Vợ chồng người Vân Kiều nuôi 6 người con và 2 cháu ăn học thành đạt

Thứ Năm, 08/11/2018, 08:49
Việc một gia đình nông dân ở vùng đồng bằng nuôi con cái ăn học đại học đã khó, ở vùng miền núi, việc làm này còn khó hơn gấp bội. Vậy mà một gia đình người Vân Kiều ở xã nghèo Hướng Tân, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị đã nuôi 6 người con và 2 cháu ruột đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định…

Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Đình Phục, cán bộ Huyện ủy Hướng Hóa, tôi tìm đến nhà vợ chồng ông Hồ Văn Cài, bà Hồ Thị Mười nằm đối diện Trường THCS Hướng Tân. Bà Mười xởi lởi mời khách vào nhà, vừa rót nước vừa tỏ ý băn khoăn về sự xuất hiện của người lạ. 

Sau khi nghe tôi trình bày, bà cười hiền bảo: “Chuyện nuôi con cái là trách nhiệm thiêng liêng của cha mẹ. Cũng may các con của mẹ đều ngoan, đứa nào cũng chịu khó học hành nên mẹ và bố chúng nó rất vui cái bụng!”.

Vợ chồng ông Cài, bà Mười (bìa trái) hạnh phúc cùng bố mẹ và các cháu nội ngoại.

Câu chuyện về hành trình đưa 6 đứa con, 2 đứa cháu đến giảng đường đại học của vợ chồng bà Mười như cổ tích thời hiện đại. Cả hai ông bà đều là đồng bào Vân Kiều trong dãy Trường Sơn. Cái nghèo và sự thất học là những thứ đầu tiên mỗi khi nhắc đến chốn núi rừng heo hút.

Bà Mười kể, năm 1978, bà sinh con đầu lòng giữa bộn bề khó khăn. Rồi sau đó, 5 đứa con nữa lần lượt chào đời. Hai vợ chồng cật lực làm lụng nuôi con, cực không kể hết. 

Cho đến năm 1996, khi có phong trào trồng cây cà phê, vợ chồng bà Mười bàn nhau trồng cây cà phê để mong có thu nhập, con cái có thêm cái ăn. Vợ chồng họ là một trong những người tiên phong ở Hướng Tân trồng cà phê. 

Vài năm sau, từ mấy trăm gốc cà phê đem lại thu nhập, cuộc sống của gia đình bà Mười như sang trang mới. Thấy cây cà phê phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, hạt cà phê hái về lại bán được với giá thành cao, nên họ quyết định mở rộng thêm diện tích thành 3ha. 

“Khi cái ăn cái mặc tạm ổn, vợ chồng mẹ nghĩ tới việc đầu tư cho con học cái chữ với mong muốn đời chúng nó sẽ khá hơn, không vất vả như bố mẹ vì thời chiến tranh không có điều kiện học hành”, bà Mười nói. 

Cùng với việc nuôi 6 đứa con ăn học, vợ chồng bà Mười còn nuôi thêm 2 đứa cháu gọi ông Cài bằng chú ruột, vì bố của chúng mất sớm. Điều đáng quý, thấu hiểu tấm lòng cha mẹ và chú thím ruột, các con, cháu họ chăm lo học tập. Ngoài giờ học, các em đều tự giác lên nương rẫy phụ làm cỏ và hái cà phê. 

Thời gian trôi đi, lần lượt 8 đứa “dắt nhau” đến cổng trường đại học, vợ chồng bà Mười đôi lúc như con thoi giữa mùa con cháu cần học phí. 

Khi chúng tôi đang trò chuyện với bà Mười, một người đàn ông tóc đã điểm bạc, khuôn mặt rám nắng bước vào sân nhà. Bà Mười nhìn ra, vui vẻ nói: “Chồng mẹ đó! Ông lên rẫy từ sớm để vun gốc cà phê. Mấy hôm nay ông không được khỏe nên làm đến tầm 10 giờ là về nhà”.

Nghe khách hỏi chuyện học của các con cháu mình, khuôn mặt ông Cài tươi hẳn lên. “Trong 6 con và 2 cháu, nay 3 đứa đã làm giáo viên, 1 đứa sắp làm bác sĩ, còn lại đều là cán bộ xã và huyện”, ông phấn khởi cho biết.

Ông Cài cười và nói thêm rằng, vợ chồng họ hết nuôi các con, cháu học hành, giờ lại lo toan chăm sóc các cháu nội ngoại và cũng mong cho các cháu được học cái chữ đàng hoàng để mai này góp phần xây dựng đất nước và quê hương của người Vân Kiều trong dãy Trường Sơn phát triển giàu có, trù phú hơn... 

THANH BÌNH
.
.