May mắn có đủ trải nghiệm để viết về đề tài Công an
Tôi được biết, cũng có nhiều cây bút trong ngành viết về đời sống sinh viên ngành Công an như nhà văn Bùi Anh Tấn, Dương Bình Nguyên, Chu Thanh Hương… Bản thân tôi cũng viết một vài truyện ngắn về đề tài này khi còn là sinh viên nhưng “Giường tầng” là truyện dài đầu tiên. Đó cũng là một đề tài gần gũi mà tôi may mắn có đủ trải nghiệm chính xác để viết.
Mảng đề tài sinh viên Công an thiếu vắng vì nó cũng chỉ là một đề tài nhỏ trong vô vàn đề tài khác của cuộc sống này. Và đó cũng là một đề tài “khô”, khó quyến rũ, nên khó đưa vào văn học. Thậm chí, riêng bản thân tôi có nhiều trải nghiệm, nhưng cũng không dễ gây dựng cảm xúc tốt nhất, chọn lọc chi tiết tốt nhất để viết. Điều đáng buồn là lực lượng viết có trải nghiệm cặn kẽ về cuộc sống sinh viên Công an hiện nay rất hiếm.
“Giường tầng” đã tạo ra không khí văn chương vui vẻ trong Trường Đại học An ninh nhân dân. Nó giúp sinh viên và giảng viên của trường có một cuốn sách để chiêm nghiệm lại quãng đời sinh viên của mình, để cười và lắng sâu suy nghĩ về một thời tuổi trẻ. Xét về góc độ chuyên môn, “Giường tầng” cũng chưa phải là một tác phẩm văn chương hoàn chỉnh, chưa có chiều sâu nghệ thuật văn học. Nhưng mục đích chia sẻ với bạn đọc mà tôi muốn mang đến qua cuốn sách này đã đạt được.
Nhà văn Trần Minh Hợp ký tặng sách trong buổi ra mắt truyện dài "Giường tầng". |
- Có cảm giác “Giường tầng” của anh có mô-tip khá giống với nhiều tác phẩm văn học viết về thời sinh viên. Riêng tôi thấy nó khá giống với “Ở trọ Sài Gòn” của Nguyễn Hoàng Vũ trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5. Nội dung của hai cuốn có vẻ rất giống tự truyện, kể về buổi đầu vào đại học và những buồn vui trong năm tháng ngồi trên giảng đường, chỉ khác là “Giường tầng” viết về cuộc sống của sinh viên An ninh?
Thật ra, tôi viết “Giường tầng” trước khi Nguyễn Hoàng Vũ viết “Ở trọ Sài Gòn”, nhưng “Giường tầng” được xuất bản sau. Chúng tôi viết về chúng tôi, cùng lấy trải nghiệm, tình cảm của mình ra để viết nên chị thấy chúng hao hao mô-tip. Mà sinh viên thì có vô vàn thứ, vô vàn tâm tư, niềm vui, nỗi buồn giống nhau.
- Hầu hết các tác phẩm của anh đều dành cho học sinh, sinh viên với văn phong nhẹ nhàng, tình cảm. Đó có phải là đối tượng độc giả anh muốn hướng đến lâu dài và là phong cách anh muốn tạo dựng để làm nên tên tuổi Trần Minh Hợp?
Chắc là do tôi viết nhiều trong thời sinh viên, nên hầu như tác phẩm nào cũng đều nhẹ nhàng, tình cảm. Bởi vì, mình viết ở lứa tuổi nào, thời nào thì cảm xúc của thời đó cũng nhiều hơn. Nhưng dạo này, tôi viết cũng sâu nặng hơn rồi.
Tôi không hướng tới đối tượng độc giả cụ thể. Chỉ mong viết ra, ai đọc cũng được. Ai cũng hiểu và đồng cảm thì tôi rất vui. Phong cách thì chắc cũng nhẹ nhàng chút thôi, cho văn chương đỡ mệt mà mình cũng đỡ mệt.
-Là nhà văn trẻ, anh có nhận xét gì về dòng văn học trẻ hiện nay?Văn học trẻ phát triển khá mạnh, nhất là lực lượng 8X khá đông. Các nhà văn trẻ ai cũng cố gắng khẳng định mình trên con đường văn chương. Hiện nay, dòng văn học của nhiều tác giả trên mạng (như văn học ngôn tình) đang thắng thế trên thị trường và cả trong đời sống văn học. Các tác giả trẻ đang có nhiều ưu thế về khai thác đề tài, văn phong, mỹ thuật, truyền thông, phát hành... Bước ra nhà sách là thấy ồ ạt sách của các tác giả trẻ. Điều này cũng phải khâm phục sức viết và kỹ năng truyền thông của các bạn.
Tôi không có đủ nội lực và cũng không cố khiên cưỡng để tham gia dòng văn học trẻ sôi động hiện nay. Chỉ viết những gì tôi thấy mình phải viết. Tôi không tham vọng mang lại điều gì lạ cho độc giả. Tôi chỉ mong mọi người đọc những tác phẩm của tôi để đồng cảm với những câu chuyện, những thân phận gần gũi tưởng như xa lạ, để các bạn thấy cần phải sống tốt hơn và có nhiều niềm tin hơn.
-Là người cầm bút trong ngành Công an, anh thấy tác phẩm văn học khai thác đề tài về lực lượng mình như thế nào? Bản thân anh thì sao?
Riêng tôi, tôi thấy rằng, đề tài Công an có nhiều thứ để khai thác: về đời sống, về quá trình đấu tranh với tội phạm, về những kỹ năng nghề nghiệp… Nhưng không phải ai cũng đủ tài năng để chuyển hóa nó thành những tình tiết thú vị, lôi cuốn người đọc. Có lẽ phải chờ thêm vốn sống và sự rèn luyện ngòi bút.
- Cái hay và hạn chế của người cầm bút ngoài ngành lẫn người cầm bút trong ngành khi viết về Công an theo anh là gì?
Riêng tôi cảm thấy, cái hay nằm chỗ các tác giả đã tiếp cận được một đề tài khó, chuyển hóa nó thành một tác phẩm đọc được, thu hút. Đối với những người viết trong ngành, họ đã đem được chính trải nghiệm thật sự của mình chia sẻ cùng bạn đọc. Hạn chế lớn nhất, vẫn là sự tinh tế và khéo léo để tạo ra sự thu hút và thuyết phục người đọc đọc một tác phẩm về lực lượng Công an.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Trung úy, nhà văn Trần Minh Hợp sinh năm 1988 tại Bình Thuận. Hiện đang là giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân. Các tác phẩm đã xuất bản: “Có gã trai đạp xe run lẩy bẩy”, “Cô gái bán ô màu đỏ”, “Cây dâu tình bạn”, “Bó oải hương từ Provence”, “Người buồn thuê”, “Giường tầng”. Giải thưởng Nhà văn trẻ năm 2011 của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh với tác phẩm “Cô gái bán ô màu đỏ”. |