An toàn lao động tại các công trình xây dựng:

Cần xử lý hình sự nếu để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng

Chủ Nhật, 17/05/2015, 08:41

Để tìm hiểu thêm về những giải pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, trên các công trường thi công, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ, Cục phó Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội.
>>Sáng 13/5 sẽ khám nghiệm hiện trường vụ sập cần cẩu tại Cầu Giấy

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ tai nạn lao động liên quan đến dự án xây dựng giao thông đã xảy ra. Hậu quả đau lòng vẫn còn đó, nỗi lo của người dân cứ ngày một tăng thêm. Dù cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này, song không ít người cũng phải thừa nhận rằng, quy định có chặt chẽ đến mấy, nếu người thực thi không chấp hành nghiêm, thì nguy cơ sẽ luôn rình rập.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này cũng như những giải pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, trên các công trường thi công, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ, Cục phó Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội.

PV: Từ cuối năm 2004 đến nay, đã xảy ra gần chục sự cố khi vận hành cần cẩu, rơi thanh thép từ những công trình trên cao, khiến cư dân ngụ bên dưới tầm hoạt động của cần cẩu và người đi đường rất lo ngại. Là một người dân, anh có cảm giác này không? 

- Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ: Tôi đã đi qua những công trường xây dựng cả ở trong nước và cả ở nước ngoài. Ở nước ngoài, tôi thấy rất an tâm, song đi qua những công trình xây dựng ở Việt Nam vẫn thấy có điều gì đó bất an.

PV: Để tránh sự bất an, ông có chọn đi một đường khác?

- Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ: Có lúc tôi đã chọn đi một đường khác, song có khi bắt buộc phải đi qua, vì đấy là đường duy nhất.

Ông Nguyễn Anh Thơ.

PV: Vậy đứng ở vai trò là người quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn lao động, ông thấy thế nào mỗi khi nghe tin một vụ tai nạn lao động tại các công trường xảy ra?

- Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ: Đúng là với trách nhiệm của người làm công tác quản lý an toàn, chúng tôi thấy các vụ tai nạn xảy ra vừa qua là rất đáng tiếc, vì chúng ta có thể hoàn toàn ngăn ngừa được nếu như trách nhiệm quản lý của nhà nước, chính quyền địa phương cũng như trách nhiệm quản lý an toàn của các chủ thể trong quản lý các dự án xây dựng được thực hiện một các quyết liệt, đầy đủ và toàn diện hơn.

PV: Nói như vậy, thì một công trình hoành tráng tầm cỡ quốc gia như dự án đường sắt trên cao, chắc chắn khẩu kiểm tra, giám sát an toàn lao động phải được quan tâm hàng đầu. Vậy phải chăng khâu lựa chọn thiết bị, chất lượng lao động cũng có vấn đề?

- Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ: Chúng tôi có thể khẳng định các quy định về an toàn của Việt Nam so với thế giới, không có gì là kém cả vì tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn an toàn cho người lao động, người dân. An toàn thì mới được thi công. Ở quốc gia nào cũng thế. Tuy nhiên, ở đây tôi cũng phải nói rằng, rõ ràng các nhà thầu thi công, các nhà thầu giám sát chưa làm hết trách nhiệm trong việc đảm bảo các biện pháp an toàn cho người dân và người lao động.

Cũng có cả trách nhiệm quản lý là chúng ta chưa có biện pháp mạnh. Thanh tra, kiểm tra cũng có đến từng nơi từng chỗ, thế nhưng việc xử lý vẫn chưa đảm bảo. Về khía cạnh thiết bị và chất lượng lao động, cũng có đâu đấy, những thiết bị, nếu nói là không đảm bảo an toàn, thì cũng không phải vì đã được cấp chứng nhận, cũng như nói người lao động không đủ chuyên môn thì cũng không phải, vì đều đã đươc đào tạo và cấp chứng chỉ. Nhưng, để nói họ thực sự có kinh nghiệm, có kỹ năng cao để vận hành các thiệt bị đó, hoặc các thiết bị mới hay chưa thì chưa đủ để loại trừ hết các nguy cơ.

PV: Về năng lực nhà thầu, giám sát thi công, các bộ ban ngành cũng đã có những quy định rõ ràng để triển khai.  Song tình hình tai nạn lao động vẫn tiếp diễn, xin ông phân tích cụ thể hơn về nguyên nhân?

Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ: Trước hết, trên các công trình xây dựng hiện nay, lực lượng nhân công làm nhiệm vụ xây dựng, đặc biệt là việc sử dụng lao động tự do đang diễn ra nhiều. Đó là một nguyên nhân lớn dẫn đến kỹ năng, ý thức chấp hành quy định an toàn không cao. Trước kia chúng ta có những lực lượng công nhân xây dựng rất lành nghề, được đào tạo, được ký hợp đồng đầy đủ…Nhưng đến thời điểm hiện nay, thị trường lao động linh hoạt và sôi động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, khi công trình nhiều, nhu cầu lớn, có thay đổi nhiều địa bàn, nên các doanh nghiệp không thể di chuyển được lực lượng lao động, dẫn đến việc phải sử dụng tạm những lao động tại chỗ, lao động tự do.

Nguyên nhân thứ hai, các nhà thầu thi công công trình hiện nay  vẫn gặp nhiều vi phạm an toàn, không có đầy đủ các biện pháp an toàn. Đặc biệt trên công trường xây dựng trong các khu dân cư, hoặc gần các công trình giao thông. Trong điều kiện rất phức tạp về địa hình thi công, trong bán kính hoạt động của thiết bị, của công trình thi công, ngoài tiêu chuẩn cụ thể ra, thì cũng đòi hỏi quy định ngặt nghèo hơn về việc đảm bảo an toàn, đảm bảo được thời điểm, thời gian quản lý. Trong khi đó, chúng ta phải thi công trong điều kiện gấp gáp về tiến độ, rồi những nhà quản lý thi công, chưa thực sự có những cái về tổ chức lao động, chỉ mới chú ý đến kỹ thuật thi công  như việc có cảnh báo an toàn nhưng chưa có người đứng đó để canh chừng, nên nhiều khi dân xung quanh sẽ không biết có cảnh báo…

Còn nguyên nhân nữa là liên quan đến việc xử lý các vi phạm trong thời gian qua. Có thể thấy, các bộ quản lý chuyên ngành, các địa phương đã tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, có xử phạt bằng phạt hành chính, dừng thi công đối với các nhà thầu, kỷ luật các cán bộ quản lý thi công, đuổi cả cán bộ trong ban quản lý…Nhưng vẫn còn thiếu đâu đấy biện pháp mạnh hơn.

PV: Quy định nghiêm ngặt là thế, song người ta vẫn có cảm giác nhiều công trình trên các tuyến phố cố tình “lờ” các quy định về an toàn trong quá trình thi công. Liệu đây có phải hành vi cố tình “coi thường tính mạng” của người dân?

- Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ: Việc để xảy ra các sự cố rơi các thanh sắt, khối bê tông, các thiết bị trong quá trình nâng hạ, thi công công trình đã là vi phạm các quy định trong vận hành thiết bị nâng hạ, đồng thời để xảy ra các tai nạn đối với người tham gia giao thông, hay người lao động, người dân xung quanh ,còn vi phạm các quy định về quản lý an toàn trong quá trình thi công, như đã không bố trí cảnh báo, không bố trí người phân luồng giao thông, thi công trong thời điểm không được phép, các che chắn tạo hành lang an toàn không có hoặc không đảm bảo an toàn. Đó là những quy định chi tiết cụ thể với từng loại thiết bị, nơi làm việc. Còn nhìn rộng ra là vi phạm khoản 1 điều 137 Bộ Luật Lao Động, hay Luật xây dựng khoản 4, điều 4 Nguyên tắc đầu tư xây dựng công trình xây dựng.

PV: Vậy theo ông, để các công trình xây dựng nói chung, công trình giao thông nội đô nói riêng luôn đảm bảo an toàn lao động, không xảy ra sự cố đáng tiếc, chúng ta cần một giải pháp mạnh như thế nào?

- Thạc sỹ Nguyễn Anh Thơ: Về mặt luật pháp, các quy định, hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, cả sự chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra  quyết liệt, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải rà soát thật sự các nhà thầu phụ thi công tại các công trình này, họ có thực sự đủ năng lực thi công, có đủ chuyên môn và ý thức chấp hành pháp luật hay không. Đồng thời, cũng cần phải đánh giá đúng việc giám sát thi công, an toàn trên công trường đã thực thi hết trách nhiệm hay chưa. Biện pháp mạnh hơn nữa là cần xử lý hình sự đối với những trường hợp để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, chết nhiều người.

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.