Tâm điểm khủng hoảng của giới học thuật trên toàn thế giới

Thứ Sáu, 18/04/2025, 07:03

Mới đây, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã đóng băng 2,2 tỷ USD và hủy thêm hơn 2,7 triệu USD tài trợ đối với Đại học Harvard - một trong những trường đại học lâu đời, danh tiếng nhất thế giới và cũng là cái nôi đào tạo nên 8 đời tổng thống Mỹ.

Theo Nhà Trắng, Harvard bị cáo buộc không xử lý dứt điểm tình trạng bài xích người Do Thái. Truyền thông nước này cho biết, Harvard là đại học giàu nhất nước Mỹ với quỹ hiến tặng lên tới 53,2 tỷ USD, có thể giúp ngồi trường giảm thiểu tác động từ những đòn trừng phạt tài chính. Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng chống chịu của Harvard nếu khủng hoảng kéo dài, Reuters ngày 17/4 đưa tin.

Tâm điểm khủng hoảng của giới học thuật trên toàn thế giới -0
Cuộc đối đầu giữa chính quyền Mỹ và Đại học Harvard đang trở thành tâm điểm của giới học thuật toàn cầu. Nguồn: SBS News

Theo Washington Post, cuộc đối đầu giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại học Harvard bắt nguồn từ các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine diễn ra tại nhiều trường đại học Mỹ, trong đó có Harvard, sau khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas bùng phát hồi tháng 10/2023.

Một số nhóm sinh viên tại Harvard đã ra tuyên bố chỉ trích Israel, dẫn đến phản ứng mạnh từ dư luận và các nhà tài trợ. Nếu như Đại học Columbia đã chấp nhận một số nhượng bộ lớn thì Harvard lựa chọn hướng ngược lại. Nhà Trắng cáo buộc Harvard không đủ quyết liệt trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bài Do Thái và yêu cầu trường thực hiện hàng loạt cải tổ, bao gồm kiểm soát các tổ chức sinh viên và giám sát tư tưởng giảng viên.

Trong thư gửi Hiệu trưởng Harvard, đại diện Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Giáo dục và Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Mỹ, kết luận: "Nhà trường cần thực hiện các cải tổ tổ chức nhằm bảo đảm minh bạch tuyệt đối và hợp tác toàn diện với các cơ quan quản lý liên bang. Nhà trường phải nộp đầy đủ báo cáo định kỳ cho đến hết năm 2028". Đáp lại, Hiệu trưởng Harvard Alan Garber tuyên bố các yêu cầu trên đã vượt quá thẩm quyền của chính phủ liên bang. "Nhà trường sẽ không từ bỏ quyền tự chủ cũng như các quyền hiến định của mình. Không chính phủ nào, bất kể đảng nào nắm quyền, được phép quyết định chương trình đại học tư nhân có thể giảng dạy", ông Alan khẳng định trong thư phản hồi.

Và kết quả là chỉ vài giờ sau khi Harvard tuyên bố từ chối tuân thủ, chính quyền ông Trump thông báo đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang, dừng các hợp đồng trị giá 60 triệu USD với cơ sở giáo dục này. Hôm 16/4 (giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Kristi Noem tiếp tục tuyên bố chấm dứt hai khoản tài trợ của bộ trị giá tổng cộng hơn 2,7 triệu USD cho Harvard.

Đặc biệt, ông Trump cũng dọa sẽ tước trạng thái miễn thuế của Harvard và Sở Thuế vụ Mỹ được cho là đang lập kế hoạch liên quan, dự kiến sẽ sớm có quyết định cuối cùng. Được biết, Harvard là đại học giàu nhất nước Mỹ với quỹ hiến tặng lên tới 53,2 tỷ USD, có thể giúp ngồi trường giảm thiểu tác động từ những đòn trừng phạt tài chính.

Tuy nhiên, việc đe dọa tước bỏ quy chế miễn thuế của Harvard có thể khiến trường phải đối mặt với khoản thuế lên đến 465 triệu USD mỗi năm, ảnh hưởng đến các chương trình học bổng, nghiên cứu và hoạt động vận hành. Kevin Carey, Phó chủ tịch viện chính sách thiên tả về giáo dục và việc làm New America, nói nếu không có phương án khác, Harvard sẽ buộc phải sử dụng phần quỹ hiến tặng không bị hạn chế để thuê luật sư, tránh sa thải nhân viên và duy trì các hoạt động nghiên cứu thiết yếu trong lúc chờ tòa phân xử.

Các chuyên gia của CNN cho hay, từ Boston và Austin đến Seattle và thung lũng Silicon, các trường đại học nghiên cứu ưu tú, bao gồm Harvard đã đóng vai trò là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực năng suất nhất của quốc gia. Họ đã tạo ra một luồng đột phá khoa học ổn định và những sinh viên trẻ có tay nghề cao đổ vào các công ty theo đuổi các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực máy tính, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, thiết bị y tế, công nghệ sinh học, dược phẩm và các ngành công nghiệp tiên tiến khác.

Reuters dẫn lời Tiến sĩ Donald Ingber - Giám đốc Viện Kỹ thuật Sinh học Wyss tại Harvard, cảnh báo rằng việc cắt giảm tài trợ sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các nghiên cứu khoa học quan trọng, từ điều trị tổn thương phóng xạ đến an toàn truyền máu, và có thể khiến các nhà khoa học rời Mỹ để tìm kiếm môi trường nghiên cứu tự do hơn ở châu Âu hoặc Trung Quốc. Trong khi đó, ông Martin Sandbu - nhà bình luận kinh tế của Financial Times nhấn mạnh: "Việc chính trị hóa giáo dục đại học sẽ làm suy yếu vai trò của các ngôi trường này như những trung tâm độc lập của tri thức và đổi mới, đồng thời làm tổn hại đến vị thế của Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu toàn cầu".

Reuters dẫn phân tích từ giới chuyên gia nhận định, cuộc tấn công của Tổng thống Trump nhằm vào các trường đại học hàng đầu của đất nước không chỉ đơn thuần là một vấn đề khơi dậy sự phấn khích trong nhóm cử tri cốt lõi của ông. Theo tờ New York Times, việc chính quyền gây sức ép lên các trường đại học hàng đầu là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm thách thức các trung tâm mà họ coi là quyền lực tự do, bao gồm cả tòa án, bộ máy hành chính liên bang và phương tiện truyền thông. Sau khi tái thiết đảng Cộng hòa và Tòa án Tối cao, ông Trump hy vọng sẽ mở rộng hệ tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực sang giáo dục đại học.

Trong một tuyên bố hôm 16/4, Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng nêu rõ: "Tổng thống Trump đang nỗ lực để làm cho giáo dục đại học vĩ đại trở lại bằng cách chấm dứt tình trạng bài Do Thái không được kiểm soát và đảm bảo rằng tiền thuế của người nộp thuế liên bang không tài trợ cho việc Harvard hỗ trợ cho hành vi phân biệt chủng tộc nguy hiểm, hoặc bạo lực có động cơ phân biệt chủng tộc".

Kim Khánh
.
.