Liên hợp quốc nỗ lực vì sự chuyển giao toàn diện tại Syria

Thứ Sáu, 10/01/2025, 08:25

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức cuộc họp ngày 8/1 (giờ Mỹ), để thảo luận về các diễn biến chính trị và nhân đạo tại Syria, đúng một tháng sau khi chính quyền Assad sụp đổ tại đất nước Trung Đông này. Chính phủ lâm thời tại Syria cũng lần đầu tiên đưa ra những hoạch định về tương lai đất nước tại một diễn đàn quốc tế. 

Theo các báo cáo của LHQ, tình hình nhân đạo tại Syria rất đáng báo động, với gần 15 triệu người cần dịch vụ y tế, 13 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và hơn 620.000 người phải di dời trong điều kiện mùa đông. Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ Tom Fletcher nhấn mạnh cần "nắm lấy cơ hội" khi nêu ra các ưu tiên cấp bách để tái thiết Syria.

Liên hợp quốc nỗ lực vì sự chuyển giao toàn diện tại Syria -0
Liên hợp quốc đánh giá Syria có thời cơ để tái thiết bất chấp việc còn nhiều thách thức. Ảnh minh họa TTXVN

Đầu tiên, cần khôi phục các dịch vụ thiết yếu, vốn đã bị tàn phá sau 14 năm xung đột, một điều cần thiết trong bối cảnh mất an ninh lương thực lan rộng, các dịch vụ y tế bị tê liệt và thiệt hại từ vụ vỡ đập Tishreen hạn chế nước và điện cho hơn 400.000 người tại Syria. Bên cạnh đó, ông nêu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ những người phải di dời do thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ và mối đe dọa từ bom mìn chưa nổ. Ông cũng đề cập đến vấn đề phục hồi của phụ nữ và trẻ em gái Syria, đồng thời kêu gọi họ tham gia vào các nỗ lực tái thiết.

Trước vô vàn những thách thức trong tái thiết Syria, đặc phái viên của LHQ về Syria Geir Pedersen nhấn mạnh LHQ sẵn sàng hợp tác với chính phủ lâm thời tại nước này để thúc đẩy quá trình chuyển đổi chính trị đáng tin cậy và toàn diện. Ông Pedersen nói, Syria đang tìm cách vạch ra một lộ trình mới sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ cách đây một tháng. Bất kỳ quyết định nào được đưa ra vào thời điểm này sẽ định hình tương lai của đất nước. Theo đó, bên cạnh những cơ hội để xây dựng nền tảng cho hòa bình và ổn định lâu dài ở Syria, lựa chọn sai lầm hoặc bỏ lỡ cơ hội có thể gây rủi ro và gieo mầm bất ổn. Do đó, người dân Syria và cộng đồng quốc tế cần tuân thủ giai đoạn chuyển tiếp và LHQ sẵn sàng làm mọi thứ có thể để tạo điều kiện và hỗ trợ quá trình này.

Theo đánh giá của đặc phái viên LHQ, chính quyền lâm thời Syria đang tiếp tục nỗ lực để xây dựng và củng cố quyền lực, họp với nhiều đại diện thuộc nhiều nhóm và thành phần khác nhau tại Syria; gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao và quan chức nước ngoài. Dù vậy, vẫn còn đó những dấu hiệu bất ổn trong các khu vực do chính phủ lâm thời kiểm soát, bao gồm các báo cáo về bạo lực ở vùng ven biển, Homs và Hama cũng như các kế hoạch tái cấu trúc khu vực công có thể khiến nhiều người mất kế sinh nhai. Tại các khu vực rộng lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, xung đột vẫn tiếp diễn. Đặc phái viên LHQ bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát triển hơn nữa tất cả các kênh đối thoại và hối thúc tất cả các bên liên quan tìm cách thúc đẩy tiến trình chính trị thuận lợi, tránh xung đột quân sự. Ông cũng lưu ý về "mối đe dọa" đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, trong đó có tổ chức khủng bố IS và đặc biệt là các cuộc không kích của quân đội Israel.

Quan chức LHQ bày tỏ quan ngại về sự hiện diện và hoạt động quân sự liên tục của quân đội Israel, phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự, làm đảo lộn cuộc sống và ảnh hưởng tới tính mạng của người dân, theo Reuters. Nhấn mạnh những vi phạm như vậy, cùng với các cuộc không kích của Israel ở các khu vực khác của Syria có thể gây phương hại cho triển vọng cho tiến trình chuyển tiếp chính trị có trật tự. Do đó, ông kêu gọi Israel ngừng các hành động quân sự tại Syria.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã kêu gọi Israel rút quân khỏi lãnh thổ Syria sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Ông Pezeshkian đưa ra tuyên bố trên trong chuyến thăm Tehran của Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani, khi hai bên thảo luận về thương mại, hợp tác và những diễn biến gần đây tại Syria. Về phần mình, Thủ tướng Sudani khẳng định Iraq tôn trọng ý chí của người dân Syria và ủng hộ bất kỳ hệ thống chính trị hoặc hiến pháp nào do chính họ lựa chọn mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ông cũng nhấn mạnh, Iraq sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để đạt được tiến trình chuyển tiếp hòa bình suôn sẻ hướng tới một hệ thống phản ánh ý chí của người dân Syria.

Lần đầu tiên đại diện cho chính phủ lâm thời trình bày trước LHQ, Đại sứ Syria Koussay Aldahhak kêu gọi gỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt đối với chính quyền trước đây, lập luận rằng chúng cản trở các nỗ lực nhân đạo và tái thiết. Ông kêu gọi LHQ và các thành viên Hội đồng "tôn trọng ý chí của người dân Syria và các lựa chọn quốc gia của họ". Đại sứ Mỹ Dorothy Shea lại cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không cản trở viện trợ nhân đạo và nhắc lại sự ủng hộ của Washington đối với "một tiến trình chính trị do Syria lãnh đạo và sở hữu".

Liên quan đến vấn đề này, đặc phái viên Pedersen hoan nghênh động thái hôm 6/1 của Mỹ về việc ban hành các quyết định miễn trừ trừng phạt và miễn trừ cho các giao dịch với các tổ chức quản lý của Syria trong 6 tháng nhằm nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho dòng viện trợ nhân đạo và cho phép một số giao dịch năng lượng. Quan chức LHQ nhấn mạnh thêm rằng cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết đầy đủ các lệnh trừng phạt. Mới đây, Bộ Ngoại giao lâm thời của Syria ra tuyên bố bày tỏ hoan nghênh động thái miễn trừ một số lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt để hỗ trợ cho quá trình phục hồi của quốc gia Trung Đông này.

Duy Tiến
.
.