Kiến nghị tiếp tục khuyến khích phát triển điện tái tạo
Một trong những kiến nghị đáng chú ý là việc nâng giá mua điện gió lên 11,5 cent/kWh, thay vì mức giá tối đa 9,8 cent đang được áp dụng hiện nay.
Tại báo cáo này, các thành viên của EuroCham cho biết đang quan ngại về triển vọng nguồn cung điện trong nước, trong bối cảnh Việt Nam đang dần trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng. Theo ước tính đến năm 2020, khoảng 31% nguồn năng lượng của Việt nam sẽ được nhập khẩu. Để đáp ứng tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng điện trên 10% mỗi năm, Việt Nam vẫn ưu tiên phát điện từ những nguồn chi phí thấp, như nhiệt điện than và thủy điện.
![]() |
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. |
Tuy nhiên, EuroCham cho rằng Việt Nam chưa tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo, dù là quốc gia có tiềm năng lớn. Hiện Việt Nam lại là quốc gia có mức độ ứng dụng công nghệ này thấp nhất trong khu vực. Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang chờ được triển khai, trong khi Việt Nam vẫn được xem là điểm đầu tư thiếu hấp dẫn.
Một số rào cản dẫn đến thực trạng này được chỉ ra, phần lớn do khung pháp lý chưa hoàn chỉnh và mức giá mua chưa hấp dẫn. Hiện Việt Nam chưa có luật “Năng lượng tái tạo” để quản lý các hoạt động phát triển lĩnh vực này. Bên cạnh đó, kế hoạch cụ thể cho việc phát triển nguồn năng lượng này cũng chưa được xây dựng, ngoại trừ các mục tiêu được đề ra trong Quy hoạch điện.
Các chính sách hỗ trợ riêng trong các lĩnh vực năng lượng gió, thủy điện, điện sinh khối và sử dụng chất thải để phát triển đã được ban hành, nhưng vẫn chưa đầy đủ để các dự án đang chờ triển khai có thể được thực hiện. Điểm được các nhà đầu tư lưu ý nhất là quy định về hợp đồng mua bán điện mẫu hiện chưa có với một số loại năng lượng và các cơ chế ưu đãi thuế chưa có hướng dẫn thực hiện.
Theo EuroCham, triển khai áp dụng các giải pháp năng lượng mặt trời như bình đun nước và tấm pin mặt trời sẽ giúp các tòa nhà thương mại và các cơ sở công nghiệp tiếp kiệm hơn 60% năng lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cao nên cho tới nay các công nghệ này chưa được áp dụng rộng rãi. EuroCham kiến nghị cho phép bồi hoàn toàn bộ chi phí lắp đặt thiết bị nhiệt và năng lượng mặt trời khỏi lợi nhuận chịu thuế trong năm lắp đặt, thay vì khấu hao dần trong vòng đời tài sản (thường trong 10 đến 20 năm) như hiện nay.
Việc hỗ trợ này sẽ khuyến khích doanh nghiệp (DN) sử dụng điện chuyển sang sử dụng điện tự sản xuất, giảm áp lực đối với điện lưới và giúp cân bằng nhu cầu năng lượng với lượng cung điện năng hiện có. Biện pháp này cũng tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với ngành sản xuất và dịch vụ, đồng thời loại bỏ một trong những rủi ro lớn nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại là độ tin cậy của nguồn cung năng lượng trong tương lai và khả năng tăng giá điện.
Một điểm kiến nghị khác được chỉ ra là việc DN phát điện không thể bán điện trực tiếp cho DN bao tiêu, mà phải bán cho DN bán buôn duy nhất là EVN. Tình trạng độc quyền 1 đầu mối này đương nhiên là một cản trở trong việc hình thành thị trường điện. Việc cho phép và quản lý phân quyền cung ứng năng lượng như cho phép DN sản xuất điện bán trực tiếp cho DN bao tiêu hoặc ý tưởng thành lập công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) là những giải pháp bổ sung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo tại những địa phương cần loại năng lượng này nhất.
Các mô hình ESCO cũng có thể giúp tránh tạo ra những tác động môi trường (như sử dụng các nguồn tài nguyên sinh khối có sẵn tại địa phương để phát điện). Việc ban hành các quy định bảo vệ các DN ESCO trước những rủi ro như DN bao tiêu không thanh toán tiền điện và quyền sở hữu đối với các thiết bị của ESCO được lắp đặt tại các công trình của người dùng cuối cùng có thể thu hút thêm được vốn đầu tư vào các mô hình này.
EuroCham cho rằng, cần có một khung chính sách rõ ràng để ngành điện gió của Việt Nam thu hút được rất nhiều vốn đầu tư tư nhân từ khu vực nước ngoài cũng như trong nước, thay vì khu vực công phải bỏ vốn đầu tư. Song song với đó, ngành năng lượng tái tạo dự báo sẽ tạo ra được hàng nghìn việc làm. Giai đoạn đầu sẽ là các công việc liên quan đến xây dựng, vận hành, bảo trì. Nhưng một khi thị trường đã được thiết lập, bước tiếp theo sẽ là tăng cường năng lực sản xuất chế tạo. Muốn có được điều đó, khung giá bán và hợp đồng mua bán điện đối với điện gió và điện mặt trời cũng được kiến nghị thay đổi, trong đó tăng giá mua điện gió lên tối thiểu 11,5 cent đủ để hoàn thành mục tiêu 1.000 MW. Hợp đồng mua bán điện mẫu được ban hành cũng sẽ giúp nhà đầu tư tránh được tâm lý e dè vì phải đối mặt với vấn đề rủi ro pháp lý.