Truy vết đường đi của thuốc chữa ung thư giả, hé lộ những góc khuất

Thứ Tư, 10/11/2021, 07:40

7 loại thuốc giả nhãn mác Công ty Health 2000 được đăng ký nhập khẩu và đã tiêu thụ tại Việt Nam gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, ảnh hưởng không lường tới sức khỏe người sử dụng. Truy vết đường đi của thuốc giả, những góc khuất dần được hé lộ, trong đó ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng những người có liên quan được cho là đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý nhập khẩu và tiêu thụ thuốc giả tại Việt Nam.

Hàng trăm nghìn hộp thuốc chữa ung thư giả

Các vụ án liên quan đến Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và đồng phạm buôn lậu thuốc chữa bệnh, buôn bán thuốc chữa bệnh ung thư giả xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác được khởi tố, điều tra từ năm 2014. Mở rộng các giai đoạn điều tra, hiện nay Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự: “Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược, Bộ Y tế”.

Trải qua các giai đoạn điều tra, những góc khuất của đường dây buôn bán thuốc chữa bệnh giả được sáng tỏ, đường đi của hàng trăm nghìn hộp thuốc chữa ung thư giả được truy vết, với nhiều tình tiết có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến nhiều cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, nhiều công ty kinh doanh dược phẩm trong, ngoài nước. Đặc biệt hơn, những sai phạm liên quan đến cán bộ cao cấp là lãnh đạo tại Bộ Y tế.

Truy vết đường đi của thuốc chữa ung thư giả, hé lộ những góc khuất -0
Cơ quan An ninh Điều tra thực hiện việc khám xét tại trụ sở Bộ Y tế.

Ngày 3-11-2021, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Trước đó, trong 14 bị can bị Cơ quan An ninh khởi tố ngoài Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng 7 người khác về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” quy định tại khoản 4, Điều 194 BLHS thì hàng loạt cán bộ chuyên môn là “mắt xích” quan trọng trong việc thẩm định hồ sơ loại thuốc đã thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế, thậm chí đã lợi dụng quyền hạn được giao, tự ý thẩm định lại hồ sơ loại thuốc, tự ý thay đổi kết quả đánh giá đề xuất từ “không cấp sổ đăng ký” sang “bổ sung hồ sơ”.

Trong đó có các bị can Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược; Phạm Hồng Châu, nguyên Trưởng Phòng Đăng ký thuốc Cục Quản lý dược và Lê Đình Thanh, công chức Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, Điều 360 BLHS. Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc Cục Quản lý dược, bị khởi về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS.

Cho đến khi ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố bởi những vi phạm liên quan đến vụ án trong thời gian ông Trương Quốc Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược thì dư luận lại một lần nữa hoang mang bởi những quy định chặt chẽ của pháp luật về quy trình cấp phép thuốc được đặt ra lại bị chính những người thực thi nhiệm vụ “bẻ cong” tiếp tay cho những vi phạm của doanh nghiệp, để thuốc giả được tiêu thụ tại Việt Nam, vì những mục đích cá nhân, mà tính mạng của người dân được đem ra “đặt cược”.

Truy vết đường đi của thuốc chữa ung thư giả, hé lộ những góc khuất -0
Bị can Trương Quốc Cường.

Ông Trương Quốc Cường sai phạm như thế nào?

Theo nội dung vụ án, trước khi bị can Võ Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C (Công ty H&C) làm giả hồ sơ, chứng từ, ký kết hợp đồng ngoại thương để nhập khẩu, thông quan 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet (H-Capita) chữa bệnh ung thư không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ thì vào khoảng giữa năm 2012, bị can Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma đã liên hệ với Võ Mạnh Cường để đặt mua 4 loại thuốc mang nhãn mác Công ty Health 2000 Inc. Canada, gồm: Kaderox-250, Kafotax1000, H2K Levofloxacin infusion 500mg/100ml (H2K Levofloxacin) và H2K Ciprofloxacin infusion 200mg/100ml (H2K Ciprofloxacin). Việc thỏa thuận, mua bán, ký kết hợp đồng nhập khẩu, thông quan, tiêu thụ 4 loại thuốc này tại VN Pharma có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể có 7 loại thuốc Công ty Helix Pharmaceutical Inc. Canada sản xuất do VN Pharma đứng số đăng ký, gồm: H2K Levofloxacin 250 H2K Levofloxacin 500; RH-Levo 500; 9H2K Levofloxacin 750; SH2K Ciprofloxacin 200; H2K Ciprofloxacin 400; H-Cipox 200 được các chuyên gia thuộc Bộ Y tế thẩm định, cấp phép, thẩm định cấp sổ đăng ký. Đồng thời các chuyên gia phải thẩm định, cấp “Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam” (Giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam) cho Công ty Helix Pharmaceutical Inc. Canada. Nhưng, toàn bộ quá trình này đều diễn ra một cách “thiếu trách nhiệm”.

Trong đó,  Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý dược, là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Cục Quản lý dược và là người trình lãnh đạo Bộ Y tế quyết định việc cấp phép đăng ký thuốc. Tuy nhiên, ông Trương Quốc Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng hoặc được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền trực tiếp điều hành phiên họp hội đồng xét duyệt thuốc đối với 7 loại thuốc; thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc. Dẫn đến hồ sơ đăng ký 7 loại thuốc giả nhãn mác Công ty Health 2000 được đăng ký nhập khẩu và đã tiêu thụ tại Việt Nam với trị giá trên 151 tỉ đồng.

Truy vết đường đi của thuốc chữa ung thư giả, hé lộ những góc khuất -0
Bị can Nguyễn Thị Thu Thủy.
Truy vết đường đi của thuốc chữa ung thư giả, hé lộ những góc khuất -1
Bị can Nguyễn Việt Hùng.

Không dừng lưu hành kể cả khi nhận thông tin thuốc giả

Tháng 8-2014, Cục Quản lý dược có nghi ngờ về giá thuốc kê khai và giá trúng thầu tại Sở Y tế TP. Hồ chí Minh với các lô thuốc H-Capita  trên, Cục Quản lý dược đã tiến hành rà soát các công ty sản xuất thuốc tại Canada và có công văn gửi Đại sứ quán Canada tại Việt Nam xác minh thông tin về các công ty dược của Canada hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, nhận được phúc đáp qua email từ một đơn vị thuộc Bộ Y tế Canada: Helix và Health 2000 không còn giấy phép hoạt động, không có sản phẩm thuốc còn hiệu lực tại Canada. Tuy nhiên, cho rằng email chưa rõ ràng, chưa có tính pháp lí nên Cục Quản lý dược làm văn bản yêu cầu phía Canada trả lời bằng văn bản, đồng thời không có động thái dừng lưu hành thuốc trên tại thị trường Việt Nam.

Theo lời khai của ông Trương Quốc Cường tại cơ quan điều tra thì: Đối với các thông tin, tài liệu Cục Quản lý dược nhận được từ thời điểm 2014 chưa đủ cơ sở để dừng lưu hành các thuốc mang nhãn mác Health 2000, chưa đủ cơ sở để nghi ngờ về nguồn gốc thuốc. Với cương vị là Cục trưởng, ông Trương Quốc Cường đã chỉ đạo đơn vị chức năng liên hệ, đề nghị phía Canada trả lời chính thức bằng văn bản để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên phía Canada không có văn bản trả lời nên ông Cường đã chỉ đạo chuyển thông tin liên quan, đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an phối hợp xác minh. Trong khi chờ kết quả trả lời chính thức và kết quả xác minh, Cục Quản lý dược đã có văn bản đề nghị hải quan tạm dừng nhập khẩu đối với loại thuốc trên.

Truy vết đường đi của thuốc chữa ung thư giả, hé lộ những góc khuất -0
Hàng trăm nghìn hộp thuốc chữa ung thư bị phát hiện là giả.

Rõ ràng, sau khi các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng bị can Trương Quốc Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy đối với thuốc Health 2000 đã nhập khẩu trong nước. Hậu quả là, sau ngày 21-11-2014, 15 Sở Y tế các tỉnh, thành phố vẫn tiến hành mua bán, đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng trị giá trên 3,7 tỉ đồng để điều trị cho người bệnh.

Kỷ luật nhiều lãnh đạo bệnh viện, Bộ Y tế

Từ ngày 2 đến ngày 4-11-2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 8 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau: Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đã vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng, quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai gồm: Nguyễn Quang Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; Nguyễn Quốc Anh - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc; Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện. Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Minh Tuấn - Bí thư chi bộ, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế; Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình y tế trọng điểm kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế, Bộ Y tế.

Khiển trách các ông: Nguyễn Trường Sơn - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Thế Thịnh - Bí thư chi bộ, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền; Vũ Tuấn Cường - Đảng ủy viên Bộ Y tế, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý dược; Nguyễn Trí Dũng - Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 và các ông, bà: Nguyễn Thị Kim Tiến - Trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Trương Quốc Cường - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật một số tổ chức đảng và đảng viên có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm đã nêu; đồng thời, yêu cầu Ban Cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với các tổ chức đảng, đảng viên khác có liên quan.

Kim Sa
.
.