Vấn nạn “cát tặc” ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 13/05/2022, 08:02

Hoạt động khai thác cát trái phép ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hết sức phức tạp, khó kiểm soát, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở. Từ 2016 đến nay, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn trên 13.000 tỉ đồng để khắc phục sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Tuy nhiên, khối lượng cát được báo cáo và lượng khai thác thực tế rất khó kiểm soát, tình trạng khai thác trái phép diễn ra thường xuyên.

Lợi dụng làm dự án để khai thác cát trái phép

Ông Nguyễn Văn Lịch là chủ doanh nghiệp Tân Hiệp Phát 3, trụ sở tại huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long), với ngành nghề kinh doanh xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng và khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Năm 2007, ông Lịch được UBND huyện Mang Thít cho thuê 65.781m2 đất mặt nước ở xã Mỹ An, với tiền thuê 75 đồng/m2/năm, triển khai dự án nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm liền, ông Lịch không thực hiện. Năm 2015, Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, kiến nghị UBND huyện Mang Thít lập thủ tục thu hồi dự án. Đến năm 2019, ông Lịch mới triển khai dự án, sau đó nhiều hộ dân ven sông phản ánh chủ đầu tư lợi dụng việc này khai thác cát trái phép.

Vấn nạn “cát tặc” ở Đồng bằng sông Cửu Long -0
Hoạt động khai thác cát sông ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Ngày 19-5-2021, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Vĩnh Long phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát khu vực ông Lịch đang triển khai dự án, phát hiện khu vực này có xáng cạp bơm hút bùn, đất, cát từ dưới lòng sông, việc này diễn ra khoảng một tháng. Ông Lịch thừa nhận việc dùng xáng hút bơm bùn, đất, cát từ lòng sông để đắp bờ ao cá nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Kết quả đo đạc xác định, phần bùn, đất, cát bơm san lấp đê bao là hơn 5.200m3.

Ông Lịch trình bày nguồn gốc vật liệu san lấp, gồm: nguồn bơm từ dưới sông Cổ Chiên khoảng 1.000m3; lấy đất từ trong khu đất thuê để san lấp khoảng 3.000m3 và phần còn lại khoảng 1.200m3 lấy từ các mỏ cát và mua nơi khác chở đến. UBND huyện Mang Thít đã tiến hành trưng cầu giám định mẫu tang vật, kết quả xác định mẫu tang vật là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (khoáng sản là cát). Ông Lịch thống nhất và đồng ý với kết quả giám định nhưng sau đó có đơn xin trưng cầu giám định lại. Ông Nguyễn Hùng Phú, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mang Thít cho biết, kết quả giám định lần 2, mẫu tang vật được xác định là sét pha xám nâu thay vì là cát. Vì vậy, UBND huyện Mang Thít phải tiến hành giám định mẫu lần 3 nên đến nay việc vi phạm dù đã xảy ra một năm nhưng vẫn chưa xử phạt chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản trái phép.

Vấn nạn “cát tặc” ở Đồng bằng sông Cửu Long -0
Công an tỉnh Trà Vinh thành lập, kiện toàn 4 chốt kiểm tra trên sông Hậu và sông Cổ Chiên.

Vi phạm của ông Lịch có thể xem là minh chứng cụ thể cho hoạt động khai thác khoáng sản (cát sông) trái phép trên các tuyến sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Doanh nghiệp xin dự án sau nhiều năm không triển khai, đến khi ngành chức năng kiểm tra mới phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Tỉnh Vĩnh Long có 39 mỏ khai thác khoáng sản (cát sông) đã được cấp phép mới và gia hạn giấy phép hoạt động trên tuyến sông Tiền (3 mỏ), sông Hậu (14 mỏ) và sông Cổ Chiên (22 mỏ). Theo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long, hiện có 19 khu vực mỏ đã ngưng hoạt động do giấy phép khai thác đã hết hạn. Bên cạnh các mỏ được cấp phép, trên tuyến sông Tiền và sông Cổ Chiên, vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát sông trái phép, chủ yếu ở khu vực giáp ranh với Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, gồm: khu vực xã Bình Hòa Phước đoạn giáp ranh với tỉnh Bến Tre và Tiền Giang; xã Đồng Phú đoạn giáp ranh với tỉnh Tiền Giang; xã An Phước đoạn giáp ranh với huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre); xã Thanh Bình đoạn giáp ranh với huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) và huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre).

Vấn nạn “cát tặc” ở Đồng bằng sông Cửu Long -0
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngô Phú Cường (Cường “cát”).

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, thủ đoạn của các đối tượng đối phó với cơ quan chức năng ngày càng tinh vi, chủ yếu hoạt động vào ban đêm ở các địa bàn giáp ranh các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh; thuê người cảnh giới nắm hoạt động của lực lượng chức năng; thay đổi thời gian liên tục; thông tin cho nhau khi có lực lượng chức năng kiểm tra; các chủ phương tiện không trực tiếp điều khiển phương tiện mà thuê mướn người từ nơi khác, gây khó khăn cho công tác xử lý.

Trong năm 2021, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Long phát hiện 20 vụ, 37 đối tượng vị phạm, đã xử lý hành chính 15 vụ, 26 đối tượng, chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố 4 vụ... Những tháng đầu năm 2022, phát hiện 3 vụ, 8 đối tượng, kiến nghị xử phạt hành chính 2 vụ, 6 đối tượng với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. 

Khai thác khoáng sản tràn lan, không phép, nhất là cát sông đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng. Trên tuyến sông Cổ Chiên và sông Hậu, có gần 100 phương tiện với tải trọng từ 25 tấn đến 50 tấn có gắn các thiết bị bơm, hút cát, trong đó có khoảng 35 phương tiện có gắn hệ thống máy hút cát (hoán cải công năng) để khai thác cát trái phép. Đa số các phương tiện vi phạm không có đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm. Còn đối với các mỏ cát được cấp giấy phép khai thác thì sử dụng phương tiện khai thác cát không đúng số lượng, chủng loại đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực mỏ được phép khai thác.

Vấn nạn “cát tặc” ở Đồng bằng sông Cửu Long -0
Phương tiện khai thác cát trái phép trên sông bị bắt giữ.

Đánh mạnh cát tặc để cứu các dòng sông

Mới đây, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh trực tiếp khảo sát thực địa trên 100km dọc tuyến sông Hậu và sông Cổ Chiên, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp sát hợp với thực tế, đấu tranh mạnh với “cát tặc”. Công an tỉnh Trà Vinh thành lập thêm 3 chốt ngày đêm theo dõi, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến sông Cổ Chiên và sông Hậu, đặt tại khu vực ấp Rạch Kinh (xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành), ấp Rẩy A (xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang) và ấp An Bình (xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè), đồng thời kiện toàn chốt kiểm tra tại khu vực Cồn Hô (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long).

Thượng tá Trương Thị Hồng Tám, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, sau hơn một tháng cao điểm ra quân đã phát hiện 23 vụ vi phạm. Cụ thể có 2 vụ khai thác cát sông không có giấy phép, còn lại chủ yếu vi phạm về hóa đơn, chứng từ và giao thông đường thủy. Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chuyển hồ sơ xử phạt 12 vụ và cơ quan điều tra đang xác minh xử lý 7 vụ đối với 7 cá nhân và một tổ chức có dấu hiệu vi phạm về “Mua bán hóa đơn trái phép”.

Trong cao điểm ra quân, hoạt động khai thác cát sông trái phép, vận chuyển mua bán khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ trên tuyến sông Hậu và sông Cổ Chiên, cơ bản được kiểm soát chặt chẽ. Các đối tượng có biểu hiện nghi vấn khai thác cát sông trái phép trước đây không dám hoạt động, giá cát trên thị trường vì thế tăng từ 10-20%. Lãnh đạo Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, sẽ cương quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Vấn nạn “cát tặc” ở Đồng bằng sông Cửu Long -0
Khai thác cát quá mức và trái phép - một trong các nguyên nhân chính gây sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cuối tháng 4-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang, đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngô Phú Cường (thường gọi là Cường “cát”, SN 1974, ngụ Long Xuyên) điều tra về tội “Trốn thuế”. Cường “cát” trực tiếp quản lý điều hành hoạt động kinh doanh mua bán cát của 4 công ty, trong đó Công ty TNHH Phú Cường do Cường đứng tên đại diện pháp luật và Công ty TNHH MTV Sông Thoại do con gái đứng tên. Từ năm 2016 đến năm 2020, Cường “cát” trực tiếp giao dịch mua bán cát với một số công ty trong và ngoài tỉnh, với doanh thu hơn 63 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền doanh thu này, Cường “cát” không xuất hóa đơn khi xuất bán cát, không ghi chép vào sổ sách kế toán và kê khai thuế. Căn cứ kết luận giám định của Cục Thuế tỉnh An Giang, số tiền thiệt hại giảm nộp ngân sách do Cường “cát” trốn thuế là hơn 19 tỷ đồng.

 Việc Cường “cát” bị khởi tố để điều tra đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, tình hình trốn thuế tài nguyên, khoáng sản diễn biến phức tạp, cơ quan điều tra không chỉ làm rõ hành vi vi phạm liên quan đến vụ án của Cường “cát” mà còn mở rộng làm rõ các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế và xử lý nghiêm. Công an An Giang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các hoạt động khai thác và kinh doanh mua bán cát bất hợp pháp của các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan, tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn.

Văn Vĩnh
.
.