Xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Dùng chiêu thức tinh vi cắt đứt dòng tiền

Thứ Hai, 23/09/2024, 13:14

Ngày 19/9, TAND Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác phạm tội rửa tiền (445.747 tỉ đồng); vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỉ USD) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỉ đồng) thông qua việc phát hành khống hơn 308 triệu cổ phiếu.

Công ty ma và trái phiếu khống

Ra tòa lần này, bị cáo Trương Mỹ Lan trông gầy hơn mấy tháng trước với ánh mắt đượm buồn. Ở hàng ghế phía sau, bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan bị VKSND Tối cao truy tố tội rửa tiền.  

Theo cáo trạng truy tố, năm 2018, Ngân hàng SCB trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB gặp nhiều khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài nên khoảng tháng 8/2018, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã họp với các lãnh đạo ngân hàng SCB để ra chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho Ngân hàng SCB.

Xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Dùng chiêu thức tinh vi cắt đứt dòng tiền -0
Tòa nhà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tọa lạc tại địa chỉ số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1, TP Hồ Chí Minh

Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và tổ chức đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu, thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB phát hành và chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB. Thực hiện chủ trương của bà Trương Mỹ Lan, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan đã sử dụng 4 công ty phát hành 24 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo gồm: Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu để lừa đảo, bán cho các nhà đầu tư, thu về hơn 30.000 tỉ đồng.

Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho trái chủ mà các đối tượng đã rút ruột và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ trái phiếu cho mục đích khác dẫn đến không đủ nguồn tiền để đảm bảo lãi đến hạn cho các trái chủ. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 7/10/2022, 4 công ty nêu trên còn dư nợ hơn 30.000 tỉ đồng của 35.824 trái chủ, không có khả năng thanh toán.

Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập của Cơ quan cảnh sát điều tra có đủ căn cứ chứng minh phương thức, thủ đoạn gian dối của các đối tượng trong việc tạo lập trái phiếu của 4 công ty nêu trên.

Việc thành lập các công ty ma cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Văn phòng HĐQT phụ trách, phối hợp với Nguyễn Ngọc Phương, Tổng giám đốc và Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty SPG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) thực hiện gồm các phần việc như: đặt công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là Người đại diện pháp luật, cổ đông, thành viên công ty TNHH, tìm địa chỉ ảo cho công ty trên đăng ký kinh doanh, chọn ngành nghề kinh doanh… cho phù hợp với các hoạt động tài chính cụ thể.

Xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Dùng chiêu thức tinh vi cắt đứt dòng tiền -0
Hội đồng xét xử vụ án

Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo Bùi Đức Khoa, Phó tổng giám đốc Công ty Natural Land và các nhân viên thuộc Công ty Sunny World, Nataral Land… tìm thuê người và cung cấp thông tin về văn phòng HĐQT để quản lý, cập nhật danh sách kiểm tra điều kiện của các cá nhân, chuyển thông tin cho nhóm phụ trách làm thủ tục thành lập các công ty. Các công ty “ma” sau khi được thành lập sẽ có nhóm người theo dõi, quản lý con dấu, giấy phép đăng ký kinh doanh và hồ sơ liên quan. Ngoài ra, Nguyễn Phương Anh sẽ phân bổ các công ty cho kế toán thuộc nhóm SPG có khoảng 30 nhân sự, mỗi người quản lý từ 20-30 công ty, có nhiệm vụ mở tài khoản, kê khai kế toán, báo cáo thuế, báo cáo tài chính… và theo dõi, quản lý hồ sơ hoạt động của các công ty ma. 

Riêng nhóm công ty SPG, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sắp xếp nguồn tiền từ 8 -10 tỉ/ tháng để chi trả lương cho các cá nhân được thuê, tùy vào mức độ tham gia. Cụ thể, cá nhân đứng tên thành lập công ty sẽ nhận 12 triệu/ tháng, cá nhân đứng tên cổ phần nhận 2 triệu đồng/ tháng, cá nhân đứng tên khoản vay nhận 15-25 triệu đồng/tháng. Các khoản này do nhóm Nguyễn Phương Anh chủ động chi trả bằng tài khoản từ nguồn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cấp.

Với phương thức này, theo danh sách quản lý của Nguyễn Phương Anh và tài liệu, chứng cứ khác ghi nhận đến thời điểm khởi tố vụ án, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có 1.470 công ty (bao gồm 46 công ty nước ngoài và một số ít công ty do bà Trương Mỹ Lan mua lại) và gần 1.800 cá nhân để đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ. Sau khi được thành lập, các công ty ma sẽ được lựa chọn, đưa vào sử dụng cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong đó đã xác định được có 656 công ty được sử dụng để vay tiền của Ngân hàng SCB, hiện còn 435 công ty còn dư nợ gốc và lãi, đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi (đã được điều tra, kết luận ở giai đoạn 1); có 85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ các công ty nước ngoài về Việt Nam thông qua Ngân hàng SCB. Có gần 50 công ty được sử dụng để tạo lập cho các mục đích khác nhau như mua tài sản, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của bà Trương Mỹ Lan.

Thủ thuật “giải quỹ”

Theo cáo trạng, việc tạo dựng một số lượng lớn công ty ma, cá nhân đứng tên còn là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính thường gọi tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là “giải quỹ”. Thực chất là cho các công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức “hứa chuyển nhượng cổ phần” của các công ty ma thuộc Tập đoàn với mức giá cổ phần được nâng khống lên nhiều lần tùy vào quy mô và tài sản của các công ty. Từ đó, làm căn cứ chuyển tiền và rút tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB mà không làm phát sinh thuế theo quy định pháp luật. Ứng dụng của thủ thuật giải quỹ được sử dụng chính cho việc rút tiền từ các khoản giải ngân của Ngân hàng SCB nhằm cắt đứt dòng tiền che giấu mục đích sử dụng tiền. Ngoài ra, còn được sử dụng khi cần chạy kỹ thuật các dòng tiền khống trong quá trình tạo lập trái chủ sơ cấp cho các gói trái phiếu của các công ty phát hành hay rút tiền từ nước ngoài chuyển về.

Thực hiện chủ trương của bà Trương Mỹ Lan, về việc phát hành trái phiếu để huy động vốn, các đối tượng chủ chốt của Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán TVSI (Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt) và các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lợi dụng quy định về cho phép doanh nghiệp về phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn với những điều kiện đơn giản và quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ là phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư cá nhân để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu và tạo các sàn giao dịch ảo giữa cá nhân và doanh nghiệp trong hệ thống ngân hàng SCB nhằm tạo lập trái chủ sơ cấp (WMC, VIPD, VN GROUP, Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, và DUC) mua 249.691.388 trái phiếu của công ty An Đông với tổng giá trị gần 25.000 tỉ đồng sau đó bán cho nhà đầu tư thông qua TVSI để thu tiền và chiếm đoạt.

Việc đi lệnh tiền trái phiếu công ty An Đông được thực hiện giữa các tài khoản mở tại ngân hàng SCB của các tổ chức, cá nhân vào sau giờ hành chính tại Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn trong 25 ngày, với nguồn tiền vốn thực có ban đầu 1.980,424 tỉ đồng, giải ngân tại Ngân hàng SCB chi nhánh Củ Chi. Trong đó, dòng tiền liên quan đến các Công ty VIPD và VN GROUP với tổng giá trị 10.006 tỉ đồng được thực hiện trên cơ sở đi lệnh giải ngân, chuyển tiền, nộp, rút, xoay vòng vốn ban đầu và số tiền này được rút dần để thực hiện những mục đích khác nhau.

Dòng tiền liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với tổng giá trị 470,43 tỉ đồng bao gồm 260 tỉ đồng có nguồn gốc từ TVSI chuyển tiền theo hợp đồng mua bán trái phiếu và 210,3 tỉ đồng là dòng tiền khống. Ngoài ra, dòng tiền liên quan đến các Công ty WMC và DUC với tổng giá trị 4.510 tỉ  đồng đều là dòng tiền khống.

Xét xử giai đoạn 2 đại án Vạn Thịnh Phát: Dùng chiêu thức tinh vi cắt đứt dòng tiền -0
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 19/9

Kết quả điều tra xác định, toàn bộ quá trình giao dịch đều được thực hiện trên chứng từ khống và hạch toán khống trên hệ thống ngân hàng SCB mà không có tiền mặt thực tế để hợp thức dòng tiền. Tất cả các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền đều được thực hiện tại ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn và đảm bảo cân đối tiền nộp vào, rút ra trong ngày trên sổ quỹ tiền mặt mà không vượt quá trữ lượng tiền mặt tại chi nhánh khi kiểm quỹ cuối ngày.

94 cá nhân nộp, rút tiền mặt đều không trực tiếp thực hiện việc giao dịch mà chỉ ký chứng từ, các hợp đồng vay, cho vay tiền và được cho tiền hàng tháng. Họ đều không biết, không tham gia và không có mối quan hệ vay mượn hay kinh tế gì với các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, thông qua việc phát hành 25 triệu mã trái phiếu khống của 4 công ty: Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Setra trong 3 năm từ 2018 đến 2020, các đối tượng đã bán cho nhà đầu tư thu về tổng cộng hơn 30.000 tỉ đồng, hiện còn dư nợ hơn 30.000 tỉ đồng. Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB trực tiếp điều hành, quản lý, theo dõi việc thực hiện tiền chi cho nhiều mục đích hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cá nhân để tất toán các khoản vay của Tập đoàn, cá nhân, trả nợ vay mượn cá nhân, trả lãi trái phiếu đến hạn, chăm sóc khách hàng, chi tất toán các thẻ tín dụng của người nhà, rút tiền mặt sử dụng…

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỉ của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm nêu trên đã bị VKSND Tối cao truy tố tội rửa tiền. Ngoài ra, VKS truy tố bà Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can khác và các đơn vị có liên quan đã “rửa tiền” với số tiền lên tới hơn 445.000 tỉ đồng, lớn nhất từ trước đến nay thông qua việc rút ruột từ ngân hàng SCB. Trong số tiền được rửa, VKS xác định các bị can rút tiền mặt chuyển cho các cá nhân hơn 15.000 tỉ đồng, chi thực hiện các dự án gần 1.900 tỉ đồng, chi trả nợ hơn 48.000 tỉ đồng, chi trả cho các khoản vay tại SCB hơn 183.000 tỉ đồng, chuyển tiền ra nước ngoài hơn 32.000 tỉ đồng…

Đây là số tiền khổng lồ do bà Trương Mỹ Lan chủ mưu, điều hành để chiếm đoạt thông qua những chiêu bài lắt léo, tinh vi, xuyên suốt nhiều năm trời.

Ngọc Thiện - Văn Hào
.
.