Các bang của Mỹ tăng cường an ninh trước thềm Ngày bầu cử

Thứ Ba, 05/11/2024, 08:18

Trong bối cảnh Ngày bầu cử tại Mỹ chỉ còn tính bằng giờ, các bang trên khắp nước này đang tích cực chạy đua đảm bảo an ninh tại các khu vực kiểm phiếu cũng như những địa điểm quan trọng khác.

Các bang của Mỹ tăng cường an ninh trước thềm Ngày bầu cử -0
Nhiều nơi tại Mỹ huy động cả Vệ binh quốc gia để đảm bảo an ninh trong bầu cử. Ảnh minh họa Getty Images. 

Một hành rào an ninh đã được dựng lên tại các điểm bỏ phiếu ở Las Vegas, Nevada. Cảnh sát tại Arizona đã huy động toàn bộ lực lượng để ứng phó với các nguy cơ xảy ra bạo lực, điều động cả máy bay không người lái và lính bắn tỉa túc trực. Thống đốc của ít nhất 3 tiểu bang đã huy động cả Vệ binh quốc gia để đảm bảo trật tự.

Khi nước Mỹ bước vào chặng cuối của cuộc bầu cử tổng thống giữa ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, những lo ngại về bạo lực chính trị có thể xảy ra đã thúc đẩy giới chức nước này thực hiện các bước nhằm đảm bảo an ninh.

Dễ thấy nhất là tại các bang chiến trường sẽ quyết định cuộc bầu cử tổng thống, các tiểu bang như Nevada nơi các cuộc biểu tình của những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump nổ ra sau cuộc bầu cử năm 2020.

Năm nay, một hàng rào an ninh đã được dựng tại nơi từng xảy ra các cuộc biểu tình đó, trung tâm kiểm phiếu Las Vegas. Thống đốc Nevada Joe Lombardo hồi tuần trước cho biết rằng ông đã huy động một đội ngũ gồm 60 thành viên của Vệ binh Quốc gia để đảm bảo phản ứng kịp thời với mọi thách thức.

Tại Arizona, một hàng rào kim loại đã được dựng lên tại trung tâm kiểm phiếu của quận Maricopa ở trung tâm thành phố Phoenix, cũng là một điểm nóng vào năm 2020 về các mối đe dọa đối với các quan chức bầu cử.

Cảnh sát trưởng của thành phố Phoenix Russ Skinner nhấn mạnh đơn vị của ông sẽ “ở mức báo động cao” về các mối đe dọa và bạo lực, tất cả nhân viên đều sẵn sàng hành động. Ông Skinner cũng lưu ý rằng máy bay không người lái sẽ được sử dụng để giám sát hoạt động xung quanh các điểm bỏ phiếu và các tay súng bắn tỉa cùng các lực lượng tăng viện khác sẽ sẵn sàng triển khai nếu có khả năng xảy ra bạo lực. Cảnh sát trưởng nhấn mạnh, lực lượng thực thi pháp luật sẽ vẫn trong tình trạng báo động cao và “sẽ không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi nào liên quan đến hoạt động tội phạm”.

Tại tiểu bang chiến trường Michigan vào năm 2020, những người ủng hộ ông Trump đã đổ về hội trường đại hội ở trung tâm thành phố Detroit và bắt đầu đập vào cửa sổ khi việc kiểm phiếu vắng mặt kéo dài sang ngày thứ hai. Năm nay, các biện pháp bảo vệ đã được tăng cường.

Những người đến thăm hội trường này giờ sẽ phải đi qua máy dò kim loại và có khoảng 15 cảnh sát tuần tra mọi lúc. Daniel Baxter, quan chức phụ trách mảng bỏ phiếu vắng mặt và các dự án đặc biệt của Detroit, cho biết cảnh sát cũng được triển khai trên mái nhà và bao quanh tòa nhà. Ông Baxter nói thêm rằng 8 ngày xử lý sơ bộ các lá phiếu gửi qua thư đã trôi qua trong yên bình.

Peter Simi, giáo sư xã hội học tại Đại học Chapman ở California, người đã nghiên cứu các mối đe dọa đối với các quan chức công, cho biết kịch bản tồi tệ nhất sẽ là ông Trump không giành chiến thắng và không thừa nhận thất bại.

Nếu kịch bản này xảy ra, thay vì lặp lại cuộc tấn công năm 2021 vào Điện Capitol, ông Simi cảnh báo xung đột có thể là “các sự kiện phân tán, lan rộng ở nhiều địa điểm” khiến lực lượng thực thi pháp luật khó giải quyết hơn.

Các biện pháp phòng ngừa cũng được tiến hành tại những bang khác trên khắp nước Mỹ. Chính quyền tiểu bang Oregon và Washington cho biết họ đã huy động cả Vệ binh Quốc gia.

Thống đốc Washington Jay Inslee cuối tuần qua đã thông báo về việc huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia của tiểu bang để sẵn sàng “ứng phó với bất kỳ tình trạng bất ổn nào” liên quan đến cuộc bầu cử. Theo lệnh của thống đốc, các thành viên của lực lượng Vệ binh được huy động cho đến hết ngày 7/11.

Tại Washington, D.C., cảnh sát trưởng Pamela Smith cho biết toàn bộ lực lượng của đơn vị sẽ được huy động, làm việc theo ca 12 giờ “và tùy thuộc vào những gì xảy ra, có thể lâu hơn một chút, để đảm bảo có đủ cảnh sát trên đường phố và mọi ngóc ngách của thành phố”.

Các biện pháp an ninh khác đã được thực hiện trên khắp thành phố. Hàng rào xung quanh Nhà Trắng và Đài quan sát Hải quân (nơi có dinh thự của phó tổng thống) đã được tăng cường. Một số doanh nghiệp gần Nhà Trắng đã đóng ván cửa sổ để phòng ngừa bị phá phách, theo báo chí địa phương .

Mặc dù chưa có vụ việc nào xảy ra cho đến nay, nhiều người trên khắp nước Mỹ vẫn lo ngại về khả năng xảy ra bạo lực. Trong cuộc thăm dò của NPR/PBS News/Marist được công bố vào ngày 4/11, 72% cử tri cho biết họ lo ngại về bạo lực do cuộc bầu cử gây ra.

Duy Tiến (Theo Reuters, NBC, Politico)
.
.