Du lịch sông nước hút khách tham quan

Thứ Ba, 30/08/2022, 07:28

Những tháng hè, hoạt động du lịch các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm miệt vườn sông nước...

Tại TP Cần Thơ, du lịch cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thuỷ) đón hàng nghìn lượt khách mỗi tuần. Các hộ gia đình chung tay cùng làm du lịch, mang đến sự trải nghiệm mới lạ. Du khách tham quan các bè cá trên sông, trải nghiệm cuộc sống nông dân qua  hoạt động câu cá, mò cua, bắt ốc, tát mương bắt cá…

Khi tham quan, du khách rất thích thú vì đây là thời gian chín rộ của nhiều loại trái cây. Du khách còn trực tiếp làm các món bánh như bánh xèo, bánh khọt, bánh kẹt nướng… Anh Phan Thái Công (ngụ quận 2, TP Hồ Chí Minh) rất thích thú khi cùng vợ và hai con có một ngày trải nghiệm các hoạt động ở Cồn Sơn. Người dân dễ mến, hiếu khách đã mang đến sự gần gũi, thân thương làm say lòng du khách. “Du lịch cộng đồng mang đến sự trải nghiệm mới lạ cho gia đình, tận hưởng không khí trong lành, bình yên. Bọn trẻ rất thích thú khi tham quan vườn cây ăn trái, khu vực làm bánh dân gian và cho cá ăn”, anh Công nói.

Du lịch sông nước hút khách tham quan -0
Du khách thích thú khi tham quan vườn trái cây ở các xã cù lao huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long).

Sau dịch COVID[1]19, các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Những tháng đầu năm 2022, du lịch cụm phía Tây ĐBSCL (gồm 7 tỉnh, thành: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang và Hậu Giang) đón trên 16 triệu lượt khách (tăng 57,3% so với cùng kỳ), doanh thu đạt 12.500 tỷ đồng (tăng 54%).

Huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), một trong những địa phương có nhiều địa điểm cũng như cơ sở làm du lịch sinh thái, tập trung tại các xã cù lao An Bình, Hoà Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú. Huyện Long Hồ đã phát triển được trên 19 cơ sở lưu trú du lịch (homes[1]tay), có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn ASEAN homestay, 6 khách sạn đạt chuẩn 1 sao và 5 nhà nghỉ đạt chuẩn theo quy định, 5 cơ sở kinh doanh ăn uống du lịch và trên 20 điểm tham quan vườn trái cây, cây giống. Trong dịp hè, lượng khách đến tham quan các điểm du lịch sinh thái tăng đáng kể, chủ yếu là khách nội địa và các địa phương lân cận.

Hơn 10 năm trước, ông Mai Hoàng Duyên (ngụ xã An Bình) nhận thấy hình thức du lịch sinh thái phát triển nên bàn bạc với gia đình mở cơ sở kinh doanh nhận khách đến tham quan. Gia đình ông Duyên có hơn 2,5 hecta đất vườn trồng chôm chôm Thái, chôm chôm Java và nhãn xuồng cơm vàng. Vườn trái cây của ông Duyên được xem là địa điểm thu hút du khách khi đến tham quan các xã cù lao. Du khách trực tiếp hái trái cây và thưởng thức tại vườn nên rất hài lòng. Ông Duyên cũng xử lý vườn cây cho trái nghịch vụ, rải vụ để du khách tham quan. Với giá vé dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/người, du khách tham quan chụp ảnh, thưởng thức trái cây tại chỗ (bao ăn no bụng) và nghỉ ngơi trong lều, võng. Cơ sở phục vụ thêm thức ăn, nước uống theo yêu cầu du khách.

“Dịp cuối tuần, cơ sở đón khoảng 400 du khách mỗi ngày, còn ngày thường khoảng 200 khách”, ông Duyên nói.

Nhiều du khách khá thích thú với hoạt động dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng và phục vụ dịch vụ giải trí khác như: đờn ca tài tử, đi xe đạp, bơi xuồng, bắt cá, làm bánh truyền thống, ăn uống trên thuyền trong lúc di chuyển giữa các điểm tham quan. Bên cạnh khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn, các cơ sở còn khai thác tốt giá trị làng nghề truyền thống, công trình nhà cổ, nhà có kiến trúc đẹp, độc đáo.

Ông Võ Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết: “Trong dịp hè, ngành du lịch đón một lượng lớn khách từ miền Bắc, TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ đến tham quan vườn trái cây, cơ sở làng nghề, đặc biệt là 2 ngày cuối tuần”. Du khách rất thích đến các xã cù lao đi đò trên sông, ngắm và hái vườn trái cây trĩu quả. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, để du khách có ấn tượng, địa phương thường xuyên cử đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, cảnh quan môi trường, đặc biệt các cơ sở phải niêm yết giá cả từng sản phẩm để không xảy ra nạn “chặt chém”. Ông Võ Trung Sơn cho  biết thêm, với sản phẩm du lịch đặc trưng vốn có lâu nay, ngành du lịch huyện Long Hồ đang xúc tiến liên kết các vùng, các tỉnh lân cận, như: Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ để xây dựng tour tuyến đa dạng về dịch vụ, đặc trưng, sản phẩm của địa phương. “Để từ đó, du khách có thể tìm thấy điểm thú vị khi tham quan. Du khách đến đây có cảm giác muốn ở lại và kéo dài thời gian tham quan du lịch tại ĐBSCL nói chung và trên địa bàn Vĩnh Long, Long Hồ nói riêng”, ông Sơn nói.

Văn Vĩnh
.
.