Một tháng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine: Vẫn chưa có lối thoát

Thứ Sáu, 25/03/2022, 09:40

Một tháng kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, khiến hàng triệu người phải di tản, hàng nghìn người được cho là đã thiệt mạng, nhiều thành phố bị tàn phá nặng nề, các bên liên tục đưa ra những điều kiện cho đàm phán, tuy nhiên, chưa có lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng này.

Những con số hoảng loạn ở Ukraine

Tổng thống Vladimir Putin và giới chức quốc phòng Nga tuyên bố, từ khi bắt đầu "chiến dịch quân sự" đặc biệt nhằm vào Ukraine hôm 24/2, tình hình chiến sự vẫn đang diễn ra đúng như kế hoạch và chiến dịch sẽ không dừng cho đến khi mục tiêu được hoàn thành. Nga vẫn đang sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao tấn công các căn cứ quân sự, đặc biệt là các kho lưu trữ và nơi sản xuất vũ khí, đồng thời khép chặt vòng vây nhiều thành phố chiến lược của Ukraine.

Lực lượng của Nga tiếp tục tăng cường bắn phá các mục tiêu ở thủ đô Kiev nhưng chưa thể giành kiểm soát thành phố này. Theo các quan chức Ukraine, thành phố cảng Mariupol ở miền Nam là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, sau nhiều tuần hứng chịu pháo kích khiến ít nhất 2.300 người thiệt mạng, Al-Jazeera đưa tin. Khoảng 100.000 dân thường vẫn đang mắc kẹt trong thành phố trong điều kiện thiếu nước sạch, điện hay hệ thống sưởi ấm, trong khi nguồn cung cấp thực phẩm cạn kiệt. Đến nay, Kherson là thành phố lớn duy nhất của Ukraine thất thủ trước lực lượng của Nga.

Một tháng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine: Vẫn chưa có lối thoát -0
Lãnh đạo các nước phương Tây nhóm họp nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh: Financial Times

Chưa có số liệu chính thức về thương vong trong chiến sự. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23/3 cho biết hàng nghìn người đã thiệt mạng, trong đó có 121 trẻ em Ukraine. Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ukraine ngày 24/3 thông báo trên mạng xã hội cho biết các lực lượng của Kiev đã “vô hiệu hóa” khoảng 15.800 binh sĩ Nga, phá hủy 530 xe tăng, 1.597 phương tiện bọc thép, hơn 100 máy bay và 120 trực thăng cũng như 50 máy bay không người lái.

Đại diện quân đội Ukraine cho biết các số liệu sẽ tiếp tục được cập nhật và chưa thể xác minh do tình hình chiến sự căng thẳng. Trong khi đó, một số đánh giá của Mỹ cho thấy ít nhất 7.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Theo Liên hợp quốc (LHQ), hơn 3,6 triệu người dân Ukraine đã rời khỏi đất nước, con số này có thể tăng lên đến 6,5 triệu người trong thời gian tới.

Tác động kinh tế-quân sự ở châu Âu

Chưa hết, chiến sự tại Ukraine gây xáo trộn lớn đến nền kinh tế thế giới cũng như trật tự địa chính trị toàn cầu. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moscow cũng làm chậm đà khôi phục kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu COVID-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cách đây không lâu đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay là 4,4%. Tuy nhiên, sau khi chiến sự nổ ra, tổ chức này cho biết sẽ đánh giá lại và công bố mức dự báo mới vào tháng tới.

Tình hình tại Ukraine khiến không chỉ các nước láng giềng mà toàn châu Âu quan ngại. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu nhóm họp ngày 24/3 với trọng tâm thảo luận về hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên trong bối cảnh giá năng lượng cho sản xuất nông nghiệp, kinh doanh và hộ gia đình tăng cao. Châu Âu cũng gặp khó trong việc tìm các nguồn cung năng lượng khác ngoài than, dầu và khí đốt. Cuộc chiến khiến nhiều nước tăng chi tiêu quân sự.

Điển hình là Đức, nước mới đây công bố tăng mức ngân sách quốc phòng lên 100 tỷ Euro (khoảng 113 tỷ USD), tương đương với tổng ngân sách quốc phòng hai năm gần đây. Trong khi đó, Thụy Điển cho biết sẽ gấp đôi ngân sách quân sự, lên mức 2% GDP, trong thời gian sớm nhất. Pháp và Phần Lan cũng có các động thái tương tự. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh sẽ triển khai thêm 4 nhóm tác chiến tại các nước Bulgaria, Romania, Slovakia và Hungary.

Và các cuộc đàm phán dai dẳng

Dù các cuộc đàm phán Nga - Ukraine vẫn đang được duy trì, song các bên đều nhận định phải cần thêm nhiều thời gian. Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ về nhiều mặt để chống lại "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga. Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 23/4 kỳ vọng lãnh đạo các nước thành viên NATO, G7 và Liên minh châu Âu nhóm họp sẽ thể hiện những sự ủng hộ lớn cho nước này. “Tại ba Hội nghị thượng đỉnh này, chúng ta sẽ thấy ai là bạn, ai là đối tác. Tính mạng, cuộc sống chỉ có thể được bảo vệ dựa vào sự thống nhất. Tự do là Ukraine phải được trang bị vũ khí”, ông Zelensky nói.

Được biết, nguyên thủ các quốc gia phương Tây ngày 24/3 đã tiến hành liên tiếp ba Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ, nhằm gia tăng sức ép lên phía Nga bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời thảo luận tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc chiến. Ngày họp “marathon” của các nguyên thủ phương Tây bắt đầu với cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp của NATO với sự tham dự trực tiếp của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên của những lãnh đạo NATO kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine.

Tiếp nối cuộc họp Thượng đỉnh khẩn cấp của NATO tại Brussels là cuộc họp Thượng đỉnh G7, quy tụ 7 nước công nghiệp phát triển là Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italy, Canada và Nhật Bản. Theo các thông tin phát đi từ phía Washington, nội dung thảo luận chính của G7 là các biện pháp trừng phạt tiếp theo mà các nước phương Tây dự kiến áp dụng với Nga, cũng như thảo luận về các chính sách nhằm tránh khủng hoảng năng lượng.

Sau phiên họp G7, ông Joe Biden tiếp tục tham dự và phát biểu tại Thượng đỉnh EU. Khúc mắc lớn nhất hiện nay giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu là việc Mỹ đang gây sức ép buộc châu Âu ngay lập tức cấm vận năng lượng Nga, tức chấm dứt việc nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga. Tuy nhiên, đây được xem là nhiệm vụ bất khả thi với một số nước châu Âu vào thời điểm này, đặc biệt là Đức, cường quốc kinh tế số 1 châu Âu.

Tiến Dũng
.
.