Bước đột phá của châu Âu đẩy nhanh lộ trình thoát phụ thuộc vào khí đốt Nga

Thứ Năm, 29/09/2022, 07:59

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến các nước châu Âu chao đảo, mới đây, Na Uy đã chính thức khánh thành một đường ống dẫn khí với tên gọi Baltic Pipe, trung chuyển khí đốt tới Ba Lan qua Đan Mạch.

Giới chuyên gia đánh giá, hành lang này sẽ đem lại lợi ích cho cả các quốc gia ngoài Ba Lan, đồng thời cải thiện đáng kể vấn đề an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) trước những diễn biến khó lường, nhất là ở thời điểm đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 liên tiếp gặp các sự cố rò rỉ, nghi do bị phá hoại có chủ đích.

1.jpg -0
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại lễ khánh thành Baltic Pipe. Nguồn: AP.

Euronews ngày 28/9 đưa tin, các nhà lãnh đạo Ba Lan, Đan Mạch và Na Uy đã tham dự lễ khánh thành đường ống dẫn khí Baltic Pipe hôm 27/9 ở khu vực Goleniow, Tây Bắc Ba Lan. Tại buổi lễ, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định, Baltic Pipe là giấc mơ của người Ba Lan trong nhiều thập kỷ và bày tỏ sự tự hào về cam kết hợp tác chặt chẽ giữa Warsaw và Copenhagen. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Na Uy Terje Aasland nhấn mạnh, đây là một bước đi quan trọng về địa chính trị trong lộ trình của Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Được biết, Baltic Pipe là dự án được thành lập với sự hợp tác giữa nhà điều hành hệ thống truyền tải điện và khí đốt Energinet của Đan Mạch với công ty Gas - System của Ba Lan, bắt đầu từ đoạn giữa của đường ống Europipe II dẫn khí đốt từ thềm lục địa Na Uy tới Đức, đi qua lãnh thổ Đan Mạch, biển Baltic tới nước Đông Âu này.

Theo Tập đoàn Khí đốt Ba Lan PGNiG, Baltic Pipe có công suất tối đa 10 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, đường ống này sẽ vận chuyển khoảng 6,5 tỷ m3 khí đốt vào năm 2023 và 7,7 tỷ m3 vào năm 2024. Dự kiến, một phần của hệ thống sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/10 tới. Trước đó, nhà điều hành hệ thống Đan Mạch Energinet cho hay, Baltic Pipe có thể được vận hành hết công suất sớm một tháng nhờ tiến độ tốt ở Đan Mạch, dự kiến là vào cuối tháng 11 tới, thay vì vào đầu năm 2023.

Theo Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng năng lượng Ba Lan Mateusz Berger, việc hoàn thành Baltic Pipe có nghĩa là Ba Lan sẽ nhận được gấp đôi lượng khí đốt dự kiến ban đầu trong quý IV/2022. Thực tế, Ba Lan tự sản xuất khoảng 3 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, nhập khẩu 2/3 lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm từ Nga nhưng Warsaw đã bị cắt nguồn cung năng lượng này hồi tháng 4 vì từ chối thanh toán hợp đồng cho Moscow bằng ruble.

Euronews cũng dẫn nhận định về sự kiện trên từ chuyên gia nghiên cứu cấp cao về an ninh toàn cầu Trine Villumsen Berling thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch (DIIS), nêu rõ Baltic Pipe là trọng tâm trong chiến lược của nước này nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt. Dự án vốn đã bắt đầu từ nhiều năm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, dẫn tới việc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Phía DIIS còn khẳng định, hành lang năng lượng này cũng phù hợp để chuyển khí đốt từ Ba Lan sang thị trường Đan Mạch, tăng cường an ninh và tính linh hoạt cho việc cung cấp năng lượng trong khu vực.

"Ngoài Ba Lan, đường ống Baltic rất quan trọng đối với các nước vùng Baltic. Họ có thể nhận khí đốt thông qua Gas Interconnector Poland Lithuania (GIPL), giống như cách Ba Lan đã nhận khí đốt từ Lithuania sau khi bị Nga khóa van", bà Trine Villumsen Berling nhấn mạnh.

Được biết, Ba Lan và các nước Baltic đã khánh thành đường ống GIPL dài 508km hồi tháng 5. Cuối tháng 8, một trạm liên kết khí đốt khác giữa Ba Lan và Slovakia đã đi vào hoạt động. Đây là một phần quan trọng của hành lang cơ sở hạ tầng khí đốt Bắc - Nam giữa biển Baltic, biển Adriatic và Aegean, Đông Địa Trung Hải và biển Đen. Giới chuyên gia đánh giá, Ba Lan được cho là đang có tham vọng trở thành trung tâm khí đốt của châu Âu, khi lắp đặt bể chứa thứ ba tại kho khí đốt Kaczynski lớn nhất đất nước.

Ở một diễn biến có liên quan, Bloomberg ngày 28/9 đưa tin, giá khí đốt châu Âu tăng vọt tới 22%, cao nhất trong ba tuần, sau khi tập đoàn dầu khí Nga Gazprom cảnh báo trừng phạt đối tác Naftogaz của Ukraine. Điều đó có nghĩa là lượng khí đốt ít ỏi cuối cùng vẫn đang chảy từ Nga qua Ukraine đến Tây Bắc Châu Âu đang gặp nguy hiểm trong bối cảnh hệ thống đường ống Nord Stream tê liệt và liên tiếp gặp sự cố rò rỉ, nghi do phá hoại.

Chuyên gia phân tích Tom Marzec-Manser cho rằng, dường như những sự cố ở đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 chỉ là "khúc dạo đầu" cho diễn tiến mới nhất này. Nếu Nga cắt luôn khí đốt qua Ukraine, thì giờ đây EU thậm chí không thể tính đến chuyện quay đầu hoặc yêu cầu mở Nord Stream để giải quyết tình hình. "Ba Lan sẽ phải đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm loại bỏ nhập khẩu khí đốt Nga và Baltic Pipe là một minh chứng trước những diễn biến khó lường như hiện nay", Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group chia sẻ.

Linh Đan
.
.