Châu Á tìm lại vai trò trung tâm trong trật tự đang định hình

Chủ Nhật, 30/03/2025, 06:49

Từ một hội nghị kinh tế khu vực, Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) đang từng bước chuyển mình thành “trục đối thoại chiến lược mềm” trong bối cảnh thế giới phân mảnh, lòng tin quốc tế rạn vỡ và nhu cầu tái định hình trật tự toàn cầu ngày càng rõ rệt. Diễn ra từ ngày 25-28/3 tại thị trấn ven biển Bác Ngao, BFA 2025 không chỉ phản ánh tư duy phát triển mới của châu Á, mà còn là công cụ để Trung Quốc thúc đẩy một mô hình toàn cầu hoá mang bản sắc riêng.

Hậu đại dịch COVID-19, thế giới tiếp tục chứng kiến những cú sốc địa chính trị và địa kinh tế: xung đột Nga - Ukraine kéo dài, khủng hoảng Gaza leo thang, sự chia rẽ trong chuỗi cung ứng công nghệ và năng lượng toàn cầu, lạm phát gia tăng và tăng trưởng chững lại tại nhiều nền kinh tế lớn. Trong bối cảnh đó, BFA 2025 được tổ chức như một nỗ lực khôi phục lòng tin, khẳng định cam kết hợp tác và tái định nghĩa vai trò của châu Á trong trật tự đang định hình.

Châu Á tìm lại vai trò trung tâm trong trật tự đang định hình -0
Quang cảnh một phiên họp tại BFA 2025.

Từ góc nhìn chiến lược, chủ đề của diễn đàn thể hiện rõ ý đồ của nước chủ nhà Trung Quốc: khẳng định vai trò “trung tâm kết nối” của châu Á trong thế giới hậu toàn cầu hoá, đồng thời thúc đẩy một mô hình hội nhập kinh tế mở - nhưng không lệ thuộc - nhằm ứng phó với những bất định từ phương Tây. Bốn lĩnh vực được lựa chọn làm trọng tâm tại diễn đàn - gồm xây dựng lại lòng tin để thúc đẩy hợp tác, tái cân bằng toàn cầu hoá, phát triển bền vững và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cùng đổi mới sáng tạo - không chỉ đơn thuần là những chủ đề kinh tế - công nghệ phổ biến. Chúng phản ánh rõ nỗ lực của Bắc Kinh trong việc định hình một “phiên bản châu Á” của toàn cầu hoá, nơi các quốc gia đang phát triển đóng vai chính và luật chơi không còn do phương Tây đơn phương thiết lập.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhấn mạnh: “Chúng ta cần cùng nhau xây dựng một cộng đồng châu Á hoà bình, ổn định và thịnh vượng hơn”. Trong bối cảnh lòng tin chiến lược trong khu vực bị thử thách bởi các tranh chấp chủ quyền, cạnh tranh công nghệ và bất định trong liên minh an ninh, lời kêu gọi này không chỉ mang tính lễ nghi ngoại giao, mà còn là sự khẳng định vai trò điều tiết của Trung Quốc trong cấu trúc hợp tác khu vực. Việc khôi phục lòng tin, theo đó, trở thành một chiến lược mềm nhằm tạo dựng dư địa ảnh hưởng trong môi trường cứng về địa chính trị.

Song song với khía cạnh hợp tác chính trị - an ninh, vấn đề tái định hình toàn cầu hoá cũng được đặc biệt nhấn mạnh. Sau đại dịch và các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các nền kinh tế phương Tây ngày càng thúc đẩy chiến lược “friend-shoring”, chỉ hợp tác với các đối tác đồng minh. Trong khi đó, các nước châu Á, đặc biệt là ASEAN, Ấn Độ và Trung Quốc, có xu hướng tăng cường thương mại nội khối và phát triển các chuỗi cung ứng mang tính khu vực cao hơn. BFA 2025 nhấn mạnh khái niệm “tái cân bằng toàn cầu hoá” như một phản ứng mềm nhưng rõ ràng trước trật tự toàn cầu đang bị phân mảnh.

Thay vì phản ứng bị động với sự rút lui của phương Tây, châu Á đang kiến tạo một không gian kinh tế riêng, nơi quyền tự chủ và lợi ích phát triển của các nước đang nổi được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là thông điệp ngầm của Bắc Kinh về một mô hình hội nhập không bị áp đặt - một mô hình mà Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt.

Chuyên gia Harish V. Pant tới từ Observer Research Foundation (Ấn Độ) nhấn mạnh: “BFA không chỉ là sân chơi của Trung Quốc, mà ngày càng là nơi các nước đang phát triển tìm kiếm không gian chiến lược riêng trong kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn”. Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh nổi lên như một trụ cột chủ đạo trong tư duy phát triển mới của châu Á. Báo cáo phát triển bền vững công bố tại diễn đàn chỉ rõ rằng mô hình tăng trưởng truyền thống - dựa vào tài nguyên, xuất khẩu thô và công nghiệp nặng - đang ngày càng bộc lộ những giới hạn cả về môi trường và khả năng chống chịu.

Chuyển đổi xanh trở thành một chiến lược kép: vừa để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, vừa để thích ứng với áp lực địa kinh tế mới, khi các thị trường phương Tây áp dụng các cơ chế thuế carbon, tiêu chuẩn ESG ngày càng ngặt nghèo. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn còn nhiều rào cản. Theo Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP), chỉ 13/54 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương hiện đang trên lộ trình đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Khó khăn về tài chính xanh, công nghệ sạch và xung đột lợi ích giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường là những trở lực chưa dễ tháo gỡ. Trong bối cảnh đó, việc các đại biểu tại BFA 2025 đồng thuận thúc đẩy “tăng trưởng xanh chất lượng cao” cho thấy một bước chuyển quan trọng trong tư duy phát triển: châu Á đang học cách đo tăng trưởng không chỉ bằng tốc độ, mà bằng chất lượng và tính bền vững lâu dài.

Nếu phát triển bền vững phản ánh chuyển biến trong mô hình kinh tế, thì AI và đổi mới sáng tạo lại thể hiện sự dịch chuyển trong mô hình công nghệ. Nhiều phiên thảo luận tập trung vào việc tích hợp AI vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, năng lượng và quản trị công. Tuy vậy, đi cùng với triển vọng phát triển là những thách thức lớn về chủ quyền dữ liệu, an ninh mạng và khoảng cách công nghệ giữa các nước. Trong khi Trung Quốc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn bản địa, nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn lệ thuộc vào hạ tầng công nghệ và nền tảng AI của phương Tây.

Khoảng cách này không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là câu chuyện về quyền lực, kiểm soát và khả năng tự chủ trong kỷ nguyên số. Chính vì thế, việc BFA kêu gọi thúc đẩy AI có đạo đức, bao trùm và lấy con người làm trung tâm là nỗ lực nhằm hình thành một hệ quy chiếu mới, khác biệt với mô hình thuần tuý thương mại hoá của các tập đoàn công nghệ Mỹ. Đại diện Singapore tại diễn đàn, Bộ trưởng Công nghệ Josephine Teo, nhấn mạnh: “Tương lai số của châu Á cần được xây dựng trên sự tin cậy, minh bạch và chia sẻ công bằng dữ liệu, chứ không phải dựa trên lợi nhuận tối đa hoá”.

Tổng thể những trụ cột trên cho thấy BFA đang dần vượt ra khỏi khuôn khổ một diễn đàn kinh tế thông thường. Với hơn hai thập niên tồn tại từ năm 2001, Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã từng bước khẳng định vai trò là “trục đối thoại chiến lược mềm” của khu vực. Nếu Diễn đàn Davos được xem là nơi các nền kinh tế phương Tây phản ánh những xu thế toàn cầu, thì Bác Ngao đang đóng vai trò như một bản đối âm - nơi châu Á chủ động định hình các giá trị phát triển riêng: dựa trên hợp tác, ổn định và tự chủ.

Chính trong sự đối lập ấy, vai trò của Trung Quốc càng trở nên rõ nét. Bằng cách tránh đề cập trực diện tới các vấn đề an ninh nhạy cảm và thay vào đó tập trung vào các chủ đề công nghệ, kinh tế và phát triển, Trung Quốc không chỉ tránh được va chạm với các đối thủ chiến lược, mà còn khéo léo định hình “một châu Á không chia rẽ” - điều đang ngày càng trở nên hiếm hoi trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn. BFA 2025 phản ánh ba xu thế chiến lược nổi bật. Thứ nhất, châu Á đang chủ động tái định vị vai trò trong trật tự toàn cầu, vượt khỏi vai trò “công xưởng của thế giới” để trở thành trung tâm chính sách, công nghệ và tư tưởng phát triển. Thứ hai, toàn cầu hoá ngày càng mang tính khu vực hoá, với các liên kết nội khối được chú trọng để tăng tính tự chủ. Thứ ba, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các cơ chế đa phương mềm để gia tăng ảnh hưởng chiến lược mà không tạo ra đối đầu trực diện, như cách họ từng làm với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và nay là BFA.

Đối với Việt Nam, diễn đàn cũng mở ra cơ hội để kết nối sâu hơn vào các sáng kiến khu vực, đẩy mạnh hợp tác xanh, chuyển đổi số và định vị vai trò trong chuỗi giá trị mới của châu Á. Trong một thế giới đang dịch chuyển, lựa chọn con đường phát triển, đồng thời giữ vững sự cân bằng và chủ động chiến lược, sẽ là yếu tố then chốt để từng quốc gia vượt qua giai đoạn nhiều biến động này - và để châu Á thực sự trở thành một trụ cột của trật tự mới.

Khổng Hà
.
.