Công an vào cuộc xác minh thông tin vụ “bác sĩ Trần Khoa”

Chủ Nhật, 08/08/2021, 11:42

Ngày 8/8, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để vào cuộc xác minh thông tin một “bác sĩ” nhường máy thở của mẹ đẻ đang mắc bệnh COVID-19 để cứu sản phụ mang song thai, lan truyền và gây sự chú ý trên cộng đồng mạng.

Thông tin này cũng được Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai xác nhận với báo chí sáng cùng ngày và cho biết, đang vào cuộc xác minh thông tin đăng tải và nhân thân của vị “bác sĩ” này.

Thông tin này bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Facebook từ tối hôm qua (7/8) với nội dung chia sẻ của một người tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Theo đó, người này đã quyết định “nhường đi chiếc máy thở” của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần.

Trên trang cá nhân của mình, “Bác sĩ Trần Khoa” viết (và tag cho một số người khác):

“Con chào ba, chào mẹ!

Con mãi nhớ về ba, về mẹ người gắn với con cả cuộc đời!

Con vẫn chưa kịp vẽ lên ước mơ cho ba mẹ, thì giờ đây con đã mất đi ba mẹ.

Con không thể làm khác phải không ba? Ba vào tâm dịch, chiếc áo ấy vẫn mặc, ba trở bệnh khi ấy vẫn cầm thuốc cho người cần.

Mẹ cùng ba đi khắp Sài Gòn, cùng ba làm những việc ba mẹ cho là hạnh phúc. Con cũng thế mẹ ạ!

Xa nhà bao năm, tình yêu con có cũng chỉ là những chuyến mẹ ba sang thăm, tình yêu ấy lớn lắm. Con quyết định nhường đi chiếc máy khi sản phụ ấy cần. Con tin mẹ cũng thế!

Cúi đầu tiễn biệt ba mẹ lần cuối.

SG 7/8/21

Ngày tôi mồ côi”…

Người này sau đó đã “kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này”. Ngoài ra, còn có hình ảnh hai bé song sinh lan truyền, được cho là hai bé mà “bác sĩ” này vừa phẫu thuật…

Công an vào cuộc xác minh thông tin vụ “bác sĩ Trần Khoa” -0
Đoạn thông tin lúc đầu trên trang cá nhân của “Bác sĩ Trần Khoa” viết (và tag cho một số người khác).

Câu chuyện này đã gây chấn động mạng xã hội và được hàng chục ngàn người chia sẻ, đa phần đều cảm phục trước hành động của “bác sĩ Trần Khoa”. Tuy nhiên, sáng sớm 8/8, cộng đồng mạng lại phát hiện thông tin này nghi là tin giả và chỉ ra một loạt những điều vô lý trên trang FB của “bác sĩ Trần Khoa”. Ngay sau đó, tất cả các thông tin mà “bác sĩ Trần Khoa” đăng tải trên Facebook cá nhân và các chia sẻ của nhiều người khác trên Facebook cũng đều bị xóa hết.

Đáng nói, xung quanh hình ảnh hai em bé sơ sinh lan truyền trên mạng được cho là hai bé mà “bác sĩ” Khoa vừa phẫu thuật, trợ lý của Bác sĩ Cao Hữu Thịnh - từng công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) đã xác nhận rõ với báo chí đó là hình của mình, bị gán ghép vào nội dung không có thật kể trên và coi đây là hành vi cố lừa đảo, việc sử dụng hình ảnh không xin phép vào một mục đích như trên là phạm pháp.

Công an vào cuộc xác minh thông tin vụ “bác sĩ Trần Khoa” -0
Và vị "bác sĩ" này sau đó đã “kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này”. Nhưng tất cả đều là tin giả.

Theo trợ lý của Bác sĩ Cao Hữu Thịnh, hai hình ảnh trẻ sơ sinh nêu trên được các đồng nghiệp chụp, sau ca mổ do bác sĩ Thịnh thực hiện tại Bệnh viện An Sinh thời gian gần đây… Qua vị trợ lý, Bác sĩ Cao Hữu Thịnh mong muốn mạng xã hội gỡ hình ảnh của các em bé mà ông mổ cho các sản phụ vì điều này ảnh hưởng đến các cặp vợ chồng đã được ông theo dõi điều trị trước đó.

Cũng trong sáng 8/8, trao đổi với báo chí, TS.BS CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Giám đốc điều hành Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - cho hay thông tin nêu trên là giả và nhấn mạnh rằng không có bác sĩ nào tên Khoa và cũng không có sự việc mổ bắt con tại bệnh viện này (và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa Sản).

“Ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại TP Thủ Đức qua rà soát cũng không có trường hợp nào như thông tin phản ánh, không có ai rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ cả”, TS.BS CKII Nguyễn Tri Thức khẳng định. Cũng theo TS.BS CKII Nguyễn Tri Thức, đến nay Việt Nam chưa có luật cho bác sĩ hoặc người thân tự rút ống thở bệnh nhân. Nếu rút ống thở phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định nhưng điều này chưa có quy định ở Việt Nam.

Ngoài ra, một số thông tin trên mạng cho rằng “bác sĩ Trần Khoa” đang làm việc tại Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức)… Tuy nhiên, đại diện các bệnh viện này đều khẳng định trong danh sách bác sĩ chính thức tại các bệnh viện này không có tên “bác sĩ Trần Khoa”…

Sau khi biết các thông tin trên là giả, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đã bày tỏ sự bức xúc và đề nghị cơ quan Công an cần vào cuộc xử lý thật nặng những hành vi đăng tin giả, thậm chí vi phạm quyền cá nhân đời tư để trục lợi trong lúc người dân đang mệt mỏi vì dịch bệnh.

Phú Lữ
.
.