Chiến lược xây dựng hình ảnh đầy tham vọng của Taliban

Thứ Năm, 19/08/2021, 06:52

Tự nhận rằng đường lối đã khác xa so với 20 năm trước, Taliban mới đây đưa ra nhiều cam kết theo chiều hướng tích cực, khẳng định muốn có được mối quan hệ hữu hảo với các quốc gia sau khi giành chính quyền tại Afghanistan.

Giới phân tích nhận định, phong trào Hồi giáo Taliban đang nóng lòng muốn xây dựng một hình ảnh chuẩn mực để có được sự công nhận quốc tế. Tuy nhiên, các học giả khuyến cáo phải thận trọng trước những tuyên bố của lực lượng này.

"Chúng tôi không muốn có bất kỳ sự thù địch nào dù là bên trong hay bên ngoài". Đây là tuyên bố được Người Phát ngôn của phong trào Hồi giáo Taliban Zabihullah Mujahid đưa ra trong cuộc họp báo đầu tiên hôm 17/8 tại Kabul, kể từ khi lực lượng này giành chính quyền tại Afghanistan.

Chiến lược xây dựng hình ảnh đầy tham vọng của Taliban -0
Người Phát ngôn phong trào Hồi giáo Taliban tại buổi họp báo đầu tiên sau khi giành chính quyền ở Afghanistan. Nguồn: AP/Getty Images. 

Cụ thể, ông Mujahid cho biết, Taliban đang nắm quyền kiểm soát thủ đô, toàn bộ lãnh thổ và các đường biên giới của Afghanistan. Trước hết, lực lượng Hồi giáo này sẽ tập trung vào việc ổn định tình hình, kêu gọi các quan chức trở lại làm việc bình thường và nỗ lực thành lập một chính phủ toàn diện, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động tái thiết đất nước.

Đáng chú ý, ông Zabihullah Mujahid nhấn mạnh, một trong những điều đặc biệt thể hiện đường lối mềm mỏng của Taliban hiện nay là phụ nữ sẽ được phép học tập, làm việc và "sẽ rất tích cực trong xã hội nhưng trong khuôn khổ của đạo Hồi". Taliban sẽ không trừng phạt các cựu binh sĩ và quan chức chính phủ, đồng thời ân xá cho các cựu binh cũng như các nhà thầu và phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế.

Về đối ngoại, Người Phát ngôn Taliban cũng cam kết với cộng đồng quốc tế rằng, lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào và không để quốc gia này trở thành nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố. Taliban mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa bình với tất cả các bên nhằm phát triển kinh tế và chấm dứt mọi hoạt động trồng, sản xuất thuốc phiện.

Ngay sau buổi họp báo, nhiều nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng, nhấn mạnh việc tôn trọng nhân quyền bao gồm quyền của phụ nữ và cách hành xử của Taliban sẽ là các điều kiện tiên quyết để cân nhắc công nhận chính quyền mới ở Afghanistan.

Người Phát ngôn Liên Hợp quốc Stephane Dujarric tuyên bố, tổ chức này cần phải thấy được hành động thực tế của Taliban tại Afghanistan: "Tôi đã xem cuộc họp báo. Chúng ta sẽ cần phải xem điều gì thực sự xảy ra với Afghanistan và tôi nghĩ rằng, Taliban cần phải hành động để những lời hứa hẹn của họ trở thành hiện thực".

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì khẳng định, Mỹ sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng nữ quyền và không tham gia những tổ chức cực đoan như al-Qaeda. Về phía Liên minh châu Âu (EU), Cao uỷ phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borell cho hay: "Tôi không nói là chúng tôi sẽ công nhận Taliban. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi phải nói chuyện với họ về mọi thứ, thậm chí tìm cách bảo vệ phụ nữ và các bé gái. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ của mình để phụ nữ và trẻ em tại Afghanistan được tôn trọng".

Một số nguồn thạo tin cho biết, hiện tại, hầu hết phụ nữ Afghanistan đều chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn từ Taliban. Họ đang lo lắng về những vấn đề như liệu họ có thể một mình ra ngoài, làm việc, theo đuổi sự nghiệp hay không, hay liệu họ có nên rời đất nước.

Theo các nhà phân tích, mặc dù tình hình Afghanistan còn hết sức phức tạp, chưa thể đoán định hết, song nhìn chung tình hình vẫn đang được kiểm soát. Với những tuyên bố trong cuộc họp báo đầu tiên, nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Taliban sắp tới sẽ thay đổi theo chiều hướng ôn hòa và cởi mở hơn.

Sébastien Boussois - nhà nghiên cứu về Afghanistan tại Đại học Libre de Bruxelles nhận định, việc cải thiện hình ảnh này có thể đã tạo điều kiện cho Taliban chinh phục Afghanistan mà không cần tốn thêm nhiều súng đạn: "Taliban đã xây dựng một câu chuyện rất khác với câu chuyện về nhóm vũ trang đã làm mưa làm gió ở Afghanistan từ năm 1996 đến 2001. Taliban nói rằng luật Hồi giáo là một phương tiện để tạo ra một chính phủ mạnh mẽ sau nhiều năm tham nhũng và mơ hồ".

Chuyên gia Wassim Nasr của France 24 cho rằng, những điều chỉnh chỉ mang tính chiến thuật ban đầu về chính sách có thể dẫn đến sự thay đổi thực sự. Taliban đã rút ra bài học rằng, việc trở thành một tổ chức tiếp nhận những kẻ khủng bố chắc chắn sẽ dẫn đến sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Vì lẽ đó, lực lượng Hồi giáo này sẽ nỗ lực để xây dựng hình ảnh chuẩn mực, thay vì trở thành điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố, tiếp tục thách thức hoà bình và sự ổn định ở khu vực cũng như quốc tế.

Trong một diễn biến khác, cựu Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh tự tuyên bố mình là "tổng thống lâm thời hợp pháp" của Afghanistan theo điều khoản Hiến pháp quy định trong trường hợp tổng thống đương nhiệm vắng mặt. Đăng tải trên Twitter hôm 17/8, ông Saleh cho hay, "không giống Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chúng tôi không mất đi nhuệ khí và vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội phía trước". Ông kêu gọi người dân Afghanistan tham gia kháng chiến và không cúi đầu trước Taliban. Hiện không rõ ông Saleh đang ở đâu nhưng một số nguồn tin cho hay, ông đã rút về thung lũng Panjshir (nơi Taliban vẫn chưa kiểm soát) phía Đông Bắc thủ đô Kabul.

Linh Đan (TH)
.
.