Xà quyền công phu ẩn hiện trong võ thuật
Năm rắn hầu chuyện võ rắn. Trong top 20 phim võ thuật đỉnh cao của Hồng Kông, không thể không nhắc tới bộ phim thú vị “Xà quyền diệt độc ưng” (Snake in the Eagle's Shadow). Vai chính (do Thành Long đóng) từ một kẻ nhu nhược đã trở thành người hùng sau khi thụ đắc võ rắn (xà quyền). Sự kỳ diệu của xà quyền có thực hay là huyền thoại, bài viết xin góp một góc nhìn hẹp mong giải mã phần nào.
Xà quyền là một nghệ thuật chiến đấu nức tiếng trong võ cổ truyền. Võ rắn có trong nhiều môn phái của Trung Hoa, Việt Nam và Đông Nam Á... Xà quyền mô phỏng chuyển động của loài rắn vì không có tứ chi nên luôn chuyển động toàn thân nhu nhuyễn, xoắn vặn, lắc, rũ, quấn, luồn, siết, quăng ném, tĩnh như nước lặng, động như tên bay.
Xà tấn là thế tấn chân vắt chéo xoắn vặn tựa hình rắn cuộn, tiềm tàng bung, phóng, xoay tròn. Có thể thấy hình thái ẩn hiện xà tấn trong bài mai hoa quyền 52 động tác mà lực lượng Công an rèn luyện. Động tác thứ 40, hai chân vắt chéo và xoay thân chính là hình thái xà tấn. Tấn này giúp lật thân, chuyển mã, vũ lộng đôi tay hoặc binh khí hết sức bất ngờ. Vì vậy trong khi đánh quyền thì mã bộ xà tấn ẩn chứa công năng kết nối linh hoạt biến hóa với các thế tấn khác.
Không chỉ dùng võ để chiến đấu, người phương Đông còn cô đọng thành võ triết. Thuở xưa, hàng chục con vật đã được đưa vào quyền pháp như rồng, rắn, hổ, báo, hạc, voi, ngựa, sư tử, khỉ, bọ ngựa, chim én, gà, kỳ đà, chó, mèo, chim ưng, trâu, gấu... Sau nhiều thế kỷ, các bậc sư tổ đã khái quát hóa, rút gọn chỉ còn ngũ hình linh vật (long, xà, hổ, báo, hạc). Ở đây, hình tượng mỗi con vật được chọn là biểu trưng của một sắc thái vận động tương ứng với ngũ hành, giúp sáng tỏ toàn diện các phương diện nội công ngoại kích.
Nếu chỉ bắt chước chuyển động của loài rắn thì chỉ cần một vũ công giỏi là đủ. Luyện võ là nội dung bên trong chứ không phải bề ngoài của vận động. Ngũ hành vốn là năm thành tố tạo nên vũ trụ. Theo quan niệm vạn vật nhất thể nên con người cũng chính là một tiểu vũ trụ nên mang đầy đủ ngũ hành. Long thuộc hành hỏa, thuộc tâm, chủ luyện thần. Xà thuộc hành kim, thuộc phế, chủ luyện khí; hổ thuộc mộc, tạng can, chủ luyện cơ, xương, xúc giác; báo thuộc hành thổ, chủ luyện gân, thính giác; hạc thuộc hành thủy, tốt cho thận, luyện thăng bằng, vị giác. Con người rèn luyện trên cơ sở ngũ hình sẽ có tinh thần, khí lực thuận tự nhiên.
Trình tự luyện ngũ hình mỗi võ đường cũng khác nhau. Theo một số võ sư thì luyện ngũ hình quyền có thể tùy theo tố chất võ sinh mà xếp thứ tự ưu tiên. Nhập môn, các võ sinh thường tập hổ hình và báo hình trước cho dễ nắm bắt đường nét. Tay hổ có hình thái chuyển động vuông vức, khai mở các nhóm cơ lớn, khớp lớn, vai, hông, tốt cho xương cốt. Tay báo là hình thái chuyển động nửa vòng tròn rất tốt cho rèn gân. Thuần thục hình hổ, báo mới tập long hình. Tay long thường đi cả vòng tròn lớn vũ lộng thần uy, chủ luyện thần. Cấp độ tiếp theo là hạc hình, chủ về thăng bằng. Sau đó là nội dung xà hình, khai thác những quỹ đạo tròn nhỏ và siêu nhỏ. Trong ngũ hình thì có ba hình tượng gọi là tam bảo với hạc, xà và long. Long thuộc về cực dương, xà thuộc về cực âm và hạc là trung dung. Hạc luyện tinh, xà luyện khí, long luyện thần.
Rất nhiều môn võ mô phỏng ưu thế của động vật, không thể nói môn nào thiên hạ vô địch. Tuy vậy, lại có câu “Xà, hạc vi sư”, nghĩa là sở đắc công phu xà và hạc mới xứng là thày. Trong thực chiến, thắng bại chỉ vài phần phụ thuộc vào sức vóc, mà phần nhiều thuộc về thế. Thí dụ, một con hổ mất thăng bằng sắp rơi xuống vực thì chỉ cần chọc thêm một ngón tay cũng đủ giải quyết. Võ thuật là hình tượng thu nhỏ của võ trận. Nhà quân sự huyền thoại, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã nói đại ý rằng thế đẻ ra thời… thắng bằng thời thế. Thất thế bắt đầu từ mất thăng bằng. Việc chi phối thăng bằng dễ quan sát nhất là vật, Judo… Còn thăng bằng còn ứng phó được, mất thăng bằng là mất trắng. Điều đó cho thấy vị thế của hạc quyền.
Xà quyền chủ trương kiểm soát những chuyển động nhỏ, siêu nhỏ tương ứng chuỗi thời điểm vi tế nhất. Thủ hình đầu rắn chỉ là cái vỏ, nội dung thực là kiểm soát các chuyển động xoáy của từng đốt xương, cơ, gân lớn nhỏ toàn thân. Có nhu nhuyễn nên xà hình thích ứng tốt với niêm thủ (dính tay), niêm binh khí. Lực dù phát huy ở thủ hình nhưng gốc vẫn là sóng lực từ chân đạp đất, qua eo, phất ra ngọn. Nguyên lý này không có gì thần bí. Hãy xem chuyển động của môn tạ xích. Toàn bộ lực ném quả tạ bay đi nhờ chuyển động xoắn của vận động viên. Lực vẫn từ đạp đất chuyền qua sợi xích tới ngọn là quả tạ với sức mạnh vô song. Xà quyền là luyện cho toàn thân tạo sóng như sợi xích. Hình dung độ chia từ lớn đến nhỏ bằng côn nhị khúc, ta có côn tam khúc, côn cửu khúc và cứ như vậy chia nhỏ với độ mịn hơn sẽ có vô tận khúc. Ta sẽ dễ nhìn thấy từng đốt xích qua các môn cương mãnh. Về sóng lực, phóng, lắc, rũ thì dễ quan sát hơn khi nhìn thân thủ võ sĩ quyền anh. Đôi chân của Mike Tyson luôn di chuyển lắc xoáy tạo sóng lên thân, ra tay găng.
Mọi môn võ thuật đều luân chuyển cương nhu. Một công phu, tập hàng vạn lần sẽ giúp võ sĩ tìm ra quy luật xoay, lật, lỏng, chặt, nén, rũ thoát. Bậc thầy Lý Tiểu Long đã nói: “Tôi không sợ người luyện mười nghìn kiểu đá, tôi chỉ sợ người luyện chỉ một đòn đá nhưng luyện mười nghìn lần”. Tuy vậy vẫn có người luyện lúc được lúc hỏng, vì thế mới cần đến các huấn luyện viên (HLV) soi đường bằng lý thuyết. Võ sĩ MMA toàn năng hàng đầu Việt Nam Trần Ngọc Lượng chia sẻ rằng anh luôn cố gắng hiện thực hóa những phân tích của HLV trước trận đấu và sau trận đấu để tìm ra những lỗi cần khắc phục. Võ sĩ Trần Ngọc Lượng nói: “Sợ nhất không phải là phạm phải cái sai, mà sợ nhất là cái sai ra kết quả đúng”. Việc soi đường của HLV với võ triết sẽ giảm thiểu kết quả đúng nhất thời mà sai mãi mãi, mang hậu quả không thể sửa chữa. Bất kể môn nào thì võ nhân cũng cần kiểm soát thấu suốt các vận động từ lớn tới siêu nhỏ. Ngũ hình là phương tiện tốt giúp cho người tập làm chủ mọi phương diện.
Cách vận động của võ cổ truyền, vật, boxing, Judo… dù phần ngọn khác nhau nhưng tiến thoái đều lấy thân pháp làm gốc. Xà cũng như hạc đều tốt cho thân pháp. Xà uốn lượn, xoắn, siết, nhu nhuyễn, phóng rũ, cương nhu phối triển không câu nệ vào thủ hình. Nếu tiện gặp điểm yếu như mắt, yết hầu, hạ bộ thì có thể phóng chọc đầu ngón tay đã đủ, nhưng với dạng huống khác thì tay xà biến hình thành thủ hình hổ, báo, long, hạc để công phá hay khống chế tùy theo. Việc xét riêng một hình thái vận động chỉ là một mảnh ghép nhỏ. Thực ra, mỗi mã bộ, thế quyền, đường cước của một võ nhân đều chứa đủ năm hình thái tương ứng ngũ hành với liều lượng từng thời điểm bao nhiêu phần mỗi thứ. Mỗi chuyển động thân, chân, tay đều cương nhu tuần hoàn, khi tụ, khi tán, thần thái của long, uy lực của hổ, báo, thăng bằng của hạc và tạo sóng của xà.
Bởi thế, có lẽ không nên hiểu máy móc xà quyền như một tuyệt kỹ riêng rẽ mà cần hiểu công năng của nó không tách rời trong tổng thể vận động. Xà là yếu tố kết nối mượt mà, tiềm ẩn trong chuỗi vận động giúp cho võ nhân chiếm thượng phong trong giao đấu và kiện thân trường thọ khi dưỡng sinh. Không phải tự nhiên hình tượng rắn trên biểu tượng ngành y. Luyện theo cách vận động của rắn với người phương Đông cũng không kém gì thần dược.