Trẻ cần được bảo vệ sớm hơn

Thứ Bảy, 08/01/2022, 09:15

Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng độ nóng từ vụ án mẹ kế bạo hành con chồng 8 tuổi đến chết vẫn chưa “hạ nhiệt”. Động thái mới nhất đó là hồ sơ vụ án đã được Công an quận Bình Thạnh chuyển đến Văn phòng cơ quan CSĐT  - Công an TP Hồ Chí Minh để thụ lý theo thẩm quyền. Từ kết quả phục hồi dữ liệu camera đã bị xóa, việc thay đổi tội danh đang được xem xét.

Tội ác này sẽ được xử lý theo trình tự “án điểm” bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nó, nhưng điều khiến lương tâm chúng ta day dứt là giá như cháu bé được bảo vệ sớm hơn. Năm 2021 đã qua với nhiều ám ảnh về thân phận trẻ em sống trong đòn roi dưới những mái nhà thiếu tình thương.

Đơn độc trong bạo lực

Từ hôm 22-12-2021, khi thông tin vụ mẹ kế hành hạ con chồng là bé N.T.V.A  tới chết đến với cộng đồng, báo chí vẫn tiếp tục bám sát sự việc, chuyển tải đến xã hội nhiều luồng ý kiến. Bên cạnh những lời oán trách, lên án, yêu cầu xử lý các đối tượng liên quan về hành vi giết người, thì cũng có không ít độc giả cay đắng đưa ra câu hỏi: vì sao chúng ta có một hệ thống khá hùng hậu để bảo vệ trẻ em, từ cấp Trung ương tới cơ sở, có đủ hành lang pháp lý về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, mà thỉnh thoảng cả nước lại chấn động bởi những cái chết tức tưởi vì đòn roi của người lớn như thế.

Trẻ cần được bảo vệ sớm hơn -0
Nguyễn Võ Quỳnh Trang, kẻ hành hạ cháu N.T.V.A dẫn đến tử vong

Năm 2021 vừa qua đi với những thông tin ám ảnh về nạn bạo hành trẻ em. Đầu năm, vụ bé gái N.H.B (SN 26-6-2006, trú tại tổ dân phố Cầu Đơ 4, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) bị mẹ bạo hành, cha dượng xâm hại đã gây xôn xao dư luận. Kết quả điều tra xác định, trong quá trình sống cùng mẹ đẻ và Phạm Thanh Tùng – (bạn trai của mẹ), cháu B thường xuyên bị mẹ đánh đập dã man.

Sau mỗi trận đòn, trên lưng, tay, chân, khắp người bé chỗ nào cũng có vết lằn roi đến tụ máu. Không những thế, mỗi lần mẹ đi ngủ hoặc ra ngoài, cháu B lại bị Tùng ép quan hệ tình dục với gã. Sự việc chỉ bị phát giác khi một người bác của B thấy cháu gái mình đầy mình thương tích, hỏi chuyện rồi trình báo với cơ quan chức năng.

Tối 4-8-2021, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip dài khoảng hơn 4 phút ghi lại cảnh một người đàn ông đang đánh đập dã man một cháu bé tại nhà, khiến cộng đồng mạng dậy sóng với hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Không lâu sau, kẻ thủ ác được xác định là Lê Hoài Nam (SN 1992, tạm trú tại khu phố Bình Qưới B, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).

Trẻ cần được bảo vệ sớm hơn -0
Nguyễn Võ Quỳnh Trang, kẻ hành hạ cháu N.T.V.A dẫn đến tử vong

Nạn nhân là cháu B.N.P.A (5 tuổi), con riêng của chị N.H.T. (29 tuổi), người đang chung sống như vợ chồng với Nam. Kết quả điều tra xác định khoảng 20h ngày 3-8, sau khi đã uống rượu, Nam cho rằng cháu A. hay nói dối mình và nhớ lại mâu thuẫn giữa Nam với cha ruột của bé nên gã chửi mắng, đe dọa và dùng tay, chân đánh liên tiếp nhiều cái vào người cháu A. Điều đáng nói là việc bạo hành diễn ra ngay trước mắt chị T. nhưng không có động thái can ngăn.

Ngày 16-9, cháu L.H.A (6 tuổi, ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị bố đẻ là L.T.C. (SN 1978) dùng dùng đũa, thanh tre và cán chổi đánh chết khi dạy học cho con nhưng cháu A. chậm tiếp thu.  Sự việc còn chưa lắng xuống thì cộng đồng lại tiếp tục bàng hoàng trước thông tin ngày 23-11, Ngô Văn Dự (SN 1983, tạm trú tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) bóp cổ rồi dùng tay đấm liên tục vào phía sau gáy cháu N.C.T. (1 tuổi, là con riêng của người tình là chị Đ.) vì cháu khóc đòi mẹ, khiến cháu T. chết tại chỗ.

Đầu tháng 12, Trần Văn Khởi (SN 1995, trú tại thị trấn thứ 11, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) đánh đập cháu L.T.T.V. (3 tuổi, là con riêng của người tình) dẫn đến tử vong, vì lỗi “tè dầm”. Sau khi gây án, Khởi cùng vợ “hờ” đã đưa thi thể nạn nhân đi chôn rồi bỏ trốn. Ngay sau đó, Khởi bị bắt giữ khi đang lẩn trốn trên địa bàn TP. Rạch Giá, Kiên Giang…

Các vụ án trên tuy diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng đều có điểm chung nhất là nạn nhân đều vô cùng đơn độc khi hứng chịu những trận đòn roi như “đòn thù” của cha mẹ, hay người sống cùng dưới một mái nhà.

Trẻ cần được bảo vệ sớm hơn -0
Một đối tượng bạo hành trẻ em bị bắt giữ.

Trẻ không có khả năng tự vệ, cũng không thể tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài, nên nỗi xót xa của người ở lại khi các cháu đã vĩnh viễn ra đi, đó là những sinh mệnh thuần khiết đó bị vùi dập không thương tiếc bởi sự độc ác, nóng giận và vô cảm không có giới hạn của người lớn.

Chỉ khi án mạng đã xảy ra, kẻ thủ ác bị cơ quan Công an bắt giữ, điều tra, báo chí đăng tải… thì người hàng xóm cận kề rồi các cơ quan, ban ngành có chức năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở địa phương mới biết. Mọi tiếng nói hay động thái khi ấy, là quá muộn.

Giải mã về động cơ xuống tay tàn bạo đối với con trẻ của những người ruột thịt hay gần gũi với nạn nhân, cô giáo Đào Kim Hoa (Trường THCS Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) lại “truy” trách nhiệm của… hàng xóm trong những cái chết tức tưởi ấy. Bà cho rằng chính sự vô cảm trước các biểu hiện bị bạo hành của những người xung quanh, đã tiếp tay cho tội ác.

“Dường như, trong sâu thẳm nhiều người  vẫn mang quan niệm việc dạy con là “chuyện nhà người ta”, xen vào là “mất lịch sự”, cũng có thể là do suy nghĩ có “rỗi hơi” mới lo chuyện “bao đồng”. Ở đô thị, lối sống “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, hàng xóm không biết nhau, không giao lưu trò chuyện, không quan tâm đến những chuyện không liên quan đến mình, không mang lại lợi ích cho mình… là rất phổ biến, nên nhiều người không thể biết chuyện gì đang xảy ra bên nhà hàng xóm.

Cũng có thể người ta nghe thấy tiếng quát mắng, tiếng trẻ khóc vì bị đòn roi… nhưng thực sự không để tâm. Điều này khiến cho các hành vi bạo hành gia đình với phụ nữ, trẻ em không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Nhìn sâu vào những sự việc đau lòng này, chúng ta tự cho phép mình đứng ngoài câu chuyện, vô tội và có quyền phán xét, đổ lỗi, mà quên nhìn lại chính mình đã làm gì trong các tình huống tương tự”, bà Hoa nói.

Trẻ cần được bảo vệ sớm hơn -0
Đối tượng Phạm Thanh Tùng xâm hại tình dục con gái riêng của vợ

Theo bà Hoa, ở nhiều gia đình vẫn duy trì nếp suy nghĩ kỷ luật bằng bạo lực với trẻ em là điều cần thiết. Nhiều người viện dẫn câu xưa “thương cho roi, cho vọt” để giải thích cho thói quen dùng vũ lực, đòn roi mỗi khi trẻ nghịch ngợm, trái ý hay kết quả học tập không như mình mong muốn. Thực ra, việc phạt đòn con trẻ khi mắc lỗi là khá phổ biến trong sinh hoạt của nhiều gia đình Việt Nam từ xưa đến nay.

Tuy nhiên, ranh giới giữa dạy bảo và trút giận khá mong manh. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những gì có tính chất tàn tích cổ hủ, đi ngược lại với quyền cơ bản của con người, cần phải thay thế, loại bỏ. Trong đó, việc lạm dụng đòn roi để giáo dục con người thay vì tình thương yêu của cha mẹ, là vi phạm đạo đức và pháp luật về quyền trẻ em.

Kỹ năng cần thiết

Từ thực tiễn công tác điều tra các vụ án hình sự, Trung tá Nguyễn Văn Sơn (Phòng CSHS – Công an TP Hà Nội) cho biết có những dấu hiệu “lâm sàng” để sớm nhận biết, một đứa trẻ bị bạo hành. Biểu hiện về thể chất đó là trên cơ thể trẻ có những vết bầm tím, vết cắt, vết bỏng do thuốc lá hoặc các vết thương khác mà trẻ không thể giải thích được, hoặc sự lý giải của trẻ không logic với cơ chế hình thành dấu vết, thương tích đó.

Trong đó, rất đáng lưu ý nếu trên người trẻ có các dấu vết thương tích cũ và mới chồng chéo nhau, các thương tích hay vết hằn như ở tay, thắt lưng, Ngoài ra những bệnh khá rõ ràng của trẻ nhưng không được điều trị y tế. Bên cạnh đó, trẻ có thể tỏ ra đau đớn, khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, né tránh mọi sự đụng chạm, có thể mặc quần áo không phù hợp với thời tiết, ví dụ mùa hè mặc áo dài tay để che vết thương.

Trẻ cần được bảo vệ sớm hơn -0
Cháu N.H.B (SN 2006) bị mẹ bạo hành, cha dượng xâm hại.

Về biểu hiện tâm lý, trẻ có thái độ sợ hãi cha mẹ, không muốn hoặc bật khóc khi phải trở về nhà, luôn cảnh giác cao độ, có vẻ chán nản, sợ hãi, luôn thu mình, không kết bạn, tự cô lập mình ra khỏi các hoạt động chung. Có trẻ quay sang ngược đãi động vật hoặc vật nuôi. Tại các khu dân cư, nơi xảy ra bạo hành trẻ em, thường có tiếng la mắng, quát tháo của người lớn, tiếng khóc, thét, kêu la của trẻ, tiếng động chạm, đổ vỡ.

Từ những dấu hiệu này, người thân không ở cùng nhà, hàng xóm, thầy cô giáo có thể nhận biết những vấn đề bất thường đang xảy ra đối với trẻ. Khi đó, với trách nhiệm pháp luật quy định và lương tâm con người, cần gợi cho trẻ kể về câu chuyện của mình.

Với trẻ ở các cấp học mẫu giáo, mầm non, các cô bảo mẫu cần lưu ý đến thái độ không bình thường của trẻ, nếu kiểm tra thấy trên người có dấu vết thương tích, cần cung cấp thông tin cho lãnh đạo nhà trường, cơ quan tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em trên địa bàn hoặc Công an các phường, xã nơi mình cư trú, để kịp thời có biện pháp giải quyết.

Đào Trung Hiếu
.
.