Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ra tuyên bố chung về vấn đề di cư

Chủ Nhật, 12/06/2022, 08:34

Các nhà lãnh đạo Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) kêu gọi đảm bảo an toàn và quyền lợi chính đáng cho tất cả người di cư và kêu gọi các lực lượng hành pháp và tình báo phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp.

Ngày 10/6, lãnh đạo 20 nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh OAS lần thứ 9 diễn ra ở thành phố Los Angeles (Mỹ) đã ra tuyên bố chung trong đó cam kết phối hợp trong vấn đề di cư, tìm cách thúc đẩy hành động cho vấn đề đang ngày càng nhận được ưu tiên chính trị này. Tuyên bố chung kêu gọi đảm bảo an toàn và quyền lợi chính đáng cho tất cả người di cư và kêu gọi các lực lượng hành pháp và tình báo phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, cam kết này được đánh giá chỉ hợp thức hóa những thỏa thuận đã có chứ không có thêm những đột phá.

Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ra tuyên bố chung về vấn đề di cư -0
Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh OAS lần thứ 9 ở thành phố Los Angeles.

Điểm nhấn trong cam kết lần này là việc Mỹ khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hành động. Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden cũng lên tiếng ủng hộ nhập cư hợp pháp, tuyên bố khoản hỗ trợ khoảng 65 triệu USD để ủng hộ việc tuyển dụng người nhập cư làm việc hợp pháp theo thời vụ tại các nông trang ở Mỹ. Ông Joe Biden kiên quyết phản đối nhập cư bất hợp pháp, hành động mà ông nhấn mạnh là nguy hiểm, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ đảm bảo an ninh biên giới thông qua những biện pháp sáng tạo và có sự phối hợp với các đối tác trong khu vực.

Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố các cam kết trị giá 1,9 tỷ USD về tạo việc làm trong khối doanh nghiệp tư nhân, nhằm giảm số người di cư từ Trung Mỹ qua Mexico để tới Mỹ. Bà Kamala Harris cho biết, lời kêu gọi hành động đầu tư của bà đã thu hút được 3,2 tỷ USD về tạo việc làm trong khối doanh nghiệp tư nhân nhằm giảm số người di cư từ Trung Mỹ qua Mexico để tới Mỹ. Mục đích của các khoản hỗ trợ này là “mang lại hy vọng cho người dân trong khu vực để xây dựng cuộc sống an toàn và thịnh vượng ngay tại quê hương của họ”.

“Khi chúng ta cung cấp cơ hội kinh tế cho những người ở Trung Mỹ, là chúng ta giải quyết một động lực quan trọng của việc di cư. Khoản đầu tư này đang trên đà tạo ra kết quả, là hàng chục nghìn việc làm. Khoản đầu tư này cũng đồng nghĩa với việc hơn 10 triệu người sẽ được tiếp cận với hệ thống ngân hàng và tín dụng”, bà nói. Theo Phó Tổng thống Mỹ, khoản đầu tư trị giá 3,2 tỷ USD này sẽ có tác động trực tiếp đến các lĩnh vực như nông nghiệp và dệt may, cũng như dịch vụ ngân hàng và tín dụng ở Trung Mỹ. Các cam kết này là một phần chính trong kế hoạch của Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của làn sóng di cư. Năm ngoái, Nhà Trắng cũng đã công bố quỹ hỗ trợ 1,2 tỷ USD nhằm tạo cơ hội làm kinh tế tại những nước nghèo đói như El Salvador, Guatemala và Honduras.

Có mặt tại hội nghị, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã đánh giá tích cực về một số kết quả đạt được, trong đó có những lời kêu gọi từ Tổng thống Joe Biden về hợp tác kinh tế và tìm cách ứng phó chung toàn khu vực với tình hình di cư. Với đường biên giới dài giáp Mỹ, Mexico là tuyến trung chuyển cuối của người di cư trước khi đến Mỹ. Theo các tổ chức quốc tế, làn sóng di cư từ Trung Mỹ và Haiti tới Mỹ liên tục dâng cao trong thời gian qua, chủ yếu là những người tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực, bạo lực gia tăng và các thảm họa thiên nhiên ngày càng tồi tệ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ tái định cư 20.000 người di cư hợp pháp từ châu Mỹ trong vòng 2 năm tới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng, châu Mỹ “cần phải đầu tư vào chính sách đảm bảo hoạt động thương mại bền vững và có trách nhiệm tạo ra những chuỗi cung ứng có tính thích ứng cao, an toàn hơn và bền vững hơn”. Theo nhận định của ông Joe Biden, hội nghị là dịp để các nước cùng nhau thực hiện những ý tưởng lớn, thúc đẩy các hành động tham vọng. Thừa nhận có sự khác biệt giữa các nước thành viên OAS, song người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, các nước có thể vượt qua những bất đồng bằng sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại.

Ngay trước thềm hội nghị, Chính phủ Mỹ đã công bố sáng kiến có tên Americas Health Corps trị giá 100 triệu USD nhằm hỗ trợ đào tạo 500.000 nhân viên y tế khu vực Mỹ Latinh. Sáng kiến này đặt mục tiêu trong 5 năm tới nâng cao kỹ năng cho 500.000 nhân viên y tế, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý công, dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden cũng đang tìm cách thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh có sự không đồng đều giữa các nước thành viên trong nỗ lực chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại một hội nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh OAS, Tổng thống Mỹ cho rằng, các nước châu Mỹ đang ở giai đoạn bước ngoặt. Những thay đổi trong vòng 10 năm tới được cho là sẽ nhiều hơn trong suốt 30 năm qua. Các nước Tây Bán cầu cần nỗ lực thúc đẩy sự tăng trưởng bình đẳng hơn và thực thi mạnh mẽ hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã có cuộc gặp lãnh đạo các quốc gia vùng Caribe dễ bị tổn thương trước tình trạng mực nước biển dâng. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các doanh nghiệp diễn ra trước thềm cuộc tiếp xúc giữa ông Joe Biden với người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro, người có quan điểm cứng rắn trong vấn đề biến đổi khí hậu, vào cùng ngày. Trong một thông cáo tóm tắt về cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Brazil, Nhà Trắng cho hay hai bên đã nhất trí ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng Amazon.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.