Xuất khẩu lao động sớm “về đích”
Tính đến hết tháng 11/2024, tổng số lao động Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài đã vượt qua con số 143 nghìn người. Việc ổn định các thị trường tiếp nhận lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã giúp cho lĩnh vực đưa lao động ra nước ngoài làm việc sớm “về đích”
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 11 năm 2024 là 12.520 lao động (trong đó có 4.311 lao động nữ). Tính từ đầu năm đến hết tháng 11, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 lao động (trong đó có 45.350 lao động nữ).
Với mục tiêu đưa 125 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2024, lĩnh vực xuất khẩu lao động đã sớm “về đích”. Trong đó thị trường tiếp nhận lớn nhất vẫn là Nhật Bản với 69.188 lao động (28.665 lao động nữ), tiếp đó là thị trường Đài Loan với 53.271 lao động (14.406 lao động nữ), đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc với 11.273 lao động (1.118 lao động nữ)…
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay đã có hơn 40 thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam. Các thị trường tiếp nhận lớn và ổn định nhất vẫn là các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Cùng với đó, số lượng lao động đi làm việc tại các thị trường truyền thống này vẫn gia tăng hằng năm, đặc biệt thị trường Nhật Bản hiện đang phát triển mạnh mẽ. Các thị trường mới, dù đang nỗ lực để gia tăng số lượng tiếp nhận nhưng đều là những quốc gia có thu nhập cao, có điều kiện làm việc tốt như Đức, Ba Lan, Séc...
Hiện cả nước hiện có hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5 - 4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường hiện có thì Cục sẽ tập trung phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Nhiều thị trường mới cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như: Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia...