Ngành giải trí Mỹ "đóng băng" vì hàng nghìn diễn viên đình công

Thứ Sáu, 14/07/2023, 07:42

Hoạt động sản xuất trong toàn ngành giải trí Mỹ đã "đóng băng" ngày 13/7 (giờ địa phương), sau khi lãnh đạo của hiệp hội diễn viên Hollywood tham gia cùng các biên kịch trong cuộc đình công lớn nhất trong nhiều năm qua sau khi các cuộc đàm phán về hợp đồng với các hãng phim và dịch vụ phát trực tuyến đổ vỡ.

Ngành giải trí Mỹ
Ngành giải trí Mỹ đóng băng vì đình công. Ảnh Getty Images. 

Đây là lần đầu tiên hai nghiệp đoàn lớn về diễn viên và biên kịch của Hollywood biểu tình cùng lúc kể từ năm 1960, khi cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan còn là chủ tịch hiệp hội diễn viên.

Trong một bài phát biểu trước cuộc đình công, bắt đầu lúc nửa đêm 13/7, chủ tịch hiệp hội diễn viên Mỹ Fran Drescher đã chỉ trích các giám đốc điều hành trong ngành giải trí. “Những ông lớn trong ngành đặt Phố Wall và lòng tham lên ưu tiên hàng đầu của họ và quên mất những người đóng góp thiết yếu giúp toàn ngành này vận hành. Thật đáng xấu hổ”.

Vài giờ trước đó, một hợp đồng có thời hạn 3 năm giữa nhiều bên trong ngành giải trí Mỹ hết hạn, những cuộc đàm phán giữa Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh (SAG)-Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (AFTRA) và Liên minh các Nhà sản xuất Điện ảnh và Truyền hình (AMPTP) đại diện cho các nhà tuyển dụng bao gồm Disney, Netflix, Amazon cũng không đi đến kết quả nào. 

Bên ngoài các văn phòng của dịch vụ phát trực tuyến Netflix ở Hollywood, các nhà biên kịch đã tụ tập biểu tình với nhiều khẩu hiệu như: “Hãy trả tiền cho các diễn viên!” ngay sau khi cuộc đình công chính thức được tuyên bố. Nhiều diễn viên cũng sẽ biểu tình bên cạnh các nhà biên kịch bên ngoài trụ sở Netflix ở New York và Los Angeles trong ngày 14/6.

“Có vẻ như đã đến lúc gỡ bỏ MẶT NẠ. Và đưa ra sự lựa chọn”, Jamie Lee Curtis, người từng đoạt giải Oscar cho biết trong một bài đăng trên Instagram kèm theo bức ảnh về những chiếc mặt nạ đại diện cho diễn xuất.

Buổi ra mắt bộ phim “Oppenheimer” của đao diễn lừng danh Christopher Nolan ở London (Anh) được dời lên một giờ để dàn diễn viên có thể bước trên thảm đỏ trước thông báo của hội đồng quản trị SAG. Các ngôi sao như Cillian Murphy, Emily Blunt và Matt Damon đã rời sự kiện sau khi cuộc đình công được công bố.

Cuộc đình công này phủ bóng đen lên giải thưởng về truyền hình danh giá, Giải Emmy lần thứ 75 sắp diễn ra, các đề cử đã được công bố trước đó ít lâu. Các quy tắc của liên minh không cho phép diễn viên thực hiện bất kỳ cuộc phỏng vấn hoặc quảng cáo nào liên quan đến giải thưởng, thậm chí, không được xuất hiện tại buổi lễ.

Các quy tắc cũng ngăn các diễn viên xuất hiện cá nhân hoặc quảng bá tác phẩm của họ trên podcast hoặc tại các buổi ra mắt, cũng như thực hiện bất kỳ công tác sản xuất nào bao gồm thử giọng, đọc, diễn tập hoặc lồng tiếng…

Mặc dù về mặt kỹ thuật, các buổi quay ở nước ngoài có thể tiếp tục, nhưng việc các nhà văn và nghệ sĩ biểu diễn ở Mỹ ngừng hoạt động cũng có thể ảnh hưởng đến các buổi quay ở nước ngoài.

Giám đốc Disney Bob Iger cảnh báo cuộc đình công sẽ có “tác động rất nghiêm trọng đối với toàn ngành giải trí Mỹ”. “Đây là thời điểm tồi tệ nhất trên thế giới để gây ra sự gián đoạn này”, ông Bob Iger trả lời phỏng vấn của CNBC.

Việc gia hạn hợp đồng với công đoàn diễn viên thêm 2 tuần và các cuộc đàm phán dường như không làm nguôi đi các bên liên quan. Bà Fran Drescher cho biết việc kéo dài hợp đồng khiến nhiều diễn viên “có cảm giác như bị lừa, giống như nó chỉ để các hãng phim quảng bá phim hè thêm 12 ngày nữa.”

Trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào ngày 7/6, 65.000 diễn viên Mỹ đã bỏ phiếu áp đảo yêu cầu các nhà lãnh đạo công đoàn cho phép tiến hành cuộc đình công. Khi gần đến thời hạn ban đầu vào cuối tháng 6, hơn 1.000 thành viên của hiệp hội, bao gồm các minh tinh như Meryl Streep, Jennifer Lawrence và Bob Odenkirk, đã thêm tên của họ vào một lá thư báo hiệu cho các nhà lãnh đạo rằng họ sẵn sàng đình công.

Một trong những vấn đề nhức nhối của ngành giải trí Mỹ mà đàm phán đã thảo luận bao gồm tiền lương mà các diễn viên cho rằng đã bị lạm phát cũng như hệ sinh thái phát trực tuyến cắt giảm, thậm chí là mối đe dọa sử dụng trí tuệ nhân tạo không được kiểm soát.

“Vào thời điểm mà tính năng phát trực tuyến, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật số quá phổ biến, nó đã phá hủy ngành công nghiệp mà chúng ta từng biết”, bà Drescher cho biết.

Duy Tiến (Theo AP)
.
.