Tấm lòng thơm thảo của một thầy giáo
Năm nay, thầy Quý đã bước vào tuổi 56. Trò chuyện cùng ông trong căn nhà nhỏ, chúng tôi mới biết, ông tốt nghiệp ngành Y, Trường Trung cấp Y tế Quảng Nam và công tác tại Trạm Y tế xã Đại Chánh từ năm 1989. Mãi đến tháng 7/1996, dù đã có vợ và 2 con, nhưng nhận thấy nghề giáo viên mới thực sự là công việc mình yêu thích nên ông tự ôn tập rồi thi đậu vào Khoa Ngoại ngữ (tiếng Anh), Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Để lại vợ và 2 người con nhỏ ở quê nhà, ông ra Đà Nẵng học 4 năm đại học. Tới năm 2000, ông tốt nghiệp ra trường về dạy hợp đồng cho các trường ở địa phương. Vì đồng lương hợp đồng ít ỏi, để có thêm chi phí trang trải cuộc sống gia đình và giúp đỡ người bệnh ở quê hương, ông tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi tiêm thuốc cho những người có nhu cầu.
Thầy Quý thăm gia đình em Hồ Văn Bằng. |
Cho tới năm 2004, thầy Quý thi đậu công chức ngành Giáo dục và được điều lên công tác tại Trường Tiểu học và THCS Trà Cang, huyện vùng cao Nam Trà My. Học sinh ở đây hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Xê Đăng.
Ông nhớ lại: “Hồi đó đường sá đi lại khó khăn, để đến trường, từ nhà tôi phải bắt mấy chặng xe mới lên đến trung tâm huyện Nam Trà My là Tăk Pỏ, rồi cuốc bộ hơn một buổi đường mới tới được xã Trà Cang. Tôi còn nhớ, trong ba lô của mình ngày ấy luôn có sẵn chiếc võng, cái đèn pin vì nhiều lần do chưa đến được trường thì gặp trời tối, tôi phải vào tá túc nhờ nhà người dân ven đường để sáng hôm sau tiếp tục hành trình đến trường, đến lớp”.
Trong thời gian công tác tại xã Trà Cang, tại địa phương xảy ra bệnh sốt rét và đã có nhiều người chết vì căn bệnh quái ác này, trong đó có học sinh của Trường Tiểu học và THCS Trà Cang. Khi các đoàn y tế tỉnh, huyện về Trà Cang chữa trị bệnh cho người dân đã để lại thuốc men tại Trường Tiểu học và THCS, nhà trường đã giao số thuốc này cho thầy Quý quản lý sử dụng. “Có nhiều em học sinh bị sốt rét đã được tôi lấy thuốc chữa trị thành công. Ngoài ra, tôi còn giúp đỡ sơ cứu cho một số em học sinh khác bị ngộ độc thực phẩm, bị rắn cắn nữa”, thầy Quý nhớ lại.
Hỏi chuyện cưu mang, nuôi dưỡng em bé mồ côi Xê Đăng, thầy Quý kể rằng, tình cờ vào một ngày đầu năm 2006, ông đến tiệm tạp hóa gần trường và đã gặp em Hồ Văn Bằng (SN 1987), làm thuê tại đây. Khi biết Bằng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải ở nhờ nhà người quen để đi làm thuê làm mướn, ông thường tìm đến thăm, động viên, chăm sóc. Tình cảm của Bằng dành cho ông vì thế ngày càng sâu đậm. Đến tháng 8/2006, sau hơn 2 năm công tác tại xã Trà Cang, ông được chuyển về dạy tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc.
Trước khi đi, ông gặp lại Bằng và em đã xin thầy cùng đi theo để về xuôi tìm việc làm. Trước thái độ quả quyết của Bằng, ông đã dẫn Bằng cùng về xuôi, và kể từ đây là bước ngoặc lớn trong cuộc đời của Bằng. Và, khi nghe kể lại sự việc, vợ tôi chấp thuận đón Bằng về ở cùng gia đình. Vậy là Bằng trở thành một thành viên mới trong gia đình tôi, các con tôi gọi Bằng là “anh Hai”. Từ đó, tôi xin cho Bằng đi làm tại một nhà máy gạch ở xã Đại Tân”.
Ngừng một lúc, thầy Quý nói tiếp: “Bằng là người đồng bào thiểu số, từ nhỏ đến lớn chưa từng ra khỏi làng, khỏi xã Trà Cang nên lúc mới đưa Bằng về, tôi phải vừa chỉ bảo, vừa dỗ dành để Bằng quen với cuộc sống mới. Mừng là Bằng rất vâng lời nên đã hòa nhập nhanh lắm”...
Đến năm 2010, khi nghe Bằng kể có quen với một cô gái trong làng là Văn Thị Loan (SN 1987) và muốn cưới cô gái này về làm vợ, thầy Quý rất mừng. Ông tìm đến nhà Loan, gặp bố mẹ Loan thưa chuyện. Vốn biết trước Bằng là người hiền lành, tính tình siêng năng làm lụng, lại là con nuôi của thầy Quý nên bố mẹ Loan đã gật đầu đồng ý cho hôn sự của Loan và Bằng. Đám cưới của Bằng và Loan được tổ chức rất đầm ấm, có đông đảo bà con đến dự. Hai năm sau, vợ chồng Bằng chào đón đứa con gái đầu lòng đặt tên là Hồ Thị Thảo.
Thầy Quý tâm sự: “Khi Bằng có vợ, có gia đình, tôi thấy thật nhẹ nhõm. Tôi xem Bằng là con của mình nên khi thấy con trưởng thành, tôi mừng lắm”. Cùng thầy Quý, chúng tôi đến thăm nhà vợ chồng Bằng. Trong căn nhà cấp bốn, đôi vợ chồng trẻ vui mừng chào đón chúng tôi. Qua trò chuyện, Bằng xúc động nói: “Ba Quý là người đã cho em có cuộc sống như ngày hôm nay. Giờ đây em rất hạnh phúc. Em biết ơn ba Quý nhiều lắm. Chắc chắn rằng, không có ba Quý thì em không thể có ngày hôm nay”.