Mỹ - Arab Saudi và thỏa thuận lịch sử

Thứ Năm, 15/05/2025, 07:26

Trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài bốn ngày tới ba nước vùng Vịnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/5 (giờ địa phương) đã đặt chân tới Arab Saudi đầu tiên. Tại đây, Riyadh đã ký các thỏa thuận trị giá hơn 300 tỉ USD với Washington và cam kết đầu tư 600 tỉ USD vào nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua các lĩnh vực hợp tác, từ quốc phòng, công nghệ, tới động vật học.

Giới chuyên gia mô tả, chuyến thăm là sự kiện quan trọng nhất kể từ năm 1945, khi Vua Abdulaziz gặp Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và thiết lập nền tảng cho quan hệ song phương, qua đó, hiện thực hóa kỳ vọng gắn kết hai quốc gia trong nhiều thế hệ.

Tương tự ở nhiệm kỳ đầu hồi năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tiếp tục lựa chọn Arab Saudi trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi trở lại Nhà Trắng. Điều này phản ánh vai trò của Riyadh trong chiến lược đối ngoại của Mỹ tại khu vực và trên thế giới. Thật vậy, hôm 13/5, phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Arab Saudi - Mỹ ở Thủ đô Riyadh với sự tham dự của Tổng thống Trump, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman thông tin, quốc gia vùng Vịnh này vừa ký các thỏa thuận trị giá hơn 300 tỉ USD với Mỹ và cam kết đầu tư 600 tỉ USD vào nền kinh tế lớn nhất thế giới, thông qua một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, công nghệ, cơ sở hạ tầng, khoáng sản thiết yếu, nghệ thuật và động vật học. Ông khẳng định Mỹ là một trong những đối tác lớn nhất trong chương trình cải cách "Tầm nhìn 2030" của Arab Saudi, đồng thời nêu rõ các khoản đầu tư chung là một trong những trụ cột quan trọng nhất của mối quan hệ kinh tế hai nước.

thoa-thuan.jpg -0
Mỹ đạt thỏa thuận hợp tác lịch sử với Arab Saudi trong chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Donald Trump hôm 13/5 (giờ địa phương). Nguồn: Bloomberg.

Ông Mohammed cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ làm việc trong giai đoạn tiếp theo để nhất trí được thêm các thỏa thuận, nâng tổng giá trị cam kết đầu tư lên tới 1.000 tỉ USD". Về phần mình, ông Trump tuyên bố: "Mối quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi là hòn đá tảng của an ninh và thịnh vượng. Thỏa thuận đạt được có thể tạo ra tới 2 triệu việc làm cho người dân Mỹ". Thông cáo từ Nhà Trắng cũng nêu rõ, khoản đầu tư khổng lồ nêu trên đánh dấu cam kết chiến lược lâu dài của Arab Saudi vào nền kinh tế Mỹ và được kỳ vọng gắn kết hai quốc gia trong nhiều thế hệ.

Theo Reuters, điểm nhấn của thỏa thuận là gói mua sắm quốc phòng trị giá 142 tỉ USD, được gọi là "hợp đồng bán vũ khí lớn nhất lịch sử Mỹ". Gói này bao gồm các trang thiết bị chiến đấu tiên tiến, nâng cấp khả năng không quân, phòng thủ tên lửa, bảo vệ hàng hải - biên giới và hiện đại hóa toàn diện lực lượng lục quân của Arab Saudi. Thỏa thuận còn bao gồm các khoản đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Công ty DataVolt của Arab Saudi cam kết đầu tư 20 tỉ USD vào các trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Mỹ. Các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Oracle đã cam kết đầu tư 80 tỉ USD vào các dự án chuyển đổi đột phá của hai quốc gia.

Đặc biệt, Nvidia và AMD nhất trí các thỏa thuận cung cấp vi mạch phục vụ Humain, một công ty trí tuệ nhân tạo của Riyadh với dự án trung tâm dữ liệu AI công suất 500 megawatt trị giá hàng tỉ USD. Ngoài các lĩnh vực chiến lược thường thấy, thỏa thuận cũng đề cập đến các khoản đầu tư về thể thao, y tế, nghệ thuật và động vật học. Một trong những dự án đáng chú ý là việc xây dựng một khu triển lãm động vật hoang dã để bảo tồn loài báo Arab tại Vườn thú Quốc gia Mỹ, nhằm tăng cường hợp tác trong việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế nhận định, đạt được các thỏa thuận đầu tư lớn từ Riyadh sẽ giúp Tổng thống Trump chứng tỏ rằng chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của ông đang mang lại kết quả. Đây sẽ là điểm sáng, khi chính sách thuế quan của ông đang phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Thêm vào đó, thỏa thuận lịch sử giữa hai bên không chỉ nhằm tái định hình liên minh Washington - Riyadh, mà còn cho thấy một bước chuyển rõ rệt trong cách tiếp cận của chính quyền Mỹ là đặt lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia lên hàng đầu, nhưng không bỏ qua yếu tố văn hóa và ảnh hưởng mềm.

"Ông Trump và giới lãnh đạo Arab Saudi đang thiết lập một thỏa thuận chiến lược mới. Một chuyến thăm thực sự đặc biệt", nhà phân tích Abdulrahman Al-Rashed bình luận trên nhật báo Asharq al-Awsat.

Tuy vậy, chuyến công du Trung Đông của ông Trump cũng bị phủ bóng bởi một số cuộc khủng hoảng khu vực. Chiến sự Israel - Hamas kéo dài gần hai năm và chưa có dấu hiệu kết thúc. Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực, không có tên trong lịch trình. Động thái dẫn đến đồn đoán về căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Giới chuyên gia cho rằng những nỗ lực nhằm thúc đẩy Arab Saudi công nhận Israel, điều ông Trump từng theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu, khả năng cao vẫn được gác lại. Riyadh khẳng định họ cần thấy tiến triển rõ rệt trong việc thành lập Nhà nước Palestine. Ngoài ra, việc ứng phó chương trình hạt nhân của Iran cũng chưa đạt được những bước đi thực chất kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận năm 2018 giữa Tehran với các cường quốc.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Arab Saudi vào ngày 14/5, sau thông báo bất ngờ của Washington về việc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Damascus, mở đường để nước này tái thiết hậu chiến dưới thời chính quyền mới. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Syria sau 25 năm.

Theo giới quan sát, cuộc gặp là một sự thúc đẩy lớn với ông Sharaa, một cựu chỉ huy al-qaeda từng lãnh đạo lực lượng nổi dậy lật đổ cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tháng 12/2024. Trước đó, Israel đã phản đối việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria, nhưng ông Trump cho biết rằng Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, đã khuyến khích ông thực hiện động thái này.

Kim Khánh
.
.