Nghẹn lòng nghe chuyện cụ bà 92 tuổi tần tảo nuôi cháu ngoại ăn học
- Bà cháu người hành khất mù và quá khứ kinh hoàng đau đớn
- Cụ bà 76 tuổi nhặt ve chai nuôi cháu mồ côi học đại học
- Bà lão ăn mày nuôi cháu nuôi học đại học
Bà ngoại em - cụ Trần Thị Hạng năm 92 tuổi ngồi nhỏ thó trên chiếc giường đã gãy mấy nan kêu ken kén mỗi khi cụ quay người. Cạnh đó, Thương đang nửa nằm nửa ngồi đang học bài. Đưa mắt buồn bã nhìn di ảnh cô con gái xấu số (mẹ của Thương) trên bàn thờ lạnh lẽo, bà kể với chúng tôi câu chuyện buồn về gia đình...
![]() |
Hai bà cháu cụ Hạng trong căn nhà tuềnh toàng. |
Mẹ Thương mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, khi lớn lên thỉnh thoảng lại lại lên cơn bỏ nhà đi lang thang. Sinh Thương ra một mình cụ Hạng lo toan bởi người đàn bà “rồ dại” ấy cũng chẳng nhớ mình đã có một đứa con. Chính vì vậy, lúc chị nâng niu ẵm bồng nhưng đôi lúc lên cơn lại vứt em bò lê lết. Cách đây 9 năm, mẹ Thương mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất để lại cậu bé với bà ngoại già yếu...
“Không ai giàu ba họ không ai khó ba đời”, ấy vậy mà ở gia đình em đã nghèo tới tận 4 đời. Ngôi nhà Đại đoàn kết được hàng xóm và nhà nước hỗ trợ xây dựng đã từ lâu. Nhà cũng không có điện vì hai bà cháu có lắp bóng hàng tháng cũng chẳng có tiền trả. Đêm xuống, mọi hoạt động của hai bà cháu đều diễn ra trong chiếc đèn dầu leo lét.
![]() |
Chiếc xe đạp - vật giá trị lớn nhất trong nhà 2 bà cháu. |
Được biết, cuộc sống của bà và em trông chờ vào tiền trợ cấp 180 nghìn đồng/tháng. Tuy mới 10 tuổi nhưng Thương chững chạc, biết quan tâm tới mọi người, tự lập từ nhỏ trong mọi công việc. Ở tuổi “ ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng Thương đều có thể phụ giúp bà mọi công việc gia đình; từ nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Ngày mùa, ngoài giờ tới trường em thường theo các cô, các chú ra đồng, đi “mót” từng cây lúa rơi vãi trên thửa ruộng đã gặt xong, hay chăn trâu chăn bò thuê cho ai đó cuối buổi được người ta trả công cho ít thóc, bó lúa. Thương bà, sau giờ học, cậu bé lại cùng các bạn đi bắt cua, cá ở đồng gần nhà, cải thiện bữa cơm cho hai bà cháu.
“Em rất thích đi học, lúc đi học em được biết nhiều thứ, em được vui vẻ chơi đùa cùng các bạn, em sợ phải nghỉ học lắm” Thương tâm sự. Theo các thầy cô giáo Trường Tiểu học Diễn Kim, từ lớp 1 Thương là đối tượng được miễn học phí. Chia sẻ với hoàn cảnh của em, các thầy cô giáo và bạn bè trong lớp cứ vào đầu năm học mới, người góp sách cũ, người góp bộ đồ áo tặng em tiếp tục sự nghiệp học hành...
Năm ngoái, một nhà hảo tâm biết được hoàn cảnh của em đã tặng cậu chiếc xe đạp, và đây cũng là tài sản lớn nhất trong ngôi nhà của hai bà cháu. Nhưng điều quan trọng là từ bây giờ, em sẽ không phải đi bộ tới trường cách nhà cả mấy cây số.
Thương đang học lớp 5. Gia cảnh vất vả, khó khăn nhưng em vẫn nỗ lực cố gắng học tập để không phụ công bà và thầy cô. Bốn năm liền luôn đạt học sinh Tiên tiến, được thầy yêu bạn mến.
Ông Lê Văn Sơn, Xóm trưởng xóm Tiên Tiến 2 tâm sự: “Hoàn cảnh của hai bà cháu cụ Hạng và em Thương hiện đang rất khó khăn, mặc dù hàng xóm, chính quyền đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ hỗ trợ nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào...”.
Bao đời nay, người dân Diễn Kim bám với nghề làm muối nhưng cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo đẳng. Trước khi chia tay hai bà cháu, tôi cố vui, hỏi những câu chuyện bâng quơ về hàng xóm, về cánh đồng, về giá muối, thời tiết... . "Làng này cũng còn không ít những gia đình cũng nghèo đói, khó khăn, khổ nhiều nhưng tôi cũng hạnh phúc vì bà cháu còn có nhau, dù không biết tôi còn sống được bao lâu nữa.Năm nay theo tuổi ta là tôi đã bước sang tuổi 92 rồi..." - cụ Hạng nói với chúng tôi.
Nghe trong tiếng rì rào của gió biển, tiếng chuông nhà thờ nằm cách đó không xa sao quá đỗi thanh bình. Cũng phải, đó là một thế giới khác.