Đẩy nhanh việc xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So

Thứ Bảy, 13/08/2022, 08:55

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So (xã Đông Sơn, huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế) gặp nhiều khó khăn. Hiện Bộ Tư lệnh Hóa học -Bộ Quốc phòng đang tập trung nguồn nhân lực và trang thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án này sau gần 2 năm triển khai.

Được biết, trong chiến tranh, quân đội Mỹ sử dụng thung lũng A So (A Lưới) làm sân bay dã chiến. Nơi đây còn là khu vực chứa chất độc hóa học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đưa đi phun rải ở khu vực miền Trung. Trong vòng 10 năm (1961-1971), tỉnh Thừa Thiên-Huế, trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon thuốc diệt cỏ (chứa khoảng 11kg dioxin). Kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng xác định, diện tích đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So ước khoảng 5ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m; tổng khối lượng trầm tích cần xử lý khoảng 35.000m3, trong đó có 6.600m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt.

7-1.jpg -0
Lực lượng Binh chủng Hóa học xây dựng hố chôn lấp cô lập để xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So.

Để khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người tại sân bay A So, đầu tháng 10/2020, Bộ Tư lệnh Hoá học - Bộ Quốc phòng đã tổ chức khởi công dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, với tổng kinh phí hơn 76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện dự kiến trong 2 năm. Dự án được thực hiện có ý nghĩa quan trọng nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng chất độc hóa học đến con người, môi trường, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện A Lưới. Và đây là 1 trong 3 dự án mà Việt Nam chủ động sử dụng nguồn vốn và công nghệ.

Thiếu tá Nguyến Mạnh Hiếu, Trợ lý Phòng Công nghệ xử lý môi trường, Viện Hóa học môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học cho biết: “Dioxin là một trong những các chất cực độc tồn lưu sau chiến tranh, do đó quá trình xử lý chất độc tồn lưu này phải tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn. Ngoài đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, đơn vị còn thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa việc phát tán của chất độc ra bên ngoài bằng cách sử dụng tất cả các hệ thống tường bao xung quanh và dùng hệ thống tiêu tẩy khử khuẩn chuyên dụng để phun hơi nước, giúp quá trình xử lý không phát tán bụi ra môi trường bên ngoài. Khu vực xử lý cũng được cảnh giới nghiêm ngặt để không cho người dân không đi vào nhằm đảm bảo an toàn”.

Quá trình thực hiện dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So gặp không ít khó khăn, trong đó có nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, thời tiết ở địa bàn huyện A Lưới thường xuyên có mưa lớn cũng đã làm ảnh hưởng đến quá trình đào, xúc đất và xử lý đáy hố chôn lấp. Mặt khác, sân bay A So nằm trong vùng thung lũng nên trong quá trình xử lý đáy hố gặp nhiều mạch nước ngầm. Tuy nhiên, các đơn vị tham gia xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So đã nỗ lực khắc phục khó khăn và thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo Thiếu tá Nguyễn Phượng Minh, Phó trưởng phòng Sinh học, Viện Hóa học môi trường Quân sự, Binh chủng Hóa học, hiện đơn vị đang kết hợp hai phương pháp xử lý chất độc dioxin tại sân bay A So, gồm phương pháp chôn lấp cô lập tích cực và sử dụng phương pháp sinh học nhằm loại bỏ triệt để nồng độ dioxin ở trong đất để phục hồi môi trường. “Chúng tôi đang tập trung nhân lực, phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý và dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành tiến độ của dự án này”, Thiếu tá Nguyễn Phượng Minh cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới nói rằng, xử lý triệt để ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So là niềm mong ước nhiều năm qua của lãnh đạo chính quyền và người dân sinh sống tại địa phương. Việc triển khai thực hiện dự án Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người tại xã Đông Sơn nói riêng và huyện A Lưới nói chung.

Sau khi vùng đất A So được hoàn tất xử lý chất độc dioxin, huyện sẽ triển khai thực hiện các giải pháp, chương trình để hồi sinh vùng đất này. Qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Anh Khoa
.
.