Vết thương khủng bố tái phát ngay giữa trái tim nước Nga

Chủ Nhật, 24/03/2024, 10:15

Hàng nghìn người tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga, tối 22/3/2024 tụ họp tại trung tâm Crocus City Hall, buổi tối cuối tuần có lẽ đã rất trọn vẹn nhưng ít ai có thể ngờ, thay vì những âm hưởng của buổi hòa nhạc, thứ mà họ nhận được lại là những tiếng súng, một vụ tấn công khiến người ta bàng hoàng nhớ lại thảm kịch cách đây ngót 20 năm.

Vụ xả súng tại trung tâm Crocus City Hall, do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm, đến tối 23/3 đã khiến ít nhất 115 người chết và hàng trăm người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em, theo cơ quan chức năng Moscow. Những nghi phạm đầu tiên đã bị bắt giữ trong khi trốn khỏi hiện trường. Đây được coi là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Nga, kể từ vụ khủng bố và bắt cóc con tin tại trường phổ thông số 1 Beslan, thuộc thủ phủ Vladikavkaz, Cộng hòa Bắc Ossetia-Alania, Liên bang Nga năm 2004, đúng dịp khai giảng năm học mới.

Vết thương khủng bố tái phát ngay giữa trái tim nước Nga -0
Một người lính tưởng nhớ các nạn nhân vụ Beslan. Ảnh: Getty Images

Vào lúc 9h sáng ngày định mệnh 1/9/2004, khoảng 1.200 người có mặt tham dự lễ khai giảng. Tất cả học sinh háo hức trong bộ đồng phục mới, các phụ huynh, giáo viên và giới chức địa phương cũng có mặt đông đủ. Trong không khí tươi vui đó, không ai lường trước những tên khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Chechnya cũng đang trên đường tới thị trấn có 35.000 người theo đạo Cơ Đốc giáo ở Bắc Ossetia này. Đi trên một chiếc xe ngụy trang cảnh sát và một xe tải chở đầy vũ khí, chất nổ, khoảng 30 tên khủng bố tiếp cận và không mất quá nhiều thời gian, chúng đã kiểm soát được ngôi trường. Ngoại trừ một vài người may mắn trốn thoát ban đầu, tất cả những học sinh, phụ huynh và quan chức địa phương đều bị dồn vào phòng thể chất rộng gần 200 mét vuông.

Sự dã man của những kẻ khủng bố bắt đầu được thể hiện. Chúng bắn chết một người đàn ông ngay trước mặt các em học sinh, sau khi người này cố thương lượng với chúng và trấn an những người cùng cảnh ngộ. Chúng xả đạn vào một người khác do dịch lời chúng sang tiếng Ossetia. Chúng thậm chí ghi hình toàn bộ sự việc và thông báo chỉ thương lượng với ông Alexander Dzasokhov, Tổng thống Bắc Ossetia; ông Murat Zyazikov, Tổng thống nước cộng hòa tự trị Ingushetia hoặc ông Vladimir Rushailo, Bộ trưởng Nội vụ Nga (giai đoạn 1999 – 2001).

Những kẻ khủng bố đe dọa chúng sẽ làm nổ tung trường học nếu cảnh sát cố gắng tiếp cận vào bên trong tòa nhà. Chúng đặt các em học sinh lên trên cửa sổ như lá chắn sống và nói rằng, chúng sẽ giết 50 con tin nếu một thành viên của nhóm mất mạng và 20 con tin cho mỗi kẻ bị thương. Chúng còn ép các con tin rào cửa sổ, đề phòng bị lực lượng đặc nhiệm Nga tấn công bằng khí gas, như cách mà họ giải quyết vụ bắt cóc con tin tại nhà hát ở thủ đô Moscow hai năm trước đó. Những kẻ khủng bố cũng phá hệ thống sưởi, đường ống nước, bồn rửa, để con tin không có nước uống. Chúng cài thiết bị nổ quanh phòng tập và tuyên bố nếu bị tiến công, toàn bộ tòa nhà sẽ bị đánh sập. Không dừng lại ở đó, đến chiều 2/9, những kẻ khủng bố đã giết tất cả con tin là đàn ông. Không có nước uống, đồ ăn, những con tin mất đi sức lực và cả sự tỉnh táo. Hàng nghìn con người bị nhốt trong một không gian nhỏ hẹp, ngột ngạt và bức bối.

Được biết, những kẻ khủng bố đã công khai nêu yêu cầu trong một bức thư viết tay gửi cho nhà chức trách. Bức thư tay này được coi là bằng chứng rõ ràng nhất, nêu rõ những yêu cầu rút quân khỏi Chechnya. Tuy nhiên, bọn chúng hiểu rõ rằng, đòi hỏi độc lập cho CH Chechnya, đòi tách khỏi Liên bang Nga, là yêu sách không bao giờ được đáp ứng, hơn nữa, chúng khó lòng chống lại lực lượng đặc nhiệm của Nga và không thể thoát khỏi án tử sau vụ việc. Sau 3 ngày giam giữ con tin, bọn khủng bố cũng rơi vào thế bế tắc. Mục đích của chúng, không chỉ là yêu cầu đòi độc lập, mà còn là tạo ra được một sự kiện lớn gây hoang mang diện rộng. Nhưng tất cả những mục đích này đều không đạt được khi chính chúng cũng bị mắc kẹt cùng những con tin đang yếu dần.

Vào đầu giờ chiều ngày 3/9, những kẻ khủng bố đưa ra quyết định không thể dã man hơn, chúng liên tiếp cho nổ phòng thể chất hòng gây ra vụ thảm sát các con tin. Vụ nổ tạo ra những lỗ hổng và hàng chục người với chút sức lực còn lại, lay lắt lao ra với hy vọng thoát thân. Thế nhưng, một tên khủng bố xả súng máy từ phía sau, nhiều người, trong đó có nhiều đứa trẻ ngã xuống. Hơn 330 người, trong đó có hơn 180 trẻ em, thiệt mạng trong vụ việc. Mọi việc chỉ kết thúc khi lực lượng chức năng Nga chớp thời cơ lao vào trấn áp, tiêu diệt toàn bộ những tên khủng bố, duy nhất một tên sống sót. Tên này bị kết án tù chung thân.

Năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc phỏng vấn đã khẳng định, vụ khủng bố bắt con tin tại Beslan và tại nhà hát Dubrovka là những phép thử lớn nhất mà ông phải đối mặt trong nhiều năm lãnh đạo nước Nga. “Những vụ tấn công khủng bố quy mô lớn là thử thách khó khăn nhất tôi phải đối mặt. Vụ bắt giữ con tin tại trường học ở Beslan là một trong số đó. Tôi không bao giờ quên. Vụ còn lại là tấn công ở nhà hát Moscow”, Tổng thống Putin phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm về thách thức 20 năm lãnh đạo nước Nga ngày 19/12/2019.

Nhiều năm sau vụ việc tại Beslan, một số người may mắn sống sót nhưng phải chịu di chứng tâm lý, di chứng thương tật suốt đời. Cứ đến ngày 1/9 hằng năm, nỗi đau mang tên Beslan lại nhói lên trong tim người dân Nga. Ngày 23/3/2024, chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Nga Putin chiến thắng thêm một nhiệm kỳ 6 năm, thảm kịch hòa nhạc tại Moscow lại xảy ra. Sự kiện tang thương này không chỉ khiến nỗi đau khôn nguôi tiếp tục nhói lại mà còn đặt ra cho ông Putin những thách thức, không những là cuộc chiến tại Ukraine chưa có hồi kết, sự bao vây của phương Tây và một NATO lớn mạnh đã sát đến rìa biên giới phía Tây, mà còn là bóng ma khủng bố vốn âm ỉ lại sẵn sàng bùng lên trong nội bộ nước Nga.

Duy Tiến
.
.