Tiến sĩ dỏm dạy kiếm tiền siêu tốc

Chủ Nhật, 07/01/2024, 10:45

“Chỉ cần 30 phút mỗi ngày, bạn sẽ trở thành một người thành công, nếu không đầu tư bây giờ thì đợi đến khi nào? Mùa tết ấm no, hạnh phúc là đây...” - Đó là những lời quảng cáo mĩ miều của các “chuyên gia, diễn giả, tiến sĩ” tự xưng nổi lên trên thế giới mạng trong thời gian gần đây, kéo theo nhiều nạn nhân sập bẫy, mất tiền tỷ chỉ trong... một nốt nhạc.

Tham thì... thâm

Nhiều người thiếu kiến thức về kinh doanh, đầu tư tài chính, chứng khoán nhưng lại ham làm giàu, khát vọng được làm giàu càng nhanh càng tốt, nên chỉ với vài mánh khóe, chiêu trò hoặc vài câu “chém gió”, kẻ lừa đảo dễ dàng kích thích, dụ dỗ, đánh trúng tâm lý những người nhẹ dạ, cả tin. Dù chiêu thức lừa đảo chẳng hề mới nhưng nạn nhân vẫn “rồng rắn” dính bẫy khi ngày Tết cổ truyền đang cận kề.

Ngày cuối năm 2023, chị H.M.V (28 tuổi, ngụ Q Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) nhận được cuộc gọi của người đàn ông xưng là nhân viên sàn chứng khoán Hồng Kông, mời chị tham gia nhóm đầu tư chứng khoán cấp tốc dịp Tết này để có cơ hội nhận về khoản lợi nhuận khổng lồ. Tò mò xem họ sẽ làm gì, chị V. đồng ý kết bạn Zalo và được add vào nhóm “đầu tư siêu tốc” của “tiến sĩ” Lê Hoàng Dũng.

Tiến sĩ dỏm dạy kiếm tiền siêu tốc -0
Nạn nhân đến cơ quan Công an trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tiền qua hình thức đầu tư tài chính.

Nhóm có 26 thành viên, do “tiến sĩ” Dũng đứng lớp, dạy mỗi ngày 30 phút vào lúc 19h. Để tạo niềm tin cho học viên mới, mọi người trong nhóm thi nhau khoe, người thì vừa “hốt” được phi vụ 2 tỷ đồng, người lại “nổ” sáng đầu tư 100 triệu, chiều đã kiếm lời 148 triệu. Để thêm vào bản hòa tấu lừa đảo, “tiến sĩ” Lê Hoàng Dũng trưng ra hàng loạt giấy chứng nhận học hàm, học vị, bằng khen của các tổ chức quốc tế cấp cho vị này. Một số người trong nhóm không ngần ngại tung lệnh chuyển tiền, số dư tài khoản lên làm bằng chứng thuyết phục “con nai vàng ngơ ngác”.

Chị V. lúc đầu còn ngờ ngợ, nhưng khi được tận mắt nhìn thấy các loại giấy tờ giao dịch ngân hàng, số dư tài khoản của thành viên khóa học tham gia đầu tư siêu cấp đã khiến chị xiêu lòng và tin tưởng. “Tiến sĩ” Dũng hướng dẫn chị tải app về điện thoại, cách nạp tiền vào ngân hàng được chỉ định, cách đầu tư khôn khéo ra sao để có thể thu về số tiền lời nhanh chóng.

Đầu tiên, chị V. nạp vào tài khoản 10 triệu đồng cho mã chứng khoán X.Z.V. Vài tiếng sau, số dư của chị hiện lên 17 triệu đồng và chị có thể chuyển sang tài khoản riêng của mình để rút tiền mặt bất cứ lúc nào. Quả thật, chị V. đã rút thành công 17 triệu đồng. Không còn gì nghi ngờ nữa, chị tiếp tục nạp tài khoản lần hai 30 triệu vào mã Q.X.O dưới sự hướng dẫn vô cùng chuyên nghiệp của “tiến sĩ online”. Lần này, chị nhận về 68 triệu đồng, lời đứt 38 triệu.

Các thành viên trong nhóm cũng hồ hởi khoe kiếm lời rất nhanh sau khi xuống tiền đầu tư chứng khoán. Đúng là làm giàu không khó, kiếm tiền rất nhanh mà chẳng phải hao tâm tổn sức nhiều. Lần thứ ba, chị V. gom tất cả những gì mình đang có, đi vay mượn thêm để “chốt hạ” con FTS 120 triệu đồng. Xuống tiền xong, tài khoản của chị tăng lên 250 triệu đồng. Chị định bụng sẽ rút toàn bộ và lặng lẽ “chuồn” nhưng “tiến sĩ” Dũng cao tay hơn chị. Lệnh rút tiền của chị bị chặn, với yêu cầu phải nộp 30% tiền hoa hồng thế chân thì mới được rút, buộc chị V. phải nộp thêm 40 triệu nữa vào tài khoản. Làm đúng theo yêu cầu của “tiến sĩ” nhưng chị V. vẫn không rút được tiền đầu tư. Do thực hiện nhiều lần mã lệnh rút tiền nên tài khoản của chị bị khóa và mãi mãi không thể mở được. Biết bị lừa, chị V. đã gửi đơn tố cáo lên Cơ quan công an.

Tiến sĩ dỏm dạy kiếm tiền siêu tốc -0
Nội dung trao đổi về việc chuyển tiền giữa nạn nhân với đối tượng lừa đảo.

Các nạn nhân tham gia chương trình “làm giàu siêu tốc, kiếm tiền không khó” đều bị dẫn dụ bằng một chiêu thức rất cơ bản, đó là được chứng kiến sự giàu có, tiền bạc, nhà lầu, xe sang của các chuyên gia, diễn giả hoặc các học viên trong khóa học. Họ nhanh chóng bị “sập bẫy” từ những mánh khóe rất tinh vi của nhóm lừa đảo.

Cùng là nạn nhân của hình thức lừa đảo này, mới đây, anh P.N.T (40 tuổi, ngụ TP Pleiku, Gia Lai) đã đến Cơ quan công an trình báo việc mình bị chiếm đoạt 2 tỷ đồng từ một cuộc gọi mời tham gia đầu tư chứng khoán để kiếm thêm tiền trong dịp Tết này. Người gọi cho anh T. giới thiệu tên Lý Hà Phương, nhân viên sàn chứng khoán Hồng Kông. Sau khi kết bạn Zalo, anh T. được Phương cho xem các giấy tờ pháp lý, giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư, giấy phép kinh doanh hoạt động của công ty.

Phương cam kết đầu tư sẽ hưởng lợi nhuận cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, nếu đầu tư thua lỗ sẽ đền bù thiệt hại, đảm bảo người đầu tư sẽ không mất mát gì. Ngoài ra, mua các mã cổ phiếu thông qua các app, website sẽ được ưu đãi thấp hơn so với giá đang giao dịch trên các sàn chứng khoán nhiều lần.

Sau nhiều lần thuyết phục, anh T. đồng ý và được cho vào nhóm Zalo do "tiến sĩ online" Nguyễn Trí Hiếu trực tiếp hướng dẫn đầu tư chứng khoán. Hằng tuần, vào lúc 19 giờ từ Thứ hai đến Thứ sáu, "tiến sĩ online" Nguyễn Trí Hiếu trực tiếp giảng dạy về kiến thức giao dịch chứng khoán, cách mua bán cổ phiếu. Các đối tượng còn hướng dẫn anh T. tạo tài khoản, cách thức nạp, rút tiền, mua bán cổ phiếu trên ứng dụng đã tải về trên điện thoại. Ngoài việc hướng dẫn đầu tư, những người trong nhóm liên tục khoe tin nhắn, bằng chứng về việc đã kiếm được bao nhiêu tiền, khoe đi ăn chơi, du lịch, khoe nhà đẹp, xe sang... rất bắt mắt.

Lần thứ nhất, anh T. chuyển số tiền 60 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để đầu tư chứng khoán. Sau khi chuyển tiền đầu tư, tài khoản chứng khoán của anh T. trên ứng dụng có được lợi nhuận hơn 1,8 triệu đồng. Anh được quyền rút số tiền lời này về tiêu.

Lần thứ hai, anh tiếp tục chuyển 40 triệu đồng để tham gia tiếp thì được các đối tượng khuyên "đầu tư càng lớn, lợi nhuận càng cao". Tin tưởng, anh T. đã chuyển nhiều lần với số tiền cả gốc và lãi là 1,8 tỷ đồng để tham gia. Khi anh T. làm lệnh để rút toàn bộ số tiền trên ứng dụng về tài khoản ngân hàng của mình thì các đối tượng không cho rút. Chúng yêu cầu anh phải đóng 15% hoa hồng trên lợi nhuận, đóng thuế thu nhập cá nhân mới được rút tiền. Anh T. tiếp tục chuyển 671 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của các đối tượng, nhưng vẫn không rút được tiền. Biết bị lừa, nạn nhân đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan công an.

Tiến sĩ dỏm dạy kiếm tiền siêu tốc -0
Chị V. vẫn hy vọng sẽ lấy lại được số tiền đã đầu tư.

Trước tình trạng nhiều nạn nhân bị lừa đảo qua hình thức đầu tư tài chính, chứng khoán, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản thẻ ATM, đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định cho bất kỳ người nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch người đó. Người dân cũng cần cảnh giác các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán online; không làm theo những hướng dẫn, mời chào của các tài khoản cá nhân, nhóm trên Zalo, Facebook, Telegram...

Ngoài ra, tuyệt đối không kết bạn, nhắn tin với người lạ, đặc biệt những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn cùng lời chào mời đầu tư sinh lời cao... Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người phải nhanh chóng báo ngay với Cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

“Miếng mồi” đầu tư tài chính

Làn sóng “đầu tư tài chính online” cũng đang tràn về Đắk Lắk với hơn 40 nạn nhân dính bẫy, bị lừa hơn 64 tỉ đồng. Ngày 2/1/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị này đang điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua mạng xã hội với quy mô lớn bằng hình thức kêu gọi “đầu tư tài chính” rồi chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của các nạn nhân.

Cụ thể, vào tháng 3/2023, chị D. (ngụ TP Buôn Ma Thuột) thấy trang tin quảng cáo trên mạng xã hội Facebook có nội dung “Không ai phá sản với 300.000 đồng nhưng với 300.000 đồng bạn đầu tư, bạn có thể kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày”. Tò mò, chị D. bấm vào xem và để lại thông tin thì có người lạ kết bạn Zalo mời gọi đầu tư. Chị D. làm theo hướng dẫn, nạp thử số tiền 300.000 đồng thì nhận được số tiền 500.000 đồng.

Sau đó, chị D. được đối tượng hướng dẫn, mời gọi tham gia gói đầu tư 100 triệu đồng sẽ được nhận 4,8 tỉ đồng. Chị D. nạp tổng cộng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn thì bị chiếm đoạt.

Tương tự, tháng 8/2023, anh T. (ngụ huyện Krông Bông) nhận được điện thoại giới thiệu mời tham gia quỹ đầu tư để được chia cổ phần lợi nhuận. Anh T. làm theo hướng dẫn và nạp tổng số tiền 5,4 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn thì bị chiếm đoạt. Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2020 đến năm 2023, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, các đối tượng chưa rõ nhân thân, lai lịch đã kết bạn và mời gọi nhiều người tham gia đầu tư tài chính online.

Ban đầu, các bị hại làm theo hướng dẫn, thử đầu tư số tiền ít thì thấy có sinh lời và rút tiền về được. Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển số tiền nhiều hơn thì nhận được thông báo sinh lời số tiền lớn nhưng khi rút tiền thì không thực hiện được. Lúc này, các đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau yêu cầu bị hại nộp thêm tiền để được nhận toàn bộ tiền gốc và lợi nhuận về. Tuy nhiên, khi bị hại làm theo thì bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nộp.

Tiến sĩ dỏm dạy kiếm tiền siêu tốc -0
Luật sư Nguyễn Thành Biên.

Để bản thân không trở thành miếng mồi béo bở của đối tượng lừa đảo, người dân cần cảnh giác, không nên tin vào những lời dụ dỗ bỏ tiền có lãi lớn, đầu tư siêu tốc như lời giới thiệu của các đối tượng lừa đảo đưa ra, người dân tuyệt đối không nên nghe và làm theo lời dụ dỗ về việc đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán, càng tuyệt đối không nên đánh cược vào sự may rủi.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các website đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía người chủ quản hoặc công ty chủ quản, cũng như không tham gia các trang kêu gọi đầu tư “tiền ảo", các sàn giao dịch “tiền ảo”... Bởi vì toàn bộ các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép, theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)

Ngọc Hoa
.
.