Xe cứu thương giả "chặt chém" người bệnh

Thứ Năm, 23/09/2010, 14:57
Sau khi được chủ xe tháo dỡ hết các ghế ở phía sau, trang bị thêm bông băng sơ sài, còi hụ, dấu chữ thập phía trước, những chiếc xe 12 - 15 chỗ trở thành các xe cứu thương đứng chờ bệnh nhân tại các bệnh viện. Nhiều bệnh nhân tưởng rằng đây là các xe cứu thương của bệnh viện nên đã thuê xe đi với giá cao trong khi đó các phương tiện cấp cứu trên xe lại thiếu dễ xảy ra những nguy hiểm cho người bệnh.

Điện thoại đến đường dây nóng Báo CAND, anh Lê Văn Hiền, ở xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, Nam Định bức xúc cho biết: Anh thuê xe cứu thương tại cổng Bệnh viện Việt Đức về huyện Vụ Bản với giá 5 triệu. Tuy nhiên, khi về đến nơi, chủ xe lại tự ý đòi thêm tiền là 1 triệu đồng là phụ phí an toàn. Anh Hiền bất bình bởi trên xe chẳng có bác sỹ, thiết bị y tế nào đi kèm. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lại thì anh Hiền cho biết, anh "bắt" xe này tại cổng bệnh viện. Xe cũng có dấu thập to tướng, còi hụ đàng hoàng nhưng anh không hay biết đây là xe tư nhân chứ không phải xe của bệnh viện.

Để tìm hiểu thực hư về những chiếc xe này, chúng tôi đã đến phố Phủ Doãn đoạn Bệnh viện Việt Đức. Xe ôm, taxi "dù" nối đuôi nhau đỗ dưới lòng đường cùng hàng rong khiến đoạn đường lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, ách tắc.

Một chiếc xe “cứu thương” đỗ tại vỉa hè góc phố Phủ Doãn.

Tôi lân la đến một quán trà đá và hỏi chị chủ quán tìm xe vận chuyển người nhà từ bệnh viện về Thái Bình thì chị này đã nhanh nhẩu: "Nặng hay nhẹ? Bị bệnh viện trả về rồi à em?", vừa nói chị bán quán nước vừa lấy điện thoại ra liên lạc. Chưa đầy một phút, người đàn ông chừng 40 tuổi xuất hiện. Người đàn ông ra giá 6 triệu đồng cho cuộc vận chuyển từ đây về Thái Bình. Tôi lưỡng lự không đồng ý vì giá quá cao thì người đàn ông này "động viên": "Giá thế là mềm rồi em ạ! Đi xe vớ vẩn, không an toàn thì sẽ giá rẻ hơn". Tôi hỏi về các dịch vụ kèm theo thì nhận được câu trả lời: Nếu kèm theo bác sỹ thì phải thêm 5 trăm nghìn đồng. Người đàn ông này còn đưa cho tôi tấm card để tiện liên lạc.

Tại khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi bắt gặp ngay một chiếc xe biển trắng gắn còi hụ đang "phi" với tốc độ của "tàu tốc hành" qua cổng bệnh viện. Nhiều người khiếp vía "né" sang một bên đường nhường đường cho xe "ưu tiên".

Trong khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi cũng bắt gặp đến gần chục chiếc xe biển trắng được trang bị còi hụ, dán chữ thập trên xe. Cảnh ra vào đón khách cũng khá nhộn nhịp. Đủ các chủng loại xe, màu sắc, những chiếc xe ôtô này hoạt động một cách công khai lẫn vào với những chiếc xe cứu thương của bệnh viện và Trung tâm Cấp cứu 115.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện cũng đã được nghe phản ánh về tình trạng người nhà bệnh nhân bị chặt chém giá cao khi đi xe cứu thương. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thì đây không phải là xe cứu thương của bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện có 16 xe cứu thương đang hoạt động. Lượng xe này cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người bệnh. Tuy nhiên, khi nhu cầu của bệnh nhân là quá lớn, việc xuất hiện các loại "xe cứu thương" bên ngoài là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các xe cứu thương của bệnh viện đều được trang bị rất đầy đủ các dụng cụ y tế như một máy thở, bình oxy, dàn treo dịch, tủ thuốc bông băng và có một bác sỹ đi kèm. Đối với các xe cứu thương "giả" và để giải quyết nạn "cò" xe cứu thương, thời gian qua, bệnh viện cũng đã kết hợp với các đơn vị chức năng như Công an phường để xử lý.

Cuối tháng 6/2010 vừa qua, tại TP HCM, lực lượng Thanh tra Sở GTVT TP HCM đã kiểm tra và xử phạt 9 xe cứu thương "giả" đang hoạt động trước cửa của các bệnh viện. Chủ xe đã tháo dỡ hết các ghế ở phía sau, tự trang bị thêm bông băng sơ sài và còi hụ. Những chiếc xe này mặc nhiên trở thành các xe cứu thương đứng chờ bệnh nhân tại các bệnh viện. Nhiều bệnh nhân tưởng rằng đây là các xe cứu thương của bệnh viện nên đã thuê xe đi với giá cao trong khi đó các phương tiện cấp cứu lại trong tình trạng thiếu dễ xảy ra những nguy hiểm cho người bệnh trên đường vận chuyển.

Theo Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ-đường sắt, Bộ Công an, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các xe được lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, đèn của xe ưu tiên là xe cứu hoả, xe Quân sự, xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe Cảnh sát dẫn đường, xe cứu nạn giao thông. Các xe không được Luật Giao thông quy định không được phép lắp đặt còi đèn ưu tiên. Đối với việc xử lý các xe tự ý lắp đặt còi đèn ưu tiên, các cơ quan chức năng trong đó có CSGT có quyền xử phạt hành chính và tịch thu những còi đèn này.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay những chiếc xe cứu thương "giả" để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra

Nhóm PV
.
.