấy đầu này lấp đầu kia” nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng của các hụi viên. Với những hành vi đã thực hiện, tin chắc rằng Lê Thị Ngân cũng không quá bất ngờ khi bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố bị can, bắt tạm giam ngày 23/11/2023 vừa qua.

Những kẻ lừa đảo chắc chắn sẽ chịu chế tài nghiêm minh của luật pháp, song đây cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả người dân. Bởi, “chơi hụi - vỡ hụi” điệp khúc này lặp đi, lặp lại nhưng vẫn không ít người mắc phải, mà nguyên nhân chủ yếu là do các hụi viên quá tin tưởng vào chủ hụi. Đa phần những người tham gia chơi hụi thường quen biết nhau, sinh sống cùng địa phương nên chỉ dựa vào lời nói, lòng tin đối với chủ hụi, không tìm hiểu các dây hụi, thành viên tham gia, thậm chí không trực tiếp đến khui hụi, việc gom và giao hụi đều do chủ hụi thực hiện. Những việc này vô tình tạo sơ hở cho các chủ hụi thực hiện hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trên thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận, điều tra, xử lý 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chơi hụi, ước tính thiệt hại tài sản lên đến trên 80 tỷ đồng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp thụ lý, điều tra các vụ án lừa đảo bằng hình thức chơi hụi trên địa bàn, Thiếu tá Trương Minh Đương, Phó Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Thực tế cho thấy rủi ro từ việc chơi hụi là rất cao. Bởi, hụi thường phổ biến ở các vùng nông thôn, người dân ít có điều kiện được tìm hiểu, cập nhật những quy định của pháp luật, trong khi đó thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Mặt khác, việc chơi hụi thường thỏa thuận lời nói dựa vào sự tin tưởng giữa các thành viên nên người dân dễ cả tin, mất cảnh giác, rơi vào cạm bẫy lợi nhuận cao, đến khi có vụ việc vỡ hụi xảy ra thì khó có cơ sở pháp lý để kiện chủ hụi ra tòa, bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, làm rõ các vụ án mà việc thu hồi tài sản cho các hụi viên cũng gần như bất khả kháng”.

Phòng ngừa rủi ro

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hụi, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hụi trên địa bàn tỉnh. Trong đó chỉ đạo các địa phương thống kê thông tin về hụi, vận động chủ hụi thực hiện thông báo khi tổ chức dây hụi theo đúng quy định; xử lý các hành vi vi phạm hành chính đối với các trường hợp không chấp hành theo quy định. Đồng thời, khi có vụ việc vỡ hụi xảy ra, phải khẩn trương lập danh sách, thống kê số lượng hụi viên tham gia; phân loại, xác định tính chất, mức độ vi phạm; hướng dẫn người dân liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để thụ lý, giải quyết. Bên cạnh đó, công an các cấp trong tỉnh tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về hụi đến đông đảo người dân, tập trung vào đối tượng là chủ hụi, hụi viên, tiểu thương, người buôn bán nhỏ tại các chợ, các địa điểm tập trung buôn bán hàng hóa, lao động nông thôn...

Tích cóp cả đời... nhưng rơi túi người -0
Đối tượng Lâm Thị Tám lấy tên khống tham gia nhiều dây hụi, chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Trần Minh Trí, Phó Trưởng Công an thị xã Giá Rai, trên địa bàn phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai có 73 chủ hụi, 1.095 hụi viên tham gia. Tuy nhiên, việc chơi hụi vẫn còn nhiều sơ hở, tiềm ẩn nguy cơ chủ hụi có thể lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, tháng 4/2022, Công an thị xã phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh thành lập mô hình “Nhóm tự quản lý hụi trong nhân dân bằng ứng dụng Zalo”, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đưa việc chơi hụi phát triển lành mạnh, có sự quản lý của cơ quan chức năng, hạn chế thấp nhất nguy cơ vỡ hụi, giật hụi xảy ra trên địa bàn”.

Theo đó, “Nhóm tự quản lý hụi trong nhân dân bằng ứng dụng Zalo” được xây dựng theo hình thức mô hình tự quản, được thành lập bằng chức năng “Tạo nhóm” trên ứng dụng Zalo, sau đó chủ hụi sẽ kết nạp các hụi viên đang tham gia trong dây hụi vào nhóm để thông báo các thông tin có liên quan đến dây hụi, như: Ngày mở hụi, số lượng thành viên, thông tin của hụi viên, người hốt hụi, số tiền bỏ hụi mỗi kỳ hốt... qua đó giúp các hụi viên kiểm tra, theo dõi thông tin, tình hình diễn biến dây hụi nhằm phòng ngừa, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng tổ chức hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với những hiệu quả mang lại, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm tại phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai, mô hình này được nhân rộng ở nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, góp phần phòng ngừa hiệu quả tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hụi. Song, với những rủi ro mang lại từ việc chơi hụi, người dân vẫn phải thận trọng trong việc lựa chọn tham gia các dây hụi, cần tìm hiểu kỹ về chủ hụi, nắm vững các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như những vi phạm pháp luật trong quá trình chơi hụi.

Xây dựng hành lang pháp lý trong xử lý vi phạm về hụi

Trên thực tế, việc chơi hụi đã được quy định cụ thể, chi tiết tại nhiều văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có Nghị định số 19 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường và Nghị định số 144 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự. Do đó, để phòng ngừa, xử lý hiệu quả các vi phạm liên quan đến hụi, thời gian qua, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động phối hợp với ban, ngành... rà soát, thống kê các nhóm hụi hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến hụi để người dân nắm, thực hiện; đồng thời, nắm chặt tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu các cấp, các ngành xử phạt hành chính đối với các vi phạm về hụi hoặc điều tra, xử lý hình sự nếu có yếu tố tội phạm.

Theo Nghị định số 19, về hình thức thỏa thuận, chủ hụi và hụi viên phải thỏa thuận bằng văn bản có công chứng; phải thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi. Về trách nhiệm của chủ hụi, phải thông báo đầy đủ về số lượng dây hụi, phần hụi, kỳ mở hụi hoặc số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ; có trách nhiệm giao các phần tiền hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi; phải lập giấy biên nhận cho thành viên khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi... Nếu vi phạm các quy định trên, có thể bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng. Ngoài ra, khi mở từ 2 dây hụi trở lên hoặc 1 dây hụi mà giá trị của một lần khui từ 100 triệu đồng trở lên thì bắt buộc chủ hụi phải thông báo bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú nắm, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-10 triệu đồng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ hụi phải tuân thủ về lãi suất, nguyên tắc về việc tổ chức các dây hụi không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Tuy nhiên, rủi ro phát sinh tranh chấp do hụi viên chậm đóng tiền, bị giật hụi, vỡ hụi... là khó tránh khỏi. Trường hợp có tranh chấp về hụi, chủ hụi và hụi viên có thể giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chủ hụi, hụi viên có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

“Những hành vi vi phạm về hụi nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng hoặc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật. Việc áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự liên quan đến hoạt động chơi hụi, đã góp phần xây dựng hành lang pháp lý trong phòng ngừa, kéo giảm tội phạm, vi phạm pháp luật về hụi, hạn chế tối đa tình trạng vỡ hụi tại địa phương”, Thiếu tá Trương Minh Đương cho biết thêm.

Từ một hình thức góp vốn để hỗ trợ lẫn nhau, giờ ngày một biến tướng với những rủi ro, hệ lụy đau lòng. Đã đến lúc mỗi người dân tự cảnh giác và trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia chơi hụi. Song, thiết nghĩ người dân nên cân nhắc chọn lựa các hình thức khác để đầu tư, tiết kiệm phù hợp, an toàn, để những đồng tiền tích cóp của mình không rơi vào túi những kẻ lừa đảo.

Đức Văn – Trọng Nguyễn
.
.