Xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”: Hé lộ những góc khuất…

Thứ Bảy, 15/07/2023, 07:17

Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đang xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Tại phần thẩm vấn các bị cáo trong nhóm tội Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ, câu chuyện hậu trường của việc tổ chức những chuyến bay giải cứu dần được hé lộ.

Từ lời khai của các bị cáo, việc doanh nghiệp muốn thực hiện những chuyến bay giải cứu thì qua cấp nào phê duyệt cũng phải "chung chi", để có được sự cấp phép của bất cứ bộ, ngành nào từ phê duyệt, tổ chức đến tiếp nhận công dân đều được "ngã giá". Người ta ra giá theo từng chuyến bay, theo từng khâu, từng bước, thậm chí ngã giá tính trên số lượng đầu người. Để có được một suất vé giải cứu, mỗi công dân phải gánh trên vai mọi chi phí, trong đó có cả chi phí "hối lộ"," bôi trơn".

Chuyện hậu trường cấp phép những “chuyến bay giải cứu”

Tại phần thẩm vấn những bị cáo thuộc nhóm tội "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ", bức tranh phía sau công tác cấp phép cho những chuyến bay giải cứu công dân trong dịch bệnh được hé lộ. Các bị cáo đều khai bị cán bộ ở Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) yêu cầu phải chi tiền "bôi trơn" thì mới cấp phép chuyến bay giải cứu. Đáng chú ý, một số bị cáo khai ngay cả khi tổ chức chuyến bay giải cứu đưa người lao động, sinh viên đang mắc kẹt vì dịch COVID-19 về nước cũng bị yêu cầu chung chi từ 6-10 triệu đồng/người.

Xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”: Hé lộ những góc khuất… -0
Phiên xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”.

Bị cáo Đào Minh Dương (chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vijasun) nhiều lần khẳng định nếu không đưa tiền "bôi trơn" thì sẽ bị gây khó khăn trong xin cấp phép chuyến bay giải cứu. Ông Dương cho biết, xin cấp phép được 17 chuyến bay và đã tổ chức được 22 chuyến bay giải cứu, do có chuyến bay nhỏ phải tách làm 2 chuyến. Thời gian đầu nộp hồ sơ cấp phép tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhiều lần cục trưởng là bà Nguyễn Thị Hương Lan yêu cầu phải chi tiền. Do không đưa tiền nên doanh nghiệp của ông Dương thường xuyên bị gây khó bằng cách ngày mai bay thì hôm trước mới được thông báo.

Bị cáo Dương khai bị ép phải đưa tiền "bôi trơn" cho cán bộ thuộc Bộ Y tế và Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Bị cáo đến gặp Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) và được yêu cầu muốn tổ chức chuyến bay phải chi 150 triệu một chuyến. Nếu không đưa tiền sẽ không được phê duyệt. Tại phòng họp của Bộ Y tế, bị cáo từng chứng kiến ông Kiên quát một số chủ doanh nghiệp, yêu cầu phải nộp tiền 150 triệu. Số tiền này có thể đưa cho ông Kiên hoặc đưa cho Vũ Anh Tuấn (Phó Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh).

Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G19) khai sử dụng 2 pháp nhân để xin cấp phép chuyến bay giải cứu. Thông qua mối quan hệ cá nhân, bà Hạnh liên hệ, đặt vấn đề và được cấp phép 12 chuyến bay. Bà Hạnh thừa nhận đã 4 lần đưa tiền cho Phạm Trung Kiên với tổng số là 1,2 tỉ. Bị cáo có tham khảo một số công ty khác và được khuyên nên gửi quà... cảm ơn!

Bị cáo Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Thuận An, khai sau 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó, đến lần thứ 9 công ty mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên. Để được cấp phép chuyến bay đầu tiên, theo bị cáo Thắng, "việc này suôn sẻ do đã chi 600 triệu đồng cho Cục trưởng Cục Lãnh sự". Ngay sau đó, Thắng nhận được điện thoại của Kiên và Tuấn, yêu cầu lên gặp nói chuyện. Vũ Anh Tuấn nói rõ là phải chi 150 triệu đồng cho mỗi chuyến để báo cáo sếp thì mới được cấp phép. Kiên cũng đưa ra giá tương tự. Bởi thế, sau đó bị cáo đã chuyển cho Kiên và Tuấn.

Cũng tại phiên xét xử, các bị cáo khai để tổ chức chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước, các bị cáo phải chung chi cho "đại sứ quán" Việt Nam tại nước ngoài. Bị cáo Dương khai, trong một lần tổ chức chuyến bay giải cứu đưa người dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Angola về nước thì tìm đến ông Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola) nhờ giúp đỡ. Ông Minh đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục cất, hạ cánh tại Angola. Ông Minh đưa ra một số điều kiện, tất cả người về phải cho xem danh sách, khi ông đồng ý mới được bán vé và mỗi vé phải chi cho ông Minh 3 triệu.

Xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”: Hé lộ những góc khuất… -0
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tại tòa.

Bị cáo Đào Thị Chung Thúy (lao động tự do) cho biết có mối quan hệ với bị cáo Lý Tiến Hùng (khi thực hiện chuyến bay giải cứu đang là cán bộ đại sứ tại Liên bang Nga). Bị cáo biết ông Hùng phụ trách lưu học sinh tại Nga, nên liên hệ để đặt vấn đề đưa sinh viên đang du học bị mắc kẹt vì dịch COVID-19 về nước. Ông Hùng đưa ra giá chung chi khoảng 500 USD trên một sinh viên tham gia chuyến bay giải cứu về nước. Ông Hùng đã lập danh sách công dân Việt Nam gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có khách của Thúy, đa phần là sinh viên đang du học tại Nga.

Từ lời khai của các bị cáo đưa hối lộ tại phiên xét xử, có thể nhận thấy việc chung chi giữa doanh nghiệp và những cán bộ, lãnh đạo liên quan diễn ra đều có bàn bạc, có ngã giá, có mặc cả để cùng nhau hưởng lợi.

Nhận tiền như... thói quen

Trong vụ án này, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là một trong 8 cựu quan chức Bộ Ngoại giao bị truy tố tội Nhận hối lộ. Ông Dũng khai thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, nhu cầu đồng bào về nước rất cao, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay, song còn nhiều vướng thủ tục. Với tinh thần "lắng nghe, tiếp thu những ý kiến giãi bày khó khăn để hướng dẫn, đánh giá năng lực" của doanh nghiệp trước khi cấp phép, ông đã đồng ý tiếp trong phòng làm việc. Bị cáo Dũng thừa nhận 13 lần nhận tiền cảm ơn của doanh nghiệp với số tiền lên tới 21,5 tỉ đồng nhưng không nghĩ mình làm sai, không nghĩ mình lợi dụng chức vụ mà chỉ đơn thuần đây là tiền "cảm ơn" của doanh nghiệp (?!).

Đáng chú ý, trong số các bị cáo có Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Bị cáo Lan khai, các công văn liên quan đến chuyến bay về nước được gửi về Cục Lãnh sự. Sau đó, Cục lập danh sách tổng hợp theo tiêu chí của tổ công tác 5 bộ và cơ sở số lượng chuyến bay; chọn các doanh nghiệp đủ điều kiện, đưa vào danh sách đề xuất để bị cáo báo cáo cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Bị cáo Lan xác nhận, có một số doanh nghiệp do lãnh đạo bộ, ngành giới thiệu, bị cáo có gặp. Bị cáo có gặp và nhận quà của một số người với số tiền lên tới... 25 tỉ đồng.

Bị cáo Phạm Trung Kiên khai nhận làm thư ký thứ trưởng, bị cáo chỉ tiếp nhận từ các đơn vị chuyên môn, trình thứ trưởng xét duyệt các chuyến bay "giải cứu".

Trả lời xét hỏi, bị cáo Kiên cho biết, các doanh nghiệp đưa tiền có vài trường hợp quen biết trước, còn lại chủ yếu là khi có phát sinh công việc liên quan đến tổ chức các chuyến bay giải cứu thì doanh nghiệp mới liên hệ để nhờ giúp đỡ. Bị cáo nhận tiền của các doanh nghiệp liên quan đến chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu hoặc liên quan đến số khách lẻ số tiền lên đến... 42 tỉ.

Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khai, với chức năng, nhiệm vụ là giúp việc cho các lãnh đạo Chính phủ, bị cáo không có chức năng thẩm định, đề xuất. Bản thân bị cáo không có thẩm quyền ngăn chặn, bác bỏ các văn bản nhưng có thể góp ý với Phó Thủ tướng, vì vậy bị cáo nhận tiền của doanh nghiệp 4,2 tỉ đồng.

Tại phiên xét xử, nhiều vị quan chức đã rơi nước mắt nói lời xin lỗi vì đã nhận hối lộ, nhưng sự bao biện của phần đông đều cho rằng nhận thức của mình khi nhận tiền là không sai phạm, mà nhận theo một trình tự, thủ tục công khai, một “thói quen” nhận quà cảm ơn của các doanh nghiệp trong các dịp lễ, tết, dịp đặc biệt, gặp gỡ. Nhưng, không có vị quan chức nào đưa ra hoài nghi về việc có bất thường hay không khi doanh nghiệp "cảm ơn" hàng chục, thậm chí nhiều chục tỉ đồng (?).

Xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”: Hé lộ những góc khuất… -0
Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam.

Cách ly cũng... tiền!

Trong 21 cựu quan chức bị đưa ra xét xử, có 2 bị cáo bị buộc tội nhận hối lộ để duyệt ký cho doanh nghiệp được đưa công dân về địa phương cách ly. 2 bị cáo là Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Đây là những vị lãnh đạo đảm nhận vai trò là Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Họ chính là người có thẩm quyền trực tiếp duyệt, ký công văn đồng ý cho doanh nghiệp đưa công dân về cách ly tại địa phương. Họ đã tận dụng triệt để quyền lực để vừa thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ nhưng vẫn được... hưởng lợi.

Bị cáo Trần Văn Tân khai nhận có gặp Lê Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky. Hằng đặt vấn đề về việc tỉnh Quảng Nam giúp Công ty Bluesky đưa người về cách ly y tế tại Quảng Nam. Đây là chủ trương chung của Chính phủ nên bị cáo đã đồng ý. Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận, Hằng đã đưa cho bị cáo 9 lần, tổng số tiền 5 tỉ đồng. Về số tiền 5 tỉ đồng, bị cáo Trần Văn Tân cho rằng, thời điểm đó, bản thân bị cáo nhận thức là tiền của doanh nghiệp, không phải tiền của Nhà nước. Những lần đưa tiền cho bị cáo, Hằng đưa ra nhiều lý do khác nhau. Có lúc bị cáo Hằng nói tiền cảm ơn, tiền sinh nhật. Lúc đầu, bị cáo định trả lại cho Hằng, sau đó do tình hình dịch bệnh, bị cáo chưa trả được. Tuy nhiên, lời khai của Tân bị cho là "xảo biện" bởi chủ tọa phiên tòa lập luận, nếu là lần thứ nhất, bị cáo có thể lập luận và cho rằng đó là họ cảm ơn, nhưng thực tế việc này xảy ra tới 9 lần (?!).

Bị cáo Chử Xuân Dũng khai nhận, thời điểm đầu dịch COVID-19, bị cáo là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội và sau đấy là Phó trưởng ban. Bị cáo điều hành toàn bộ công tác phòng, chống dịch và cách ly y tế của TP Hà Nội. Quá trình thực hiện việc cách ly y tế tại Hà Nội đã có nhiều doanh nghiệp liên hệ để được tạo điều kiện nhưng bị cáo đều từ chối vì nhận thức được trách nhiệm của mình (?). Bị cáo Chử Xuân Dũng thừa nhận hành vi nhận tiền khoảng 2 tỉ đồng để giúp một số doanh nghiệp được phép đưa công dân về Hà Nội cách ly.

Những lời khai của các bị cáo trong phiên xét xử khiến nhiều người ngậm ngùi, đằng sau chính sách nhân đạo vì dân của Nhà nước lại có một bộ phận những người đương chức trục lợi. Có những lời cảm thán tại phiên xét xử được thốt lên, người Việt Nam mình sang nước ngoài chủ yếu là lao động, chủ yếu là du học sinh thì thu nhập không thể bằng nước sở tại được. Nước sở tại khi dịch bùng ra đương nhiên họ ưu tiên công dân của họ, còn công dân của mình thì làm sao có tiền để chi phí theo như mức thu nhập ở nước đó. Đó là lý do tại sao Nhà nước có những chuyến bay như vậy. Nhưng, cái khó, cái khổ vẫn đổ lên đầu đồng bào khi phải cõng trên lưng cả lợi nhuận doanh nghiệp, phí hối lộ quan chức.

Từ đầu năm 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt 372 chuyến bay combo. Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với đồng bào hồi hương giữa đại dịch. 21 cựu quan chức bị xác định nhận hối lộ 515 lần, tổng 165 tỷ đồng. Hiện, 54 bị cáo đã nộp khắc phục khoảng 60 tỷ đồng.

Kim Sa
.
.