Đường đến hoà bình tại Gaza thêm trắc trở
Trong bối cảnh phái đoàn của phong trào Hồi giáo Hamas đến Ai Cập để đàm phán chấm dứt xung đột tại Gaza, lực lượng Israel vẫn không ngừng tấn công khu vực này trong nhiều ngày qua, khiến con đường dẫn đến hoà bình tại đây thêm gian nan.
Phái đoàn của phong trào Hồi giáo Hamas ngày 13/4 (giờ địa phương) đã đến Cairo để đàm phán với giới chức Ai Cập về chấm dứt xung đột với Israel ở Dải Gaza cũng như mở lại cửa khẩu biên giới để cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo cấp thiết vào dải đất bị chiến tranh tàn phá này. Trọng tâm thảo luận là khả năng kích hoạt sáng kiến thành lập “Ủy ban Hỗ trợ Cộng đồng” với các thành viên không có quan hệ với bất kỳ phe phái nào của Palestine để quản lý các dịch vụ dân sự ở Gaza. Ủy ban dự này kiến sẽ có 10-15 chuyên gia độc lập, phụ trách các lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, y tế đến viện trợ nhân đạo và tái thiết.

Đề xuất thành lập ủy ban này đã nhận được sự đồng thuận của phía Palestine, các nước Arab và Hồi giáo, cũng như sự tán thành từ cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, phái đoàn Hamas cũng thảo luận việc tái thiết Gaza, thống nhất các thể chế tại khu vực này và Bờ Tây. Hamas nhấn mạnh sự thống nhất về lãnh thổ và chính trị của Palestine là ưu tiên hàng đầu, khẳng định họ “đang tiếp cận tích cực và có trách nhiệm” trong các cuộc đàm phán tại Cairo và sẵn sàng chấp nhận bất cứ đề xuất mới nào nếu có thể dẫn tới việc chấm dứt xung đột và đảm bảo Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.
Bên cạnh đó, Hamas tiếp tục cáo buộc Israel tìm cách thu hẹp nội dung đàm phán từ thỏa thuận ngừng bắn xuống thành thỏa thuận trao đổi con tin, đồng thời viện cớ để tiếp tục hoạt động quân sự tại Gaza. Nhóm Hồi giáo này khẳng định sẽ cương quyết giữ các yêu cầu chính đáng, bao gồm chấm dứt hoàn toàn xung đột, Israel rút quân khỏi Gaza, tái thiết Gaza và công nhận một nhà nước Palestine độc lập với Thủ đô là Jerusalem.
Cộng đồng quốc tế trong thời gian qua đã nỗ lực để đạt được hoà bình tại Gaza. Kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng nổ tháng 10/2023, Ai Cập luôn duy trì lập trường ủng hộ người dân Palestine và không ngừng nỗ lực làm trung gian hòa giải cho việc ngừng bắn giữa hai bên. Nước này đang phối hợp chặt chẽ với Qatar để khôi phục và duy trì lệnh ngừng bắn đạt được hồi tháng 1/2024 giữa Israel và Hamas, sau khi giai đoạn 1 của thỏa thuận kết thúc hôm 1/3, tuy nhiên, các bên vẫn chưa thể khởi động đàm phán giai đoạn tiếp theo do bất đồng về hướng tiếp cận.
Hôm 11/4, Ai Cập gửi đến Hamas một đề xuất mới, trong đó yêu cầu phong trào này thả 5-8 con tin Israel còn sống cũng như bàn giao một số thi thể để đổi lấy việc trả tự do cho các tù nhân Palestine và mở lại cửa khẩu biên giới Rafah. Ai Cập đề nghị phía Israel rút dần quân đội khỏi khu vực này. Hamas phản ứng khá tích cực trong khi Israel chưa đồng ý với đề xuất mới này.
Trong khi đó, theo thông báo mới đây của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), trong hai ngày cuối tuần, IDF đã tấn công hơn 90 mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tay súng. Trong số các mục tiêu bị tập kích có các trung tâm chỉ huy của Hamas ở thành phố Gaza và hai khu vực phụ cận là Daraj và Tuffah, một kho vũ khí, một địa điểm phóng rocket cùng một số cấu trúc được Hamas sử dụng.
Trước đó, IDF cũng tuyên bố phá hủy thêm 1,2km đường hầm của Hamas ở phía Bắc Gaza, đồng thời phát hiện một kho vũ khí lớn với nhiều thiết bị nổ ở gần đó. Lực lượng Phòng vệ dân sự Gaza thông tin rằng ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào thành phố Deir al-Balah thuộc khu vực trung tâm Dải Gaza. Tính từ đầu chiến dịch tập kích trở lại của IDF vào Dải Gaza ngày 18/3, các cuộc tấn công của Israel đã khiến 1.574 người chết, hơn 4.100 người bị thương. Hầu hết thương vong là dân thường, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm đa số.
Đáng chú ý, Israel ngày 13/4 thực hiện một vụ không kích vào bệnh viện al-Ahli, bệnh viện cung cấp dịch vụ y tế quan trọng cuối cùng còn hoạt động bình thường ở Gaza, làm bùng lên sự phản đối mạnh mẽ ở Palestine và cộng đồng quốc tế. Theo hãng tin Reuters, tên lửa của Israel đã tấn công vào một tòa nhà trong khuôn viên bệnh viện al-Ahli, phá hủy hoàn toàn nhiều công trình. Người phát ngôn của lực lượng Phòng vệ dân sự Gaza Mahmoud Basal cho biết: “Cuộc không kích của Israel thực sự là một thảm kịch và là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế hiện nay”. Trong một tuyên bố, Cơ quan Y tế Gaza cho biết cuộc tấn công đã buộc bệnh viện phải sơ tán bệnh nhân và nhân viên, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ ngành y tế theo các luật lệ và thỏa thuận quốc tế.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh các cuộc tấn công vào cơ sở y tế phải dừng lại, bệnh nhân, nhân viên y tế và các bệnh viện phải được bảo vệ, lệnh cấm viện trợ phải được dỡ bỏ và các bên phải ngừng bắn. Đăng tải trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Anh David Lammy khẳng định các cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở y tế đã “hoàn toàn làm suy yếu khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe” ở khu vực này. Ông Lammy cũng nói rằng ngoại giao là giải pháp để đạt được một hòa bình lâu dài.
Trong khi đó, Qatar cáo buộc cuộc tấn công vào bệnh viện duy nhất còn hoạt động ở miền Bắc Gaza là hành động thảm sát kinh hoàng và một tội ác tàn bạo chống lại dân thường, vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế. Jordan cũng lên án cuộc tấn công cũng như việc Israel nhắm mục tiêu có hệ thống vào dân thường ở Gaza và phá hủy các cơ sở thiết yếu cung cấp dịch vụ cho người dân. Ai Cập tuyên bố cuộc tấn công là một vi phạm nghiêm trọng của luật nhân đạo và các chuẩn mực quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để chấm dứt các cuộc tấn công.