Vé xe khách dịp Tết Nguyên đán: Mở bán đến đâu, khách mua tới đó
Trước nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều xe khách tuyến cố định đã tăng cường thêm hàng loạt xe với dự kiến sẽ đón lượng khách tăng cao so với thời điểm năm ngoái. Nhiều nhà xe cũng rục rịch tăng giá vé.
Khách tăng gấp nhiều lần ngày thường
Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, từ ngày 25/1, kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày bắt đầu. Tại bến xe Giáp Bát, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 20.000 lượt/ngày, tăng 350% so với ngày thường, tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa…
Bến xe Mỹ Đình khoảng 22.000 lượt/ngày, tăng hơn 350%. Dự kiến mỗi ngày bến khai thác hơn 950 lượt xe, chủ yếu ở các tuyến Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất khoảng 5.000 lượt/ngày, tăng 250% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 400 lượt xe/ngày, tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang… Ở bến xe Nước Ngầm, ông Trịnh Hoài Lam, Phó giám đốc bến cho biết, dự kiến lượng khách tập trung đi các tuyến Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Lượng khách khả năng tăng đến 140 - 150% so với ngày thường, bến xe dự kiến tăng cường 100 xe đi các tỉnh.
Về phía doanh nghiệp, theo tìm hiểu, hiện nhà xe Văn Minh cũng còn rất ít vé những ngày cao điểm từ 20 - 27/1 dù bình quân mỗi ngày hãng có khoảng 34 chuyến xuất phát từ các bến trong thành phố. Một số xe còn trống chỗ, song chủ yếu là ghế ngồi. Xe giường nằm các ngày cao điểm kín chỗ từ sớm. Ngay trong ngày đầu tiên (18/12/2024) mở bán vé xe về các tỉnh miền Trung dịp Tết, chỉ vài giờ bán trực tuyến, khoảng 90% số vé đã được khách đăng ký mua hết. Tại bến xe Mỹ Đình, vé xe tuyến Hà Nội - Nghệ An từ ngày 22 - 26/1 của nhà xe Nhuận Năm đều đã được bán hết. Nhân viên hãng xe An Phú Quý ở bến xe Nước Ngầm cho biết, toàn bộ vé trên tuyến Hà Nội - Nghệ An từ ngày 21 - 26/1 (22 - 27 tháng Chạp Âm lịch) đã được bán hết. Riêng tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, số lượng vé còn lại rất ít, chỉ còn khoảng 1 - 2 vé lẻ tùy theo khung giờ. Lý giải về tình trạng này, đại diện nhiều nhà xe cho biết, Tết Nguyên đán năm nay nghỉ dài ngày và bắt đầu sớm, cùng với việc giá vé máy bay, tàu hỏa khá cao nên nhu cầu đi xe cũng tăng cao.
Một số doanh nghiệp thông báo tăng tới 60% giá vé
Thông tin tới phóng viên, ông Lê Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho biết, tính đến chiều ngày 10/1, công ty đã nhận được thông báo thay đổi giá vé dịp Tết của 4 doanh nghiệp vận tải. Cụ thể, tại bến xe Mỹ Đình, Công ty cổ phần Vận tải hành khách Thái Nguyên thông báo tăng giá vé cố định từ 70.000đ lên 80.000đ (tăng 14%). Tại bến Giáp Bát có 3 đơn vị tăng giá vé dịp Tết thêm 60%. Đó là Công ty CP TM DV Thuận Ý Gia Lai chạy tuyến Hà Nội-Gia Lai (xe 32 giường) thông báo tăng từ 650.000đ/vé lên 1.040.000đ/vé từ ngày 1/2 đến ngày 11/2/2025; Công ty TNHH VT và DVDL Hải Vân tuyến Hà Nội- Đà Nẵng tăng từ 385.000đ lên 616.000đ từ ngày 29/1 đến 13/2/2025; Cũng ở doanh nghiệp này với xe vip Luxury Limosine giá vé tăng từ 700.000đ lên 1.120.000đ/vé. Công ty TNHH Hùng Thắng Gia Lai cũng chạy tuyến Gia Lai- Hà Nội tăng giá vé từ 1.000.000đ lên 1.600.000đ/ vé từ 1/2 đến 11/2/2025.
Trước tình trạng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe trực thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (gồm bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa) và bến xe Nước Ngầm: Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát các xe ra vào bến đăng ký đón trả khách, kiểm tra chất lượng phương tiện, người lái, hàng hoá, hành lý theo quy định; kiểm tra hành khách có dấu hiệu đưa các chất cháy nổ, các loại hàng hoá, hành lý cấm vận chuyển lên phương tiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nếu phát hiện vi phạm. Đặc biệt, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp phải niêm yết giá vé đi các tuyến rõ ràng, đúng giá đã được phê duyệt; từ chối phục vụ đối với các phương tiện và chủ phương tiện đưa xe không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, các xe không có bình cứu hỏa theo đúng điều kiện, hoặc có bình cứu hỏa nhưng không đáp ứng được điều kiện theo quy định; các đơn vị kinh doanh vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe, chủ động phối hợp với bến xe tổ chức bán vé trực tuyến cho hành khách, hạn chế tối đa để hành khách phải chen lấn, xô đẩy tranh giành chỗ để lên xe; không tùy tiện tăng giá cước, thu phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; Thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không được lợi dụng lượng hành khách cao trong dịp Tết Nguyên đán để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai và lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh. Giao Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chủ động phối hợp với phòng, ban chuyên môn trực thuộc Sở, Sở Tài chính và Công an thành phố thành lập đoàn kiểm tra công tác phục vụ vận tải, kiểm tra việc tuân thủ quy định về giá cước, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Cùng với đó, lập phương án đảm bảo an toàn giao thông, dự báo các điểm có nguy cơ ùn tắc trong các dịp Tết và có kế hoạch giải toả khi sự cố ùn tắc xảy ra, giải toả các chợ, điểm buôn bán, lấn chiếm lòng, lề đường; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thuộc Phòng CSGT, CSTT, CSHS - Công an thành phố, chính quyền địa phương và các lực lượng tham gia bảo đảm giao thông tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông khu vực xung quanh các bến xe.