Sức hủy diệt "khôn lường" của ngọn núi lửa mạnh nhất châu Âu

Thứ Ba, 23/03/2021, 15:05
Lần thứ 14 trong vòng chưa đầy 1 tháng, Etna - ngọn núi lửa nằm trên hòn đảo Sicilia, Italia, lại tiếp tục phun trào những vòi dung nham cao tới 2.000 mét. Với hoạt động lặp lại có độ chính xác cao (48h/lần), giới chuyên gia hiện rất quan ngại về "sức hủy diệt" của những đợt phun trào mà Etna gây ra trong tương lai.

Như "cỗ mãy được lập trình sẵn"

Etna phun trào vòi dung nham cao từ 1.500 mét tới 2.000 mét. Ảnh: Getty Images. 

Trong những tuần gần đây, Etna – ngọn núi lửa cao 3.300 mét trên mực nước biển, hầu như luôn trong trạng thái “bùng nổ”, phun trào dòng mắc ma khổng lồ và để lại lượng tro bụi lớn cho các thành phố trên đảo Sicilia, miền Nam Italia. Cụ thể, kể từ hôm 16/2, cứ 48 giờ/ lần, Etna lại hoạt động và phun vòi dung nham cao từ 1.500 mét tới 2.000 mét.

Tiến sĩ Giuseppe Salerno (50 tuổi), Trưởng nhóm Nghiên cứu Núi lửa tại Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia (INGV) đặt tại Catania cho biết: “Việc Etna phun trào dung nham nằm trong số các hoạt động bình thường của ngọn núi lửa này. Tuy nhiên, điều thực sự đặc biệt là Etna làm việc như một cỗ máy với nhịp điệu gần như chính xác về mặt toán học. Đây là lý do tại sao chúng tôi phải theo dõi từng chuyển động và rung lắc của nó trong những tháng gần đây".

Phòng nghiên cứu núi lửa Etna tại INGV. Ảnh: Alessio Mamo. 

Theo ông Salerno, INGV là nơi làm việc của khoảng 100 nhà khoa học Italia và tại đó có riêng một phòng nghiên cứu từng động thái của Etna 24/24. Những thông tin về Etna được ghi lại bằng 150 trạm quan trắc đặt xung quanh núi lửa, trong đó có máy ảnh nhiệt cảm biến, máy dò phát thải khí và máy ghi địa chấn. Kết quả thu được sẽ gửi ngay tới phòng điều khiển.

Các vụ phun trào gần đây đã gây ra nhiều nguy cơ cho những ngôi làng sống trên sườn núi lửa, bởi những cơn mưa tro bụi bao phủ đường phố, quảng trường và các tòa nhà. Trong những tuần gần đây, hơn 12.000 tấn tro đã đổ xuống thị trấn Giarre.

Quảng trường lớn ở thị trấn Giarre phủ đầy tro núi lửa. Ảnh: Alessio Mamo. 

Lượng tro bụi này ảnh hưởng một phần tới chất lượng không khí tại Giarre. Ảnh: Alessio Mamo. 

Đại diện chính quyền Giarre lên tiếng: “ Tình hình hiện nay vô cùng khẩn cấp. Chúng tôi đang bị chôn vùi theo đúng nghĩa đen và nếu cứ tiếp tục như vậy thì người dân sẽ gặp phải vấn đề về hô hấp. Ngoài ra, nhiều thị trấn sẽ "phá sản" bởi chi phí dọn dẹp lên tới hàng trăm ngàn euro”.

Luật pháp Italia quy định, loại tro được thu gom từ đường phố, quảng trường và bị trộn lẫn với các loại rác thải đô thị khác, được coi là một loại rác đặc biệt. Chi phí để xử lý 1 mét khối tro này có giá khoảng 20 euro.

Chi phí dọn dẹp tàn tích của Etna là vấn đề không hề nhỏ. Ảnh: Alessio Mamo. 

Giải mã nguy cơ phá hủy các thành phố 

Theo tiến sĩ Salerno, chìa khóa để giải mã bí ẩn về những vụ phun trào ngoạn mục và có phần bất thường của Etna thời gian gần đây chính là tro dung nham. Tại INGV còn có thêm một phòng thí nghiệm dưới lòng đất được điều hành bởi bà Lucia Miraglia (53 tuổi), một nhà địa chất và núi lửa, người đã nghiên cứu tro của Etna dưới kính hiển vi trong 20 năm qua.

Bà Miraglia tiết lộ: "Nghiên cứu tro của Etna những ngày gần đây, tôi nhận thấy nó phản ánh cái mà các nhà núi lửa học gọi là mắc ma nguyên thủy. Đây là một loại mắc ma đến từ sâu trong lòng núi và mang điện tích lớn. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta thấy những vòi dung nham cao kỉ lục. Tuy nhiên, loại mắc ma mà Etna phun trào hôm 16/2 là loại nguyên thủy nhất tôi từng nghiên cứu trong suốt 20 năm qua”.

Bà Miraglia đã nghiên cứu tro núi lửa Etna trong vòng 20 năm liên tiếp. Ảnh: Alessio Mamo. 
Các mẫu tro núi lửa của Etna được lưu giữ cẩn thận tại INGV. Ảnh: Alessio Mamo. 

Được biết, mắc ma của Etna bắt nguồn từ một số hồ chứa nước nằm sâu vài chục km trong lòng đất. Các chuyên gia tại INGV dự đoán rằng hồ chứa chính của Etna nằm khoảng 12km dưới lòng đất.

Rosanno Corsano, một nhà nghiên cứu lõi Etna khác tại INGV thì khẳng định, Etna đã trải qua một giai đoạn trong đó có sự chuyển giao mắc ma. Miệng núi lửa phía đông nam - nơi đã phun dung nham trong những tuần gần đây, cho đến nay vẫn hoạt động như một van an toàn. Tuy nhiên không thể loại trừ các trường hợp khác.

Ông Corsano nhấn mạnh: "Đôi khi các vụ phun trào mắc ma nguyên thủy diễn ra theo chiều ngang, tức là khi các vết đứt gãy xuất hiện ở mặt bên của núi lửa chứ không phải ở phần miệng núi. Trong trường hợp của Etna, một khe hở ở phía mạn sườn rất có thể đang được hình thành”.

Hình ảnh Etna phun trào dung nham nhìn từ ngôi  làng Monterosso. Ảnh: Alessio Mamo. 
Các chuyên gia tại INGV phải quan sát Etna 24/24. Ảnh: Alessio Mamo. 

Có thể nói, những vụ phun trào bên sườn như vậy là điều mà các nhà núi lửa học lo sợ nhất, vì dung nham chảy xuống dẫn đến nguy cơ làm phá hủy các thành phố bên dưới.

Bốn mươi năm trước, vào ngày 17 /3 /1981, một vụ phun trào mạn sườn đã giải phóng lượng dung nham khủng nhất trong lịch sử của Etna. Dù vụ việc chỉ kéo dài vài ngày, nhưng khối lượng dung nham rơi xuống đã chôn vùi rừng, nhà cửa, đường phố và các tuyến đường sắt của thị trấn nhỏ Randazzo. Ngoài ra, vụ phun trào ở sườn núi có sức hủy diệt lớn nhất xảy ra vào năm 1669, khi dung nham, kèm theo động đất đã chôn vùi hàng chục thị trấn và thậm chí tràn ra biển.

Ông Stefano Branca, Giám đốc INGV đưa ra cảnh báo: "Ở thời điểm hiện tại, hoạt động của Etna bất thường nhưng sẽ chưa thể diễn ra các vụ phun trào ở sườn núi. Đó không phải là vấn đề có hay không mà chỉ là sớm hay muộn. Các cộng sự của chúng tôi đang làm việc 24/24 để đảm bảo có được những phân tích chính xác nhất và đảm bảo an toàn cho người dân". 

Núi lửa Etna là một trong những điểm du lịch hút khách tại Sicilia. 

Theo truyền thông Italia, dù gây ra nhiều mối đe dọa đến cuộc sống nhưng cư dân địa phương lại do dự khi di tản khỏi khu vực này. Lý do là bởi tro núi lửa sau khi phun trào mang lại một nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sự phát triển của cây cối nông nghiệp. Ngoài ra, núi lửa Etna cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất khi khách du lịch tới Sicilia. 

Linh Đan
.
.