Bảng giá đất năm 2026 sẽ biến động lớn
Theo Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), sắp tới bảng giá đất ở nhiều địa phương biến động lớn, điều này sẽ tác động nhiều đến thị trường bất động sản.
Thông tin này được ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nêu trong báo cáo phục vụ phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá liên quan đến giá đất quý II/2025.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các địa phương từ nay đến trước ngày 31/12 có trách nhiệm xây dựng và ban hành khung giá đất để áp dụng kể từ 1/1/2026.
Theo Cục Quản lý đất đai, việc bỏ khung giá đất cùng với những quy định về bảng giá đất đã giúp quản lý đất đai, phát triển thị trường địa ốc được mở ra trên cơ sở minh bạch, tiệm cận hơn với thị trường. "Giá đất tăng sẽ có lợi cho ngân sách, tạo sự đồng thuận với người dân thuộc diện thu hồi đất", ông Phấn chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý đất đai cho rằng, trong thời gian thực hiện bảng giá đất vừa qua, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc này dẫn đến tình trạng giá đất trong bảng tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều giá đất thực tế trên địa bàn.

Cục Quản lý đất đai cho biết thời gian tới, nhiều địa phương sẽ ban hành bảng giá đất mới, sẽ có sự biến động lớn về mức giá được điều chỉnh. "Mỗi địa phương sẽ có biên độ điều chỉnh khác nhau nên thị trường bất động sản sẽ chịu nhiều tác động", cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cảnh báo.
Bảng giá đất được dùng để xác định giá bồi thường, giá tái định cư, tính thuế chuyển nhượng, phí và lệ phí liên quan đến đất đai.
"Giá đất gắn liền với thị trường bất động sản nên Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương đánh giá thấu đáo tác động đến thị trường cũng như khả năng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mục tiêu đặt ra là phải hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công để đảm bảo việc UBND các tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất mới sao cho phù hợp nhất", ông Phấn nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của phóng viên về thông tin người dân một số địa phương phản ánh tình trạng chi phí chuyển quyền sử dụng đất cao, ông Phấn cho biết có hai quan điểm cần phải hài hòa giữa người có đất bị thu hồi và người chuyển mục đích sử dụng đất.
Quy định đã chỉ rõ, việc thu tiền sử dụng đất phải theo quy định của Luật Đất đai. Hiện nay, việc thu tiền sử dụng đất theo Nghị định số 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và do Bộ Tài chính chủ trì. Bởi vậy, Cục sẽ nghiên cứu, trao đổi và phối hợp với Bộ Tài chính.
“Đúng là giá đất phải tiệm cận theo giá thị trường. Tuy nhiên, cũng cần phân định đối tượng, loại đất để đảm bảo hài hòa giá đất. Giá đất sẽ gắn với thị trường bất động sản, trên tinh thần của Luật Đất đai", ông Phấn khẳng định.

Đối với việc xây dựng bảng giá đất tại các địa phương, ông Mai Văn Phấn cho biết, cần phân định giữa người có đất bị thu hồi, với người chuyển mục đích phải nộp tiền sử dụng đất. Làm thế nào để công bằng và hài hòa giữa người có đất bị thu hồi, người phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng.
Trước khi có Luật Đất đai 2024, giá đất được quy định bởi khung giá nhà nước ban hành, các địa phương căn cứ vào khung giá đất nên giá đất so với giá thị trường có sự chênh lệch rất lớn. Vì thế, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công của nhà nước, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội rất khó khăn, không thể triển khai các dự án công trình trọng điểm quốc gia.
Tổng kết Nghị quyết 19 của Ban chấp hành TW khóa XI (về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại) đã xác định việc giá đất theo quy định của pháp luật đất đai 2013 chưa tiệm cận, chưa sát với giá thị trường.
Đây là cản trở lớn cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước.Do đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cáo hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao), Ban chấp hành Trung ương đã có định hướng rất rõ là phải xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường.
Cùng đó là đảm bảo hài hòa giữa việc người có đất bị thu hồi sẽ được đền bù theo giá cụ thể, tiệm cận thị trường; người có đất chuyển mục đích cũng phải đóng góp vào ngân sách... Do đó, việc xây dựng giá đất hay thực hiện cũng phải làm theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW.